DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN

SỐ 1579

QUYỂN 72

Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi.
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phần Nhiếp Quyết Trạch
Địa Bồ Tát

Đoạn 1:

Như thế là đã nói về phần quyết trạch của địa Thanh văn. Phần quyết trạch của địa Bồ tát nay sẽ nói.

Nghĩa là như thành lập chủng tánh Thanh văn, nên biết thành lập chủng tánh Bồ tát cũng lại như thế.

Lại nữa, có mười thứ phát tâm:

  1. Phát tâm thọ nhận thế tục.
  2. Phát tâm đạt được pháp tánh.
  3. Phát tâm không quyết định.
  4. Phát tâm quyết định.
  5. Phát tâm không thanh tịnh.
  6. Phát tâm thanh tịnh.
  7. Phát tâm yếu kém.
  8. Phát tâm mạnh mẽ.
  9. Phát tâm chưa thành quả.
  10. Phát tâm đã thành quả.

– Phát tâm thọ nhận thế tục: Nghĩa là phát tâm hiện có của các Bồ tát chưa nhập vị chánh tánh ly sanh của Bồ tát.

– Phát tâm đạt được pháp tánh: Là phát tâm hiện có của các Bồ tát đã nhập quả vị chánh tánh ly sanh của Bồ tát cùng các Thanh văn hồi hướng Bồ đề.

– Phát tâm không quyết định: Là phát tâm hiện có của hữu tình không phải chủng tánh Bồ tát, nếu là chủng tánh Bồ tát thì đã lại thối chuyển.

– Cùng với phát tâm trên trái nhau, nên biết đó là phát tâm quyết định.

– Phát tâm không thanh tịnh: Nghĩa là như có một hữu tình hoặc tùy theo kẻ khác mà chuyển, hoặc bị lấn hiếp bức bách không xét không lường, hoặc sợ nạn vua quan, hoặc sợ nạn giặc cướp, hoặc sợ nạn quỷ yêu, hoặc sợ thối chuyển, hoặc vì sự sống, hoặc vì nhân duyên được lợi dưỡng, sự cung kính, hoặc lại dối trá, các loại như thế mà phát tâm, nên biết đều gọi là phát tâm không thanh tịnh.

– Phát tâm cùng cùng với trên trái nhau, nên biết đó là phát tâm thanh tịnh.

– Phát tâm yếu kém: Nghĩa là như có một hữu tình đã phát tâm Bồ tát, nhưng bị các triền tham sân si che phủ, nên bỏ nơi hành chánh, ở với hành tà.

– Phát tâm trái hẳn với trên, gọi là phát tâm mạnh mẽ.

– Phát tâm thành quả: Nghĩa là phát tâm hiện có từ địa Thắng giải hành cho đến địa thứ.

– Phát tâm đã thành quả: Là phát tâm hiện có của địa Như lai. Như Đức Thế Tôn nói: Ta đã giải thoát hành khó hành. Ta đối với tất cả hành khó hành đã hoàn toàn giải thoát. Chánh nguyện của mình đã viên mãn, cũng khiến cho kẻ khác hướng đến chứng đắc Bồ-đề.

Mười phát tâm này có bao nhiêu thứ nhiễm ô, bao nhiêu thứ không nhiễm ô, văn quyết trạch rộng lại không nhắc đến nữa.

Lại nữa, có bốn thứ tâm, Bồ tát phải nên thường xuyên tùy hộ:

  1. Tâm do Văn, Tư tạo thành.
  2. Tâm Bi.
  3. Tâm tư lương.
  4. Tâm do Tu tạo thành.

Lại nữa, Bồ tát có chín chánh hành, dựa nơi tự nghĩa cùng với tha nghĩa:

  1. Chánh hành đối với sanh tử.
  2. Chánh hành đối với hữu tình.
  3. Chánh hành đối với chính mình.
  4. Chánh hành đối với các dục.
  5. Chánh hành nơi ba nghiệp thân khẩu ý.
  6. Chánh hành đối với hữu tình không nên tổn não.
  7. Chánh hành đối với việc tu tập pháp thiện không gián đoạn.
  8. Chánh hành đối với Xa-ma-tha nơi nội tâm.
  9. Chánh hành đối với pháp Tỳ-bát-xá-na của Huệ tăng thượng.

– Thế nào là Bồ-tát, ở trong sanh tử, hành nơi chánh hành? Nghĩa là như người bệnh, đối với bệnh hiện có, đối với mọi khổ vui cay đắng.

– Thế nào là Bồ-tát, đối với các hữu tình, hành nơi chánh hành? Nghĩa là như lương y đối với người có bệnh.

– Thế nào là Bồ-tát, đối với tự thể, hành nơi chánh hành? Nghĩa là như gia trưởng khéo léo đối với trẻ em chưa thành tựu.

– Thế nào là Bồ-tát, ở trong các dục, hành nơi chánh hành? Nghĩa là như thương chủ hành xử nơi công việc mua bán đối với các thứ hàng hóa.

– Thế nào là Bồ-tát, đối với ba nghiệp thân ngữ ý, hành nơi chánh hành? Nghĩa là như người giặt nhuộm quần áo đối với các thứ y phục.

– Thế nào là Bồ-tát, đối với hữu tình không nên tổn não, hành nơi chánh hành? Nghĩa là như người cha lành đối với các trẻ con, trẻ em lỡ phóng các thứ bất tịnh lên trên người mình.

– Thế nào là Bồ-tát, ở trong sự tu tập các pháp thiện không gián đoạn, hành nơi chánh hành? Nghĩa là như người cầu lửa, dốc thi công đối với vật cho lửa.

– Thế nào là Bồ-tát, ở trong pháp Xa-ma-tha của nội tâm, hành nơi chánh hành? Nghĩa là như người chủ kia đối với việc có thể đem của cải ủy thác cho người có thể giao phó.

– Thế nào là Bồ-tát, ở trong pháp Tỳ-bát-xá-na của Huệ tăng thượng, hành nơi chánh hành? Nghĩa là như người khéo tạo huyễn đối với các sự huyễn.

Văn quyết trạch còn lại không nhắc đến nữa.

Lại nữa, nếu ở trong năm thứ chúng hữu tình, lúc dấy khởi hành tà, gọi là không thương xót, không có sự thương cảm:

  1. Đối với kẻ cầu xin.
  2. Đối với người bị nguy ách.
  3. Đối với người có ân.
  4. Đối với người ưa thích an lạc.
  5. Đối với kẻ ưa thích pháp.

– Nói cầu xin, lược có năm loại:

  1. Cầu thức ăn uống.
  2. Cầu y phục.
  3. Cầu phòng nhà.
  4. Cầu các vật dụng, thuốc men trị bệnh.
  5. Cầu được cứu giúp.

– Về nguy ách cũng có năm thứ:

  1. Sống trong khó khăn thiếu hiếm.
  2. Trụ trong mê loạn.
  3. Cầu được quay về nương dựa.
  4. Cùng bị từ bỏ.
  5. Đến lạy lục hầu hạ.

Về kẻ có ân cũng có năm loại:

  1. Mẹ.
  2. Cha
  3. Vợ con.
  4. Nô tỳ, kẻ sai bảo.
  5. Bạn bè, anh em, thân thuộc, quan chức.

– Về người ưa thích an lạc cũng có năm loại:

  1. An lạc do yêu thích sự nghiệp hưng thạnh.
  2. An lạc do yêu thích sự nghiệp hưng thạnh không trái lìa.
  3. An lạc do yêu thích việc xa lìa khổ thời tiết biến dị.
  4. An lạc do yêu thích việc dứt hết các thứ mệt nhọc.
  5. An lạc do yêu thích cầu thăng tiến.

– Vui thích pháp cũng có năm loại:

  1. Vui thích giảng nói Chánh pháp.
  2. Vui thích thọ trì đọc tụng.
  3. Vui thích luận nghị, quyết trạch.
  4. Vui thích chỉ dạy khuyên bảo trao truyền.
  5. Vui thích “pháp tùy pháp hành”.

Ở đây, hành tà: Nghĩa là ở trong đó, hoặc tạo gia hạnh, hoặc không hành gia hạnh, hoặc không gia hạnh tạo lợi ích, hoặc gia hạnh bình thường. Nên biết về tướng của chúng.

Lại nữa, ở trong hữu tình có năm thứ tánh không gắng nhận lãnh, nếu các hữu tình tạo nên các tánh ấy thì chư Phật Như lai hãy còn khó hóa độ, huống chi là các Bồ tát.

Hoặc lại có trường hợp khác: Chư Phật Như lai, tuy muốn đối với những kẻ ấy tạo nghĩa lợi lạc, nhưng họ không thể lãnh thọ các sự nghĩa lợi lạc đã được tạo ra, lại đối với chỗ tạo tác có thể gây chướng ngại.

Huống chi là các Bồ tát đối với các trường hợp khác ấy.

Những gì là năm thứ tánh? Đó là:

  1. Tánh không gắng nhận đối với thanh tịnh.
  2. Tánh không gắng nhận đối với gia hạnh.
  3. Tánh không gắng nhận đối với quả đã thành tựu đầy đủ.
  4. Tánh không gắng nhận đối với gia hạnh cùng quả kia đã thành tựu đầy đủ.
  5. Tánh không gắng nhận đối với việc thâu giữ tạo lợi ích.

– Tánh không gắng nhận đối với thanh tịnh: Nghĩa là như có một hữu tình, bản tánh không có pháp Bát-niết-bàn.

– Tánh không gắng nhận đối với gia hạnh: Nghĩa là như có một hữu tình, cùng với pháp Bát-niết-bàn nối tiếp đã thành thục, ở đấy, tạo tác tích tập không gián đoạn, có thể gây chướng ngại cho nghiệp chánh gia hạnh. Do nhân duyên ấy nên ở trong hiện pháp không có khả năng gắng tu chánh phương tiện.

– Tánh không gắng nhận đối với quả kia đã thành tựu đầy đủ: Nghĩa là như có một hữu tình, đồng với pháp Bát-niết-bàn nối tiếp chưa thành thục, không tạo tác không tích tập các thứ có thể làm chướng ngại cho nghiệp chánh gia hạnh. Do nhân duyên ấy nên không có công năng thành tựu đầy đủ quả kia.

– Tánh không gắng nhận đối với gia hạnh cùng quả kia đã thành tựu đầy đủ: Nghĩa là như có một hữu tình, đồng với pháp Bát-niết-bàn nối tiếp chưa thành thục, ở đấy tạo tác tích tập không gián đoạn, có thể gây chướng ngại cho nghiệp chánh gia hạnh. Do nhân duyên ấy nên đều không thể gắng nhận cả hai thứ.

– Tánh không thể gắng nhận đối với việc thâu giữ tạo lợi ích: Nghĩa là như có một hữu tình, ở đấy đã tạo tác tích tập không gián đoạn, có thể chiêu cảm nghiệp nhất định thọ nhận bần cùng, thiếu thốn, khổ não. Do nhân duyên này, nên ở trong hiện pháp, không có khả năng gắng nhận khiến kẻ ấy giàu có, an vui, không còn thiếu thốn.

Cùng với năm thứ trên trái nhau, nên biết đó là năm thứ tánh có thể gắng nhận.

Lại nữa, nếu muốn nhận biết rõ về nghiữa chân thật, thì trước nên nhận biết rõ, lược có năm sự. Tụng nêu:

Nêu chung, phân biệt riêng
Sự thế tục có thật
Hoặc sanh hoặc là dị
Các thứ sắc cùng hành.

Những gì là năm sự?

  1. Tướng.
  2. Danh
  3. Phân biệt.
  4. Chân như.
  5. Chánh trí.

– Những gì là tướng? Nghĩa là nếu lược nói tức sự việc của xứ nói năng bàn bạc an đủ hiện có.

– Những gì là danh? Nghĩa là đối với tướng tăng ngữ hiện có.

– Những gì là phân biệt? Nghĩa là các tâm, tâm sở hiện có trong hành của ba cõi.

– Những gì là chân như? Nghĩa là pháp vô ngã được hiển bày nơi Thánh trí đã hành, không phải là tất cả sự việc của xứ nói năng bàn bạc an đủ.

– Những gì là chánh trí? Lược có hai thứ:

  1. Chánh trí chỉ là xuất thế gian.
  2. Chánh trí thế gian, xuất thế gian.

– Thế nào gọi là chánh trí chỉ là xuất thế gian? Nghĩa là do Trí ấy nên hàng Nhị thừa và chư Bồ tát thông đạt chân như. Lại do Trí ấy nên các Bồ tát kia, nơi năm minh xứ khéo tu tập phương tiện, trụ nhiều nơi Trí chân như biến hành tất cả như thế, nên mau chóng chứng đắc viên mãn Sở tri chướng được thanh tịnh.

– Thế nào gọi là chánh trí thế gian, xuất thế gian? Nghĩa là hàng Nhị thừa, dùng chánh trí thứ nhất thông đạt chân như rồi, do đấy, sau đạt được chánh trí thế gian xuất thế gian, ở trong các đế an lập, khiến tâm chán sợ các thứ lỗi lầm tai họa của ba cõi, tham ái về vị tịch tĩnh nơi ba cõi.

Lại, do phần nhiều an trụ nơi Trí ấy, nên mau chóng chứng đắc viên mãn là Phiền não chướng được thanh tịnh.

Lại, tức Trí này chưa từng được nghĩa gọi là xuất thế gian. Do duyên nơi tướng của ngôn thuyết làm nghĩa của cảnh giới nên cũng gọi là thế gian. Vì vậy, gọi là thế gian xuất thế gian.

Đức Thế Tôn dựa nơi mật ý này nên nói: Ta nói có Trí thế gian, có Trí xuất thế gian, có Trí thế gian xuất thế gian. Nếu Trí thuộc về phân biệt, chỉ gọi là thế gian. Trí thuộc về chánh trí thứ nhất, chỉ gọi là xuất thế gian. Trí thuộc về chánh trí thứ hai, gọi chung là thế gian xuất thế gian.

Hỏi: Tướng nên nói là có chăng? Nên nói là không chăng?

Đáp: Nên nói là có.

Vì như tự tánh giả lập sai biệt nên lập như thế, phải nói là có chăng?

Đáp: Như thế phải nói là không.

Hỏi: Vì như phân biệt về cảnh của đối tượng hành, như thế nên nói là có chăng?

Đáp: Như thế nên nói là có.

Như thế, Bồ tát đối với tướng có tánh đạt được thiện xảo, ở trong các tướng, khéo ghi nhận là có, khéo ghi nhận là không, khéo ghi nhận là cũng có cũng không, khéo ghi nhận là phi hữu phi không. Các Bồ tát do khéo “ký biệt” như thế, nên xa lìa hai biên tăng ích tổn giảm, hành nơi Trung đạo, khéo nói về pháp giới.

Hỏi: Tướng này là do nghĩa của ngôn thuyết nên nói là có, hay là do lìa nghĩa của ngôn thuyết nên nói là có?

Đáp: Cùng do hai nghĩa nên nói là có. Vì sao? Vì nếu như ngôn ngữ an lập nơi xứ đủ, như thế do nghĩa của ngôn thuyết nên nói là có. Nếu như do tự tánh sai biệt giả lập nghĩa không thành tựu, như vậy do lìa nghĩa của ngôn thuyết nên nói là có. Như tướng, phân biệt về danh cũng thế.

Hỏi: Chân như, chánh trí, nên nói là có chăng? Nên nói là không chăng?

Đáp: Nên nói là có.

Hỏi: Tướng, nên nói là thật có, nên nói là giả có?

Đáp: Thật có trong hành nên nói là thật có. Giả có trong hành, nên nói là giả có. Có tướng nơi các hành cũng có hai thứ.

Hỏi: Danh, nên nói là thật có, nên nói là giả có?

Đáp: Nên nói là giả có. Chỉ ở trong tướng giả nêu đặt.

Hỏi: Phân biệt, nên nói là thật có, nên nói là giả có?

Đáp: Hai thứ cùng có.

Hỏi: Chân như nên nói là thật có, nên nói là giả có?

Đáp: Nên nói là thật có, vì thuộc về thắng nghĩa.

Hỏi: Chánh trí, nên nói là thật có, nên nói là giả có?

Đáp: Nên nói là cùng có cả hai.

Ở đây, Trí là thật có. Nếu quyến thuộc của Trí là các tâm, tâm sở cũng gọi là Trí thì gọi đó là giả, nên có hai thứ.

Hỏi: Tướng, nên nói là có của thế tục, nên nói là có của thắng nghĩa?

Đáp: Nên nói là có của thế tục. Do hai nhân duyên:

  1. Khởi tạp nhiễm.
  2. Vật được thiết lập.

Hỏi: Danh, nên nói là có của thế tục, nên nói là có của thắng nghĩa?

Đáp: Nên nói là có của thế tục. Do ba nhân duyên:

  1. Khởi tạp nhiễm.
  2. Vật được nêu đặt.
  3. Chỗ dựa của ngôn thuyết.

Hỏi: Phân biệt, nên nói là có của thế tục, nên nói là có của thắng nghĩa?

Đáp: Nên nói là có của thế tục. Do bốn nhân duyên:

  1. Khởi tạp nhiễm.
  2. Vật được nêu đặt.
  3. Tùy miên của ngôn thuyết.
  4. Tùy giác của ngôn thuyết.

Hỏi: Chân như, nên nói là có của thế tục, nên nói là có của ngôn thuyết?

Đáp: Nên nói là có của thắng nghĩa. Là tánh của cảnh nơi đối tượng duyên thanh tịnh.

Hỏi: Chánh trí, nên nói là có của thế tục, nên nói là có của thắng nghĩa?

Đáp: Chánh trí thứ nhất, nên nói là có của thắng nghĩa. Chánh trí thứ hai nên nói là cùng có.

Hỏi: Tướng, nên nói là do cái gì sanh?

Đáp: Nên nói tướng được sanh cùng chỗ sanh của phân biệt trước.

Hỏi: Danh, nên nói là do cái gì sanh?

Đáp: Nên nói là do dục của Bổ đặc già la sanh.

Hỏi: Phân biệt, nên nói là do gì sanh?

Đáp: Nên nói là không sanh.

Hỏi: Chánh trí, nên nói là do gì sanh?

Đáp: Nên nói là do lắng nghe Chánh pháp, tác ý như lý nên chánh trí được sanh.

Hỏi: Tướng cùng với Danh, nên nói là khác, nên nói là không khác?

Đáp: Cùng không thể nói. Vì sao? Vì cùng có lỗi. Khác, có lỗi gì? Danh nên thật có. Không khác có lỗi gì? Nếu lúc giữ lấy Tướng, nên cũng giữ lấy Danh.

Hỏi: Tướng cùng với phân biệt, nên nói là khác, nên nói là không khác?

Đáp: Cùng không thể nói. Vì sao? Vì cùng có lỗi. Khác có lỗi gì? Phân biệt nên không phải tướng làm tánh. Không khác có lỗi gì? Lìa ngoài phân biệt, các tướng hiện có nên dùng phân biệt làm tánh.

Hỏi: Tướng cùng với Chân như, nên nói là khác, nên nói là không khác?

Đáp: Cùng không thể nói. Vì sao? Vì cùng có lỗi. Khác, có lỗi gì? Thắng nghĩa của các tướng nên không phải tức Chân như.

Lại, người tu quán, nên bỏ các tướng, cầu riêng Chân như. Lại, lúc ở nơi Chân như đạt được Chánh giác, không nên ở nơi tướng cũng đạt được Chánh giác. Không khác có lỗi gì? Như Chân như không có sai biệt, tất cả tướng cũng nên không sai biệt. Lại, lúc được tướng, nên được Chân như. Lại, lúc được Chân như, cũng như được tướng nên không thanh tịnh. Như các hành trên có cộng tướng là vô thường, khổ, vô ngã, tuy lại là có, nhưng không thể nói cùng với các hành kia, hoặc khác hoặc không khác. lại, như thân tâm thô trọng, khinh an, tuy lại là có, nhưng không thể nói cùng với thân tâm kia hoặc khác hoặc không khác.

Lại, như chủng tử trong pháp thiện, ác, vô ký, tuy là có nhưng không thể nói cùng với các pháp kia, hoặc khác hoặc không khác. Vì sao? Vì cùng có lỗi.

Lại, như hư không hiện hữu khắp tất cả, nên đối với các sắc xứ tuy có hư không, nhưng không thể nói cùng với các sắc kia hoặc khác hoặc không khác. Vì sao? Vì cùng có lỗi. Khác có lỗi gì? Không hiện hữu khắp tất cả, tức hư không nên là vô thường. Không khác có lỗi gì? Lìa sắc thì hư không nên không thật có. Trong đây, đạo lý như chỗ ứng hợp nên biết cũng thế.

Nơi thừa Thanh văn, có xứ Đức Thế Tôn dựa nơi các hành để hiển bày không khác, cũng không phải là không khác, là đạo lý ký biệt. Như nói Bí-sô “thủ” không phải tức uẩn, cũng không lìa uẩn. Ở đây, dục tham gọi là “thủ”.

Không khác có lỗi gì? Là lỗi phỉ báng pháp thiện, vô ký trong uẩn là không thanh tịnh. Khác có lỗi gì? Là lỗi ở trong các thủ tăng ích tánh thường không thanh tịnh.

Như đạo lý Tướng cùng với Chân như không khác, không phải là không khác, thì Danh, Phân biệt, Chánh trí cùng với Chân như nên biết cũng thế.

Hỏi: Tướng cùng với Chánh trí, nên nói là khác, nên nói là không khác?

Đáp: Như cùng với Phân biệt, đều không thể nói.

Hỏi: Danh cùng với Chánh trí, nên nói là khác, nên nói là không khác?

Đáp: Nên nói là khác.

Hỏi: Phân biệt cùng với Chánh trí, nên nói là khác, nên nói là không khác?

Đáp: Nên nói là khác.

Hỏi: Tướng có tướng gì?

Đáp: Tướng phân biệt hiện có.

Hỏi: Danh có tướng gì?

Đáp: Tướng làm chỗ dựa của ngôn thuyết.

Hỏi: Phân biệt có tướng gì?

Đáp: Tướng là tướng của đối tượng hành.

Hỏi: Chân như có tướng gì?

Đáp: Tướng nơi đối tượng hành của Chánh trí.

Hỏi: Chánh trí có tướng gì?

Đáp: Nên biết tướng này có vô số hành tướng, vô lượng hành tướng. Do phân biệt nên hành tướng là vô số, vô lượng. Tức như: tướng sắc, tướng tâm, tướng tâm sở hữu, tướng tâm bất tương ưng hành, tướng vô vi, tướng uẩn, tướng giới, tướng xứ, tướng duyên khởi, tướng xứ phi xứ, tướng căn, tướng đế, tướng niệm trụ, tướng chánh đoạn, tướng thần túc, tướng căn, tướng lực, tướng giác chi, tướng đạo chi, tướng hành tích, tướng pháp tích, tướng Xa-ma-tha, tướng Tỳ-bát-xá-na, tướng cử, tướng xả, tướng duyên, tướng dựa, tướng địa, tướng thủy, tướng hỏa, tướng phong, tướng không, tướng thức, tướng thế giới này, tướng thế giới kia, tướng mặt trời, tướng mặt trăng, tướng Na-lạc-ca, tướng Bàng sanh, tướng Ngạ quỷ, tướng Người, tướng Trời Tứ đại vương chúng, tướng Trời Ba mươi ba, tướng Trời Dạ-ma, tướng Trời Đổ-sử-đa, tướng Trời Lạc hóa, tướng Trời Tha hóa tự tại, tướng Tĩnh lự thứ nhất, tướng Tĩnh lự thứ hai, tướng Tĩnh lự thứ ba, tướng Tĩnh lự thứ tư, tướng Xứ không vô biên, tướng Xứ thức vô biên, tướng Xứ vô sở hữu, tướng Xứ phi tưởng phi phi tưởng, tướng khởi, tướng tận, tướng có, tướng không có, tướng tạp nhiễm, tướng thanh tịnh, tướng thấy nghe hiểu biết, tướng tìm cầu đã được, tướng tâm tùy tầm tứ. Các loại như thế là vô lượng tướng còn lại.

Lại có sáu tướng:

  1. Tướng có tướng.
  2. Tướng không tướng.
  3. Tướng hẹp nhỏ.
  4. Tướng rộng lớn.
  5. Tướng vô lượng.
  6. Tướng vô sở hữu.

– Thế nào là tướng có tướng? Nghĩa là tướng hiện có hiểu rõ về Sự, Danh, Phân biệt.

– Thế nào là tướng không tướng? Là tướng hiện có không hiểu rõ về Sự, Danh, Phân biệt.

– Thế nào là tướng hẹp nhỏ? Là tướng hiện có của sự phân biệt thuộc cõi Dục.

– Thế nào là tướng rộng lớn? Là tướng hiện có của sự phân biệt thuộc cõi Sắc.

– Thế nào là tướng vô lượng? Là tướng hiện có của sự phân biệt thuộc xứ Không Thức vô biên nơi cõi Vô sắc.

– Thế nào là tướng Vô sở hữu? Là tướng hiện có của sự phân biệt thuộc xứ Vô sở hữu nơi cõi Vô sắc.

Lại có năm tướng khác:

  1. Tướng Tướng.
  2. Tướng Danh.
  3. Tướng Phân biệt.
  4. Tướng Chân như.
  5. Tướng Chánh trí.

Lại có hai tướng khác:

  1. Tướng Bản tánh.
  2. Tướng Ảnh tượng.

– Thế nào là tướng Bản tánh? Là tướng đã sanh cùng tướng đã thành do phân biệt trước đã sanh.

– Thế nào là tướng Ảnh tượng? Là tướng do biến kế dấy khởi, đã hiện thắng giải, không trụ nơi bản tánh.

Hỏi: Danh có hành tướng gì?

Đáp: Do uy lực của Tướng, nên Danh cũng có vô số vô lượng hành tướng.

Lại, nếu lược nói thì có mười hai thứ:

  1. Danh giả nói.
  2. Danh thật sự.
  3. Danh chủng loại tương ưng.
  4. Danh đều tương ưng riêng.
  5. Danh theo đức.
  6. Danh giả lập.
  7. Danh cùng sở tri (đối tượng nhận thức).
  8. Danh không cùng sở tri.
  9. Danh hiển bày rõ.
  10. Danh không hiển bày rõ.
  11. Danh chung.
  12. Danh riêng.

Hỏi: Phân biệt có hành tướng gì?

Đáp: Do uy lực của Tướng, Danh, nên Phân biệt cũng có vô số vô lượng hành tướng. Nếu lược nói, nên biết có bảy thứ:

  1. Phân biệt có tướng.
  2. Phân biệt không tướng.
  3. Phân biệt nơi cảnh giới tự nhiên.
  4. Phân biệt tìm cầu.
  5. Phân biệt quán xét.
  6. Phân biệt không nhiễm ô.

Hỏi: Chân như có hành tướng gì?

Đáp: Hành tướng của tướng ấy là không thể nêu bày.

Hỏi: Chánh trí có hành tướng gì?

Đáp: Nếu là Chánh trí xuất thế gian thì tướng ấy cũng có hành tướng không thể nêu bày. Còn nếu là Chánh trí thế gian xuất thế gian thì có hành tướng giữ lấy đế an lập.

Lại nữa, hoặc tướng, hoặc ảnh tượng, hoặc hiển hiện, hoặc có, hý luận, hoặc Tát-ca-da, hoặc hữu vi, hoặc do Tư tạo nên, hoặc duyên sanh. Những thứ như thế là sự sai biệt của tướng.

Hoặc Danh hoặc Tướng, hoặc nêu đặt, hoặc giả ngôn thuyết, hoặc thế tục, hoặc giả lập, hoặc ngôn luận. Các loại như thế là sự sai biệt của danh.

Hoặc phân biệt, hoặc tư duy, hoặc biến kế, hoặc đạo tà, hoặc hành tà, hoặc vượt dòng, hoặc giữ lấy không đúng đắn. Các loại như thế là sự sai biệt của Phân biệt.

Hoặc Chân như, hoặc Thật tánh, hoặc tánh đế, hoặc tánh không điên đảo, hoặc tánh chẳng điên đảo, hoặc Giới không hý luận, hoặc Giới vô tướng, hoặc Pháp giới, hoặc Thật tế. Các thứ như thế là chỗ sai biệt của Chân như.

Hoặc Chánh trí, hoặc Chánh huệ, hoặc Chánh giác, hoặc Chánh đạo, hoặc Chánh hành, hoặc Chánh lưu, hoặc Chánh thủ, các thứ như thế là chỗ sai biệt của Chánh trí.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu là sắc, bao nhiêu là tâm, bao nhiêu là tâm sở hữu, bao nhiêu là tâm bất tương ưng hành, bao nhiêu là vô vi?

Đáp: Tướng chung cho cả năm thứ. Danh chỉ là tâm bất tương ưng

hành. Phân biệt, Chánh trí chung cho tâm và tâm sở hữu. Chân như chỉ là vô vi.

Hỏi: Năm sự như thế: Bao nhiêu thứ thuộc về uẩn, không thuộc về uẩn?

Đáp: Tất cả đều thuộc về Giới, Xứ.

Hỏi: Năm sự như thế: Bao nhiêu thứ thuộc về duyên khởi? Bao nhiêu thứ không thuộc về duyên khởi?

Đáp: Ba thứ thuộc về duyên khởi. Tướng thì thuộc về, không thuộc về. Chân như không thuộc về.

Như duyên khởi gồm thâu, xứ phi xứ gồm thâu, cùng với căn gồm thâu, nên biết cũng thế.

Hỏi: Năm sự như thế: Bao nhiêu thứ thuộc về đế? Bao nhiêu thứ không thuộc về đế?

Đáp: Đế có hai thứ: Đế an lập, đế phi an lập.

Đế an lập: Là bốn Thánh đế. Đế phi an lập: Là Chân như.

Ở đây, ba thứ là thuộc về đế an lập. Tướng cũng thuộc về, cũng không thuộc về. Chân như chỉ thuộc về đế phi an lập.

Hỏi: Năm sự như thế: Bao nhiêu thứ thuộc về nhân duyên? Bao nhiêu thứ thuộc về đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên?

Đáp:

– Tướng thuộc về tất cả duyên.

– Danh thuộc về đẳng vô gián duyên.

– Phân biệt, chánh trí thuộc về bốn duyên.

– Chân như chỉ thuộc về sở duyên duyên.

Hỏi: Năm sự như thế: Bao nhiêu thứ thuộc về chỗ dựa nơi pháp? Bao nhiêu thứ thuộc về chỗ dựa nơi nghĩa, chỗ dựa nơi kinh liễu nghĩa, chỗ dựa nơi trí?

Đáp:

– Tướng thuộc về chỗ dựa nơi ba thứ.

– Danh chỉ thuộc về chỗ dựa nơi pháp.

– Như tướng, phân biệt cũng thế.

– Chân như, đối tượng hành của trí, nên thuộc về chỗ dựa nơi nghĩa.

– Chánh trí chỉ thuộc về chỗ dựa nơi trí.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ có sắc, không sắc?

Đáp:

– Tướng chung cho hai thứ.

– Phân biệt, chánh trí chỉ là không sắc.

– Danh và chân như đều không phải là hai thứ. Là giả có nên không thể nói.

Như có sắc không sắc, có kiến không kiến, có đối không đối cũng thế.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu là hữu lậu, bao nhiêu là vô lậu?

Đáp:

– Tướng thì chung cho hai thứ hữu lậu, vô lậu.

– Hai thứ chỉ là hữu lậu.

– Hai thứ chỉ là vô lậu.

Chân như là nghĩa nơi đối tượng duyên của lậu dứt hết, nên gọi là vô lậu. Chẳng phải là nghĩa của tướng lậu dứt hết. Chánh trí là nghĩa đối trị lậu tận, nên gọi là vô lậu.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là hữu vi, bao nhiêu thứ là vô vi?

Đáp:

– Tướng thỉ chung cho cả hai thứ hữu vi, vô vi.

– Ba thứ chỉ là hữu vi.

– Chân như chỉ là vô vi. Là nghĩa các hành nơi đối tượng duyên đã tịch tĩnh, không phải nghĩa tướng tịch tĩnh của các hành.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là có tranh, bao nhiêu thứ là không tranh?

Đáp:

– Tướng thỉ chung cho cả hai.

– Hai thứ chỉ là có tranh.

– Hai thứ chỉ là không tranh.

Như hữu lậu vô lậu, đạo lý ở đây nên biết cũng thế.

Như có tranh không tranh, thì có ái vị không ái vị, dựa nơi đắm chấp, dựa nơi xuất ly, nên biết cũng thế.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là thế gian, bao nhiêu thứ là xuất thế gian?

Đáp:

– Ba thứ là thế gian.

– Chân như là xuất thế gian

– Chánh trí, một phần chỉ là xuất thế gian, một phần là chung cho thế gian-xuất thế gian.

Chân như là nghĩa đối tượng duyên của tất cả ngôn thuyết, hý luận đều tịch tĩnh, nên gọi là xuất thế gian, không phải là nghĩa vượt quá tướng của ngôn thuyết, hý luận.

Như thế gian-xuất thế gian thì lệ thuộc – không lệ thuộc, nên biết cũng thế.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là trong, bao nhiêu thứ là ngoài?

Đáp:

– Tướng thỉ chung cho cả trong, ngoài.

– Danh chỉ là ngoài.

– Phân biệt thuộc về sanh, nên chung cho cả hai.

– Chân như không phải là hai thứ trong, ngoài.

– Như phân biệt, chánh trí cũng thế.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là thô, bao nhiêu thứ là tế?

Đáp:

– Ba thứ chung cho cả hai thô, tế.

– Chân như chỉ là tế, tức nghĩa khó nhận thức, không phải là nghĩa cũng giảm dần đến cực nhỏ.

– Chánh trí chỉ là tế, là nghĩa hành tế.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là kém, bao nhiêu thứ là hơn?

Đáp:

– Ba thứ là chung cho cả hai.

– Chân như chỉ là hơn, là nghĩa đối tượng duyên thanh tịnh, không phải là tướng từ thấp kém thắng tiến.

– Chánh trí chỉ là hơn, là nghĩa chân như là đối tượng hành.Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là xa, bao nhiêu thứ là gần?

Đáp:

– Một thứ do xứ xa thời xa, nên cùng chung cho cả hai.

– Danh, phân biệt, chánh trí, do thời xa nên đều chung cho cả hai.

– Chân như do cả xa gần đều không phải là hai thứ ấy vì là vô vi.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là có chấp thọ, bao nhiêu thứ là không chấp thọ?

Đáp:

– Tướng thì chung cho cả hai.

– Danh, phân biệt, chánh trí là không chấp thọ.

– Chân như thì cùng không phải đối với cả hai.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là đồng phận, bao nhiêu thứ là bỉ đồng phận?

Đáp:

– Tướng thì chung cho cả hai (đồng phận, bỉ đồng phận). – Bốn thứ còn lại đều không phải đối với cả hai. Vì chỉ dựa nơi các căn có sắc để kiến lập đồng phận, bỉ đồng phận.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là nhân, bao nhiêu thứ không phải là nhân?

Đáp: Bốn thứ là nhân, chân như không phải là nhân. Như nhânkhông phải là nhân, thì quả-không phải quả, có nhân không có nhân, có quả không có quả, nên biết cũng thế.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là dị thục, bao nhiêu thứ là không dị thục?

Đáp:

– Tướng thì chung cho cả hai.

– Danh không phải dị thục.

– Phân biệt thì chung cho cả hai.

– Chân như thì cũng không phải đối với cả hai.

– Chánh trí không phải là dị thục.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ có dị thục, bao nhiêu thứ không có dị thục?

Đáp:

– Tướng, phân biệt thì chung cho cả hai.

– Danh không có dị thục. Chánh trí nhất định không có dị thục.

– Chân như thì cũng không phải đối với cả hai.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ có đối tượng duyên, bao nhiêu thứ không có đối tượng duyên?

Đáp:

– Tướng thì chung cho cả hai.

– Danh không có đối tượng duyên.

– Phân biệt, chánh trí cùng có đối tượng duyên.

– Chân như thì cùng không phải đối với cả hai.

Như có đối tượng duyên, không có đối tượng duyên, thì tương ưng không tương ưng, có hành không hành, có chỗ dựa không chỗ dựa, nên biết cũng thế.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là hữu thượng, bao nhiêu thứ là vô thượng?

Đáp: Bốn thứ là hữu thượng. Chân như là vô thượng, là nghĩa của

đối tượng duyên thanh tịnh vô vi.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là ba đời, bao nhiêu thứ không phải là ba đời?

Đáp: Bốn thứ thỉ chung cho cả ba đời. Chân như thì không phải là ba đời.

Hỏi: Năm sự như thế: Bao nhiêu thứ là hệ thuộc cõi Dục? Bao nhiêu thứ là hệ thuộc cõi Sắc, cõi Vô sắc? Bao nhiêu thứ không hệ thuộc?

Đáp:

Ba thứ hệ thuộc cõi Dục, cõi Sắc. Hệ thuộc cõi Vô sắc cũng thế.

Một thứ chánh trí, nếu chỉ là xuất thế gian thì không hệ thuộc.

Nếu là thế gian – xuất thế gian thì chung cả hệ thuộc, không hệ thuộc.

Chân như thì cũng không phải đối với cả hai.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là thiện, bao nhiêu thứ là bất thiện, vô ký?

Đáp:

– Tướng và phân biệt thì chung cho cả ba.

– Danh chỉ là vô ký. Chánh trí chỉ là thiện.

– Chân như chỉ là thiện, là nghĩa của đối tượng duyên thiện xảo thanh tịnh, không phải là nghĩa của tướng có thể gồm sinh quả khả ái.

Hỏi: Năm sự như thế: Bao nhiêu thứ là do Văn tạo thành, là cảnh do Văn tạo thành? Bao nhiêu thứ là do Tư tạo thành, là cảnh do Tư tạo thành? Bao nhiêu thứ là do Tu tạo thành, là cảnh do Tu tạo thành?

Đáp:

– Tướng và phân biệt là ba thứ, là cảnh của ba thứ.

– Danh là do Văn, Tư tạo thành, là cảnh của ba thứ.

– Chân như chỉ là cảnh do Tu tạo thành.

– Chánh trí là do Tu tạo thành, là cảnh của ba thứ.

Hỏi: Năm sự như thế: Bao nhiêu thứ là Không, là cảnh của Không? Bao nhiêu thứ là Vô nguyện, là cảnh của Vô nguyện? Bao nhiêu thứ là Vô tướng, là cảnh của Vô tướng?

Đáp:

– Tướng thì chung cả ba thứ, cũng là cảnh của ba thứ.

– Danh không phải là ba thứ, là cảnh của hai thứ.

– Phân biệt thì chung cả ba thứ, là cảnh của hai thứ.- Chân như không phải là ba thứ, là cảnh của Không, Vô tướng.

– Chánh trí thì chung cả ba thứ, là cảnh nơi đối tượng hành của Không.

Nếu không sai biệt, thì nói chung là Không, Vô nguyện, Vô tướng. Nên biết ở đây là chung cho cả Văn, Tư, Tu tạo thành, làm tánh. Nếu chỉ dùng tên gọi Tam-ma-địa để nêu bày, thì nên biết ở đây chỉ là Tu tạo thành, làm tánh, chung cho thế gian xuất thế gian. Nếu chỉ dùng tên gọi môn giải thoát để tuyên thuyết, thì nên biết ở đây chỉ là Tu tạo thành xuất thế gian, làm tánh.

Hỏi: Năm sự như thế: Bao nhiêu thứ là Giới tăng thượng, là quyến thuộc của Giới tăng thượng? Bao nhiêu thứ là Tâm tăng thượng, là đối tượng hành của Tâm tăng thượng? Bao nhiêu thứ là Huệ tăng thượng, là đối tượng hành của Huệ tăng thượng?

Đáp:

– Tướng là Giới tăng thượng, là quyến thuộc của Giới tăng thượng. Là Tâm, Huệ tăng thượng, cũng là đối tượng hành của Tâm, Huệ.

– Danh là quyến thuộc của Giới, cũng là đối tượng hành của Tâm, Huệ tăng thượng.

– Phân biệt là Tâm, Huệ tăng thượng, cũng là đối tượng hành của Tâm, Huệ, là quyến thuộc của Giới tăng thượng.

– Chân như là đối tượng hành của Tâm, Huệ tăng thượng, không phải là ba thứ.

– Chánh trí là Tâm, Huệ tăng thượng, cũng là đối tượng hành của Tâm, Huệ, là quyến thuộc của Giới tăng thượng.

Hỏi: Năm sự như thế, bao nhiêu thứ là học, bao nhiêu thứ là vô học, bao nhiêu thứ là phi học, phi vô học?

Đáp:

– Tướng và phân biệt thì chung cả ba thứ.

– Danh chỉ là phi học phi vô học.

– Chân như cũng chỉ là phi học phi vô học. Là vô vi.

– Chánh trí thì chung cả học, vô học.

Hỏi: Năm sự như thế: Bao nhiêu thứ là do kiến đạo đoạn? Bao nhiêu thứ do tu đạo đoạn? Bao nhiêu thứ không đoạn?

Đáp:

– Tướng thì chung cho tất cả.

– Danh chỉ là do tu đạo đoạn.

– Phân biệt thì chung cả kiến đạo, tu đạo đoạn.

– Chân như thì không đoạn. Chánh trí cũng chỉ là không đoạn.

Hỏi: Duyên nơi tướng làm cảnh, tu bao nhiêu niệm trụ?

Đáp: Tu bốn.

Hỏi: Duyên nơi danh làm cảnh, tu bao nhiêu niệm trụ?

Đáp: Một pháp niệm trụ.

Hỏi: Duyên nơi phân biệt làm cảnh, tu bao nhiêu niệm trụ?

Đáp: Tu ba: là Thọ, Tâm, Pháp niệm trụ.

Hỏi: Duyên nơi chân như làm cảnh, tu bao nhiêu niệm trụ?

Đáp: Tu một: là Pháp niệm trụ.

Lại, tư duy về chân như thân tướng, cũng tu hoại. Duyên nơi Pháp niệm trụ, với tướng của Thọ Tâm Pháp, nên biết cũng thế.

Hỏi: Duyên nơi chánh trí làm cảnh, tu bao nhiêu niệm trụ?

Đáp: Tu ba, như nói về phân biệt.

Hỏi: Duyên nơi tướng làm cảnh, nên nói là có thể bỏ pháp ác bất thiện đã sanh, chưa sanh? Nên nói là không thể bỏ chăng?

Đáp: Nên nói là đoạn trừ chế phục, nên bỏ. Không phải là vĩnh viễn loại trừ tùy miên, nên bỏ.

Như tướng, thì danh, phân biệt cũng thế. Duyên nơi chân như, chánh trí làm cảnh, nên nói cũng do vĩnh viễn loại trừ tùy miên, nên bỏ.

Hỏi: Trong năm sự này, tư duy bao nhiêu sự thì có thể nhập nơi định thuộc Tĩnh lự thứ nhất của thế gian?

Đáp: Tư duy về tướng, danh, phân biệt hệ thuộc cõi Dục và hệ thuộc Tĩnh lự thứ nhất.

Như vậy, tư duy về tướng, danh, phân biệt hệ thuộc địa dưới, cùng hệ thuộc địa của Tĩnh lự thứ hai, có thế nhập Tĩnh lự thứ hai của thế gian.

Như thế, Tĩnh lự Vô sắc còn lại, như chỗ ứng hợp, nên biết cũng vậy.

Hỏi: Trong năm sự ấy, tư duy về bao nhiêu sự có thể nhập nơi địa của Tĩnh lự thứ nhất xuất thế gian?

Đáp: Tức tư duy về tướng, danh, phân biệt, chân như hệ thuộc cõi Dục cùng hệ thuộc nơi địa của Tĩnh lự thứ nhất.

Như thế cho đến xứ Vô sở hữu, như chỗ ứng hợp, nên biết cũng vậy. Xứ Phi tưởng, phi phi tưởng, bản tánh là “pháp như thế” nên chỉ là thế gian.

Hỏi: Tướng hệ thuộc xứ Phi tưởng, phi phi tưởng, nên nói là tướng chăng?

Đáp: Nên nói là tướng vô tưởng, cũng gọi là tướng vi tế.

Hỏi: Trong năm sự ấy, các pháp như Tín dùng gì làm tự tánh, dùng gì làm đối tượng duyên, ở nơi nào làm tăng thượng để được mang tên là căn?

Đáp: Phân biệt làm tự tánh. Danh, tướng làm đối tượng duyên. Ở nơi chân như, chánh trí làm tăng thượng nên được mang tên là căn.

Mang tên là lực cũng thế.

Hỏi: Ở trong phần vị nào được mang tên là Lực?

Đáp: Tức căn như Tín v.v… không phải là chỗ xâm lấn, lẫn lộn của bất tín v.v… Nếu thành pháp không xen tạp, thì khi chuyển gọi là lực. Như căn và lực, nếu đặt tên gọi Bồ đề chi, làm giác chi, đây là giác chi thế gian, dùng phân biệt làm tự tánh.

Nếu dựa nơi tên gọi Bồ đề chi làm giác chi, thì đây là giác chi xuất thế gian, dùng chánh trí làm tự tánh, chân như làm đối tượng duyên, ở nơi giác ngộ về đế an lập làm tăng thượng.

Lại, các đạo chi như chánh kiến v.v…, nếu là thế gian thì như trước đã nói, nên biết. Nếu là xuất thế gian thì dùng chánh trí làm tự tánh, trừ các chi giới, chân như an lập phi an lập làm đối tượng duyên. Ở nơi hiện pháp lạc trụ của sự chứng đắc tất cả lậu tận làm tăng thượng.

Như các đạo chi, thì Hành tích, Pháp tích, Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá -na, nên biết cũng thế.

Ở đây, Hành tích dựa nơi độn căn, lợi căn, đã được chưa được hiện pháp lạc trụ để kiến lập có sai biệt. Hoặc các Pháp tích, dựa nơi khả năng nhận giữ Chánh pháp của thế tục, thắng nghĩa, nên kiến lập có sai biệt. Nghĩa là do nhận giữ Giới tăng thượng nơi Chánh pháp của thế tục, nên kiến lập hai loại đầu. Do nhận giữ Tâm, Huệ tăng thượng còn lại nơi Chánh pháp của thắng nghĩa nên kiến lập hai loại sau.

Lại do nghĩa nơi cảnh của đối tượng duyên không tán loạn cùng nghĩa quán xét về cảnh kia nên kiến lập Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na.

Hỏi: Dựa nơi tướng cùng hai thứ phược thô trọng có thể giải thoát, nên lập tám thứ giải thoát. Ở trong năm sự, dùng sự gì làm tự tánh? Dùng sự gì làm đối tượng duyên? Ở nơi sự gì làm tăng thượng?

Đáp:

– Dùng chánh trí thế gian – xuất thế gian làm tự tánh.

– Giải thoát thứ nhất và giải thoát thứ hai, ở trong các sắc, dùng tướng của hiển sắc cùng tướng của chân như làm đối tượng duyên. Giải thoát thứ ba, ở trong các sắc dùng tướng thâu nhận và tướng của chân như kia làm đối tượng duyên. Bốn thứ giải thoát tiếp theo, đều dùng tự tướng cùng chân như kia làm đối tượng duyên. Giải thoát thứ tám, không có đối tượng duyên.

– Ở nơi có thể dẫn phát tất cả công đức của thần thông bậc Thánh làm tăng thượng.

Lại, người tu Quán, nơi tướng của các sắc và tướng vô sắc, được tự tại vì chỗ chướng ngại của chướng được đoạn trừ, nên khởi hành Quán này.

Trong các thắng xứ, bốn thứ trước như hai thứ giải thoát đầu. Bốn thứ sau như giải thoát thứ ba. Do tướng của các sắc khó có thể hơn, nên lúc ở trong sự ấy, đã có thể thắng, chế phục. Nơi tướng vô sắc cũng được tự tại thù thắng.

Lại, ở đây nói thắng tri, thắng kiến: Nghĩa là các Thánh giả do tác ý đúng đắn, tư duy về tướng chân như của các sắc, nên được tri kiến thù thắng. Nếu là các phàm phu tức không thể như thế.

Hỏi: Nếu vậy thì phàm phu vì sao gọi là thắng?

Đáp: Do ba thứ tưởng. Nghĩa là nơi sắc tịnh, bất tịnh, do lần lượt hành tưởng tương đảo lần lượt đợi nhau. Nơi sắc tịnh, bất tịnh, do lần lượt hành tưởng tương tùy, lần lượt cùng tùy nhau. Nơi sắc tịnh, bất tịnh, do tưởng nhất vị thanh tịnh, nên thắng sau cùng này, cả phàm phu, Thánh giả đều cùng đạt được.

Lại, mười biến xứ, do lực nơi đối tượng duyên của thắng xứ, nên biết về tướng của biến xứ.

Ở đây có sai biệt: Cũng dùng tướng của đại chủng làm đối tượng duyên, cùng tướng của chân như kia làm đối tượng duyên.

Lại, dùng tướng của xứ Không, Thức vô biên làm đối tượng duyên, cùng tướng của chân như kia làm đối tượng duyên.

Nếu không như thế, thì do đối tượng được nương dựa không hiện bày đủ khắp, nên chủ thể nương dựa không thể đạt được sự thành tựu đầy đủ khắp. Do cảnh giới của đối tượng duyên là tướng của chân như nơi đối tượng duyên kia đã hiện bày hết sức đầy đủ, nên được gọi là “đầy khắp”. Do uy lực của hai thứ “đầy khắp” thù thắng nên khiến các giải thoát cũng được thanh tịnh. Lại có thể dẫn phát tất cả công đức của thần thông các Thánh.