dục giới

Phật Quang Đại Từ Điển


(欲界) Cõi Dục. Phạm, Pàli: Kàma-dhàtu. Chỗ ở của loài hữu tình. Cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc gọi chung là ba cõi (tam giới). Cõi Dục gồm: Địa ngục, quỉ đói, súc sinh, a tu la, người và trời Lục dục. Các loài hữu tình ở thế giới này nặng về thực dục, dâm dục, thụy miên dục (ham ngủ) nên gọi là cõi Dục. Cõi Dục bao gồm Hữu tình thế gian và khí thế gian. Cõi Sắc và cõi Vô sắc là nơi định tâm (tâm vào Thiền định không tán động), còn cõi Dục là nơi tán tâm (tâm bình thường loạn động), vì thế cõi Dục được gọi là Tán địa. Nhưng, vấn đề cõi Dục có định hay không thì trong luận Tì bà sa quyển 10 và Đại thừa nghĩa chương quyển 11 có ghi nhiều thuyết. Nếu chia ba cõi làm chín địa (nơi, chốn), thì toàn thể cõi Dục (gồm năm đường: Địa ngục, quỉ đói, súc sinh, người, trời) là địa đầu tiên trong chín địa. Ngoài ra, về phạm vi và các loài khác nhau của cõi Dục, trong các kinh luận đều có ghi, như phẩm Tu đa la của luận Tạp A tì đàm tâm quyển 8 có liệt kê 20 chỗ: Tám đại địa ngục, súc sinh, quỉ đói, bốn đại châu và sáu tầng trời cõi Dục. Phẩm Đao lợi thiên trong kinh Truờng a hàm quyển 20 chia làm 12 loại: Địa ngục, quỉ đói, súc sinh, người, a tu luân, Tứ thiên vương, trời Đao lợi, trời Diệm ma, trời Đâu suất, trời Hóa tự tại, trời Tha hóa tự tại và Ma thiên. Luận Du già sư địa quyển 4 thì nêu 36 chỗ: Tám địa ngục lớn, bốn châu lớn, bốn châu cỡ vừa, sáu tầng trời cõi Dục, quỉ đói và phi thiên. Còn luận Câu xá quyển 11 thì nói về vị trí, thân hình và tuổi thọ v.v… [X. kinh Trường a hàm Q.19; kinh Khởi thế Q.1 đến Q.9; luận Xá lợi phất a tì đàm Q.7; luận Đại tì bà sa Q.136, Q.137; luận Câu xá Q.3].