đức huệ

Phật Quang Đại Từ Điển

(德慧) Phạm: Guṇamati. Dịch âm: Lũ noa mạt để, Cù na mạt để, Cầu na ma đế. Cao tăng người Nam Ấn độ, sinh vào khoảng hậu bán thế kỉ V đến tiền bán thế kỉ VI, là một trong 10 vị Đại luận sư Duy thức, thầy của sư An tuệ. Ngài thông minh từ nhỏ, học suốt ba tạng, hiểu rõ lí Tứ đế, lại sở trường về Thiền định. Thời bấy giờ ở nước Ma yết đà có một ngoại đạo Số luận tên là Ma đạp bà (Phạm: Màdhava) học thông nội ngoại điển, biện luận rất tinh vi, mạch lạc, được nhà vua sùng kính, ban cho bổng lộc hai thành ấp. Ngài Đức tuệ muốn hàng phục ngoại đạo này nên sai môn nhân đến báo cho ông ta biết trước là ba năm sau ngài sẽ tranh luận đế phá thuyết của ông ta. Đúng hẹn, ngài và Ma đạp bà biện luận với nhau trước sự chứng kiến của nhà vua. Đến ngày thứ 6 thì Ma đạp bà lí cùng lực kiệt, thổ huyết mà chết. Ngài xin vua lấy những thành ấp đã phong cho ngoại đạo để kiến thiết già lam, vua chấp thuận và cúng dường ngài rất hậu. Về sau, ngài từng ở chùa Na lan đà, tiếng tăm lừng lẫy một thời. Ngoài ra, có thời gian ngài cùng với ngài Kiên tuệ đến ở chùa A chiết la tại nước Phạt lạp tì để trước tác các bộ luận. Cứ theo cuốn Sử Phật giáo Ấn độ của Đa la na tha (Phạm: Tàranàtha), thì Đức tuệ đệ tử của ngài Đức quang (Phạm: Guịaprabha), theo ngài An tuệ học tập rồi soạn ra bộ Trung luận sớ để phá thuyết của ngài Thanh biện (Phạm: Bhavya) và đệ tử của ngài là Tam bát la đô đa (Phạm: Sampraduta). Nhưng luận Thành duy thức quyển 1 phần đầu thì lại cho rằng, sư An tuệ là môn nhân của ngài Đức tuệ, trái ngược hẳn với thuyết trong Sử Phật giáo Ấn độ của Đa la na tha nói trên. Các trước tác của ngài gồm có: Duyên khởi sơ phần phân biệt thuyết luận sớ, Giải thuyết như lí luận sớ, Trung luận sớ, Duy thức tam thập tụng thích, luận Tùy tướng 1 quyển. [X. Đại đường tây vực kí Q.8, Q.9, Q.11; Lịch đại tam bảo kỉ Q.9; Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.4; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.2; Ấn độ triết học nghiên cứu Q.5; Câu xá luận sớ của Xứng hữu (bản dịch tiếng Nhật)].