đức sơn tuyên giám

Phật Quang Đại Từ Điển

(德山宣鑒) (782 – 865) Vị Thiền tăng ở đời Đường, người Kiếm nam (Tứ xuyên), họ Chu, pháp danh Tuyên giám. Sư xuất gia từ thủa nhỏ, đến năm 20 tuổi thụ giới Cụ túc, thông suốt yếu chỉ của các kinh Đại Tiểu thừa, vì thường giảng kinh Kim cương bát nhã nên người đương thời gọi Sư là Chu Kim cương. Sư nghe ở phương Nam Thiền pháp thịnh hành, đề xướng Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật, khác hẳn với sở học của Sư. Sư muốn biện luận với các nhà Thiền học miền Nam mong dập tắt thuyết của họ, nên sư mang bộ Kim cương kinh sớ sao của ngài Đạo nhân ra khỏi đất Thục đến Lễ dương định vấn nạn thiền sư Long đàm Sùng tín. Không ngờ, trong lúc vấn đáp, sư hoát nhiên đốn ngộ, bèn đốt Kim cương sớ sao và trở thành đệ tử đời thứ 5 của dòng Thanh nguyên. Sư là bậc tu hành nghiêm khắc, thường dùng gậy đánh người học để tiếp dẫn họ, nên có danh xưng là Đức sơn bổng. Sư ở tại Lễ dương 30 năm, gặp lúc vua Vũ tông (ở ngôi 841 – 846) nhà Đường phế bỏ Phật giáo, sư vào lánh nạn ở một thạch thất trong núi Độc phù. Đầu năm Đại trung (847 – 859), theo lời thỉnh cầu của Thái thú Vũ lăng (Hồ nam) tên là Tiết đình vọng, sư mới đến Đức sơn hoằng dương tông phong, dần dần nơi này trở thành một đại tùng lâm, đạo phong của sư sánh ngang với các ngài Qui sơn, Động sơn, Lâm tế. Ngày 3 tháng 12 năm Hàm thông thứ 6 (865), bỗng nhiên sư bảo các môn đồ rằng (Đại 51, 318 thượng): Nắm bắt hư không, đuổi theo tiếng vang, chỉ nhọc tâm thần các ông thôi, tỉnh mộng rồi mới biết lỗi, rốt cuộc có gì đâu?. Nói xong, sư ngồi yên thị tịch, thọ 84 tuổi, 65 tuổi hạ, vua ban thụy hiệu Kiến Tính Đại Sư. Đệ tử của sư rất đông, trong đó có nhiều vị nổi tiếng như: Nham đầu Toàn khoát, Tuyết phong Nghĩa tồn, Thụy long Tuệ cung, Tuyền châu Ngõa quan, Song lưu Úy trì v.v… [X. Tống cao tăng truyện Q.12; Cảnh đức truyền đăng lục Q.15; Tổ đường tập Q.5; Ngũ đăng hội nguyên Q.7].