DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN

SỐ 1579

QUYỂN 11

Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi.
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Địa 6: ĐỊA TAM MA HÝ ĐA 1

Đã nói về ba địa là địa có tầm có tứ, địa không tầm chỉ có tứ và địa không tầm không tứ (địa thứ 3, 4, 5).

Thế nào là địa Tam-ma-hí-đa? Kệ nêu:

Nêu chung và an lập
Tướng, tác ý sai biệt
Thâu tông yếu các kinh
Các nghĩa tập sau cùng.

Nếu lược nói về địa Tam-ma-hí-đa, nên biết là do nêu chung, an lập, tác ý sai biệt, tướng sai biệt, lược thâu tóm tông yếu các kinh.

Thế nào là nêu chung?

Nghĩa là trong địa này tóm lược có bốn thứ:

  1. Tĩnh lự.
  2. Giải thoát.
  3. Đẳng trì.
  4. Đẳng chí.

Tĩnh lự: Tức là bốn tĩnh lự:

  1. Tĩnh lự có tầm có tứ lìa sanh
  2. Tĩnh lự không tầm không tứ từ định sanh.
  3. Tĩnh lự lìa hỷ.
  4. Tĩnh lự thanh tịnh xả niệm.

Giải thoát: Nghĩa là tám giải thoát:

  1. Giải thoát có sắc quán các sắc.
  2. Giải thoát tưởng bên trong không sắc, quán các sắc bên ngoài.
  3. Giải thoát thân tác chứng trụ đầy đủ giải thoát thanh tịnh.
  4. Giải thoát Không vô biên xứ.
  5. Giải thoát Thức vô biên xứ.
  6. Giải thoát Vô sở hữu xứ.
  7. Giải thoát Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
  8. Giải thoát Diệt thọ tưởng, thân tác chứng trụ đầy đủ.

Đẳng trì: Tức là ba Tam-ma-địa:

– Không.

– Vô nguyện.

– Vô tướng.

Lại có ba thứ: Tức có tầm có tứ, không tầm chỉ có tứ, không tầm không tứ.

Lại có ba thứ: Là nhỏ, lớn, vô lượng.

Lại có hai thứ: Là tu một phần, tư đủ phần.

Lại có ba thứ: Là cùng hiện hành với hỷ, cùng hiện hành với lạc và cùng hiện hành với xả.

Lại có bốn thứ: Là bốn tu định.

Lại có năm thứ: Là năm Tam-ma-địa Thánh trí.

Lại có năm thứ: Là năm chi Tam-ma-địa bậc Thánh.

Lại có Tam-ma-địa có nhân có đủ chân chánh bậc Thánh.

Lại có Tam ma địa Kim cang trụ.

Lại có Tam ma địa hữu học, vô học, phi học phi vô học.

Đẳng chí: Tức là năm Tam-ma-bát-để hiện thấy:

  1. Tam-ma-bát-để tám giải thoát.
  2. Tam-ma-bát-để 10 biến xứ.
  3. Tam-ma-bát-để bốn vô sắc.
  4. Tam-ma-bát-để vô tưởng.
  5. Tam-ma-bát-để định diệt tận.

Thế nào là an lập? Tức là chỉ những thứ ấy gọi là địa đẳng dẫn, không phải là tánh một cảnh của tâm nơi cõi Dục. Do định này cùng không hối, hoan hỷ an lạc dẫn dắt, cõi Dục thì không như thế, nhưng không phải trong cõi Dục, đối với pháp hoàn toàn không có quán xét đúng đắn.

Lại nữa, trong Tĩnh lự thứ một gọi là hỷ do lìa sanh, vì chứng trụ nên ở đây đoạn trừ năm pháp. Đó là:

  1. Hỷ do dục dẫn dắt.
  2. Ưu do dục dẫn dắt.
  3. Hỷ do bất thiện dẫn dắt.
  4. Ưu do bất thiện dẫn dắt.
  5. Xả do bất thiện dẫn dắt.

Lại, đối với 5 pháp tu tập viên mãn, là Hoan, Hỷ, An, Lạc và Tam ma địa.

– Hỷ do dục dẫn dắt: Nghĩa là đối với năm dục diệu, hoặc lúc mới đạt được, hoặc lúc chứng được, chánh thức thọ dụng, hoặc thấy hoặc nghe hoặc từng lãnh nhận. Do các duyên ấy, nên hoan hỷ nhớ nghĩ.

– Ưu do dục dẫn dắt: Là đối với năm dục diệu, hoặc cầu không toại nguyện, hoặc đã thọ dụng nhưng lại không được nữa, hoặc được rồi bèn mất. Do các duyên ấy, nên sanh nhiều sầu não.

– Hỷ do bất thiện dẫn dắt: Nghĩa là như có một hữu tình, cùng với hỷ lạc kết hợp, hành nghiệp sát sanh cho đến tà kiến.

– Ưu do bất thiện dẫn dắt: Nghĩa là như có một hữu tình, cùng với ưu khổ kết hợp, hành nghiệp sát hại cho đến tà kiến.

– Xả do bất thiện dẫn dắt: Nghĩa là có một hữu tình, hoặc là vua hay ngang bậc vua, hoặc các quan đứng đầu, hoặc bậc tôn quý hay ngang bậc tôn quý, tự mình không thích làm các nghiệp ác như sát sanh v.v…, nhưng đám thuộc hạ lúc tạo nghiệp ác, tuy không đành lòng mà không can ngăn, cũng không an trú trong Tỳ-nại-da. Do buông bỏ bèn tạo nghiệp ác. Kẻ ấy, đối với nghiệp này, hiện tiền hiểu biết rõ, không phải là không hiện tiền. Lại trụ nơi xả, tìm cầu xem xét, tạo phương tiện ác. Lại đối với các ác đắm chấp không đoạn, dẫn phát nơi xả. Lại, lúc ở nơi pháp bất thiện hiện tiền phát khởi thọ nhận giữa chừng không khổ không lạc.

– Hoan: Là hạnh thanh tịnh từ xưa nay, quán xét về địa tư lương nơi hạnh tịnh được tu tập, trước tiên là không hối, ý an ổn, tâm vui thích, tánh hân hoan tột bậc.

– Hỷ: Là chính thức tu tập, phương tiện là trước tiên, tâm vui thích sâu xa, tánh hân hoan tột bậc.

– An: Là lìa thân thô trọng, tâm tánh điều hợp.

– Lạc: Là do tâm điều hợp như vậy, nên được thân tâm an lạc không tổn hại, an lạc giải thoát. Do lìa tánh thô trọng của phẩm ấy, nên đối với các phiền não đạt được giải thoát.

– Tam-ma-địa: Nghĩa là ở nơi đối tượng duyên, quán xét đúng dắn, đạt tánh tâm một cảnh. Đức Thế Tôn, ở trong phương tiện vô lậu, trước giảng nói về Tam-ma-địa, sau nói về giải thoát. Do Tam-ma-địa khéo thành tựu diệu lực viên mãn, nên đối với các phiền não tâm vĩnh viễn giải thoát, ở trong phương tiện hữu lậu, trước nói giải thoát, sau nói Tam-ma-địa. Do chứng đắc quả của tác ý cứu cánh của phương tiện, phiền não đoạn trừ rồi mới đạt được Tam-ma-địa căn bản. Hoặc có khi đồng thời thuyết giảng Tam-ma-địa cùng với giải thoát. Nghĩa là tức đối với tác ý cứu cánh của phương tiện ấy cùng trong Tam-ma-địa của đạo vô gián, do Tam-ma-địa và sự giải thoát kia cùng lúc đạt được.

Lại nữa, ở trong chướng ngại của các tĩnh lự, đẳng chí, lược có năm thứ ngăn che, lúc sắp chứng đắc các pháp ấy, có thể tạo chướng ngại. Những gì là năm? Đó là:

  1. Ngăn che do tham dục.
  2. Ngăn che do sân hận.
  3. Ngăn che do hôn trầm, thùy miên.
  4. Ngăn che do trạo cử, ố tác.
  5. Ngăn che do nghi.

– Tham dục: Là đối với năm dục diệu, theo đuổi tướng tịnh, muốn thấy muốn nghe, cho đến muốn tiếp xúc, hoặc theo sự nhớ nghĩ, tìm xét, lưu luyến chỗ đã lãnh nhận trước.

– Sân hận: Nghĩa là, hoặc nhân nơi người đồng phạm hạnh nêu bày chỗ sai phạm của mình, hoặc nhân nhớ nghĩ về tướng giận dữ của sự việc không lợi ích nơi chỗ từng trải qua ngày trước, tâm sanh phẫn nộ. Hoặc đang muốn tạo việc không lợi ích, đối với tướng giận dữ đang được biểu hiện, phần nhiều theo sự tìm xét, tâm sanh phẫn nộ.

– Hôn trầm: Nghĩa là hoặc do hủy hoại giới tịnh v.v…., tùy theo một hành thiện, không giữ gìn căn môn, ăn uống không biết lượng, không tinh tấn giảm bớt ngủ nghỉ, trụ trong bất chánh tri mà có tạo tác, đối với sự tu tập đoạn trừ phiền não không siêng năng gia hạnh tùy thuận, sanh khởi hết thảy phiền não, thân tâm tối tăm, mờ mịt, tánh không thể gắng nhận.

– Thùy miên: Tức là tâm hết sức mê muội, yếu ớt, thuận theo việc sanh phiền não. Đoạn, hoại gia hạnh là tánh của hôn trầm. Tâm hết mực mê muội là tánh của thùy miên. Vì thế, hai thứ này hợp lại gọi là một thứ ngăn che (cái).

Lại, tánh tối tăm, không thể gắng nhận, gọi là hôn trầm. Tánh tối tăm, tâm hết sức yếu ớt, gọi là thùy miên. Do hôn trầm ấy, lúc sanh các phiền não, tùy phiền não, không có duyên gần nào cả, như thùy miên, các phiền não và tùy phiền não khác, nên hoặc có thể sanh, nên hoặc không sanh. Nhưng nếu tối tăm sanh, thùy miên nhất định đều khởi.

– Trạo cử: Nghĩa là, do nơi tầm tư về thân thuộc, tầm tư về cõi nước, tầm tư về sự bất tử, hoặc theo sự nhớ nghĩ về các sự việc đã làm nơi các chốn từng trải qua trong quả khứ, như đùa giỡn, vui chơi, tâm sanh náo động, tánh bồng bột, bồn chồn.

– Ố tác: Là do nơi tầm tư về thân thuộc v.v… nên tâm sanh hối tiếc. Như cho là: Ta vì sao phải ly biệt thân thuộc? Do đâu không đến cõi nước như thế? Do đâu phải từ bỏ cõi nước như thế để đến nơi này, ăn các thức ăn như vậy, uống các thức uống như vậy? Chỉ có được y phục, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, vật dụng nuôi thân như vậy? Ta vốn do đâu mà tuổi nhỏ xuất gia, sao không đợi đến lúc già yếu? Hoặc do nơi sự nhớ nghĩ các việc như vui đùa v.v… ở chỗ từng trải qua trước đây v.v…, nên sanh hối hận… Do vô số các nhân duyên như thế nên sanh tâm sầu, tiếc, ố tác. Vì trạo cử trước, cùng với ố tác này xứ sở giống nhau, nên hợp nói là một thứ ngăn che (cái).

Lại, đối với sự việc nên làm, không nên làm, theo chỗ ứng hợp, hoặc đã từng làm, hoặc chưa từng làm, tâm sanh hối tiếc: Vì sao ta trước đây, việc nên làm không làm, việc không nên làm lại làm? Trừ loại ố tác do hối tiếc việc trước sanh ra, sự tròi buộc của ố tác này vẫn chưa có thể xả bỏ, sau đấy lại sanh tâm sầu, luyến nối tiếp không gián đoạn, là ố tác hối tiếc. Đây lại là một thứ ố tác sai biệt. Thứ nữa, loại ố tác không phải xứ được sanh ở trước và ố tác sau, tuy cùng với trạo cử, về nơi chốn không đồng, nhưng cũng cùng náo động, hối hả bồn chồn như trạo cử, nên ở đây cũng là tướng sầu, tiếc. Do đó, cùng với trạo cử hợp nói là một thứ ngăn che (cái).

– Nghi: Nghĩa là đối với thầy, đối với pháp, đối việc học, việc dạy, và ở trong chỗ chứng đắc, sanh tâm nghi hoặc. Do tâm mang nghi hoặc như vậy, nên không thể hướng nhập vào phương tiện dũng mãnh nơi tịch tĩnh chánh đoạn. Lại, đối với quá khứ hiện tại vị lai và các đế như khổ v.v… sanh khởi nghi ngờ, tâm ôm giữ hai phần: mê mờ không hiểu rõ và do dự ngờ vực.

Hỏi: Sự ngăn che do tham dục ấy, dùng gì làm thức ăn?

– Đáp: Có tướng tịnh diệu, và ở nơi tướng ấy, không chánh tư duy, lại được tạo tác nhiều, lấy đó làm thức ăn.

Tướng tịnh diệu: Là tướng của các dục thắng diệu bậc nhất. Nếu có thể đổi với các dục ấy xa lìa tâm nhiễm, thì đối với các dục thấp kém khác cũng được lìa nhiễm. Như chế ngự được sức mạnh thì các sức yếu kém khác tự khuất phục. Đây lại là thế nào? Nghĩa là tướng tịnh khả ái thuộc tám xứ trên thân người nữ, do tám xứ này, người nữ ràng buộc người nam. Đó là ca, múa, cười, liếc mắt, dung mạo đẹp đẽ, dáng đi tới lui, tiếp xúc êm dịu, theo đúng lễ. Do nhân duyên này nên các tham dục vốn có, chưa sanh khiến sanh, sanh rồi thì khiến tăng trưởng, nên gọi là thức ăn.

Hỏi: Sự ngăn che do tham dục ấy lấy gì làm không phải thức ăn?

– Đáp: Có tướng bất tịnh và đối với tướng ấy tác ý đúng như lý, tu tập nhiều lượt, lấy đó làm “chẳng phải thức ăn”.

Việc này lại là thế nào? Đấy là những tướng xanh bầm v.v… Nếu quán thân này có vô số thứ tạp uế bất tịnh hiện khắp, gọi là quán tướng bất tịnh của nội thân. Lại quán các tướng xanh bầm v.v… bên ngoài với vô số bất tịnh, gọi là quán tướng bất tịnh của ngoại thân. Do quán hai tướng bất tịnh ấy nên các tham dục chưa sanh khiến chúng không sanh, đã sanh rồi thì có thể đoạn trừ, nên gọi “chẳng phải là thức ăn”.

Do đối với tướng ấy tác ý đúng như lý, nên ngăn chặn khiến tham dục không sanh. Vì tu tập nhiều lượt, nên phiền não đã sanh thì có thể đoạn trừ. Trong phẩm Hắc ở trước, do đối với tướng ấy tư duy không đúng nên tham dục chưa sanh khiến sanh, vì luôn gây tạo nên tham dục càng thêm tăng rộng.

Hỏi: Ngăn che do sân hận dùng gì làm thức ăn?

– Đáp: Có tánh giận dữ, có tướng giận dữ, và đối với tướng ấy tư duy không đúng đắn, nhiều lượt gây tạo, lấy đó làm thức ăn. Dựa nơi vô số sự việc không lợi ích, tâm sanh não hại, gọi là tánh giận dữ. Sự việc không lợi ích, gọi là tướng giận dữ. Đối nơi chín sự như vậy đều gọi là thức ăn của ngăn che do sân hận.

Hỏi: Ngăn che do sân hận ấy, dùng gì làm chẳng phải thức ăn?

– Đáp: Có hiền thiện nhân từ, cùng đối với tướng ấy tác ý đúng như lý, tu tập nhiều lượt, dùng đấy làm “chẳng phải là thức ăn”.

Lại, tướng của sự từ thiện ấy, là luôn nhằm đem lại an lạc cho kẻ khác, thuộc về tu lực. Vì tác ý thuộc về lực suy xét lựa chọn, nên điều phục chín thứ não hại, do đấy có thể đoạn trừ sự ngăn che do sân hận.

Trong kinh chỉ nói đây là “chẳng phải thức ăn”.

Hỏi: Sự ngăn che do hôn trầm-thùy miên lấy gì làm thức ăn?

– Đáp: Các tướng đen tối, và đối với tướng ấy tư duy không đúng, tạo tác nhiều lần, lấy đó làm thức ăn.

Hỏi: Sự ngăn che ấy lấy gì làm “chẳng phải thức ăn”?

– Đáp: Có tướng ánh sáng, và đối với tướng ấy tác ý đúng như lý, nhiều lượt tu tập, lấy đó làm “không phải thức ăn”.

Ánh sáng có ba thứ:

  1. Ánh sáng đối trị tối tăm.
  2. Ánh sáng của pháp.
  3. Ánh sáng dựa nơi thân.

Ánh sáng đối trị tối tăm lại có ba thứ:

Một là: Ở ban đêm, như trăng sao.

Hai là: Tại ban ngày, như ánh sáng mặt Trời.

Ba là: Ở cả hai phần, như lửa, châu báu.

Ánh sáng của pháp: Như có một hữu tình, theo chỗ thọ nhận, tư duy, tiếp xúc, quan sát các pháp, hoặc lại tu tập, theo đấy mà niệm Phật.

Ánh sáng dựa nơi thân: Nghĩa là các hữu tình tự nhiên có ánh sáng nơi thân.

Nên biết loại ánh sáng thứ nhất đối trị ba thứ tối tăm:

  1. Tối tăm của ban đêm.
  2. Tối tăm do mây phủ.
  3. Tối tăm do ngăn che.

Như hang động nhà ở.

Ánh sáng của pháp có thể đối trị ba thứ tối tăm: Do nhận biết không đúng như thật về các pháp, nên đối với quá khứ hiện tại vị lai, sanh nhiều nghi hoặc, đối với Phật pháp v.v… cũng lại như vậy. Ở đây vô minh và nghi cùng gọi là tối tăm. Lại quan sát chứng thực, có thể đối trị sự tối tăm của hôn trầm, thùy miên, do có thể làm sáng tỏ tánh của các pháp.

Hỏi: Sự ngăn che do trạo cử, ố tác dùng gì làm thức ăn?

– Đáp: Các tầm tư hiện có luôn nhớ nghĩ đối với thân thuộc v.v…, đối với các việc vui đùa v.v… của các chốn từng trải qua, và ở nơi tướng ấy không chánh tư duy, luôn gây tạo nhiều, lấy đó làm thức ăn.

– Tầm tư về thân thuộc: Là do nơi thân thuộc hoặc thạnh hoặc suy hoặc lìa hoặc hợp, phát khởi hành mừng, buồn, tâm sanh trù liệu lo lắng.

– Tầm về cõi nước: Tức do nơi cõi nước có tướng thạnh suy v.v… nói rộng như ở trước.

– Tầm tư về sự bất tử: Là nhân nơi các sự việc tạo tác hoặc lợi tha nơi các hữu của tuổi trẻ và tuổi già yếu, phát khởi hành vui mừng, lo buồn, tâm sanh lo lắng, tính toán.

Hỏi: Sự ngăn che ấy dùng gì làm “chẳng phải thức ăn”?

– Đáp: Có xa ma tha (chỉ) và đối với tướng ấy tác ý đúng như lý, tu tập nhiều lượt, dùng đấy làm “chẳng phải thức ăn”.

Xa-ma-tha: Nghĩa là chín thứ trụ tâm và các pháp thuộc về phẩm Xa ma tha. Tức đối với các pháp nơi tự, tha, hoặc thạnh hoặc suy, có thể do chán tâm sanh chán lìa, kinh sợ về điều xấu ác hèn kém, an trụ nơi tịch tĩnh.

Hỏi: Sự ngăn che do nghi lấy gì làm thức ăn?

– Đáp: Có tướng quá khứ hiện tại vị lai, cùng đối với tướng ấy không tư duy đúng đắn, gây tạo nhiễm, lấy đó làm thức ăn.

Nghĩa là nêu: Ta ở nơi quá khứ là có hay là không? Nói rộng như trước.

Tư duy không đúng đắn: Là tư duy chỗ thuộc về xứ không thể tư duy.

Xứ không thể tư duy: Tức tư duy về ngã, tư duy về hữu tình, tư duy về thế gian.

Nếu ở nơi tự xứ, dựa nơi thế gian sai biệt. Tư duy về tướng ngã, gọi là tư duy về ngã. Nếu ở nơi tha xứ, gọi là tư duy về hữu tình. Nếu đối với thế gian của hữu tình và xứ của khí thế gian, gọi là tư duy về thế gian. Đó là thế gian là thường, là vô thường, là cũng thường cũng vô thường, là chẳng phải thường chẳng phải vô thường v.v…

Hỏi: Sự ngăn che do nghi ấy, lấy gì làm “chẳng phải thức ăn”?

– Đáp: Có duyên nơi duyên khởi và đối với tướng ấy tác ý đúng như lý, tu tập thường xuyên, lấy đó làm “chẳng phải thức ăn”.

Do vì quán xét thấy rõ về nghi, chỉ có nơi pháp và chỉ là nhân của pháp, chỉ có nơi khổ và chỉ là nhân của khổ, tất cả tướng bất chánh hiện có làm duyên, vô minh đối với cảnh của ba đời, chưa sanh, thì chẳng sanh, đã sanh rồi thì có thể đoạn trừ. Nếu không đúng như lý mà tác ý gượng ép, hoặc đúng như lý mà không tác ý, thì gọi chung cả hai thứ ấy là tư duy không đúng đắn. Nếu ở trong sự đúng đắn, ứng hợp đạo lý, nên biết nơi ấy gọi là như lý. Đó là, ở trong tối tăm tạo tưởng về ánh sáng. Do phương tiện ấy nên tác ý như lý, chẳng phải là không như lý. Đối với nơi chốn khác, cũng có tác ý như lý khác.

Lại nữa, nơi Tĩnh lự thứ nhất gồm đủ năm chi: Tầm, tứ, hỷ, lạc và tâm cảnh một tánh.

Tĩnh lự thứ hai có bốn chi:

  1. Bên trong cùng tịnh.
  2. Hỷ.
  3. Lạc.
  4. Tâm cảnh một tánh.

Tĩnh lự thứ ba có năm chi:

  1. Xả.
  2. Niệm.
  3. Chánh tri.
  4. Lạc.
  5. Tâm cảnh một tánh.

Tĩnh lự thứ tư có bốn chi: 1

  1. Xả thanh tịnh.
  2. Niệm thanh tịnh.
  3. Thọ không khổ không lạc.
  4. Tâm cảnh một tánh.

Trong Tĩnh lự thứ nhất: tầm tứ là đối tượng duyên của thủ. Tamma-địa là chỗ dựa của tĩnh lự ấy, hỷ là cảnh giới của thọ, lạc là diệt trừ mọi thô trọng.

Nơi Tĩnh lự thứ hai: Bên trong cùng tịnh là đối tượng duyên của thủ. Tam ma địa là chỗ dựa của tĩnh lự ấy, phần còn lại như đã nêu ở trước.

Nơi Tĩnh lự thứ ba: Xả, niệm, chánh tri là đối tượng duyên của thủ. Tam ma địa là chỗ dựa của tĩnh lự ấy, phần còn lại như trước.

Trong Tĩnh lự thứ tư: Xả tịnh, niệm tịnh là đối tượng duyên của thủ. Tam ma địa là chỗ dựa của tĩnh lự ấy, phần còn lại như trước.

Nơi các tĩnh lự, tuy có pháp khác, nhưng pháp ấy là hơn hẳn, nên đối với người tu tịnh là ân trọng, do vậy lập riêng làm chi.

Hỏi: Do nhân duyên gì, ở trong Tĩnh lự thứ nhất có tầm có tứ?

– Đáp: Do tĩnh lự ấy có thể khiến lo chán về cõi Dục muốn nhập vào Tĩnh lự thứ nhất. Lên Tĩnh lự thứ hai, mới có thể quán xét về lỗi của chúng. Vì thế gọi là tầm tứ vắng lặng. Như nơi Tĩnh lự thứ hai đã thấy rõ lỗi lầm của tầm tứ, nên gọi là tầm tứ tịch tĩnh. Cũng vậy, nơi Tĩnh lự thứ ba thấy rõ lỗi lầm của hỷ, nên gọi là hỷ tịch tĩnh. Tĩnh lự thứ tư thấy rõ lỗi lầm của lạc, nên gọi là lạc tịch tĩnh, là xả, niệm thanh tịnh. Sự sai biệt của các tĩnh lự nên biết là như thế.

Lại nữa, các tĩnh lự này về tên gọi có sai biệt. Hoặc gọi là tâm tăng thượng, tức do lực tăng thượng thanh tịnh của tâm suy xét đúng đắn. Hoặc gọi là lạc trụ, vì ở trong ấy thọ nhận lạc tột bậc. Vì sao? Vì dựa vào các tĩnh lự, hành giả lãnh thọ các lạc của hỷ, của an, của xả, của thân tâm. Lại, người đạt được định, đối với các tĩnh lự thường thường xuất nhập, lãnh thọ an lạc trụ nơi hiện pháp. Do ở trong định ấy lãnh thọ lạc trụ nơi hiện pháp hiện tiền, nên từ định ấy khởi rồi, nói: “Ta đã thọ nhận lạc trụ như vậy”. Nơi định vô sắc thì không thọ nhận như thế, do đấy không nói định ấy là lạc trụ. Nhưng hành giả đã ra khỏi định ấy rồi, nên chính thức nêu rõ. Vì sao? Vì như có vị Bí-sô, đến chỗ vị Bí-sô A-luyện-nhã (tu nơi vắng lặng) kia thưa hỏi, nếu không đáp thì sẽ sanh nghi vấn: Bí-sô A-luyện-nhã này, vì sao gọi là A-luyện-nhã? Nay tôi tìm đến thưa hỏi việc vị ấy đã vượt cõi Sắc, đạt tới chỗ giải thoát tịch tĩnh của cõi Vô sắc, lại không thể ghi nhớ gì cả! Do đó nên nói, nhập nơi tịnh vô sắc kia không phải là lạc trụ.

Hoặc lại gọi tĩnh lự kia là Niết bàn phần, cũng được gọi là Niết bàn sai biệt. Do các phiền não được đoạn trừ một phần, không phải là quyết định, nên gọi tĩnh lự ấy là Niết bàn phần, không phải là Niết bàn cứu cánh, nên gọi là Niết bàn sai biệt.

Lại nữa, bốn tĩnh lự này, cũng được gọi là “ra khỏi các thọ”.

Nghĩa là Tĩnh lự thứ nhất ra khỏi ưu căn. Tĩnh lự thứ hai ra khỏi khổ căn. Tĩnh lự thứ ba xuất ly hỷ căn. Tĩnh lự thứ tư xuất ly lạc căn, ở trong vô tướng xuất ly xả căn. Như Đức Bạc-già-phạm, trong kinh Vô Đảo, nói: “Này Bí-sô! Ưu căn đã sanh, phải nên nhận biết đúng như thật về sự sanh ấy, ở nơi phần vị nào? Tức đối với phần vị đó, biết phương tiện đoạn trừ. Nếu là ưu căn làm gián đoạn sự nối tiếp của tâm, bấy giờ nên nhận biết, lại nên kết hợp với nhân duyên ấy, và chỗ nêu bày hoặc tướng hoặc hành, đều nhận biết đúng như thật.

Thế nào là nhận biết về nhân? Là biết rõ về sự tương tục của chủng tử ấy.

Thế nào là nhận biết về duyên? Đó là biết rõ về trợ bạn, về chỗ dựa, về chỗ không tùy thuộc của chủng tử ấy.

Thế nào là nhận biết về chỗ nêu bày? Nghĩa là nhận biết ưu căn nhờ vào sự việc ấy mà sanh, tức là có thể phát khởi tướng của ưu căn cùng chủng tử vô tri.

Thế nào là nhận biết về tướng? Nghĩa là biết rõ đây là hành tướng lo buồn.

Thế nào là nhận biết về hành? Là nhận biết rõ đây là những thứ hành có thể phát khởi, tức tác ý không như lý tương ưng với tư. Nhận biết như thế rồi, ở trong nẻo xuất ly, hết sức ngăn giữ tâm. Thế nào là ngăn giữ? Nghĩa là đối với các hành nhiễm ô, phải chế ngự, thâu giữ tâm, ở nơi tu tư duy luôn an trụ, giữ vững. Lại ở trong ấy, diệt tận trọn vẹn, cho đến cứu cánh, nghĩa là diệt trừ tùy miên, diệt trừ các triền (trói buộc).

Tĩnh lự thế gian chỉ có thể xả bỏ dần phần thô trọng của phẩm ấy, không nhổ bật được chủng tử. Nếu khác với tĩnh lự đó, tức chủng tử vĩnh viễn được nhổ bật hết, về sau không còn sanh. Tĩnh lự vô lậu, cả hai thứ (thô trọng và chủng tử) đều xả bỏ, như vậy ở chỗ khác, tùy theo sự ứng hợp, nên biết.

Hỏi: Do những tướng gì để nhận biết về ưu căn?

– Đáp: Do hoặc tướng nhiễm ô, hoặc tướng thiện cùng hiện hành với dục xuất ly.

Khổ căn: Hoặc do lực tăng thượng của tự thân, hoặc do lực tăng thượng của thân lao nhọc, hoặc do lực tăng thượng của lửa đốt, hoặc do lực tăng thượng của kẻ khác bức bách, các bậc lìa dục hãy còn sanh khởi.

Hỷ căn: Nghĩa là trong Tĩnh lự thứ hai, tức lãnh vực của Tĩnh lự thứ hai thâu tóm.

Lạc căn: Nghĩa là trong Tĩnh lự thứ ba, tức thuộc về cảnh giới của tĩnh lự này.

Hỏi: Do đâu khổ căn, ở trong Tĩnh lự thứ nhất nói là chưa đoạn?

– Đáp: Do phần thô trọng của phẩm ấy cũng chưa đoạn.

Hỏi: Vì sao sanh nơi Tĩnh lự thứ 1, khổ căn chưa đoạn mà không hiện hành?

– Đáp: Do vì trợ bạn của khổ căn cùng đối hợp, các khổ được gồm thâu vào ưu căn, tức ưu căn đã đoạn. Nếu Tĩnh lự thứ nhất đã đoạn khổ căn, tức là hành giả nhập vào Tĩnh lự thứ nhất và giai đoạn thứ hai, an trụ nơi chỗ tạo tác của thọ, không có sai biệt. Do cả hai cùng có hỷ và lạc, mà trong kinh nói: Vì ra khỏi các thọ, nên tĩnh lự có sai biệt. Lại, ở đây chính là không có tầm tứ tịch tĩnh, vì phần thô trọng đã đoạn diệt, tức chỗ tạo tác dị biệt.

Như vậy, là nơi các căn còn lại, phần thô trọng nơi phẩm kia đã dần dần được đoạn trừ, nên sự đoạn trừ của các tĩnh lự trên có sai biệt.

Lại, vô tướng: Trong kinh nói là định của tâm vô tướng. Ở trong định ấy, xả căn vĩnh viễn được diệt trừ, chỉ do việc dứt bỏ tùy miên nên phần thô trọng của phẩm kia được đoạn trừ hoàn toàn, không phải là diệt các triền (trói buộc) hiện hành. Trụ nơi định vô tướng, tất có thọ, nên ở trong định này gồm có ba thọ: là hỷ, lạc và xả. Nhưng chẳng phải các thọ kia có thể có tùy miên, do phiền não đoạn, nên nói là được đoạn. Phần thô trọng của phẩm kia gọi là tùy miên.

Lại, xả căn này cho đến xứ nào? Nên biết khởi đầu từ Tĩnh lự thứ tư, cho tới cõi Hữu đảnh.

Lại nữa, năm căn xuất ly, vô tướng là sau rốt, cùng với năm thứ cảnh giới thuận xuất ly kia, lần lượt cùng thâu tóm, ở đây, do dục, sân, hai xuất ly, tức nói cho đến lạc căn xuất ly. Do sắc xuất ly, nên nói xả căn của Tĩnh lự thứ tư xuất ly. Do Tát-ca-da (thân) diệt, tức nói hết thảy xả căn của cõi Vô sắc xuất ly.

Nói thuận xuất ly, có những nghĩa nào? Do vì trụ ở đấy có thể xuất ly nên gọi là thuận xuất ly, không nói do đây xuất ly khỏi nơi kia, vì những bậc lìa dục, nên nói cảnh giới này.

Hỏi: Các thứ dục, sân, hại, nơi định đồng thời đoạn trừ, vì sao kiến lập phần xuất ly riêng?

– Đáp: Các sự xuất ly ấy tuy lại đồng thời, nhưng căn cứ theo sự tu tập đối trị có sai biệt, nên nêu rõ có ba thứ xuất ly sai biệt.

Đối trị sai biệt: Nghĩa là bất tịnh, từ bi, như chỗ thứ lớp, hoặc có khi chỉ tu bất tịnh, xuất ly tất cả. Hoặc từ, hoặc bi. Vì vậy nói riêng về ba thứ xuất ly. Trên đây chỉ có một loại đối trị, nên phần xuất ly sau không có sai biệt.

– Thế nào là kiến giải sắc bén đều theo niệm dục? Đó là do tác ý quan sát, tác ý đối với sự việc thù thắng, tác ý đối với dụng công mãnh liệt.

– Thế nào là ở trong các dục, tâm không hướng nhập? Nghĩa là ở nơi xứ ấy, không thấy các công năng hơn hẳn.

– Thế nào là không đẹp đẽ? Đó là ở nơi xứ ấy không sanh vui thích.

– Thế nào là không trụ? Tức là ở nơi xứ ấy không thích thọ dụng vì vui mừng.

– Thế nào là không có thắng giải? Đó là ở nơi xứ ấy không thích chấp giữ tướng không đúng như lý.

– Thế nào là khô héo? Nghĩa là tuy buông thả nhưng không thư thái.

– Thế nào là tan hoại? Tức là giữ lấy cảnh, tìm cầu rồi lại từ bỏ.

– Thế nào là không được thư thái? Nghĩa là nơi đối tượng duyên, tuy khiến trụ mạnh mẽ, nhưng không yêu thích.

– Thế nào là cùng trụ nơi xả? Là hành theo phần vị bình đẳng. Ở trong phần vị bình đẳng, tâm kết hợp với quán.

– Những gì là nhàm chán? Đó là đối với cảnh nhận thức sâu xa về các thứ lỗi, họa, dứt bỏ làm tánh. Đây lại có ba thứ: là vô thường, khổ và pháp biến hoại.

– Những gì là ghét bỏ? Đó là do đối nơi cảnh, đầu tiên thấy rõ về chỗ lỗi, họa, dứt bỏ làm tánh.

– Những gì là lìa trái? Là do ở trong cảnh ấy, thấy rõ các lỗi lầm, tai họa. Từ bỏ làm tánh.

– Những gì là bỏ đi? Là do đối với cảnh ấy, sau khi thấy rõ các lỗi, họa. Từ bỏ làm tánh. Cùng với các thứ ấy trái ngược, tức là ở nơi nẻo lìa dục, tác ý hướng nhập. Nghĩa là, ở nơi xứ ấy, thấy rõ công đức thù thắng.

– Tốt đẹp: Tức là ở nơi xứ ấy, sanh khởi tin tưởng thanh tịnh, chứng nhận thuận hợp.

Trụ: Là ở nơi đối tượng duyên không lưu động, tán loạn.

Thắng giải: Do đối với xứ ấy không chuyển khởi nhiễm ô, đối với các phiền não được lìa mọi trái buộc. Vì ở trong hành từ bỏ như nhàm chán v.v… khi đang lưu chuyển tâm không bị ngăn ngại. Lại đối với xả, không còn dụng công.

Thế nào là tâm khéo đi tới? Đó là trụ nơi tác ý cứu cánh của phương tiện.

– Thế nào là khéo tu tập? Nghĩa là khéo tu tập các tác ý khác. Nên biết đây là nói về phần vị đoạn trừ và phần vị của nẻo phương tiện đoạn trừ.

Giải: Là giải thoát khỏi các thứ trói buộc.

Thoát: Là giải thoát khỏi tướng của đối tượng duyên.

Lìa hệ thuộc: Là giải thoát khỏi tùy miên.

Từ duyên nơi các dục, sanh khởi các lậu: Là các phiền não còn lại ở trong cõi Dục, trừ dục tham.

Hao, thiếu: Là nhân đấy sanh các hành ác sai biệt như cầm giữ binh khí, gậy gộc. Ở đây, hoặc tạo tác hoặc tăng trưởng.

Sanh nơi các cõi ác, bị thiêu đốt: Là do nơi nhân dục, ái, ăn uống ấy thiêu đốt thân tâm.

Não: Là do nhân ấy, hoặc sự vật biến hoại nên sanh sầu than, khổ não.

Ở nơi giải thoát ấy, vượt, lìa khỏi trói buộc: Nghĩa là, như thứ lớp ở trước, giải thoát khỏi tùy miên nơi đối tượng duyên của các thứ trói buộc.

– Thế nào là trọn không lãnh nhận duyên nơi các thọ kia? Đó là dựa vào cảnh giới của các dục theo niệm sắp đạt được, đang đạt được các thọ nhiễm ô không hiện hành trở lại, vì thân của chỗ dựa không bị các hoặc làm nhiễm ô, mà an trụ như hoa sen hồng, nước không thể bám.

Lại có sáu thứ cảnh giới thuận xuất ly: Như nơi kinh đã nói rộng. Đó là: “Ta đã tu từ, cho đến ta đã lìa các ngã mạn. Nhưng Ta còn bị mũi tên độc nghi hoặc làm cho tâm sầu muộn, rối loạn”. Vì thế, từ v.v… đối với sân, hại không phải là sự đối trị chính. Nên biết, vì xả bỏ các tà chấp như vậy, tức kiến lập cảnh giới ấy, trong đó, việc đối trị của lìa dục như sân v.v… có sai biệt. Do đấy, kiến lập tưởng của bốn loại đối trị trước. Quan sát đạo lý của Thánh trụ chứng đắc, nên kiến lập vô tướng.

Quan sát đạo lý chánh của cứu cánh, nên kiến lập cảnh giới thứ sáu. Từ đối trị sân, nên hành không tổn hại chuyển khởi. Bi đối trị hại, vì dứt trừ khổ của kẻ khác nên hành vui thích thù thắng chuyển khởi. Hỷ đối trị không vui thích, ở nơi sự việc vui thích của kẻ khác, hành tùy hỷ chuyển khởi. Xả đối trị tham, giận, nên hành cùng xả chuyển khởi. Vô tướng đối trị hết thảy các tướng vì tướng trái ngược nhau. Nếu lìa ngã mạn, thì ở trong chỗ tự giải thoát hoặc chứng đắc nhất định không nghi hoặc. Nên lìa ngã mạn là đối trị của ngã mạn. Các thứ xuất ly ấy, chắc chắn có thể xuất ly hết thảy mọi hành nghiệp bất thiện như sân hận v.v…, nên các lỗi lầm của giận dữ v.v… đều có thể hiện hành.

Lại, năm thứ cảnh giới thuận xuất ly trước, thì bốn thứ đầu thuộc về Thiên trụ. Một loại thứ năm thuộc về Thánh trụ. Nay ở đây, sáu thứ cảnh giới thuận xuất ly, bốn thứ trước là thuộc về Phạm trụ. Loại thứ năm, thứ sáu là thuộc về Thánh trụ.

Lại nữa, có thể vượt khỏi các lỗi lầm của giận dữ v.v…, nên gọi là xuất ly. Nơi lúc xuất ly, chính là có thể dựa cậy nên gọi là nương vào.

Đức Thế Tôn nói về nương dựa, lược có bốn thứ:

  1. Pháp là nương dựa, chẳng phải là người.
  2. Nghĩa là nương dựa, chẳng phải là văn.
  3. Kinh liễu nghĩa là nương dựa, chẳng phải là kinh không liễu nghĩa.
  4. Trí là nương dựa, chẳng phải là thức.

Bốn thứ nương dựa này, nhân vào đâu để kiến lập? là nhân vào bốn thứ Bổ-đặc-già-la (chúng sanh) sai biệt để kiến lập. Tức là:

Nhân nơi chỗ sai biệt của loại Bổ-đặc-già-la dua nịnh dối trá, nên kiếp lập loại nương dựa thứ nhất.

Nhân nơi sự sai biệt của loại Bổ-đặc-già-la thuận theo thế gian, nên kiến lập loại nương dựa thứ hai.

Nhân nơi sự sai biệt của loại Bổ-đặc-già-la trụ nơi kiến thủ của mình, nên kiếp lập loại nương dựa thứ ba.

Nhân nơi sự sai biệt của loại Bổ-đặc-già-la cho nghe là hơn hết, nên kiến lập loại nương dựa thứ tư.

Nhân vì hàng dua nịnh dối trá nói, nếu, nên “pháp là nương dựa, chẳng phải là người”. Đây chính là cùng với kẻ kia bàn luận, phân biệt, quyết định chọn lựa, mới chứng đắc chánh trí, chẳng phải chỉ đối với kẻ kia, hiện oai nghi. Tức ở trong ấy lại có sai biệt, nghĩa là Phật nêu giảng về Bổ đặc già la cùng với các pháp, nên chỉ pháp là nương dựa, không phải là người.

Ngôn từ của thế tục không nên nắm giữ, tức pháp lại có hai loại là văn và nghĩa, chỉ nghĩa là nương dựa, chẳng phải là văn. Vì sao? Vì không nên chỉ mới nghe, cho là cứu cánh. Chính là phải ở nơi nghĩa tư duy, lường tính, quán xét kỹ. Kinh do Phật thuyết giảng, hoặc có loại liễu nghĩa, hoặc có loại không liễu nghĩa. Nên lúc quán xét nghĩa, kinh liễu nghĩa là nương dựa, không phải là kinh không liễu nghĩa. Đức Thế Tôn, hoặc có lúc giảng nói về cõi nương dựa, thức của phước, bất động, là đi tới cõi thiện. Hoặc có lúc giảng nói về trí của bốn Thánh đế, là hướng đến Niết-bàn, nên đối với lúc tu pháp, tùy pháp hành, chỉ trí là nương dựa, chẳng phải là thức. Vì tóm lược về mất không mất của bốn thời kỳ nên kiến lập bốn thứ Bổ-đặc-già-la. Đó là:

  1. Thời đắc pháp.
  2. Thời trụ trì.
  3. Thời quan sát nghĩa.
  4. Thời tu pháp tùy pháp hành.

Dựa nơi bốn thời, nên kiến lập bốn sự nương dựa.

Lại nữa, đã nói về an lập, nên biết ở trong các tĩnh lự ấy, hai thứ tác ý và đối tượng duyên đều có sai biệt.

Sai biệt của tác ý: Đó là bảy thứ tác ý căn bản và 40 tác ý khác.

Thế nào là bảy thứ tác ý căn bản? Tức là:

  1. Tác ý liễu tướng.
  2. Tác ý thắng giải.
  3. Tác ý viễn ly.
  4. Tác ý nhiếp lạc.
  5. Tác ý quan sát.
  6. Tác ý gia hạnh cứu cánh.
  7. Tác ý về quả của gia hạnh cứu cánh.

Thế nào là 40 thứ tác ý khác? Đó là:

  1. Tác ý duyên pháp.
  2. Tác ý duyên nghĩa.
  3. Tác ý duyên thân.
  4. Tác ý duyên thọ.
  5. Tác ý duyên tâm.
  6. Tác ý duyên pháp.
  7. Tác ý thắng giải.
  8. Tác ý chân thật.
  9. Tác ý hữu học.
  10. Tác ý vô học.
  11. Tác ý phi học phi vô học.
  12. Tác ý biến tri.
  13. Tác ý chánh đoạn.
  14. Tác ý đã đoạn.
  15. Tác ý về đối tượng duyên có phân biệt ảnh tượng.
  16. Tác ý về đối tượng duyên không phân biệt ảnh tượng.
  17. Tác ý về biên vực nơi đối tượng duyên.
  18. Về đối tượng duyên của việc làm đã hoàn thành.
  19. Tác ý thắng giải xét chọn.
  20. Tác ý tịch tĩnh.
  21. Tác ý tu một phần.
  22. Tác ý tu đủ phần.
  23. Tác ý vô gián.
  24. Tác ý ân trọng.
  25. Tác ý tùy thuận.
  26. Tác ý đối trị.
  27. Tác ý thuận thanh tịnh.
  28. Tác ý thuận quan sát.
  29. Tác ý gắng sức vận chuyển.
  30. Tác ý vận chuyển hữu gián.
  31. Tác ý vận chuyển có công dụng.
  32. Tác ý vận chuyển tự nhiên.
  33. Tác ý xét chọn.
  34. Tác ý nội nhiếp.
  35. Tác ý tịnh chướng.
  36. Tác ý nương dựa nơi đối tượng hành thành tựu, thanh tịnh.
  37. Tác ý do kẻ khác kiến lập.
  38. Tác ý bên trong thủ tăng thượng.
  39. Tác ý quảng đại.
  40. Tác ý biến hành.

Tác ý duyên pháp: Là tác ý tương ưng với tuệ do văn tạo thành.

Tác ý duyên nghĩa: Là tác ý tương ưng với tuệ do tư, tu tạo thành.

Tác ý duyên thân thọ tâm pháp: Là tác ý của người tu niệm trụ, tư duy đúng như lý về thân v.v…

Tác ý thắng giải: Là tác ý của người tu tĩnh lự, tùy chỗ mong muốn của mình, tạo sự tăng ích đối với các sự tướng.

Tác ý chân thật: Là tác ý của tư duy đúng như lý về tự tướng, cộng tướng và tướng chân như nơi các pháp.

Tác ý hữu học: Lược có hai thứ: Một là tự tánh. Hai là đại tự tánh tương tục. Nghĩa là tác ý của hữu học vô lậu. Tại tương tục: Là tác ý của hữu học về tất cả thiện.

Như Lai tác ý hữu học, nên biết hai thứ tác ý vô học cũng vậy.

Tác ý phi học phi vô học: Là tác ý của tất cả thế gian.

Tác ý biến tri: Là do tác ý nên nhận biết khắp về đối tượng duyên, nhưng không đoạn trừ hoặc.

Tác ý chánh đoạn: Là do tác ý ấy nên cùng tạo tác hai sự việc nhận biết khắp và đoạn trừ hoặc.

Tác ý đã đoạn: Là tác ý hiện có sau khi đoạn trừ phiền não.

Tác ý có phân biệt hình tượng nơi đối tượng duyên: Là do tác ý ấy, người tu Tỳ-bát-xá-na (quán) duyên nơi cảnh, phân biệt về thể.

Tác ý không phân biệt hình tượng nơi đối tượng duyên: Là do tác ý, người tu Xa-ma-tha (chỉ) duyên nơi cảnh, phân biệt về thể.

Tác ý về biên vực nơi đối tượng duyên: Là do tác ý ấy nên nhận biết rõ về biên vực nơi đối tượng duyên của thân thọ tâm pháp. Vượt quá giới hạn ấy thì không có thân thọ tâm pháp.

Tác ý về đối tượng duyên của sự việc đã thành tựu: Là tác ý: Ta tư duy như thế như thế. Nếu ta tư duy như vậy như vậy, sẽ có như thế như thế, sẽ thành tựu như vậy như vậy, cùng duyên nơi đối tượng duyên thanh tịnh.

Tác ý xét chọn thắng giải: Là do tác ý ấy nên hoặc có sự xét chọn đầu tiên về các pháp, hoặc cho Xa-ma-tha là đứng đầu.

Tác ý tịch tĩnh: Là do tác ý ấy, nên hoặc có được nơi tâm an định đầu tiên, hoặc cho Tỳ-bát-xá-na là đứng đầu.

Tác ý tu một phần: Là do tác ý ấy, nên đối với các pháp chỉ, quán, tùy thuận tu tập một phần.

Tác ý tu tập đủ phần: Là do tác ý ấy, hai thứ chỉ quán cùng tu.

Tác ý vô gián: Là tác ý ở nơi tất cả thời, nối tiếp chuyển khởi không gián đoạn.

Tác ý ân trọng: Là tác ý của phương tiện gia hạnh không chậm chạp.

Ở đây, do tác ý xét chọn thắng giải, nên tu tập thanh tịnh về tri kiến. Do tác ý tịch tĩnh, nên khinh an sanh trưởng. Do tác ý tu tập một phần, đủ phần, nên đối với các thứ ngăn che, tâm được giải thoát. Do tác ý vô gián, ân trọng, nên tâm được giải thoát đối với các kiết. Lại, do tác ý vô gián, nên hoàn toàn không luống công khi xả bỏ thân mạng. Do tác ý ân trọng nên mau chứng đạt thông tuệ.

Tác ý tùy thuận: Là do tác ý ấy nên chán dứt đối tượng duyên, thuận đoạn trừ phiền não.

Tác ý đối trị: Là do tác ý ấy, nên lúc đang dứt bỏ các hoặc giữ lấy việc đoạn trừ, khiến những phiền não nối tiếp xa lìa.

Tác ý thuận thanh tịnh: Là do tác ý ấy, nên tu 6 tùy niệm hoặc lại tư duy theo một sự vi diệu.

Tác ý thuận quan sát: Là do tác ý ấy, nên quán các phiền não đã đoạn, chưa đoạn. Hoặc lại quan sát về chỗ chứng đắc của mình và đạo lý của các pháp đã quán ở trước.

Tác ý gắng sức vận chuyển: Là tác ý hiện có lúc mới tu tập hành nghiệp, chưa được tác ý.

Tác ý vận chuyển hữu gián: Là tác ý hiện có của người tu gia hạnh đã được tác ý, đối với cho chậm chạp nêu trên.

Tác ý vận chuyển có công dụng: Là tác ý hiện có của người tu gia hạnh, đối với sự tinh tấn dũng mãnh ấy không có chậm chạp, trì trệ.

Tác ý vận chuyển tự nhiên: Là tác ý nơi bốn thời luôn quyết định:

Một là: Thời được tác ý.

Hai là: Thời đang nhập đã nhập định căn bản.

Ba là: Thời tu hiện quán.

Bốn là: Thời đang chứng đắc, đã chứng đắc A-la-hán.

Tác ý xét chọn: Là tác ý của phẩm Tỳ-bát-xá-na.

Tác ý nội nhiếp (thâu tóm bên trong): Là tác ý của phẩm Xa-matha.

Tác ý tịnh chướng: Là do tác ý ấy, nên dứt bỏ các lậu, vĩnh viễn loại trừ mọi thứ thô trọng.

Tác ý nương dựa nơi đối tượng hành thành tựu thanh tịnh: Là do tác ý ấy, nên dựa vào việc lìa bỏ mọi thô trọng nơi thân, tuy hành trì tất cả cảnh giới của đối tượng duyên, nhưng các phiền não không còn hiện hành.

Tác ý do kẻ khác kiến lập: Là tác ý hiện có của các Thanh văn, chính là từ âm thanh của kẻ khác, mới có thể nơi nội tâm tác ý đúng như lý.

Tác ý thủ tăng thượng bên trong: Là tác ý hiện có của các Độc giác và các Bồ tát, do không từ nơi thầy mà giác ngộ.

Tác ý rộng lớn: Là tác ý hiện có của các Bồ tát, vì khéo nhận biết

về mọi lỗi lầm của sanh tử, nên phát thệ nguyện rộng lớn, tạo phương tiện xuất ly, hướng tới Đại Bồ đề.

Tác ý biến hành: Là tác ý tương ưng với trí của chư Phật Thế Tôn hiện thấy tất cả không chướng ngại. Hoặc là tác ý hiện có của các Bồ tát, tới phương tiện thiện xảo, hiện hữu khắp ba thừa cùng thông đạt năm xứ học thuật.

Trong đây, tác ý liễu tướng: Thâu tóm tác ý duyên pháp, duyên nghĩa. Sáu thứ tác ý còn lại chỉ thâu tóm tác ý duyên nghĩa.

Tác ý duyên nơi bốn thứ cảnh là thân thọ tâm pháp thì có mặt khắp nơi bảy tác ý căn bản. Tác ý liễu tướng, thắng giải, quả của gia hạnh cứu cánh, thâu tóm chung các tác ý thắng giải, chân thật. Tác ý quan sát chỉ thâu tóm tác ý thắng giải.

Ba tác ý văn bản còn lại, chỉ thâu tóm tác ý chân thật.

Đây là dựa theo môn trước. Nếu dựa theo môn khác, nên biết tùy theo chỗ ứng hợp, bảy thức tác ý căn bản đều thâu tóm trong hai thứ: tác ý hữu học và tác ý phi học phi vô học, cũng thâu tóm tác ý vô học. Đó là tác ý liễu tướng của địa thanh tịnh và tác ý về quả của gia hạnh cứu cánh. Tác ý liễu tướng, thắng giải, quan sát thâu tóm tác ý biến tri.

Ba tác ý căn bản còn lại, thâu tóm tác ý chánh đoạn.

Tác ý về quả của gia hạnh cứu cánh, thâu tóm tác ý đã đoạn.

Tác ý quan sát, chỉ thâu tóm tác ý có phân biệt ảnh tượng nơi đối tượng duyên. Sáu tác ý căn bản còn lại thâu tóm chung hai loại: Tác ý về biên cực nơi đối tượng duyên (loại tác ý này thâu tóm khắp hết thảy) và tác ý về đối tượng duyên của việc làm đã hoàn thành. (Loại tác ý này, nếu dựa theo môn đầu thì thâu tóm khắp hết thảy. Dựa theo môn thứ hai thì chỉ thuộc về tác ý nơi quả của gia hạnh cứu cánh).

Tác ý xét chọn thắng giải trước hết là không thuộc về một loại tác ý căn bản nào, nhưng nếu Xa-ma-tha (chỉ) được xem là đứng đầu thì thâu tóm khắp tất cả. Hoặc tác ý tịch tĩnh trước tiên, nếu Tỳ-bát-xá-na (quán) được xem là đứng đầu, thì nên biết, cũng thế.

Sáu loại tác ý căn bản trước thâu tóm chúng hai tác ý tu một phần và tu đủ phần. Tác ý nơi quả của gia hạnh cứu cánh chỉ thâu tóm tác ý tu đủ phần. Tác ý vô gián, tác ý ân trọng thâu tóm khắp hết thảy. Tác ý tùy thuận thuộc về hai loại tác ý căn bản đầu (liễu tướng và thắng giải). Tác ý đối trị thuộc về hai tác ý căn bản là viễn ly và gia hạnh cứu cánh, cùng thuộc về một phần của tác ý nhiếp lạc. Tác ý thuận thanh tịnh  chỉ thuộc về một phần của tác ý nhiếp lạc. Tác ý thuận quan sát, đã đoạn chưa đoạn chỉ thuộc về tác ý quan sát. Đây là căn cứ theo chỗ đối trị đoạn trừ để nói, nếu căn cứ theo chỗ khác thì tùy nơi chốn ứng hợp, nên biết.

Tác ý gắng sức vận chuyển đều không thuộc về loại tác ý căn bản nào. Tác ý vận chuyển hữu gián và tác ý vận chuyển có công dụng đều thuộc về tác ý nhiếp lạc. Tác ý vận chuyển tự nhiên thuộc về hai loại tác ý gia hạnh cứu cánh và quả của gia hạnh cứu cánh. Tác ý xét chọn thuộc về tác ý liễu tướng. Tác ý nội nhiếp thuộc về tác ý thắng giải. Tác ý tịnh chướng thuộc về các tác ý viễn ly, nhiếp lạc, quan sát, gia hạnh cứu cánh.

Tác ý nương dựa nơi đối tượng hành thành tựu thanh tịnh, chỉ thuộc về tác ý nơi quả của gia hạnh cứu cánh.

Tác ý do kẻ khác kiến lập, tác ý thủ tăng thượng bên trong thuộc về tất cả bảy tác ý căn bản.

Tác ý rộng lớn đều không thuộc về tác ý căn bản nào. Tác ý biến hành đầu tiên (của Phật) là thuộc về tác ý nơi quả của gia hạnh cứu cánh. Lần thứ hai (của Bồ tát) là thuộc về hết thảy bảy tác ý căn bản.

Lại, tác ý liễu tướng, nếu thâu tóm tác ý do người khác kiến lập thì nhất định dùng sự lắng nghe âm thanh kẻ khác cùng bên trong tác ý như lý làm duyên. Nếu thâu tóm tác ý thủ tăng thượng bên trong thì chỉ lấy phần tư lương trước làm duyên.

Số tác ý còn lại, trước trước, sau sau chuyển đổi làm duyên cho nhau.

Lại nữa, thế nào là đối tượng duyên sai biệt? Đó là tướng sai biệt.

Những gì là tướng? Lược có bốn loại:

  1. Tướng đối tượng duyên.
  2. Tướng nhân duyên.
  3. Tướng nên xa lìa.
  4. Tướng nên tu tập.

Tướng đối tượng duyên: Là tướng của sự việc nơi đối tượng nhận thức phân biệt về thể.

Tướng nhân duyên: Là tư lương (hành trang) của định.

Tướng nên xa lìa: Lại có bốn thứ:

  1. Tướng hôn trầm.
  2. Tướng trạo cử.
  3. Tướng tán loạn.
  4. Tướng chấp trước.

Tướng nên tu tập: Nên biết là tướng đối trị bốn thứ trên.

Những gì là tướng hôn trầm? Là không giữ gìn căn môn, ăn uống không biết lượng, cả đêm không thường tỉnh ngộ siêng tu hành quán, trụ trong bất chánh tri, tánh là hành si, ham thích ngủ nghỉ, không có tuệ thiện xảo, ố tác cùng hiện hành. Nếu muốn chuyên tâm quán xét thì chưa từng tu tập Xa-ma-tha chân chính, đối với pháp Xa-ma-tha chưa được thuần thiện, nếu tư duy hoàn toàn về tướng Xa-ma-tha thì tâm tối tăm, ở nơi cảnh giới thù thắng không thích duyên hợp.

– Những gì là tướng trạo cử? Đó là tướng như không giữ gìn căn môn v.v… như trước đã nói rộng. Tánh là hành tham, ưa thích không tịch tĩnh, tâm không chán lìa, không có tuệ thiện xảo, cùng hành với trạo cử thái quá. Nếu muốn v.v… như trước, thì không từng tu pháp thích hợp, đối với pháp thích hợp, chưa hoàn toàn dốc sức tu tập. Do nơi vô số pháp thuận với trạo cử luôn tìm cầu về thân thuộc, khiến tâm động loạn.

– Những gì là tướng tán loạn? Đó là bốn tướng như không giữ gìn căn môn v.v… nên biết như trước. Tánh thuộc độn căn, nhiều cầu tìm lắm việc, tạo tác nhiều thứ, tánh là hành tầm tư, không có tuệ thiện xảo, không tâm chán bỏ, không tu tập xa lìa, ở nơi cảnh giới thù thắng không thích duyên hợp gần gũi chốn ồn ào, phương tiện luôn thiếu, không xét kỹ để biết rõ tướng loạn động không loạn động.

– Những gì là tướng chấp trước? Đó là bốn tướng như không giữ gìn căn môn, nên biết như trước đã nêu. Tánh là độn căn, tánh là hành ái, tánh nhiều phiền não, tư duy không như lý, không thấy các lỗi, họa. Lại, đối với phần tăng thượng, không có nhận thức xuất ly.

Đối trị các tướng nên xa lìa như thế, theo chỗ ứng hợp, nên biết tức là tướng nên tu tập.

Lại có 32 tướng. Đó là: 1. Tướng tự tâm. 2. Tướng bên ngoài. 3. Tướng chỗ dựa. 4. Tướng đối tượng hành. 5. Tướng tác ý. 6. Tướng tâm khởi. 7. Tướng an trụ. 8. Tướng tự tướng. 9. Tướng cộng tướng. 10. Tướng hô. 11. Tướng tịnh. 12. Tướng lãnh nạp. 13. Tướng phân biệt. 14. Tướng cùng hiện hành. 15. Tướng nhiễm ô. 16. Tướng không nhiễm ô. 17. Tướng phương tiện chân chánh. 18. Tướng phương tiện tà vạy. 19. Tướng ánh sáng. 20. Tướng quán sát. 21. Tướng định hiền thiện. 22. Tướng chỉ. 23. Tướng cử. 24. Tướng quán. 25. Tướng xả. 26. Tướng nhập định. 27. Tướng trụ định. 28. Tướng xuất định. 29. Tướng tăng. 30. Tướng giảm. 31. Tướng phương tiện. 32. Tướng dẫn phát.

– Thế nào là tướng tự tâm? Đó là như có Bí-sô, trước bị phiền não làm tâm nhiễm ô, nên ở nơi tự tâm, hết sức khéo giữ lấy tướng, như vậy như vậy, tâm có nhiễm ô, hoặc không nhiễm ô. Do phương tiện này, nên tâm ở trong chỗ chìm đắm v.v… Do phương tiện ấy, nên tâm không ở trong chỗ chìm đắm v.v… Nói chìm đắm v.v… Là bốn thứ tướng như hôn trầm v.v… cho đến khiến tâm có chướng ngại vướng mắc. Hoặc lại ở chỗ chìm đắm tâm bị nhiễm ô.

– Thế nào là tướng bên ngoài? Tức là ở nơi tâm bị nhiễm ô kia, biết rõ là tự tâm bị nhiễm ô rồi, bèn giữ lấy tướng bên ngoài, đó là tướng ánh sáng, hoặc tướng tịnh diệu, hoặc lại là tướng khác, vì muốn diệt trừ các phiền não, hoặc khiến các thứ hoặc kia không còn hiện hành.

– Thế nào là tướng chỗ dựa? Đó là tướng phân biệt về thể, tức là năm uẩn thuộc về tất cả tự thân, cùng tướng chủng tử.

– Thế nào là tướng đối tượng hành? Tức là tướng phân biệt về thể của đối tượng được tư duy về sắc cho đến pháp của các thế giới kia.

– Thế nào là tướng tác ý? Là tướng có chủ thể sanh tác ý, nên ở nơi đối tượng sanh của các cảnh giới kia, thức sanh khởi, tác tư duy như vầy: Nay ta nơi tâm này, do tác ý, nên đối với cảnh giới đã chuyển khởi, không phải là không tác ý. Về chỗ tư duy ấy, gọi là tướng tác ý.

– Thế nào là tướng tâm khởi? Tức như tướng vừa nói ở trước là một. Tướng thứ hai, là tướng của tâm duyên nơi hành, duyên nơi danh sắc. Chỗ tư duy ấy gọi là tướng tâm khởi.

– Thế nào là tướng an trụ? Đó là bốn thứ trụ. Tức thức theo sắc trụ v.v… như kinh đã nói rộng. Về chỗ tư duy ấy, gọi là tướng an trụ.

– Thế nào là tướng tự tướng? Đó là tự tướng của tự loại, hoặc tự tướng đều dị biệt. Về chỗ tư duy ấy gọi là tướng tự tướng.

– Thế nào là tướng cộng tướng? Đó là cộng tướng của các hành, hoặc cộng tướng hữu lậu, hoặc cộng tướng của tất cả pháp. Về chõ tư duy ấy, gọi là tướng cộng tướng.

– Thế nào là tướng thô? Là tất cả tướng thô của chỗ quán về địa dưới.

– Thế nào là tướng tịnh? Là hết thảy tướng tịnh của chỗ hành nơi địa trên.

– Thế nào là tướng lãnh nạp? Là tướng của các hành theo chỗ nhớ nghĩ về các nơi từng trải qua trong quá khứ.

– Thế nào là tướng phân biệt? Là tướng của các hành tư duy về vị lai.

– Thế nào là tướng cùng hiện hành? Là tướng của các hành phân biệt về hiện tại.

– Thế nào là tướng nhiễm ô? Đó là tướng ở nơi tâm có tham, tướng là tâm có tham, cho đến là tướng ở nơi tâm giải thoát bất thiện, tư duy là tâm giải thoát bất thiện.

– Thế nào là tướng không nhiễm ô? Đó là tướng trái ngược với tướng nhiễm ô, nên biết tức là tướng không nhiễm ô.

Ở đây đã xuất ly nơi đoạn, nếu không tu phương tiện, thì quán có tham v.v… Nếu tu phương tiện thì quán tóm lược về địa dưới v.v… Tâm có tham v.v… Là tâm tương ưng với tham. Hoặc lại theo đuổi phần thô trọng của phẩm tham. Như vậy, do triền và tùy miên, nên tâm bị nhiễm ô hết thảy. Nên biết, như chỗ ứng hợp, do có thể đối trị triền và tùy miên, nên trở thành không nhiễm ô.

– Thế nào là tướng chánh phương tiện? Đó là tướng của tướng nhân duyên nơi phẩm bạch tịnh của đối tượng tư duy.

– Thế nào là tướng phương tiện tà vạy? Là tướng của tướng nhân duyên nơi phẩm nhiễm ô của đối tượng tư duy. Là tướng tư duy như vậy như vậy, trụ nơi chỗ không giữ gìn căn môn, cho đến trụ nơi không chánh tri. Như vậy như vậy, tâm bị nhiễm ô.

– Thế nào là tướng ánh sáng? Tức là như có một hữu tình hành đối trị tối tăm. Hoặc nơi ánh sáng của pháp, ân cần, khẩn khoản tìm đến, khéo giữ lấy hình tướng, tư duy hết mực khéo léo. Như đối với phương dưới, nơi phương trên cũng vậy. Như thế, từ tướng đối trị các thứ tăm tối, kiến lập tướng ánh sáng.

– Thế nào là tướng quan sát? Nghĩa là có Bí-sô, ân cần, khẩn khoản tìm đến, khéo giữ lấy tướng ánh sáng ấy mà quan sát.

Đứng quán nơi ngồi: Tức là dùng chủ thể giữ lấy của hiện tại, quán về pháp nơi đối tượng giữ lấy của vị lai.

Ngồi quán nơi nằm: Là dùng chủ thể giữ lấy của hiện tại, quán về đối tượng giữ lấy của quá khứ.

Hoặc pháp ở hành sau quan sát hành trước: Nghĩa là dùng chủ thể giữ lấy của hành sau sau, quán pháp của chủ thể giữ lấy nơi hành trước trước. Đây là lược hiển bày về hai thứ pháp quán của chủ thể giữ lấy và đối tượng được giữ lấy.

– Thế nào là tướng định hiền thiện? Là tướng của chỗ tư duy về các màu xanh bầm v.v… nhằm để đối trị tham dục.

Vì sao tướng ấy được gọi là hiền thiện? Vì trong các thứ phiền não, tham là hơn hết. Ở nơi các tham, tham dục là hơn hết, sanh khởi các khổ. Do đó, tướng ấy là đối tượng duyên của việc đối trị tham dục, nên gọi là hiền thiện.

– Thế nào là tướng chỉ? Là tướng của chỗ tư duy không phân biệt về ảnh tượng.

– Thế nào là tướng cử? Là tướng thúc đẩy tâm giữ lấy theo một thứ tịnh diệu. Hoặc tướng của tướng ánh sáng.

– Thế nào là tướng quán? Là tướng của ba tuệ văn-tư-tu tư duy về các pháp.

– Thế nào là tướng xả? Là tướng đã được tâm bình đẳng, đối với các phẩm thiện, xả tăng thượng.

– Thế nào là tướng nhập định? Là tướng do nhân duyên nơi đối tượng duyên, nên tu tập, nhập nơi Tam-ma-địa, hoặc lại đạt được hiện tiền.

– Thế nào là tướng trụ định? Là tướng đối với các pháp kia, khéo léo giữ lấy, do đấy nên tùy theo chỗ mong muốn, ở nơi định được an trụ, đạt không thối chuyển.

– Thế nào là tướng xuất định? Là tướng của địa bất định phân biệt về chỗ không thâu gồm của thể.

– Thế nào là tướng tăng? Là tướng của đối tượng tư duy thuộc định khinh an, được tăng thêm rộng lớn bội phần.

– Thế nào là tướng giảm? Là tướng của đối tượng tư duy thuộc định khinh an, bị thối giảm, nhỏ hẹp.

– Thế nào là tướng phương tiện? Là tướng của hai nẻo, hoặc hướng tới chỗ tăng thêm rộng lớn, hoặc hướng tới chỗ thối giảm nhỏ hẹp.

– Thế nào là tướng dẫn phát? Là các tướng của đạo có thể dẫn phát tóm lược về nghĩa của văn cú rộng lớn. Hoặc tướng của trí diệu, nguyện không tranh, không ngại. Hoặc tướng của công đức tối thắng nơi các lực vô úy khác dựa vào Tam ma địa, và tướng của trí tuệ vi diệu có thể thông đạt về cú nghĩa sâu xa.

Lại nữa, các tướng như vậy, tức thuộc về bốn tướng căn bản ở trước. Nghĩa là:

Tướng đối tượng duyên: Thâu tóm đủ tất cả.

Tướng nhân duyên cũng vậy. Vì trước cùng với sau làm nhân duyên. Vì khiến các tướng sau, sau đạt được sự sáng, sạch.

Tướng chánh phương tiện, với tất cả loại biệt đều là tướng nhân duyên. Như tướng chánh phương tiện, tướng phương tiện tà vạy cũng thế. Một là tướng phẩm trắng. Hai là tướng phẩm đen, các tướng nhiễm ô chỉ nên xa lìa. Các tướng còn lại chỉ nên tu tập, nơi mọi thời, nên tu tập.