dục

Phật Quang Đại Từ Điển


(欲) Phạm: Chanda hoặc rajas. Cũng gọi Nhạo dục. Tên tâm sở. Là tác dụng tinh thần mong muốn sự nghiệp được hoàn thành. Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng Dục là tác dụng theo tất cả tâm mà khởi lên thuộc về đại địa pháp. Tông Duy thức thì cho rằng tâm đuổi bắt đối tượng là do tác dụng của tác ý (chú ý) chứ không phải tác dụng của Dục, cho nên Dục chẳng phải theo tất cả tâm mà khởi, mà chỉ là tâm sở Biệt cảnh mong cầu đối tượng mà khởi lên. Dục có ba tính: Thiện, ác và vô kí (không thiện không ác). Dục tính thiện là nguồn gốc phát khởi tâm tinh tiến cần mãn, dục mang tính ác thì thèm muốn tài vật của người khác, gọi là tham, là một trong những phiền não căn bản. Dục có nhiều loại: Năm dục, sáu dục, ba dục v.v… 1. Năm dục: Say đắm năm cảnh: Sắc, thanh, hương, vị, xúc. Cũng gọi năm dục đức, năm diệu dục. Hoặc ham muốn của cải, sắc đẹp, ăn uống, tiếng tăm, ngủ nghỉ, cũng gọi năm dục. 2. Sáu dục: Say mê sắc đẹp, dung mạo, uy nghi tư thái, giọng nói quyến rũ, làn da mịn màng, tướng người xinh đẹp. 3. Ba dục: Ham đắm dung mạo, tư thái, làn da mịn màng. Ngoài ra, vì tính tham muốn quá sâu, khó vượt qua, lại dễ làm cho người ta sa ngã như cái hố nên còn được gọi là Dục tiệm (hố dục). Hoặc vì phiền não tham dục hay nhận chìm người giống như dòng sông, nên gọi Dục hà (sông dục). Những tham muốn nung nấu người ví như kim đâm vào mình, nên gọi là Dục thích . Những điều vừa nói ở trên là nhấn mạnh sự tai hại của dục. Lại vì dục làm nhơ bẩn thân, nhiễu loạn người nên ví dụ dục là bụi bặm, là ma, là sự trói buộc v.v… [X. luận Câu xá Q.4; luận Phẩm loại túc Q.2; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.1; luận Thành duy thức Q.5]. (xt. Ngũ Dục, Lục Dục).