dụ y dụ thể

Phật Quang Đại Từ Điển


(喻依喻體) Tiếng dùng trong Nhân minh. Hai bộ phận cùng cấu thành Dụ trong tác pháp ba chi của Nhân minh. Chi Dụ trong Nhân minh cũ chỉ có tác dụng lệ chứng (lấy việc đã biết để làm chứng cứ cho việc khác), nên không phân biệt Dụ thể và Dụ y. Đến Nhân minh mới thì ngài Trần na chia làm hai phần: 1. Dụ thể: Nêu lên một nguyên lí phổ biến để phát huy sức chứng minh Tông (mệnh đề) một cách hữu hiệu, tương đương với Đại tiền đề của luận lí học. 2. Dụ y: Chỗ nương để thành lập Dụ thể, bởi vậy, Dụ y là chứng cứ của Dụ thể, cũng chính là thực lệ (sự lệ thực tại) của Dụ thể. Dụ gồm có Đồng dụ và Dị dụ, Dụ thể của Đồng dụ gọi là Đồng pháp dụ thể hay Đồng dụ thể; Dụ y của Đồng pháp dụ gọi là Đồng pháp dụ y hay đơn giản là Đồng dụ y. Như khi lập luận thức: Tông: Tiếng nói là vô thường. Nhân: Vì có tính được làm ra. Đồng dụ thể: Những vật có tính được làm ra thì đều là vô thường. Đồng dụ y: Như cái bình. Nguyên tắc phổ biến được nêu ra trong phần Dị dụ, thì gọi là Dị pháp dụ thể, hay nói đơn giản là Dị dụ thể. Nguyên lí được nêu ra để làm chứng cứ hoặc thực lệ trong Dị pháp dụ gọi là Dị pháp dụ y, hay đơn giản là Dị dụ y. Thí dụ: Tông: Tiếng nói là vô thường. Nhân: Vì có tính được làm ra. Dị dụ thể: Nếu là thường thì không có tính được làm ra. Dị dụ y: Như hư không. [X. luận Nhân minh nhập chính lí; Nhân minh nhập chính lí luận ngộ tha môn thiển thích (Trần đại tề)].