Du-già

Từ điển Đạo Uyển

瑜伽; S, P: yoga; nguyên nghĩa “tự đặt mình dưới cái ách”;
Có nghĩa là phương pháp để đạt tiếp cận, thống nhất với “Tuyệt đối”, “Thượng Ðế” Vì có nhiều cách tiếp cận nên Du-già là một khái niệm rất rộng.

Ngay trong Ấn Ðộ giáo, người ta đã kể nhiều cách khác nhau phù hợp với căn cơ của mỗi hành giả. Các quan niệm đạo lí tại phương Tây, nhất là sự tiếp cận với Thượng Ðế cũng chính là Du-già, đó là Hành động vị tha du-già (karmayoga), Thương yêu (Thượng Ðế) du-già (bhaktiyoga), Trí huệ du-già (jñāna-yoga)

Tại phương Tây, ngày nay nói đến Du-già là người ta nghĩ đến Ha-ṭha du-già (tập luyện thân thể), phối hợp với phép niệm hơi thở. Phương pháp Du-già thân thể này, đối với Ấn Ðộ, chỉ là giai đoạn chuẩn bị cho một Du-già thuộc về tâm thức sau này, đó là các phép thiền quán khác nhau.

Du-già không phải phương pháp riêng tư của tư tưởng Ấn Ðộ. Tất cả mọi hoạt động, từ những phép tu huyền hoặc tại châu Á đến các buổi cầu nguyện trong nhà thờ Thiên chúa giáo đều có thể gọi là Du-già. Trong đạo Phật, thiền và các phép tu theo Tan-tra cũng được gọi là Du-già và các vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) như Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa) là Du-già sư (s: yogin).