DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN

SỐ 1579

QUYỂN 22

Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi.
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Địa Thứ 13 : Địa Thanh Văn,
Phần 2: Xứ Du Già Thứ 1
Phần 3: Xuất Ly Địa (1)

Như thế là đã nói về địa Hướng nhập. Thế nào là Địa xuất ly? Tụng nêu:

Như lìa dục thế gian
Như vậy xuất thế gian
Cùng hai sư lương ấy
Gọi là địa xuất ly

Nghĩa là, hoặc do địa thế gian mà hướng tới việc lìa dục. Hoặc do đạo xuất thế gian mà hướng tới việc lìa dục. Hoặc từ tư lương( Hành trang) hiện có của hai đạo lý ấy, tóm lược chung làm một tên gọi là Địa xuất ly.

Thế nào gọi là do đạo thế gian mà hướng tới việc lìa dục? Tức là như có một hữu tình quán về tướng thô của cảnh giới dục thấp, đối với Tĩnh lự thứ nhất đạt ly sanh hỷ lạc, hoặc định hoặc sanh quán về tướng tĩnh. Vị ấy do thời gian trụ nhiều nơi quán như thế, nên ở nơi dục giới mà được lìa dục, nên cũng có thể chứng nhập Tĩnh lự đầu tiên. Như vậy lại đối với cảnh giới trên Tĩnh lự thứ nhất, lần lượt như chỗ ứng hợp với hết thảy địa dưới, quán về tướng Thô, tất cả địa trên quán về tướng Tĩnh. Vị ấy do thời gian trụ nhiều nơi quán như thế, nên cho đến cõi Vô sở hữu xứ mà được lìa dục, cũng có thể chứng nhập cho tới Xứ phi tưởng phi phi tưởng. Như vậy gọi là do đạo thế gian mà hướng tới lìa dục. Trừ trường hợp nầy thì không còn gì có thể vượt qua hay tăng thêm.

Thế nào gọi là do đạo xuất thế gian mà hướng tới lìa dục? Nghĩa là như có một hữu tình gần gũi với bật Thiện tri thức, ở trong Thánh pháp đã thành tựu Thông tuệ, đã được điều thuận. Đối với Thánh đế Khổ nhận biết như thật về Khổ. Đối với Thánh đế Tập nhận biết như thật về Tập. Đối  với Thánh đế Diệt, nhận biết như thật về Diệt. Đối Thánh đế Đạo, nhận biết như thật về Đạo. Đã thành tựu được Trí Kiến Hữu học. Từ đấy trở về sau dần tu Thánh đạo, nơi tất cả pháp do Kiến đạo, Tu đạo đọan trừ khắp cả ba cõi, tự mình có thể lìa mọi trói buột, tự đạt giải thoát, nên có thể vượt khỏi ba cõi. Như thế gọi là do đạo xuất thế gian mà hướng tới lìa dục.

Thế nào gọi là Tư lương của hai đạo?

Tụng viết:

Tự tha viên mãn dục pháp thiện
Giới căn Luật nghi, ấn biết lượng
Tỉnh giác, chánh tri, trụ thiện hữu
Văn, Tư không chướng, xả trang nghiêm.

Nghĩa là, hoặc tự viên mãn, hoặc tha viên mãn, hoặc dục của pháp thiện. Hoặc Giới luật nghi, hoặc Căn luật nghi. Hoặc nơi việc ăn uống biết rõ về lượng. Hoặc đầu đêm cuối đêm luôn siêng năng tu tập, tỉnh giấc về Du già. Hoặc chính tri mà trụ. Hoặc tánh của Thiện hữu. Hoặc nghe chánh pháp, hoặc tư duy về chánh pháp. Hoặc không chướng ngại. Hoặc tu Tuệ xả. Hoặc làm Sa-môn trang nghiêm. Các pháp như vậy được gọi là những tư lương của thế gian và xuất thế gian hướng tới Đạo lìa dục. Nên biết trong ấy, các chi tiết hoặc tự viên mãn hoặc tha viên mãn hoặc dục của pháp thiện, ba thứ đó nơi phần tu tập chủng tử theo các duyên kém ở trước đã biện biệt về tướng. Thế nào là Giới Luật nghi? Tụng viết:

Giới Luật nghi nên biết
Biện ba giảm, đủ mười
Sáu dị môn, ba tranh
Mười thứ công đức thắng.

Giới luật nghi: Nghĩa là như có một hữu tình an trụ nơi giới đầy đủ, nói rộng cho đến thọ học Học xứ.

Thế nào gọi là an trụ nơi Giới đầy đủ? Đó là đối với các Học xứ hiện có đã thọ học, thân nghiệp, ngữ nghiệp đều không giảm thiếu, không thiếu sót, không bị mất mát. Như  thế gọi là an trụ nơi giới đầy đủ.

Thế nào gọi là khéo có thể giữ gìn Luật nghi Biệt giải thoát? Tức là có thể giữ gìn Luật nghi Biệt giải thóat của bảy chúng đã thọ nhận. Vì luật nghi nầy có những sai biệt, nên thành nhiều luật nghi. Nay trong nghĩa ở đây chỉ dựa vào xứ luật nghi của Bí-Sô, để nói là khéo có thể giữ gìn Luật nghi Biệt giải thoát.

Thế nào gọi là phép tắc viên mãn? Tức là như có một hữu tình, hoặc đối với đường oai nghi, hoặc đối với các sự việc đã làm, hoặc đối với nơi chốn của gia hạnh phẩm thiện, thành tựu các phép tắc, tùy thuận thế gian, không  vượt thế gian, tùy thuận Tỳ-nại-da (luật) không vượt Tỳ-nại-da.

Thế nào gọi là đối với đường oai nghi thành tựu các phép tắc, tùy thuận thế gian không vượt thế gian, tùy thuận Giới luật, không vượt Giới luật?

Nghĩa là như có một hữu tình, đối với các điều nên làm, các chỗ nên làm đều hành trì như vậy. Do Hành ấy nên không bị thế gian chê trách, không bị các bậc Thiện tri thức, hiền thiện thiện chân chánh, các vị đồng pháp, các bậc giữ Luật, các vị học Luật tránh cứ. Như về phần hành, nơi các oai nghi đứng, ngồi, nằm nên biết cũng thế. Như vậy gọi là đối với đường oai nghi đã thành tựu các phép tắc, tùy thuận thế gian không vượt thế gian, tùy thuận giới luật không vượt giới luật.

Thế nào gọi là đối với các sự việc đã làm, thành tựu các phép tắc, tùy thuận thế gian, không vượt thế gian, tùy thuận Giới Luật, không vượt Giới Luật? Tức là như có một hữu tình đối với các việc mình làm, hoặc sự việc về ăn mặc, vệ sinh cá nhân, hoặc sự việc đi vào xóm làng nhất thực… Ở đây tức lược nói các sự việc về y bát… Đối với các việc nên làm, các chỗ nên làm… thảy đều hành tác như vậy. Do đấy nên không bị thế gian khinh chê, không bị các bậc Thiện tri thức, hiền thiện chân chánh, các vị đồng pháp, các bậc giữ Luật, các vị học Luật chê trách. Như thế gọi là đối với các việc đã làm, thành tựu các phép tắc,tùy thuận thế gian không vượt thế gian, tùy thuận giới luật không vượt giới luật.

Thế nào gọi là đối với nơi chốn của gia hạnh phẩm thiện thành tựu các phép tắc, tùy thuận thế gian không vượt thế gian, tùy thuận giới luật không vượt giới luật?

Tức là đối với công việc gia hạnh vô số phẩm thiện, hoặc ở nơi chánh pháp thọ trì đọc tụng. Hoặc ở nơi các bậc tôn trưởng tu nghiệp hòa kính, tham hầu, thừa sự. Hoặc đối với người bệnh khởi tâm từ bi, ân cần chăm sóc. Hoặc ở nơi như pháp nêu bày gia hạnh, trụ nơi tâm từ bi, lần lượt “Trao dục”. Hoặc đối với chánh pháp thỉnh vấn, nghe nhận, hết mực siêng năng không biếng trễ. Đối với bậc đồng phạm hạnh trí tuệ, luôn dốc hết sức cung kính, phụng sự. Đối với phẩm thiện của kẻ khác thường tán thán, khích lệ, thường vui thích vì người khác giảng nói chánh pháp. Vào nơi phòng tĩnh, an tọa theo thế kiết già, buộc niệm tư duy. Có vô lượng các loại pháp thiện như vậy đã được tu tập, đều gọi là Gia hạnh phẩm thiện. Vị ấy, theo chỗ nêu bày về gia hạnh phẩm thiện như vậy, như chỗ ứng hợp, theo điều cần làm, theo chỗ nên làm, thảy đều hành tác thuận hợp, nên không bị thế gian khinh chê, không bị các bậc Thiện tri thức, Hiền thiện chân chánh, các vị đồng pháp, các bậc giữ luật, các vị học luật… chê trách. Như vậy gọi là, đối với nơi chốn của gia hạnh phẩm thiện đã thành tựu các pháp tắc, tùy thuận thế gian, không vượt thế gian tùy thuận giới luật, không vượt giới luật.

Nếu đối với các hành tướng sai biệt của phép tắc đã nêu rõ như thế, thảy đều đầy đủ, nên biết đó gọi là phép tắc viên mãn.

Thế nào gọi là các việc làm viên mãn?

Đó là các Bí-sô, lược có năm thứ chẳng phải là nơi chốn được đi tới. Những  gì là năm? Tức là:

  1. Nhà xướng ca.
  2. Nhà dân nữ.
  3. Nhà bán rượu.
  4. Chốn vương cung.
  5. Nhà của Chiên-đồ-la-yết-sỉ-na.

Nếu đối với các giới cấm do Đức Như-lai chế lập. Về những nơi chốn không được đi tới như thế, đều có thể khéo xa lìa, đối với các nơi chốn hành hóa không tội khác, luôn biết thời mà hành xử, như vậy gọi là việc làm viên mãn.

Thế nào gọi là đối với các tội hết sức nhỏ đều thấy có sự sợ hãi lớn?

Nghĩa là đối với các tiểu tùy, tiểu học xứ, nếu có vi phạm thì có thể khiến trở lại thanh tịnh, gọi là tội rất nhỏ. Đối với các học xứ hiện hành hủy phạm, gọi là Tội. Đã hủy phạm rồi, ít dùng công sức mà được thanh tịnh trở lại, gọi là rất nhỏ. Do nhân duyên ấy, gọi là tội rất nhỏ.

Thế nào là ở trong ấy thấy có sự sợ hãi lớn?

Nghĩa là khởi quán: Chớ khiến ta, đối với nhân duyên hủy phạm ấy, lại không thể gắng sức để đạt được điều chưa đạt, tiếp xúc chỗ chưa tiếp xúc, chứng được chỗ chưa chứng. Chớ khiến cho ta, do đấy mà gần với các cõi Ác, đi đến các cõi Ác. Hoặc nên tự trách. Hoặc được các bậc Đại sư, Chư Thiên, các vị đồng phạm hạnh có trí tuệ, dùng pháp để chê trách… Vị ấy đối với hiện pháp hậu pháp như thế, do nhân hủy phạm nên sanh các quả không yêu thích, thấy sợ hãi lớn. Do nhân duyên nầy, nên đối với các tiểu tùy, tiểu học xứ hiện có, đối với các nhân duyên khó khăn về tánh mạng, cũng không cố phạm. Hoặc vào lúc, vào nơi do mất niệm mà phạm, tức thì mau chóng như pháp phát lồ sám hối, khiến được thanh tịnh trở lại. Như vậy gọi là đối với tội rất nhỏ đều thấy sợ hãi lớn.

Thế nào gọi là thọ học Học xứ? Đó là vị ấy, trước hết là thọ giới Biệt giải thoát, bạch Tứ Yết ma. Lúc thọ giới Cụ túc, từ nơi vị Giới sư được nghe phần ít về Thể tánh của Học xứ. Lại từ nơi chốn của các vị Thân giáo sư (Hòa thượng) Quỹ phạm sư (A-xà-lê) được nghe các Kinh Biệt giải thoát khác, tóm lược chung nêu bày về hai trăm năm mươi Học xứ, đều tự thệ nói: Tất cả nên học… Lại mỗi nửa tháng, thường theo chỗ thích hợp, nói về Kinh Biệt Giải Thoát. Lãnh hội các Học xứ, hết thảy tự thệ đều nên tu học. Do đối với tất cả Học xứ ứng hợp đều thọ học, nên gọi là đạt được Luật nghi biệt giải. Từ đấy về sau, nơi các học xứ, hoặc đã thiện xảo nên có thể không phạm. Giả như có chỗ phạm thì liền như pháp sám hối. Nếu các Học xứ chưa được thiện xảo, chưa thể tỏ ngộ, do trước tự thệ nguyện thọ trì, nên nơi hiện tại, cầu thọ nhận thiện xảo, mong cầu được tỏ ngộ. Tức từ nơi Thân giáo sư, Quỹ phạm sư thỉnh vấn như trước, đã được thiện xảo,  cùng tỏ ngộ rồi, theo chỗ dạy, khuyên không tăng không giảm, lại có thể thọ học. Thêm nữa, đối với các Học xứ được nêu giảng đều có sự tôn trọng, cùng tôn trọng, hoặc văn hoặc nghĩa, đều có thể thọ nhận thuận hợp. Như thế gọi là Thọ học Học xứ.

Đã biện biệt rộng về Giới Luật nghi như vậy rồi, làm sao nên biết về nghĩa tóm lược ở đấy? Đó là Đức Thế Tôn đã hiển thị về nghĩa tóm lược của Giới uẩn có ba Tướng:

  1. Tướng không hoại, mất.
  2. Tướng về tự tánh.
  3. Tướng công đức của Tự tánh.

Nghĩa ấy như thế nào?

Tức là, nếu nói là an trụ nơi Giới đầy đủ, do đấy hiển thị về tướng không hoại mất của Giới Luật nghi.

Nếu lại nói là có thể khéo giữ gìn Luật nghi biệt giải, do đấy hiển thị Tướng về tự tánh của Giới Luật nghi. Nếu lại nói là các phép tắc hành trì thảy đều viên mãn, do đấy hiển thị tướng công đức của tự tánh tăng thượng nơi Luật nghi biệt giải, như chỗ thọ nhận, quán xét kẻ khác. Vì sao? Vì do kẻ khác quán thấy rõ các phép tắc được hành trì viên mãn như vậy, người chưa tin thì tin, người tin rồi thì tăng trưởng. Do đấy phát sinh nơi chốn tin tưởng thanh tịnh, tâm không chán ghét, lời nói không chê trách…

Nếu lại nói là đối với các tội rất nhỏ đều thấy sợ hãi lớn, do đấy hiển thị về Luật nghi biệt giải như chỗ thọ nhận, quán về tướng công đức của tự tánh tăng thượng nơi chính mình. Vì sao? Vì tuy do các phép tắc được hành trì thảy đều viên mãn như thế, đạt được thắng lợi của công đức tăng thượng quán về kẻ khác như trước, nhưng do nhân duyên hủy phạm tịnh giới, nên sanh vào cõi Ác, hoặc không thể gắng sức để đạt được chỗ chưa đạt, nói rộng như trước. Nếu vị ấy có thể ở trong các tội rất nhỏ thấy sợ hãi lớn, nên đối với Học xứ phẩm thượng đã thọ nhận trước có thể tu học chân chánh, do nhân duyên nầy, nên sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào cõi thiện, cũng có thể gắng sức để đạt được điều chưa đạt, nói rộng như trước. Do nhân duyên nầy nên ở đây được gọi là Luật nghi biệt giải, như chỗ thọ nhận, quán về thắng lợi của công đức tăng thượng của chính mình.

Lại có môn khác. Nghĩa là Đức Phật Thế Tôn ở đây đã hiển bày tóm lược về ba thứ giới Tam ma địa(nh:

  1. Giới tánh thọ trì.
  2. Giới tánh xuất ly.
  3. Giới tánh tu tập.

Đó là, nếu nói An trụ nơi Giới đầy đủ, do đấy hiển bày về Giới tánh thọ trì. Nếu lại nói có thể khéo giữ gìn Luật nghi biệt giải, do đấy hiển bày về Giới tánh xuất ly. Vì sao? Vì Tịnh giới là thuộc về Luật nghi biệt giải, nên biết gọi là Giới học tăng thượng. Tức dựa nơi Giới học tăng thượng như thế, tu tâm học tăng thượng, Tuệ học tăng thượng. Vì thế có thể đạt được nẻo xuất ly rốt ráo dứt hết tất cả khổ. Xuất ly như vậy là dùng Giới học tăng thượng làm nơi chốn nương dựa cho sự đi trước dẫn dắt. Do vậy nên nói Luật nghi biệt giải nầy là Giới tánh xuất ly. Nếu lại nói các phép tắc được hành trì thảy đều viên mãn, đối với tội rất nhỏ đều thấy sợ hãi lớn, luôn thọ học Học xứ, do đấy hiển bày về Giới học tánh tu tập. Vì sao? Vì nếu do chỗ nói về các tướng tu tập tịnh giới của luật nghi biệt giải như thế, nên được gọi là khéo tu tập, hết sức khéo tu tập, một loại Giới Luật nghi như vậy hiện tiền, nêu bày rõ, nên biết sáu thứ lại cũng như thế.

Giới luật nghi do mười nhân duyên nên biết là thiếu, giảm. Trái ngược với mười nhân duyên ấy, nên biết là Viên mãn. Những gì là mười nhân duyên thiếu giảm? Đó là:

  1. Đầu tiên thọ nhận Giới luật nghi Ác.
  2. Trầm chậm thái quá.
  3. Tán động thái quá.
  4. Thuộc về phóng dật, biếng nhác.
  5. Phát khởi nguyện tà vạy.
  6. Thuộc về phép tắc thiếu giảm.
  7. Thuộc về thọ mạng thanh tịnh thiếu giảm.
  8. Rơi vào hai biên.
  9. Không thể xuất ly.
  10. Chỗ thọ nhận hoại mất.

– Thế nào gọi là đầu tiên thọ nhận Giới luật nghi Ác?

Nghĩa là như có một hữu tình do phép vua bức bách mà cầu xuất gia. hoặc bị bức bách do giặc dữ, do chủ nợ, do sợ hãi, do sợ không thể sống nổi… mà cầu xuất gia. Không vì đạt tánh Sa-môn, tánh Bà-la-môn, không vì điều phục cho chính mình, không vì tự tịch tĩnh, không vì tự cầu đạt Niết-bàn mà cầu xuất gia. Như vậy gọi là đầu tiên thọ nhận Giới luật nghi Ác.

– Thế nào gọi là trầm chậm thái quá?

Đó là như có một hữu tình tánh không biết xấu hổ, sự hối hận rất yếu kém. Vì tánh chậm chạp, nên đối với việc hành trì các Học xứ đều chậm, kém. Như vậy gọi là trầm chậm thái quá.

– Thế nào gọi là tán động thái quá?

Tức như có một hữu tình  chấp chặc, giữ lấy điều Ác, ố tác phi xứ, ở trong các thứ ố tác về điều không nên làm đều buông thả hành tác, ố tác phi xứ. Đối với kẻ khác khởi tâm khinh miệt, hoặc tâm não hại. Ở nơi phi xứ gượng sanh tỏ ngộ. Như thế gọi là tán động thái quá.

– Thế nào là thuộc phóng dật, biếng nhác?

Đó là, như có một hữu tình do nơi đời quá khứ hủy phạm tịnh giới là do mất niệm, một loại cũng không thể như pháp thanh tịnh trở lại. Như do quá khứ, do đời vị lai, do đời hiện tại, nên biết cũng vậy. Nghĩa là hủy phạm về chỗ phạm, là do mất niệm, một loại cũng không thể như pháp thanh tịnh trở lại. Lại chẳng phải thời trước, đối với chỗ hủy phạm phát khởi sự mong muốn mãnh liệt là không phạm: Tức là Ta nhất định sẽ hành như vậy như vậy, trụ như thế như thế, hành như vậy như vậy nơi chỗ hành, trụ như vậy như vậy nơi chỗ trụ, đối với chỗ hủy phạm trọn không hủy phạm. Do nhân duyên ấy tùy chỗ hành, trụ, như vậy như vậy hủy phạm chỗ phạm. Do đấy nên tạo thành sự cùng hiện hành với tiền tế, trung tế, hậu tế, chỗ tạo tác thời trước và cùng tùy hành với phóng dật hiện có. Lại tự chấp giữ cho ngủ nghỉ là vui, cho nằm yên làvui, cho nằm nghiêng một bên hông là vui. Tánh không gắng sức vươn lên vì nhiều biếng trễ không đủ để phát khởi siêng năng. Đối với các vị đồng phạm hạnh trí tuệ không thể thường xuyên tham vấn thừa sự. Đó gọi la thuộc về phóng dật, biếng nhác.

– Thế nào gọi là phát khởi nguyện tà vạy?

Đó là như có một hữu tình nương dựa nơi nguyện tà vạy  tu hành phạm hạnh, cho là mình hiện có hoặc giới hoăc cấm, hoặc luôn siêng năng tinh tấn hoặc tu phạm hạnh sẽ được sanh lên cõi Trời hay những thiên sứ khác. Hoặc lại ưa thích các thứ lợi dưỡng cung bính mà tu phạm hạnh. Nghĩa là nhân đấy nên theo kẻ khác mong cầu lợi dưỡng cung bính, tức đối với các thứ lợi dưỡng, cung bính như thế sanh chấp trước sâu xa. Như vậy gọi là phát khởi nguyện tà vạy.

– Thế nào gọi là thuộc về phép tắc thiếu giảm?

Nghĩa là như có một hữu tình đối với các phép tắc hiện có thuộc đường oai nghi, hoặc các việc đã làm, hoặc nơi chốn hành gia hạnh phẩm thiện đều không thuận thế gian,trái vượt thế gian, không thuận với Giới Luật, trái vượt Giới Luật, nói rộng như trước. Đó gọi là thuộc về phép tắc thiếu giảm.

– Thế nào là thuộc về thọ mạng thanh tịnh bị thiếu giảm?

Đó là như có một hữu tình vì tánh có tham dục lớn, không hề biết đủ, khó nuôi dưỡng, khó thỏa mãn, thường dùng phi pháp không theo chánh để tìm cầu các thứ y phục, thức ăn uống vật dụng ngồi nằm, thuốc men trị bệnh cùng các thứ cần cho đời sống. Do nhân duyên tham cầu vô số các thứ ấy, nên tạo các phương tiện để hiển bày mình có các công đức thù thắng, giả trá hiện ra các oai nghi khác lạ nhằm dối gạt kẻ khác, như thường dối hiện các căn không dao động  các căn tịnh tĩnh … Kẻ ấy, do hoặc dựa vào sự dối trá hoặc vọng ngữ tà vạy, hoặc giả hiện tướng như bị khổ bức bách, hoặc khéo cầu xin, với đủ loại hình tướng để cầu lợi, do phi pháp nên nói là tà mạng. Như thế gọi là thuộc về Giới tịnh mạng bị thiếu giảm.

– Thế nào gọi là rơi vào hai bên?

Tức như có một hữu tình tham đắm thọ dụng hành biên dục lạc, từ nơi kẻ khác đạt được các thứ vật dụng về y phục, thức ăn uống… hoặc như pháp hoặc phi pháp, cứ mặc sức thọ dụng không quán xét về lỗi lầm tai họa, không biết về nẻo xuất ly. Đó gọi là một bên. Lại có một hữu tình ưa cầu thọ dụng hành biên tự khổ, dùng vô lượng môn để tự bức bách, thọ các hành khổ cùng cực. Như thế gọi là rơi vào hai bên.

– Thế nào gọi là không thể xuất ly?

Đó là như có một hữu tình, hoặc giới hoặc cấm, do giữ lấy kiến chấp cho là mình nhân đấy nên hoặc giới hoặc cấm sẽ được xuất ly giải thoát thanh tịnh. Tức tất cả giới cấm hiện có của ngoại đạo, tuy khéo ngăn giữ, tuy khéo thanh tịnh, nhưng sự thanh tịnh ấy không gọi là xuất ly. Đó gọi là không thể xuất ly.

– Thế nào gọi là chỗ thọ nhận bị loại, mất?

Tức như có một hữu tình hoàn toàn không biết xấu hổ, không quan tâm tới các vị Sa-môn, hủy phạm tịnh giới, hành theo pháp ác, bên trong chứa dấu bao thứ hủ bại nhưng bên ngoài hiện bày vẻ thật thuận, cũng như nước sạch sinh ra các lọai ốc sên… Thật chẳng phải là Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Thật chẳng phải là phạm hạnh, tự xưng là phạm hạnh. Như thế gọi là chỗ thọ nhận bị loại mất.

Lược do mười thứ nhân duyên như vậy gọi là Giới Luật bị thiếu giảm. Đức Thế Tôn hoặc nói Thi-la thiếu giảm, hoặc có lúc lại nói Thila là khó khăn. Nên biết, ở trong các nhân duyên kia là do hai nhân duyên, tức là không thể xuất ly cùng chỗ thọ nhận bị loại mất. Nên biết, do các nhân duyên còn lại, nên chỉ nói là Thi-la thiếu giảm. Cùng với chỗ thiếu giảm nầy lập nên nhân duyên của phẩm Hắc, tức trái ngược với nhân duyên hiện có của phẩm Bạch, nên biết đây gọi là Thi-la tiên mản, Thi-la thanh tịnh.

Có nơi, Đức Thế Tôn nêu rõ Thi-la gọi là căn bản. Như kệ nêu:

Nếu khéo tục căn bản
Tâm ấy thường tịnh tĩnh
Nhân Thánh kiến ác kiến
Tương ưng chẳng tương ưng
 
Có nơi, Đức Thế Tôn tuyên thuyết Thi-la gọi là vật dụng trang nghiêm. Như kệ nói:

Bí-sô, Bí-sô-ni
Giới trang nghiêm viên mãn
Nơi bất thiện hay bỏ
Nơi thiện hay tu tập.

Có nơi, Đức Thế Tôn nêu rõ Thi-la gọi là Hương xoa. Như kệ nêu:

Bí-sô, Bí-sô-ni
Giới Hương xoa tròn đủ
Nơi bất thiện hay bỏ
Nơi thiện hay tu tập.

Có chỗ, Đức Thế Tôn tuyên thuyết Thi-la gọi là Hương Xông. Như kệ viết:

A Nan có loại Hương
Thuận gió khéo hay xông
Nghịch gió cũng hay xông
Thuận nghịch xông cũng vậy.

Có chốn Đức Thế Tôn nêu rõ Thi-la gọi là Hành diệu. Như kệ viết:

Nhân hành diệu hay cảm
Các dị thục khả ái
Nơi hiện pháp vi lai
Ngữ hành diệu cũng thế.

Có nơi Đức Thế Tôn tuyên thuyết Thi-la gọi là Luật nghi. Như Kệ nói:

Các thế chủ hữu Tuệ
Đủ giới tục Luật nghi
Có thấy A-cấp-ma
Cùng có quả Chánh kiến.

Lại có thuyết nói: An trụ nơi Giới đầy đủ, khéo có thể giữ gìn Luật nghi Biệt giải, cho đến nói rộng.

Hỏi: Do nhân duyên nào Đức Thế Tôn nêu rõ Thi-la gọi là Căn bản?

– Đáp: Nghĩa có thể kiến lập, nghĩa có thể nhận giữ, là nghĩa của căn bản. Do Thi-la nầy kiến lập, nhận giữ, có thể dẩn phát các thứ công đức diệu lạc vô tội tôi thắng bậc nhất nơi tất cả thế gian và xuất thế gian, khiến sinh khiến chứng. Vì thế Thi-la được gọi là Căn bản. Ví như đại địa kiến lập, nhận giữ hết thảy cả các thứ cây cối, cõ thuốc, rừng sâu, khiến chúng luôn sanh trưởng. Cũng như vậy Thi-la như trước đã nói rộng.

Hỏi: Do nhân duyên nào, Đức Thế Tôn tuyên thuyết Thi-la gọi là vật dụng trang nghiêm?

– Đáp: Vật dụng trang nghiêm cũa Giới, đối với tất cả loài, nơi tất cả thời, nếu có hành giả mang vào đều tạo nên sự đẹp đẽ vi diệu. Do đó Thi-la được gọi là vật dụng trang nghiêm.

Hỏi: Do nhân duyên nào, Đức Thế Tôn nêu rõ Thi-la gọi là Hương xoa?

– Đáp: Do chỗ thọ nhận Thi-la ấy là thanh tịnh, không tội, diệu thiện, có khã năng dút trừ hẳn mọi chỗ thọ nhận giới Ác, là nhân khiến thân tâm bị thiêu đốt, não hại. Ví như vào thời gian hết sức nóng bức, ngột ngạt, dùng Hương chiên đàn, Long não xoa lên người thì mọi sự nóng bức, ngột ngạt thảy đều trừ diệt. Do đấy Thi-la được gọi là Hương xoa.

Hỏi: Do nhân duyên nào, Đức Thế Tôn tuyên thuyết Thi-la gọi là Hương xông?

– Đáp: Những Bổ đặc già la, sĩ phu có đủ giới luật thì khắp các nơi chốn, phương vực, tiếng tốt, hạnh diệu được xưng tán, truyền tụng. Ví như vô số hương của cành, rễ, theo gió thổi mà lan tỏa khắp mọi nơi chốn xa gần khiến bao người vừa ý. Do đấy, Thi-la được gọi là Hương xông.

Hỏi: Do nhân duyên nào Đức Thế Tôn nêu rõ Thi-la gọi là Hành diệu?

– Đáp: Về Thi-la ấy là hành thiện, thanh tịnh, có thể hướng tới thuốc vi diệu, đi đến cõi Trời thượng diệu, hướng tới sự an ổn thắng diệu, nên gọi là Hành diệu.

Hỏi: Do nhân duyên nào Đức Thế Tôn tuyên thuyết Thi-la gọi là Luật nghi?

– Đáp: Do Thi-la ấy là pháp thiện thanh tịnh, là tánh ngăn giữ, là tướng dứt trừ, là Thể xa lìa, nên gọi là Luật nghi.

Lại, Luật nghi của Giới có ba thứ Quán tướng nhân thanh tịnh.

Những gì là ba? Đó là:

  1. Quán Thân nghiệp.
  2. Quán Ngữ nghiệp.
  3. Quán Ý nghiệp.

Thế nào là quán sát các nghiệp như thế khiến Giới Luật nghi đều được thanh tịnh? Nghĩa là mong muốn sẽ tạo tác và đang tạo tác. Lúc Thân tạo nghiệp nên quán xét như vầy: Thân nghiệp này của ta là chủ thể tự tổn hại cùng tổn hại kẻ khác. Là tánh bất thiện có thể sanh các khổ, chiêu cảm lấy dị thục khổ. Hay là không tự tổn hại, cũng không tổn hại kẻ khác, là tánh thiện, có thể sanh ra các an lạc, chiêu cảm lấy dị thục an lạc? Quán xét như thế rồi, hoặc tự nhận biết rõ Thân nghiệp này của ta là tự tổn hại và tổn hại kẻ khác, là tánh bất thiện, có thể sanh ra các khổ, chiêu cảm lấy dị thục khổ, tức đối với nghiệp ấy thâu giữ không tạo, cũng không tạo phương tiện. Nếu tự nhận biết rõ Thân nghiệp này của Tam-ma-địa là không tổn hại tự, tha, là tánh thiện, phần còn lại như trước đã nói, tức đối với nghiệp ấy không thâu giữ mà tạo tác cùng tạo phương tiện.

Lại đối với thân nghiệp đã tạo nơi quá khứ, cũng thường quán

xét: Thân nghiệp này của Tam-ma-địa là chủ thể tự tổn hại, phần còn lại như trước đã nói, liền ở chỗ các vị đồng phạm hạnh có trí tuệ, như thật phát lồ, như thật hối trừ. Hoặc tự nhận biết rõ Thân nghiệp này của Tam-ma-địa không tổn hại tự tha, phần còn lại như trước nói, liền sanh hoan hỉ, ngày đêm an lạc, tùy thuận nhiều để tu học.

Như vị ấy, đối với Thân nghiệp đã tạo nơi ba đời, có thể khéo quán xét, có thể khéo đạt thanh tịnh. Như đối với Thân nghiệp, đối với Ngữ nghiệp nên biết cũng vậy.

Do Hành quá khứ làm duyên sanh ý. Do hành vị lai làm duyên sanh ý. Do Hành hiện tại làm duyên sanh ý, tức ở nơi ý ấy luôn luôn quán xét: ý nghiệp này của Tam-ma-địa là có thể tự tổn hại, phần còn lại như trước đã nói. Quán xét như vậy rồi, hoặc tự nhận biết rõ ý nghiệp này của Tam-ma-địa là phẩm đen, tức đối với nghiệp ấy thâu giữ không khởi, không tạo phương tiện. Hoặc tự nhận biết rõ ý nghiệp này của Ta là phẩm trắng, tức đối với nghiệp ấy không thâu giữ mà nên phát khởi cùng tạo phương tiện. Như vậy, vị ấy đối với ý nghiệp đã dấy khởi nơi ba đời có thể khéo quán xét, có thể làm thanh tịnh. Vì sao? Ví các Sa môn, Bà-la-môn hiện có nơi ba đời, ở trong ba thứ nghiệp thân ngữ ý, hoặc đã quán xét, hoặc sẽ quán xét, hoặc đang quán xét. Hoặc đã thanh tịnh, hoặc sẽ thanh tịnh, hoặc đang thanh tịnh. Hoặc đã trụ nhiều, hoặc sẽ trụ nhiều, hoặc đang trụ nhiều; Tất cả đều do quán xét như vậy, đạt được thanh tịnh như vậy. Như Đức Phật Thế Tôn, vì Tôn giả La-hỗ-la nói kệ:

Nay ông, La-hỗ-la
Nơi Thân ngữ ý nghiệp
Nên luôn chánh quán xét
Niệm Thánh giáo chư Phật.
La-hỗ-la ông nên
Học nghiệp Sa-môn ấy
Có thể nơi học đó
Chỉ thắng thiện không ác.

Nếu đối với Thân ngữ ý nghiệp như thế xét chọn đúng đắn, kỹ lưỡng, tức các nghiệp ấy là có thể tự gây tổn hại, nói rộng như trước, thì đó gọi là quan sát.

Nếu đối với một phần thâu giữ không tạo tác, cũng không tạo phương tiện, nói rộng cho đến phát lồ hối trừ. Lại, ở nơi một phần không thâu giữ mà nên tạo tác, tạo phương tiện, nói rộng ho đến liền sanh hoan hỷ, ngày đêm an trụ, tùy thuận nhiều để tu học, thì đó gọi là thanh tịnh.

Thi-la Luật nghi thanh tịnh như thế, nên biết có mười thứ công đức lợi lạc thù thắng. Những gì là mười?

Đó là, các Bổ-đặc-già-la sĩ phu hiện có đầy đủ Giới, tự quán về giới tịnh liền được không hối. Do không hối nên vui, vui nên sinh Hỷ. Do tâm Hỷ nên Thân được khinh an. Thân khinh an liền thọ thắng lạc. Lạc nên Tâm định. Tâm được định nên có nhận biết như thật, có thể thấy rõ như thật. Thấy, biết thật nên liền có thể đấy khởi nhàm chán. Có thể dấy khởi nhàm chán nên liền được lìa nhiễm. Do lìa nhiễm nên chứng đắc giải thoát. Chứng đắc giải thoát nên liền tự thấy biết ta đã giải thoát, cho đến ta có thể ở nơi cảnh giới Niết bàn vô dư y sẽ Niếtbàn.

Như thế, Bổ-đặc-già-la sĩ phu khác, có đầy đủ Giới, vào lúc lâm chung khởi niệm như vầy: Ta đã tạo các Hành nơi Thân ngữ ý thiện, không phải là ta đã tạo các Hành nơi Thân ngữ ý ác, cho đến nói rộng. Nếu có cõi, là nơi chốn sanh đến cõi của người tạo nghiệp phước, người tạo nghiệp thiện, người vó thể hành tác cứu độ các sự sợ hãi, thì Ta đối với các cõi ấy nhất định sẽ sanh đến. Như thế là đạt được có thể sanh đến cõi thiện, là lầm thứ hai không Hối. Do Bổ-đặc-già-la sĩ phu ấy hiện có không hối hận, nên gọi là Hiền thiện chết, Hiền thiện qua đời sớm, Hiền thiện quá vãng. Đó gọi là công đức lợi lạc thù thắng thứ hai của Thi-la Luật nghi.

Lại có Bổ-đặc-già-la, sĩ phu khác, có đầy đủ giới, nên khắp các nơi chốn, phương sở, tiếng tốt, hành thiện được tán thán, ca ngợi, truyền tụng. Đó gọi là công đức lợi lạc thù thắng thứ ba của Thi-la Luật nghi.

Lại có Bổ-đặc-già-la, sĩ phu khác có đầy đủ giới, nên ngủ thức đều an ổn, xa lìa hết thảy mọi thứ bức não của thân tâm. Đó gọi là công đức lợi lạc thù thắng thứ tư của Thi-la Luật nghi.

Lại có Bổ-đặc-già-la, sĩ phu khác có đầy đủ giới, nên hoặc lúc ngủ hoặc khi thức đều có chư Thiên bảo hộ. Đó gọi là công đức lợi lạc thù thắng thứ năm của Thi-la Luật nghi.

Lại có Bổ-đặc-già-la, sĩ phu khác có đầy đủ giới, nên đối với các sự việc hung bạo của kẻ khác, không lo lắng để ghét bỏ, không có các sự sợ sệt, tâm lìa mọi thứ kinh hãi. Đó gọi là công đức lợi lạc thù thắng thứ sáu của Thi-la Luật nghi.

Lại có Bổ-đặc-già-la, sĩ phu khác có đầy đủ giới, đối với các kẻ ưa sát hại, oán thù, bạn ác, dù có được thời gian rảnh, cũng luôn bảo hộ, vì nhận biết rõ đây là hữu tình sĩ phu có đầy đủ giới hạnh, hoặc làm thiện hữu, hoặc trụ ở mức bình thường. Đó gọi là công đức lợi lạc thù thắng thứ bảy của Thi-la Luật nghi.

Lại có Bổ-đặc-già-la, sĩ phu khác có đầy đủ giới, đối với tất cả các loại phi nhân như Thần nhà, dược xoa, yêu quái, tuy có được phương tiện, có được thời gian rảnh, nhưng thường bảo hộ, vì uy lực tăng thượng của hữu tình có đầy đủ giới hạnh. Đó gọi là công đức lợi lạc thù thắng thứ tám của Thi-la Luật nghi.

Lại có Bổ-đặc-già-la, sĩ phu khác có đầy đủ giới, đối với pháp không khó khăn, từ nơi kẻ khác, đạt được vô số lợi dưỡng như y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, cùng các vật dụng cần cho đời sống khác. Do dựa vào uy lực nơi nhân tăng thượng của Thi-la, nên vị ấy được các hàng Quốc vương, đại thần, cùng dân chúng, các vị trưởng giả giàu có, các vị Thương chủ… cung kính, tôn trọng. Đó gọi là công đức lợi lạc thù thắng thứ chín của Thi-la Luật nghi.

Lại có Bổ-đặc-già-la, sĩ phu khác có đầy đủ giới, nên tất cả sở nguyện đều được thành tựu. Hoặc ở nơi dục giới nguyện mong được sanh vào các gia đình nổi tiếng thuộc các chủng tộc Sát-đế-lợi, Bà-lamôn. Hoặc sanh vào các gia đình Cư sĩ, trưởng giả giàu có tiếng tăm. Hoặc sinh vào các cõi Trời Tứ đại vương chúng, Trời Tam Thập Tam, Trời Dạ ma, Trời-đổ-sử-đa, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại, theo chúng đồng phận nơi các cõi ấy. Do Giới thanh tịnh, nên theo sở nguyện đều được vãng sanh.

Hoặc lại nguyện mong hội nhập hiện pháp lạc trụ của các Tĩnh lự, hoặc trong chúng đồng phận của trời Hữu sắc, hoặc trụ, hoặc sanh, do giới thanh tịnh, nên liền được lìa dục, sở nguyện đều thành tựu.

Hoặc lại nguyện mong sẽ chứng đắc Niết-bàn cứu cánh tối thắng, do giới thanh tịnh, nên liền chứng đắc tất cả lìa dục rốt ráo. Đó gọi là công đức lợi lạc thù thắng thứ mười của Thi-la Luật nghi.

Như thế là đã nói về Giới uẩn, đã biện biệt rộng về Giới uẩn thiếu giảm, Giới uẩn viên mãn, Giới uẩn với các môn khác, quán xét về Giới uẩn, cùng các công đức lợi lạc thù thắng hiện có của Giới uẩn thanh tịnh. Ở đây, tuyên thuyết rõ ràng, mở bày, chỉ rõ về tất cả chủng tướng nơi Thi-la Luật nghi thuộc về Tư lương viên mãn tột cùng.

Nếu có các Thiện nam thiện nữ, tự yêu thích tánh Sa-môn, tánh Bà-la-môn, thì nên siêng năng tu học.