đức hồng

Phật Quang Đại Từ Điển

(德洪) (1071 – 1128) Vị Thiền tăng thuộc phái Hoàng long tông Lâm tế đời Tống, người Thụy châu (Cao an Giang tây), họ Dụ (có người bảo họ Bành, Du), tự là Giác phạm, hiệu là Tịch âm tôn giả. Năm 19 tuổi, Sư dự cuộc thi kinh ở chùa Thiên vương tại Đông kinh, Sư đậu và được phép xuất gia. Mới đầu, Sư lấy tên là Tuệ hồng. Sư tinh thông luận Duy thức, đọc khắp các sách Nho, Đạo và chư tử, đọc qua một lần là nhớ mãi không quên, đặt ngòi bút xuống là thành thơ văn không cần suy nghĩ. Sau, Sư trở về Nam tham yết ngài Chân tịnh Khắc văn mà đắc pháp. Khoảng năm Sùng trinh (1102 – 1106), Sư trụ trì Bắc Thiền viện ở Lâm xuyên, sau dời về chùa Thanh lương ở Kim lăng, không bao lâu Sư bị một vị tăng vu khống tội giả mạo tăng tịch, nên bị bắt giam. Thừa tướng Trương thương anh và Thái úy Quách thiên dân tâu xin miễn tội cho Sư, vua phê chuẩn và đổi tên cho Sư là Đức hồng và ban cho áo đỏ. Khoảng niên hiệu Chính hòa năm đầu (1111), Trương thương anh và Quách thiên dân bị cách chức và đem đi đày, có kẻ ghen ghét vu cho sư là liên lạc với hai người, nên vua ra lệnh tước bỏ áo ca sa và đày đi Nhai châu, ba năm mới được tha. Mùa đông năm ấy Sư lại bị bắt giam ở nhà ngục Tinh châu, qua năm sau được phóng thích; Sư bèn bỏ tăng phục, vào Động sơn ở Cửu phong, vui thú với văn chương. Về sau, Sư đến Tương tây, trên đường đi qua Nam xương lại bị các Đạo sĩ vu oan nên Sư bị hạ ngục. May được vua ân xá, Sư liền vào am Minh bạch tại Nam đài. Niên hiệu Tĩnh khang năm đầu (1126), Sư lại được phép cạo tóc xuất gia, lấy tên cũ Tuệ hồng. Năm Kiến viêm thứ 2 (1128), Sư tịch ở Đồng an, thọ 58 tuổi. Sư trước tác rất nhiều, như: Lâm gian lục 2 quyển, Thiền lâm tăng bảo truyện 30 quyển, Cao tăng truyện 12 quyển, Trí chứng truyện 10 quyển, Chí lâm 10 quyển, Lãnh trai dạ thoại 10 quyển, Thiên trù cấm luyến 1 quyển, Thạch môn văn tự thiền 30 quyển, Pháp hoa hợp luận 7 quyển, Lăng nghiêm tôn đính nghĩa 10 quyển, Kim cương pháp nguyên luận 1 quyển. [X. Phật tổ lịch đại thông tải Q.19; Gia thái phổ đăng lục Q.7; Tục truyền đăng lục Q.22; Tịch âm tự trong Thạch môn văn tự thiền Q.24].