dự lưu quả

Phật Quang Đại Từ Điển


(預流果) Phạm: Srotàpanna. Dịch âm: Tu đà hoàn, Tốt lộ đa a bán na. Dịch mới là Dự lưu, dịch cũ là Nhập lưu. Còn dịch là Nghịch lưu. Quả thứ nhất trong bốn quả Thanh văn, một trong 18 bậc Hữu học. Chỉ cho quả vị dự vào Thánh đạo vô lậu.Hàng Thanh văn dứt hết Kiến hoặc trong ba cõi mới đạt đến quả vị ngược dòng sinh tử, gọi là Nghịch lưu quả. Bởi vì chữ lưu (dòng) trong Dự lưu là chỉ cho Thánh đạo lưu (dòng của đạo Thánh). Dứt hết Kiến hoặc trong ba cõi mới được tham dự vào dòng Thánh giả, gọi là Dự lưu quả. Vì đây là quả đầu tiên của thừa Thanh văn, cho nên còn gọi là Sơ quả. Người hướng tới quả này, trong giai đoạn dứt Kiến hoặc của 15 tâm Kiến đạo, gọi là Nghịch lưu hướng, cũng gọi Dự lưu hướng, tức là Nhân vị của quả Dự lưu. Dự lưu hướng là giai vị Kiến đạo, Dự lưu quả là giai vị Tu đạo. Huyền ứng âm nghĩa quyển 23 nói: Dự lưu, tiếng Phạm là Tốt lộ đa a bán na, Hán dịch là Dự lưu. Tất cả Thánh đạo gọi là Lưu (dòng chảy), vì hay nối nhau chảy tới Niết bàn. Mới chứng quả và dự vào dòng Thánh nên gọi là Dự lưu. Xưa dịch Tu đà hoàn là lầm. Hoặc dịch là Nghịch lưu, Nhập lưu, hay Chí lưu… đều là một. Luận Câu xá quyển 23 (Đại 29, 123 thượng), nói: Dự lưu, nghĩa là các đạo vô lậu gọi chung là lưu; do vì nhân này mà tới được Niết bàn. [X. luận Thành thực Q.1 phẩm Phân biệt hiền thánh; Đại thừa nghĩa chương Q.17 phần đầu; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.5 phần đầu]. (xt. Tứ Hướng Tứ Quả).