DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN

SỐ 1579

QUYỂN 09

Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi.
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Địa 3, 4, 5: ĐỊA CÓ TẦM CÓ TỨ 6

Lại nữa, thế nào là môn của nghiệp?

Ở đây, tóm lược có hai thứ:

  1. Môn cho quả.
  2. Môn tổn ích.

Môn cho quả có hai thứ:

– Một là: Cho quả dị thục.

– Hai là: Cho quả đẳng lưu.

– Ba là: Cho quả tăng thượng.

– Bốn là: Cho quả hiện pháp.

– Năm là: Cho quả tăng thượng do kẻ khác.

Cho quả dị thục: Nghĩa là đối với việc sát sanh đã gần gũi thực hiện, thực hiện nhiều, nên thọ nhận quả dị thục ở trong cõi Địa ngục. Như đối với sát sanh, đối với các nghiệp đạo bất thiện khác, cũng vậy. Đó gọi là cho quả dị thục.

Cho quả đẳng lưu: Nghĩa là, như kẻ ra khỏi cõi Địa ngục sanh, sanh lại nơi chốn này, trong chỗ đồng phận của loài người, thọ mạng ngắn ngủi, của cải vật dụng thiếu thốn, thê thiếp không trinh thuận, luôn gặp sự chê bai, bạn thân lìa bỏ, nghe tiếng trái ý, lời nói không chút uy lực, ba độc tham sân si tăng trưởng mãnh liệt. Đó gọi là cho quả đẳng lưu.

Cho quả tăng thượng: Do gần gũi gây tạo, gây tạo nhiều các nghiệp bất thiện, với sức tăng thượng, nên chỗ chiêu cảm nơi phần bên ngoài, vẻ tươi sáng là hết sức ít ỏi. Quả nhận lấy là không đầy đủ, quả có nhiều hư hoại, quả có nhiều biến đổi, quả có nhiều rơi rụng, quả không tốt đẹp, quả không thường hằng, quả không sung túc, quả không tiện nghi, hoàn toàn không có quả thật. Nên biết nghiệp thiện là trái ngược với các điều ấy.

Cho quả hiện pháp: Có hai nhân duyên khiến nghiệp thiện, bất thiện cho quả hiện pháp:

  1. Do mong muốn hiểu biết.
  2. Do sự việc.

Do mong muốn hiểu biết lại có tám thứ:

Một là: Mong muốn hiểu biết có luyến tiếc.

Hai là: Mong muốn hiểu biết không luyến tiếc.

Ba là: Mong muốn hiểu biết gây tổn não.

Bốn là: Mong muốn hiểu biết từ bi.

Năm là: Mong muốn hiểu biết ghét hại.

Sáu là: Mong muốn hiểu biết tin tịnh.

Bảy là: Mong muốn hiểu biết quên ân.

Tám là: Mong muốn hiểu biết biết ân.

– Mong muốn hiểu biết có luyến tiếc, tạo nghiệp bất thiện, thọ nhận quả hiện pháp: Nghĩa là như có một hữu tình, do tâm mong muốn hiểu biết tăng thượng, luyến tiếc nơi thân mình, luyến tiếc nơi tài sản, luyến tiếc các hữu, tạo nghiệp bất thiện.

– Mong muốn hiểu biết không luyến tiếc, tạo nghiệp thiện, thọ nhận quả hiện pháp: Tức như có một hữu tình, do mong muốn hiểu biết tăng thượng, không luyền tiếc nơi thân, không luyến tiếc về của cải, không luyến tiếc về các hữu, tạo tác nghiệp thiện.

– Mong muốn hiểu biết gây tổn não, tạo nghiệp bất thiện, thọ nhận quả hiện pháp: Nghĩa là như có một hữu tình, đối với Bổ-đặc-già-la hữu tình khác, dùng sự mong muốn hiểu biết gây tổn não phẩm tăng thượng, tạo nghiệp bất thiện.

– Mong muốn hiểu biết từ bi, tạo nghiệp thiện, thọ nhận quả hiện pháp: Nghĩa là như có một hữu tình, đối với Bổ-đặc-già-la hữu tình khác, dùng sự mong muốn hiểu biết từ bi phẩm tăng thượng, tạo tác nghiệp thiện.

– Mong muốn hiểu biết ghét hại, tạo nghiệp bất thiện, thọ nhận quả hiện pháp: Nghĩa là như có một hữu tình đối với Phật Pháp Tăng, cùng tùy theo một loại xứ tôn trọng, dùng sự mong muốn hiểu biết ghét hại phẩm tăng thượng, tạo nghiệp bất thiện.

– Mong muốn hiểu biết tin tịnh, tạo nghiệp thiện, thọ nhận quả hiện pháp: Nghĩa là như có một hữu tình, đối với Phật, Pháp, Tăng v.v… dùng sự mong muốn hiểu biết tin tịnh phẩm tăng thượng, tạo tác nghiệp thiện.

– Mong muốn hiểu biết quên ân, tạo nghiệp bất thiện, thọ nhận quả hiện pháp: Tức là như có một hữu tình, đối với chỗ tạo tác của cha mẹ, cùng tùy theo một loại xứ tạo ân, dùng sự mong muốn hiểu biết bội ân phẩm tăng thượng, dùng sự mong muốn hiểu biết dối trá phẩm tăng thượng, dùng sự mong muốn hiểu biết bạo ác phẩm tăng thượng, tạo nghiệp bất thiện.

– Mong muốn hiểu biết biết ân, tạo nghiệp thiện, thọ nhận quả hiện pháp: Nghĩa là như có một hữu tình, đối với cha mẹ v.v…, dùng sự mong muốn hiểu biết biết ân phẩm tăng thượng, dùng sự mong muốn hiểu biết báo ân phẩm tăng thượng, tạo tác nghiệp thiện.

Do sự việc: Nếu là nghiệp bất thiện, đối với năm nghiệp vô gián và ở trong chỗ đồng phận ấy, cũng có thọ nhận quả hiện pháp.

– Năm nghiệp vô gián là:

  1. Hại mẹ.
  2. Hại cha.
  3. Hại A la hán.
  4. Phá Tăng.
  5. Khởi tâm ác làm thân Đức Như lai chảy máu.

– Đồng phận với nghiệp vô gián: Nghĩa là như có một hữu tình, đối với A-la-hán ni và mẹ, hành hạnh uế nhiễm, đánh đập Bồ tát thân sau cùng. Hoặc ở nơi thiên miếu, ngã tư đường, thị tứ, bày ra việc giết hại dê bò, lưu hành không dứt. Hoặc đối với việc ký thác có được bạn thân rất tín nhiệm, là chỗ kỳ cựu, đồng tâm, lại dối gạt, gây tổn hại. Hoặc đối với kẻ khổ sở, nghèo cùng, thiếu thốn, không nơi chốn nương nhờ, vì họ làm chỗ quy y, giúp họ dứt bỏ mọi sợ hãi, về sau trở lại gia hại. Hoặc lại bức não, hoặc cướp đoạt vật dụng nơi Tăng chúng, hoặc phá hại miếu linh. Các nghiệp như vậy gọi là đồng phận với nghiệp vô gián.

Nếu là các nghiệp thiện, do thờ phụng, kính trọng, thọ nhận quả hiện pháp: Nghĩa là như có một hữu tình, mẹ không có tín tâm chân chánh, vì người mẹ ấy mà khuyên nhủ, giáo hóa, dẫn dắt khiến an trụ trong sự tin tưởng đầy đủ. Như đối với những người không chánh tín, khiến trụ trong sự tin tưởng đầy đủ; đối với các kẻ phạm giới, khiến trụ trong giới pháp đầy đủ, các kẻ bỏn sẻn, khiến trụ trong hạnh xả đầy đủ; các kẻ tuệ ác khiến trụ nơi trí tuệ đầy đủ, cũng vậy. Như đối với mẹ, đối với cha cũng thế. Hoặc đối với bậc khởi tịnh từ, cúng dường phụng sự. Như đối với bậc khởi tịnh từ, đối với bậc khởi định vô tránh, định diệt tận, quả Dự lưu, quả A-la-hán, việc cúng dường, phụng sự cũng vậy.

Lại gần gũi nơi trụ xứ của Phật cúng dường, phụng sự. Như ở nơi trụ xứ của Phật cúng dường, phụng sự, đối với trụ xứ của Tăng chúng hữu học, vô học, việc cúng dường, phụng sự cũng vậy. Hoặc ở trong sự việc tôn kính, phụng sự ấy, làm trái với các điều trên, do nhân duyên tổn hại, nên khởi nghiệp bất thiện, thọ nhận quả hiện pháp.

Cho quả tăng thượng do kẻ khác: Nghĩa là cũng do nghiệp của việc thọ nhận quả hiện pháp. Cũng như nơi các địa phận trong nước là trụ xứ của Đức Như lai, tất không có các loại bệnh tật, tai họa v.v… sanh khởi, là do thần lực của Phật, nên vô lượng chúng sanh cũng không tật không bệnh, không có tai họa, được sống trong an lạc. Như Phật, Thế Tôn, Chuyển luân Thánh vương, Bồ tát trụ nơi định từ, cũng vậy. Hoặc các Bồ tát, do tâm đại bi, quan sát hết chúng sanh bị nghiệp lớn bần cùng khốn khổ bức bách, rồi bố thí các thức ăn uống, của cải, lúa gạo, kho tàng, đều khiến được đầy đủ. Do nhân duyên ấy, nên các chúng sanh kia được sống trong an lạc. Các loại như vậy, nên biết là nghiệp của việc thọ nhận quả hiện pháp do sức tăng thượng của kẻ khác sanh ra.

Môn tổn ích: Nghĩa là ở nơi các hữu tình, dựa vào mười nghiệp đạo bất thiện, kiến lập tám môn tổn hại:

  1. Tổn hại chúng sanh.
  2. Tổn hại tài vật.
  3. Tổn hại thê thiếp.
  4. Tổn hại do chứng cớ hư giả.
  5. Tổn hại trợ bạn.
  6. Tổn hại do nói rõ về lỗi lầm.
  7. Tổn hại do dẫn khởi phóng dật.
  8. Tổn hại do dẫn khởi sợ hãi.

Trái với phần trên, tức dựa vào 10 nghiệp đạo thiện, kiến lập tám môn lợi ích, nên biết.

Thế nào là phẩm tăng thượng của nghiệp?

Đó là nghiệp cực trọng, mãnh liệt. Nên biết nghiệp này do sáu thứ tướng:

  1. Gia hạnh.
  2. Tập quen.
  3. Tự tánh.
  4. Phụng sự.
  5. Một loại được đối trị.
  6. Tổn hại chỗ đối trị.

Do gia hạnh: Nghĩa là như có một hữu tình, do tham sân si trói buộc hết sức mãnh liệt, và do lực gia hạnh của không tham, không sân, không si cũng hết sức mãnh liệt, làm phát khởi các nghiệp.

Do tập quen: Nghĩa là như có một hữu tình, ở trong đêm dài sanh tử, gần gũi tu tập, hành xử nhiều các nghiệp thiện, bất thiện.

Do tự tánh: Nghĩa là, so với nghiệp nói lời thêu dệt, thì nghiệp nói lời thô ác là tội rất nặng. So với nghiệp nói lời thô ác, thì nghiệp nói lời ly gián là tội rất nặng. Đối với nghiệp nói lời ly gián thì nói dối là tội rất nặng. So với tà hạnh về dục thì không cho mà lấy là tội rất nặng. Đối với không cho mà lấy thì sát sanh là tội rất nặng. So với tham dục thì sân hận là tội rất nặng. Đối với sân hận thì tà kiến là tội rất nặng.

Lại, đối với tánh thí, thì tánh giới không tạo tội là hơn. Đối với tánh giới, thì tánh tu không tạo tội là hơn. Đối với tánh hiểu biết, thì tánh suy xét không tạo tội là hơn. Các việc như vậy gọi là do tự tánh.

Do phụng sự: Đó là như có một hữu tình, đối với Phật Pháp Tăng cùng tùy theo một loại tôn trọng, phụng sự, hoặc làm tổn hại, hoặc tạo lợi ích, gọi là nghiệp tôn trọng, phụng sự.

Do một loại được đối trị: Tức như có một hữu tình, hoàn toàn thọ hành các nghiệp bất thiện, cho đến hết đời, không một lúc nào thọ hành nghiệp thiện.

Do tổn hại chỗ đối trị: Nghĩa là như có một hữu tình, đoạn trừ chỗ đối trị các nghiệp bất thiện, khiến lìa bỏ mọi mong muốn thanh tịnh của các nghiệp thiện.

Thế nào là phần điên đảo của nghiệp? Ở đây có ba loại, nên biết:

  1. Điên đảo do tác dụng.
  2. Điên đảo do chấp giữ.
  3. Điên đảo do vui thích.

– Điên đảo do tác dụng: Tức như có một hữu tình, đối với chúng sanh khác, suy nghĩ muốn giết hại, lại giết lầm kẻ khác. Nên biết ở đây tuy có sát sanh, không có tội sát sanh, nhưng có tội đồng phận của tương tợ sát sanh, thuộc sanh khởi. Hoặc không giết lầm các chúng sanh khác, nhưng đối với loài phi tình tăng thêm đao gậy, rồi bảo là ta sát sanh. Nên biết trong ấy không có sát sanh, không có tội sát sanh, nhưng có tội đồng phận của tương tợ sát sanh thuộc chủng loại sát sanh sanh khởi. Như nghiệp đạo sát sanh, hết thảy các nghiệp đạo như không cho mà lấy, theo chỗ ứng hợp, nên biết là có điên đảo do tác dụng.

– Điên đảo do chấp giữ: Nghĩa là như có một hữu tình, dấy khởi kiến chấp như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy: “Không có bố thí, không có yêu thương v.v…” cho đến nói rộng về mọi tà kiến. Kẻ ấy tạo chấp như thế, cho hoàn toàn không có người giết hại, kẻ bị giết hại , hoặc không cho mà lấy, cho đến nói lời thêu dệt. Cũng cho là không có bố thí, thọ trai, tu phước, thọ học giới luật. Do nhân duyên này, nên cho là không tội không phước.

Lại, như có một hữu tình, dấy khởi kiến chấp, tạo lập luận thuyết như vậy: “Như có chúng sanh ghét Phạm, ghét Thiên, ghét bỏ Bà la môn. Hoặc kẻ ấy ghét bỏ điều ác, chỉ nên giết hại. Do nhân duyên kẻ ấy giết hại, nên chỉ được phước, không tội. Lại, kẻ ấy đối với chỗ dấy khởi việc không cho mà lấy, cho đến nói lời thêu dệt, chỉ đạt được phước đức, không có phi phước.

– Điên đảo do vui thích: Tức như có một hữu tình, lúc đang hành nghiệp đạo bất thiện, tạo việc dạo chơi, cho là hết sức vui thích.

Thế nào là chỗ sai biệt của nghiệp? Đó là: Có nghiệp tạo tác, có nghiệp không tạo tác. Có nghiệp tăng trưởng, có nghiệp không tăng trưởng. Có nghiệp cố suy xét, có nghiệp không có suy xét. Như vậy, nghiệp dị thục định, nghiệp dị thục bất định. Nghiệp dị thục đã thành thục, nghiệp dị thục chưa thành thục. Nghiệp thiện, nghiệp bất thiện, nghiệp vô ký. Nghiệp thuộc về luật nghi, nghiệp thuộc về không luật nghi, nghiệp thuộc về không phải luật nghi không phải không luật nghi. Nghiệp tánh thí, nghiệp tánh giới, nghiệp tánh tu. Nghiệp phước, nghiệp không phải phước, nghiệp bất động. Nghiệp thuận lạc thọ, nghiệp thuận khổ thọ, nghiệp thuận không khổ không lạc  thọ. Nghiệp thuận hiện pháp thọ, nghiệp thuận sanh thọ, nghiệp thuộc hậu thọ. Nghiệp quá khứ, nghiệp hiện tại, nghiệp vị lai. Nghiệp thuộc cõi Dục, nghiệp thuộc cõi Sắc, nghiệp thuộc cõi Vô sắc. Nghiệp học, nghiệp vô học, nghiệp phi học phi vô học. Nghiệp do kiến đạo đoạn, nghiệp do tu đạo đoạn, nghiệp không đoạn. Nghiệp dị thục hắc hắc, nghiệp dị thục bạch bạch. Nghiệp dị thục hắc bạch hắc bạch. Nghiệp có thể đoạn trừ hết các thứ nghiệp không dị thục, không hắc không bạch, nghiệp cong vạy, nghiệp cấu uế, nghiệp ô trược, nghiệp thanh tịnh, nghiệp tịch tĩnh.

– Nghiệp tạo tác: Nghĩa là hoặc tư nghiệp, hoặc tư duy rồi dấy khởi thân nghiệp, ngữ nghiệp.

– Nghiệp không tạo tác: Tức như bất tư nghiệp, hoặc không tư duy rồi, không dấy khởi thân nghiệp, ngữ nghiệp.

– Nghiệp tăng trưởng: Nghĩa là trừ mười thứ nghiệp:

  1. Nghiệp do nằm mộng tạo ra.
  2. Nghiệp do không hiểu biết tạo ra.
  3. Nghiệp do không cố suy xét tạo ra.
  4. Nghiệp do không lợi, không cân nhắc tạo ra.
  5. Nghiệp do cuồng loạn tạo ra.
  6. Nghiệp do mất chánh niệm tạo ra.
  7. Nghiệp do không ham thích tạo ra.
  8. Nghiệp tự tánh là vô ký.
  9. Nghiệp hối tiếc về chỗ tổn hại.
  10. Nghiệp đối trị chỗ tổn hại.

Trừ mười thứ nghiệp này, các nghiệp còn lại gọi là nghiệp tăng trưởng.

– Nghiệp không tăng trưởng: Tức là mười thứ nghiệp đã nêu.

– Nghiệp cố suy xét: Nghĩa là cố suy xét rồi, hoặc là nghiệp tạo tác, hoặc là nghiệp tăng trưởng.

– Nghiệp không cố suy xét: Nghĩa là nghiệp do không cố suy xét tạo ra.

– Nghiệp thuận định thọ: Nghĩa là cố suy xét rồi, hoặc là nghiệp tạo tác, hoặc là nghiệp tăng trưởng.

– Nghiệp thuận bất định thọ: Tức là cố suy xét rồi, tạo tác nghiệp không tăng trưởng.

– Nghiệp dị thục đã thành thục: Nghĩa là nghiệp đã cho quả.

– Nghiệp dị thục chưa thành thục: Là nghiệp chưa cho quả.

– Nghiệp thiện: Là nghiệp do không tham không sân không si làm nhân duyên.

– Nghiệp bất thiện: Là nghiệp do tham sân si làm nhân duyên.

– Nghiệp vô ký: Là nghiệp không phải do không tham không sân không si làm nhân duyên, cũng không phải do tham sân si làm nhân duyên.

– Nghiệp thuộc về luật nghi: Nghĩa là, hoặc nghiệp thuộc về luật nghi Biệt giải thoát, hoặc nghiệp thuộc về luật nghi quả đoạn của Tĩnh lự, đẳng chí. Hoặc nghiệp thuộc về luật nghi vô lậu.

– Nghiệp thuộc về không luật nghi: Tức là 12 thứ các nghiệp thuộc loại không luật nghi:

  1. Giết dê.
  2. Mua bán gà.
  3. Mua bán heo.
  4. Bắt chim.
  5. Giăng lưới bắt thỏ.
  6. Trộm cắp.
  7. Dùng loài nghêu sò làm nem.
  8. Giữ ngựa.
  9. Gièm pha.
  10. Xét xử án.
  11. Trói cột voi.
  12. Trù ếm rồng.

Nghiệp thuộc về không phải luật nghi không phải không luật nghi: Nghĩa là trừ ba thứ nghiệp luật nghi và loại nghiệp không luật nghi, số còn lại là tất cả nghiệp thiện, bất thiện, vô ký.

Nghiệp tánh thí: Nghĩa là, hoặc nhân duyên, hoặc cùng khởi, hoặc chỗ dựa, hoặc tự tánh.

– Hoặc nhân duyên: Tức là do không tham không sân không si làm nhân duyên.

– Hoặc cùng khởi: Tức là do không tham không sân không si cùng hiện hành, có thể xả bỏ các vật để bố thí, có thể dấy khởi thân nghiệp, ngữ nghiệp có suy xét.

– Hoặc chỗ dựa: Tức là xem vật được bố thí và kẻ thọ nhận là chỗ dựa.

– Hoặc tự tánh: Nghĩa là thân nghiệp, ngữ nghiệp do suy xét dấy khởi, có thể xả bỏ vật để bố thí.

Như nghiệp tánh thí, nghiệp tánh giới, nghiệp tánh tu, tùy chỗ ứng hợp, nên biết cũng vậy. Ở đây, nghiệp tánh giới, về nhân duyên, cùng khởi giống như trước. Về tự tánh: Tức là thân nghiệp, ngữ nghiệp v.v… thuộc về luật nghi. Về chỗ dựa: Tức là các vật của hữu tình, phi hữu tình.

– Nhân duyên của tánh tu: Nghĩa là nhân duyên của Tam-ma-địa, tức không tham không sân không si.

– Cùng khởi: Nghĩa là không tham không sân không si cùng hiện hành, dẫn khởi định, tư.

– Tự tánh: Là tam-ma-địa.

– Chỗ dựa: Tức là cảnh giới của hữu tình không khổ không vui trong mười phương.

– Lại gồm đủ Thí, Giới, Tu: Là tướng mạo hiện có nên biết. Hết thảy như nơi chỗ khác đã nói rõ.

Nghiệp phước: Nghĩa là chiêu cảm dị thục của cõi thiện, cùng thuận thọ nghiệp thiện của năm cõi.

Nghiệp phi phước: Tức là chiêu cảm dị thục của cõi ác cùng thuận theo năm cõi thọ nhận nghiệp bất thiện.

Nghiệp bất động: Là chiêu cảm dị thục của cõi Sắc, Vô sắc, cùng thuận theo cõi Sắc, Vô sắc thọ nhận nghiệp thiện.

Nghiệp thuận lạc thọ: Là nghiệp phước cùng thuận theo ba tĩnh lự thọ nhận nghiệp bất động.

Nghiệp thuận khổ thọ: Là nghiệp phi phước.

Nghiệp thuận không khổ không lạc thọ: Là nghiệp dị thục của thức A-lại-da có thể chiêu cảm tất cả xứ, cùng nghiệp bất động của Tĩnh lự thứ bốn trở lên.

Nghiệp thuận hiện pháp thọ: Là nghiệp có thể chiêu cảm quả hiện pháp.

Nghiệp thuận sanh thọ: Là nghiệp có thể chiêu cảm sanh quả không gián đoạn.

Nghiệp thuận hậu thọ: Là nghiệp có thể chiêu cảm quả hậu sanh kia.

Nghiệp quá khứ: Là nghiệp trụ nơi vị tập khí, hoặc đã cho quả, hoặc chưa cho quả.

Nghiệp vị lai: Là nghiệp chưa sanh, chưa diệt.

Nghiệp hiện tại: Là nghiệp đã tạo, đã tư duy, chưa hoại diệt.

Nghiệp thuộc cõi Dục: Là nghiệp có thể chiêu cảm dị thục của cõi Dục, gắn liền Dục giới.

Nghiệp thuộc cõi Sắc: Là nghiệp có thể chiêu cảm dị thục của cõi Sắc, gắn liền Sắc giới.

Nghiệp thuộc cõi Vô sắc: Là nghiệp có thể chiêu cảm dị thục của cõi Vô sắc, gắn liền với Vô sắc giới.

Nghiệp học: Là nghiệp thiện hiện có trong sự tu học nối tiếp của hàng dị sanh hoặc chẳng phải dị sanh (phàm phu).

Nghiệp vô học: Là nghiệp thiện hiện có trong sự nối tiếp của bậc vô học.

Nghiệp phi học phi vô học: Là nghiệp thiện, bất thiện, vô ký hiện có trong sự nối tiếp còn lại (trừ hai thứ trước).

Nghiệp do kiến đạo đoạn trừ: Là nghiệp bất thiện v.v… thọ nhận nơi cõi ác.

Nghiệp do tu đạo đoạn trừ: Là nghiệp thiện, bất thiện, vô ký thọ nhận nơi cõi thiện.

Nghiệp không đoạn trừ: Là các nghiệp vô lậu của thế gian và xuất thế gian.

Nghiệp dị thục đen đen: Là nghiệp phi phước.

Nghiệp dị thục trắng trắng: Là nghiệp bất động.

Nghiệp dị thục đen trắng đen trắng: Là nghiệp phước, có nghiệp bất thiện là oán đối, do căn cứ vào lúc nghiệp phước hiện có nhưng chưa đoạn nghiệp phi phước, để kiến lập.

Nghiệp có thể đoạn trừ hết các thứ nghiệp không dị thục, chẳng phải đen chẳng phải trắng: Là các nghiệp vô lậu xuất thế gian. Đó là sự đối trị, đoạn trừ ba nghiệp.

Nghiệp cong vạy: Là nghiệp thiện, bất thiện của các ngoại đạo.

Nghiệp cấu uế: Tức nghiệp cong vạy, cũng gọi là nghiệp cấu uế.

Lại có nghiệp cấu uế: Là nghiệp thiện bất thiện hiện có của pháp dị sanh ấy, ở trong Thánh giáo, khởi kiến chấp điên đảo, trụ nơi kiến thủ của mình, quyết định sai lạc, do dự về hiểu biết.

Nghiệp ô trược: Tức nghiệp cong vạy, nghiệp cấu uế, cũng gọi là nghiệp ô trược.

Lại có nghiệp ô trược: Là nghiệp thiện, bất thiện hiện có của pháp dị sanh, ở trong Thánh giáo không quyết định, do dự về hiểu biết.

Lại có sai khác: Chỉ ở trong pháp của ngoại đạo, mới có ba nghiệp này. Do nghĩa hành giải tà, nên gọi là cong vạy. Do nghiệp lấy điều ấy làm chỗ dựa, có thể gây chướng ngại cho việc phát khởi các công đức, nên gọi là cấu uế. Do nghĩa có thể gây chướng ngại cho việc thông đạt chân như, nên gọi là ô trược.

Nghiệp thanh tịnh: Là nghiệp thiện hiện có của pháp dị sanh ấy, ở trong Thánh giáo, quyết định đúng đắn, hiểu biết không do dự.

Nghiệp tịch tĩnh: Là nghiệp học, vô học hiện có của hết thảy bậc Thánh trụ nơi pháp ấy, không phải là dị sanh.

Thế nào là lỗi lầm, tai họa của nghiệp? Nên biết là lược nêu có bảy thứ lỗi, họa. Nghĩa là sát sanh: Sát sanh là nhân, có thể là tự hại, có thể là hại kẻ khác, có thể là hại cả hai, sanh tội nơi hiện pháp, sanh tội nơi hậu pháp, sanh tội cả nơi hiện pháp, hậu pháp, thân tâm thọ nhận sầu khổ sanh khởi.

Thế nào là có thể tự hại? Nghĩa là, vì phát khởi phương tiện sát hại sanh mạng, do nhân duyên ấy, nên tự bị hại, hoặc bị trói vột, hoặc gặp phải sự mất mát, hoặc bị chê trách, nhưng kẻ ấy không thể gây tổn hại cho người khác.

Thế nào là có thể hại kẻ khác? Tức do chỗ khởi phương tiện ấy, có thể gây tổn hại kẻ khác. Vì nhân duyên ấy nên không tự bị hại cho đến chê trách.

Thế nào là có thể hại cả hai? Tức do chỗ dấy khởi phương tiện ấy,

nên có thể gây tổn hại cho kẻ khác. Vì nhân duyên đó, nên lại bị kẻ khác hại, hoặc bị buộc trói, cho đến chê trách.

Thế nào là sanh tội nơi hiện pháp? Là như có thể gây tự hại.

Thế nào là sanh tội nơi hậu pháp? Là như có thể gây hại cho kẻ khác.

Thế nào là sanh tội cả nơi hiện pháp, hậu pháp? Tức là như có thể gây hại cho cả hai.

Thế nào là thân tâm thọ nhận sầu khổ sanh khởi? Là vì phát khởi phương tiện sát hại sanh mạng, nhưng không thể tạo thành sáu thứ lỗi lầm. Lại không thể thực hiện xong việc sát hại theo ý muốn. Kẻ ấy, do chỗ mong muốn không hội đủ nhân duyên, nên thân tâm thọ nhận sầu khổ sanh khởi.

Lại có 10 thứ lỗi, họa, dựa nơi sự phạm giới, như kinh đã nói rộng, nên biết.

Lại có bốn thứ nghiệp đạo bất thiện, cùng uống các thứ rượu, là nghiệp đạo bất thiện thứ năm. Dựa vào các vi phạm học xứ của hàng thiện nam, Đức-Bạc-già-phạm đã giảng nói về nhiều thứ lỗi, họa, nên biết, nói rộng như nơi kinh Xiển-địa-ca.

Thế nào là tạp nhiễm của sự sanh? Nghĩa là do bốn thứ tướng, nên biết.

  1. Do sai biệt.
  2. Do khó nhọc.
  3. Do bất định.
  4. Do lưu chuyển.

1. Sai biệt của sự sanh: Nên biết lại có năm thứ:

Một là: Sai biết về Giới (cõi).

Hai là: Sai biệt về thú (đường, nẻo).

Ba là: Sai biệt về nơi chốn.

Bốn là: Sai biệt về thắng sanh.

Năm là:

– Sai biệt về thế gian của tự thân.

– Sai biệt về Giới: Là sự sai biệt của sự sanh nơi ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.

– Sai biệt về đường, nẻo: Là sự sai biệt của bốn loài sanh nơi năm nẻo.

– Sai biệt về nơi chốn: Tức ở trong Dục giới có 36 xứ sanh sai biệt. Trong Sắc giới có 18 xứ sanh sai biệt. Nơi Vô sắc giới có bốn xứ sanh sai biệt. Như vậy tổng cộng có 58 sanh xứ.

– Sai biệt về thắng sanh: Tức như loài người nơi cõi Dục, có ba thắng sanh:

Một là: Sự sanh của loại thắng sanh đen. Nghĩa là như có một hữu tình sanh nơi nhà Chiên-đà-la hoặc nhà Bốc-yết-la v.v… Hoặc sanh nơi các gia đình bần cùng, hạ tiện khác, của cải, việc ăn uống luôn thiếu thốn. Như vậy gọi là kẻ phước đức ít, mỏng trong loài người.

Hai là: Sự sanh của loại thắng sanh trắng: Tức như có một hữu tình sanh nơi các gia đình đại phú quý thuộc dòng họ Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả, hoặc sanh nơi các gia đình sang giàu tiếng tăm khác, của cải, lúa gạo, kho tàng luôn đầy dẫy. Như thế gọi là kẻ phước đức thù thắng trong loài người.

Ba là: Sự sanh của loại thắng sanh không đen không trắng: Tức như có một hữu tình sanh vào gia đình trong sanh xứ không thuộc hai loại trước.

Lại, chư Thiên nơi cõi Dục cũng có ba loại Thắng sanh:

Một là: Sự sanh của loại Phi thiên.

Hai là: Sự sanh của loại dựa nơi địa phần.

Ba là: Sự sanh của loại dựa vào cung điện nơi hư không.

Lại, trong cõi Sắc cũng có ba loại thắng sanh:

Một là: Hàng dị sanh sanh nơi cõi Trời Vô Tưởng.

Hai là: Sanh nơi cõi Trời Hữu Tưởng.

Ba là: Sanh nơi cõi Trời Tịnh Cư.

Lại, trong cõi Vô sắc cũng có ba loại thắng sanh:

Một là: Sanh nơi cõi Trời Vô Lượng Tưởng.

Hai là: Sanh nơi cõi Trời Vô Sở Hữu Tưởng.

Ba là: Sanh nơi cõi Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.

Sai biệt về thế gian của tự thân: Nghĩa là, ở trong vô lượng thế giới nơi mười phương, có vô lượng hữu tình, với vô lượng sự sanh sai biệt, nên biết.

2. Khó nhọc của sự sanh: Như Đức Bạc-già-phạm đã nói: “Các ngươi đã dong ruổi lau dài nơi sanh tử, máu nơi thân chảy ra nhiều hơn nước nơi bốn biển lớn. Vì sao? Vì các ngươi nơi đêm dài sanh tử, hoặc sanh trong chúng đồng phận của voi, ngựa, lừa, lạc đà, bò, dê, gà, nai v.v… Các ngươi ở nơi các loài ấy, nhiều lần bị chặt, xẻ các chi phần nơi thân, khiến máu huyết tuôn ra là vô kể. Như trong chúng đồng phận của voi, ngựa v.v…, nơi loài người cũng vậy. Lại nữa, các ngươi ở trong đêm dài sanh tử phải chịu mất mát vô lượng cha mẹ, anh em, chị em, thân thuộc. Lại cũng bị mất mát vô số của cải, châu báu, vật dụng cho đời sống, khiến nước mắt, nước mũi than khóc tuôn ra là vô kể, khác nào như phần máu đã nêu. Nên biết là lượng sữa mẹ đã uống cũng vậy. Các loại như thế về bao nỗi khó nhọc, khổ cực của sự sanh có vô lượng sai biệt.

3. Bất định của sự sanh: Như Đức Bạc-già-phạm nói: “Giả sử đem hết thảy cỏ cây với thân rễ cành lá hiện có nơi đại địa, cắt thành những tấm thẻ nhỏ, bằng bốn ngón tay để tính đếm về số lượng cha mẹ của các ngươi trong đêm dài sanh tử đã lần lượt trải qua. Như vậy, các chúng sanh ấy từng là mẹ ta, ta cũng ở trong sanh tử từng là mẹ họ. Như thế, các chúng sanh ấy từng là cha ta, ta cũng ở trong nẻo sanh tử từng là cha họ; tính đếm như vậy, số lượng thẻ bằng bốn ngón tay ấy có thể mau chóng hết sạch, nhưng ta không thể nói hết biên vực về số lượng cha mẹ của các ngươi nơi đêm dài sanh tử đã trải qua”. Đức Bạc-giàphạm lại nói: “Hữu tình các ngươi, theo chỗ quan sát về chính mình, lần lượt xoay vần trong đêm dài sanh tử, đã tạo nên sự sầu khổ nặng nề bậc nhất, nay đã đạt đến rốt ráo… Ta xem các hữu tình ở thế gian, nơi dòng lưu chuyển trong đêm dài sanh tử, không dễ gì tránh khỏi, đối với các ngươi, hoặc làm cha mẹ, anh em, chị em, hoặc làm bậc thầy quỷ phạm, thân giáo sư, hoặc những bậc tôn kính khác”. Lại như lời nói: “Hoặc như một Bổ-đặc-già-la, xương cốt nơi thân tướng thọ nhận trong một kiếp, giả sử có người làm công việc nhặt nhạnh gom góp lại phần không bị hủy hoại, thì số lượng được tích tụ ấy cao hơn thành Vương xá, rộng lớn như một dãy núi.

4. Thế nào là lưu chuyển của sự sanh? Nghĩa là duyên khởi hiện có của tự thân. Nên biết đây tức nói về lưu chuyển.

Thế nào là duyên khởi? Kệ nêu:

Thể, môn, nghĩa sai biệt
Thứ lớp, lời khó giải
Tánh duyên, duyên phân biệt
Sau, thâu tóm các kinh.

Thế nào là thể của duyên khởi? Nếu lược nêu thì do ba thứ tướng kiến lập duyên khởi: Nghĩa là từ tiền tế (thời kỳ trước, đời trước), trung tế (thời kỳ giữa) sanh. Từ trung tế đến hậu tế (thời kỳ sau, đời sau) sanh. Trung tế sanh rồi, hoặc hướng tới nẻo lưu chuyển, hoặc hướng tới thanh tịnh rốt ráo.

– Thế nào là từ tiền tế, trung tế sanh, trung tế sanh rồi lại hướng tới lưu chuyển? Nghĩa là như có một hữu tình, không rõ về tiền tế, thuộc về vô minh, vô minh làm duyên, ở nơi phước, phi phước cùng với nghiệp bất động nơi thân ngữ ý, hoặc tạo tác, hoặc làm tăng trưởng, do tùy theo nghiệp thức này, lưu chuyển cho đến mạng chung vẫn không dứt, có thể làm nhân cho thức tương tục của thân đời sau. Thức ấy, lúc sắp sanh quả, do sự tham ái về trong ngoài đang hiện tiền làm trợ bạn, nên từ tiền tế kia, đã bỏ mạng rồi, đối với đời hiện tại, tự thể được sanh, ở trong bụng mẹ, nhờ nơi thức làm duyên, thức của quả nối tiếp, trước sau thứ lớp mà sanh, cho đến có sự sai biệt nơi các vị như Yết-la-lam v.v… và chuyển. Nơi thai mẹ, thức của tương tục cùng với danh sắc kết hợp, cho tới già suy dần dần tăng thêm. Bấy giờ, danh sắc chiêu cảm sự sanh thọ nhận nghiệp cùng với quả dị thục.

Lại, thức dị thục này, tức nương nơi danh sắc mà chuyển. Do tất cả phải dựa gá nơi sáu chỗ dựa để chuyển, vì thế kinh nói là danh sắc duyên nơi thức. Dựa nơi căn cùng có, gọi là sắc. Dựa nơi căn cùng vô gián diệt, gọi là danh. Theo sự ứng hợp ấy làm chỗ dựa cho sáu thức. Do nương dựa vào danh sắc đó, các thức lưu chuyển, cho đến mạng chung.

Lại, năm sắc căn, hoặc là đại chủng là chỗ dựa của căn, hoặc là nơi chốn của căn. Hoặc đại chủng có thể sanh phần sắc kia, gọi là sắc, phần còn lại gọi là danh. Do thức nhận giữ, các căn gắn liền với pháp tương tục, mới có thể lưu chuyển, nên hai thứ nương dựa này, ở nơi thức nối tiếp không đoạn. Do đạo lý đó, nên đối với đời hiện tại, thức duyên nơi danh sắc, danh sắc duyên nơi thức, giống như “bó cỏ lau”, cho đến mạng chung, cùng dựa vào nhau mà chuyển. Như thế gọi là từ nơi tiền tế, các hành duyên khởi của trung tế sanh, trung tế sanh rồi lưu chuyển không dứt. Nên biết ở đây là dựa vào thai sanh để nói về thứ lớp của sự lưu chuyển. Nếu là noãn sanh, thấp sanh thì trừ việc ở trong thai mẹ, phần còn lại như đã nói ở trên. Nếu ở trong tụ của hữu tình có sắc, nghĩa là thọ hóa sanh nơi cõi Dục, cõi Sắc, các căn quyết định viên mãn mà sanh, so với trước có sai biệt. Nếu ở nơi cõi Vô sắc, dùng Danh làm chỗ dựa, và chủng tử của Sắc làm chỗ dựa, thức mới được sanh khởi. Do thức được dựa nơi danh và chủng tử của sắc để chuyển, từ chủng tử này, sắc tuy đoạn dứt, nhưng sau lại được sanh, cùng với trước có sai khác.

Lại do nghiệp phước, sanh nơi cõi người, Trời thuộc Dục giới. Do nghiệp phi phước, nên sanh vào các cõi ác. Do nghiệp bất động, nên sanh vào Sắc giới, Vô sắc giới.

– Thế nào là chẳng sanh? Do chẳng sanh nên hướng tới thanh tịnh rốt ráo.

– Thế nào là từ trung tế, các hành duyên khởi của hậu tế sanh? Nghĩa là, Bổ-đặc-già-la của Trung tế đã sanh, thọ nhận hai thứ quả của nghiệp trước, tức là thọ nhận quả dị thục bên trong cùng thọ nhận quả tăng thượng do cảnh giới sanh. Bổ-đặc-già-la này hoặc nghe pháp không chân chánh, hoặc do tập quen ở trước, nên ở nơi hai quả có sự ngu tối. Do ngu tối nơi quả dị thục bên trong, nên đối với sanh khổ của thân đời sau không nhận biết đúng như thật. Do mê lầm nơi thân sau, nên sức vô minh của hậu tế tăng thượng, giống như trước, ở nơi các hành, hoặc tạo tác, hoặc làm tăng trưởng. Do nghiệp mới tạo tác ấy, nên nói thức này tên là Thức tùy nghiệp. Tức ở trong hiện pháp nói vô minh làm duyên nên hành sanh. Hành làm duyên nên thức sanh. Thức ấy, ở trong hiện pháp gọi là Thức nhân, có thể thâu nhận thức của quả sanh sau.

Lại, tất cả thức cùng nương dựa chung, nên gọi là sáu thức thân.

Lại, tức thức này là chỗ theo đuổi của chủng tử nơi danh sắc thuộc đời sau. Chủng tử của danh sắc ấy là chỗ theo đuổi của chủng tử nơi sáu xứ thuộc đời sau. Chủng tử của 6 xứ này là chỗ theo đuổi của chủng tử nơi xúc thuộc đời sau. Chủng tử của xúc ấy là chỗ theo đuổi của chủng tử nơi thọ thuộc đời sau. Như thế gọi chung là nhân dẫn khởi đời sau ở trong trung tế. Nên biết do đấy nên có thể dẫn khởi thức, cho đến thọ nhận thân trong một thời hạn. Do chỗ ngu tối của quả dị thục ở trước, dẫn đến đời sau, rồi lại do chỗ ngu tối của quả thọ nhận từ cảnh giới thứ hai sanh ra, khởi duyên nơi cảnh giới để thọ ái. Do ái này, nên hoặc phát khởi cầu dục, hoặc phát khởi cầu hữu, hoặc chấp nơi dục thủ, hoặc giữ lấy kiến thủ, giới thủ và ngã ngữ thủ. Do ái, thủ này hòa hợp, hỗ trợ làm nhuần thấm, khiến cho nhân dẫn khởi trước chuyển biến, gọi là hữu, tức là thuộc về nhân sanh của đời sau. Từ đấy, thân mạng vô gián đã xong rồi, tùy theo nhân dẫn khởi ở trước, nên thức v.v… được dẫn dắt, thọ là sau cùng. Các hành ấy sanh, hoặc dần dần, hoặc tức khắc. Như vậy, ở trong hiện pháp, thọ do vô minh xúc sanh ra làm duyên nên có ái. Ái làm duyên nên có thủ. Thủ làm duyên nên có hữu. Hữu làm duyên nên có sanh. Sanh làm duyên nên có lão bệnh tử với các khổ sai biệt. Hoặc ở nơi xứ sanh thứ lớp hiện tiền, hoặc lại là chủng tử theo đuổi. Nên biết, như vậy là ở trong trung tế, vô minh duyên hành v.v… thọ duyên ái v.v… làm nhân duyên nên các hành của hậu tế sanh.

Lại có tư lương (hành trang) được tích tập từ trước, ở trong hiện pháp, từ nơi người khác, nghe âm thanh, cùng ở nơi các hành của hai quả, hoặc hành nhân của quả kia, hoặc hành diệt của quả kia, hoặc hành hướng tới diệt của quả ấy, tác ý như lý. Do tác ý như lý này làm duyên, nên chánh kiến được sanh. Từ đấy, thứ lớp đạt được trí kiến học, vô học thanh tịnh. Do trí kiến ấy, nên vô minh và ái vĩnh viễn được đoạn trừ khong có sót. Do sự đoạn trừ này, nên đối với đối tượng duyên kia, chỗ nhận biết không đúng như thật về thọ do vô minh xúc sanh ra, cũng lại được đoạn trừ hoàn toàn. Cũng do sự đoạn trừ ấy, nên vĩnh viễn lìa vô minh, ở trong hiện pháp, chứng đắc tuệ giải thoát. Hoặc đối với tham ái hiện có trong tâm tương ưng với thọ  do vô minh xúc sanh ra, tức nơi tâm ấy có thể lìa mọi hệ thuộc, nên tham ái hoàn toàn bị diệt trừ. Ở trong hiện pháp, chứng đắc tâm giải thoát.

Nếu như vô minh kia không vĩnh viễn bị dứt bỏ, thì các hành hiện có dựa nơi thức cùng thọ là sau cùng, hậu tế phải sanh. Do vô minh diệt nên không còn khởi trở lại, đạt được pháp vô sanh. Vì thế, nói là vô minh diệt nên hành diệt, thứ lớp cho đến xúc của dị thục sanh diệt nên thọ của dị thục sanh diệt. Ở trong hiện pháp, vô minh diệt nên vô minh xúc diệt. Vô minh-xúc diệt nên thọ do vô minh xúc sanh diệt. Thọ do vô minh xúc sanh ra diệt, nên ái diệt. Ái diệt nên đạt được pháp vô sanh như trước. Do đấy, nên nói các hành gây não loạn của thủ v.v… là phần sau cùng cũng hoàn toàn diệt trừ. Như thế, ở trong hiện pháp, các hành không chuyển. Do không chuyển, nên nơi hiện pháp, đối với cảnh giới Hữu dư y, chứng đắc Niết-bàn hiện pháp. Bấy giờ, hành giả chỉ còn thức thanh tịnh duyên nơi danh sắc, danh sắc duyên nơi thức, cho đến thân hữu thức tồn tại, luôn thọ nhận thọ lìa hệ thuộc, chẳng phải là thọ có hệ thuộc. Thân hữu thức này, cho đến thọ lượng do nghiệp trước dẫn khởi, luôn nối tiếp trụ. Nếu thọ mạng hết, liền bỏ thân do thức giữ gìn, mạng căn hiện có sau mạng căn này vĩnh viễn diệt không còn sót lại gì, nên không thành thục trở lại nữa.

Lại, thức này cùng với tất cả thọ tự nhiên diệt, nên nhân duyên còn lại, trước đã diệt, do đó không còn nối tiếp nữa, mà vĩnh viễn dứt bặt. Đó gọi là cảnh giới Niết bàn Vô dư y, là nơi chốn tịch tĩnh trọn vẹn. Cũng gọi là người hướng cầu Niết bàn, ở chỗ Đức Thế Tôn, phạm hạnh đã lập, đạt Niết bàn rốt ráo.

Như thế là đã nói, do ba thứ tướng nên kiến lập duyên khởi. Nghĩa là từ tiền tế, trung tế sanh. Từ trung tế, hậu tế sanh. Lại đối với trung tế, hoặc lưu chuyển, hoặc thanh tịnh. Đó gọi là thể tánh của duyên khởi.

Thế nào là môn của duyên khởi? Nghĩa là, dựa nơi tám môn, nên duyên khởi lưu chuyển:

  1. Môn nội thức sanh.
  2. Môn gieo trồng bên ngoài thành thục.
  3. Môn sanh tử nơi thế gian của hữu tình.
  4. Môn khí thế gian thành hoại.
  5. Môn nhận giữ việc ăn uống.
  6. Môn uy lực tăng thượng của nghiệp do mình tạo, thọ dụng theo nghiệp đạt được quả yêu thích, không yêu thích.
  7. Môn uy thế.
  8. Môn thanh tịnh.

Thế nào là nghĩa của duyên khởi? Đó là nghĩa hữu tình chia lìa, là nghĩa của duyên khởi. Ở nơi hữu tình chia lìa lại có nghĩa vô thường, là nghĩa của duyên khởi. Ở nơi vô thường lại có nghĩa tạm trụ, là nghĩa của duyên khởi. Ở nơi tạm trụ, lại có nghĩa y tha, là nghĩa của duyên khởi. Ở nơi y tha, lại có nghĩa lìa tác dụng, là nghĩa của duyên khởi. Ở nơi lìa tác dụng, lại có nghĩa nhân quả nối tiếp không dứt, là nghĩa của duyên khởi. Ở nơi nhân quả nối tiếp không dứt, lại có nghĩa nhân quả tương tợ chuyển, là nghĩa của duyên khởi. Ở nơi nhân quả tương tợ chuyển, lại có nghĩa tự nghiệp tạo tác, là nghĩa của duyên khởi.

Hỏi: Vì nhằm hiển bày về nghĩa gì mà kiến lập duyên khởi?

– Đáp: Vì nhằm hiển bày về nghĩa thanh tịnh, nhiễm ô thuộc về nhân duyên.

Thế nào là sai biệt của duyên khởi? Nghĩa là đối với tiền tế không nhận biết v.v… như nơi kinh đã nói rộng.

– Thế nào là đối với tiền tế không nhận biết? Tức đối với các hành của quá khứ, dấy khởi phân biệt không như lý. Nghĩa là nêu: Ta nơi quá khứ là từng có chăng? Là từng không chăng? Từng có thể tánh gì? Từng thuộc chủng loại gì? Đó là những thứ không nhận biết hiện có.

– Thế nào là đối với hậu tế không nhận biết? Tức đối với các hành của vị lai, dấy khởi phân biệt không như lý. Nghĩa là nêu: Ta ở nơi vị lai là sẽ có chăng? Là sẽ không chăng? Sẽ có thể tánh gì? Sẽ thuộc chủng loại gì? Đó là những thứ không nhận biết hiện có.

– Thế nào là đối với tiền tế, hậu tế không nhận biết? Nghĩa là, đối với bên trong, dấy khởi do dự không như lý. Như nói: Những gì là ta? Ta là những gì? Nay, hữu tình này, từ chốn nào đến? Ở đây chết rồi sẽ sanh đến nơi nào? Đấy là những điều không nhận biết hiện có.

– Thế nào là đối với bên trong không nhận biết? Nghĩa là, ở nơi các hành đều có sai biệt, dấy khởi tác ý không như lý. Tức cho đó là Ta. Đấy là những điều không nhận biết hiện có.

– Thế nào là đối với bên ngoài không nhận biết? Nghĩa là, đối với các hành bên ngoài không phải là số lượng của hữu tình, dấy khởi tác ý không như lý. Như nói: Là ngã sở. Đấy là những điều không nhận biết hiện có.

– Thế nào là đối với trong ngoài không nhận biết? Nghĩa là, ở nơi các hành tương tục khác, dấy khởi phân biệt không như lý. Như nói: “Oán thân đều hợp”. Đấy là chỗ không nhận biết hiện có.

– Thế nào là đối với nghiệp không nhận biết? Nghĩa là, ở nơi các nghiệp, dấy khởi phân biệt không như lý, như cho là có người tạo ra. Đấy là chỗ không nhận biết hiện có.

– Thế nào là đối với dị thục không nhận biết? Nghĩa là, ở nơi các hành thuộc về quả dị thục, dấy khởi phân biệt không như lý. Như nói có kẻ thọ nhận. Đấy là chỗ không nhận biết hiện có.

– Thế nào là đối với dị thục của nghiệp không nhận biết? Nghĩa là, ở nơi nghiệp và quả, dấy khởi phân biệt không như lý. Đấy là chỗ không nhận biết hiện có.

– Thế nào là đối với Phật không nhận biết? Nghĩa là, ở nơi Bồ đề của Phật, hoặc không tư duy, hoặc tư duy sai lạc, hoặc do phóng dật, hoặc do nghi ngờ, hoặc do hủy báng. Đấy là chỗ không nhận biết hiện có.

– Thế nào là đối với Pháp không nhận biết? Nghĩa là, ở nơi Chánh pháp, tánh khéo giảng nói, hoặc không tư duy, hoặc tư duy sai lạc, hoặc do buông lung, hoặc do nghi ngờ, hoặc do hủy báng. Đấy là chỗ không nhận biết hiện có.

– Thế nào là đối với Tăng không nhận biết? Nghĩa là ở nơi hành chân chánh của Tăng, hoặc không tư duy, hoặc tư duy sai lạc, hoặc do phóng dật, hoặc do nghi ngờ, hoặc do hủy báng. Đấy là những điều không nhận biết hiện có.

– Thế nào là đối với khổ không nhận biết? Nghĩa là, ở nơi khổ là tánh của khổ, hoặc không tư duy, hoặc tư duy sai lạc, hoặc do phóng dật, hoặc do nghi ngờ, hoặc do hủy báng. Đấy là những điều không nhận biết hiện có.

– Thế nào là đối với nhân không nhận biết? Nghĩa là, dấy khởi phân biệt không như lý, hoặc cho là không nhân, hoặc chấp về nhân do tự tại, thế, tánh, sĩ phu, trung gian v.v… không bình đẳng. Đấy là những thứ không nhận biết hiện có.

– Như đối với nhân không nhận biết, đối với các hành từ nhân sanh ra, cũng vậy.

Lại, hành giả kia không tạo tội nên gọi là thiện, có tội nên gọi là bất thiện. Có lợi ích nên gọi là nên tu tập, không lợi ích nên gọi là không nên tu tập. Đen nên gọi là có tội, trắng nên gọi là không tội. Xen tạp nên gọi là hữu phân.

– Đối với sáu xúc xứ cần thông đạt đúng như thật, thế nào là không nhận biết? Đó là kẻ tăng thượng mạn, ở trong chỗ chứng đắc đã tư duy điên đảo. Đấy là điều không nhận biết hiện có.

Như thế là đã lược nêu về 19 thứ không nhận biết.

Lại có bảy thứ không nhận biết:

  1. Ngu tối về đời.
  2. Ngu tối về sự.
  3. Ngu tối về di chuyển.
  4. Ngu tối về chỗ tối thắng.
  5. Ngu tối về nẻo chân thật.
  6. Ngu tối về nhiễm tịnh.
  7. Ngu tối của tăng thượng mạn.

Mười chín thứ không nhận biết nêu trước và bảy thứ này, cùng thâu tóm như thế nào? Nghĩa là:

– Ba thứ không nhận biết đầu (trong mười chín thứ) thâu tóm loại thứ nhất ở đây (bảy thứ).

– Ba thứ không nhận biết tiếp theo, thâu tóm loại thứ hai.

– Ba thứ không nhận biết tiếp, thâu tóm loại thứ ba.

– Ba thứ không nhận biết tiếp, thâu tóm loại thứ tư.

– Bốn thứ không nhận biết tiếp, thâu tóm loại thứ năm.

– Hai thứ không nhận biết tiếp, thâu tóm loại thứ sáu.

– Một thứ không nhận biết sau cùng, thâu tóm loại thứ bảy.

Lại có năm thứ ngu tối:

  1. Ngu tối về nghĩa.
  2. Ngu tối về kiến giải.
  3. Ngu tối của phóng dật.
  4. Ngu tối về nghĩa chân thật.
  5. Ngu tối của tăng thượng mạn.

Mười chín thứ ngu tối nêu trước và năm thứ này cùng thâu tóm như thế nào? Tức:

– Ngu tối về kiến giải thâu tóm sáu thứ trước (trong mười chín thứ) và ngu tối không nhận biết đối với pháp từ nhân sanh ra.

– Ngu tối của phóng dật thâu tóm ngu tối đối với dị thục của nghiệp đều không nhận biết.

– Ngu tối về nghĩa chân thật thâu tóm các thứ không nhận biết đối với Phật v.v… cho đến Đạo đế.

– Ngu tối của tăng thượng mạn thâu tóm loại không nhận biết sau cùng.

– Nên biết, ngu tối về nghĩa là thâu tóm chung hết thảy.

Lại nữa, không nhận biết, không nhận thấy, không có hiện quán, tối tăm, ngu si và vô minh ám. Sáu thứ sai biệt của vô minh như thế, thứ lớp thuận theo bảy thứ không nhận biết nêu trước, tức đối với hai thứ không nhận biết sau (trong bảy thứ) hợp chung làm một, dấy khởi loại sau cùng ở đây là vô minh ám.

Lại có sai biệt: Nghĩa là ba tuệ do văn, tư, tu tạo thành, có sai biệt về chỗ đối trị. Như thứ lớp của chúng, là nói về ba thứ trước (trong sáu thứ). Tức sự sai biệt của ba phẩm hạ trung thượng nơi chỗ đối trị ấy, là nói về ba thứ sau.

Như vậy, do chỗ đối trị sai biệt, tự tánh sai biệt, nên kiến lập 6 thứ sai biệt.

Thế nào là thân hành? Tức là thân nghiệp, hoặc nơi Dục giới, hoặc nơi Sắc giới. Ở cõi dưới gọi là phước, phi phước. Nơi cõi trên gọi là bất động.

Thế nào là ngữ hành? Tức là ngữ nghiệp. Phần còn lại như trước, nên biết.

Thế nào là ý hành? Nghĩa là ý nghiệp. Nếu tại Dục giới, gọi là phước, phi phước. Tại hai cõi trên, chỉ gọi là bất động.

Thế nào là nhãn thức? Là thức ở nơi đương lai nương dựa nơi nhãn căn, phân biệt nhận biết về cảnh sắc. Là thức của các hành nghiệp phước, phi phước, bất động hiện có, huân tập phát khởi các chủng tử và thức của quả do chủng tử ấy sanh.

Như nhãn thức, các thức còn lại cho đến ý thức, nên biết cũng vậy. Do chỗ dựa và cảnh giới, nên biết, sự dấy khởi phân biệt, nhận biết kia có sai biệt. Các thức này, nơi cõi Dục thì có đủ sáu thứ, nơi cõi Sắc chỉ có bốn, nơi cõi Vô sắc chỉ có một.

Thế nào là thọ uẩn? Đó là tất cả chủng loại lãnh nạp.

Thế nào là tưởng uẩn? Đó là hết thảy chủng loại nhận biết rõ về hình tượng.

Thế nào là hành uẩn? Nghĩa là hết thảy chủng loại nghiệp tác ý do tâm tạo nên.

Thế nào là thức uẩn? Nghĩa là hết thảy chủng loại phân biệt, nhận biết.

Các uẩn như vậy là đều chung nơi ba cõi.

Thế nào là bốn đại chủng? Tức là Giới địa, Thủy, Hỏa, Phong. Bốn đại chủng này đều chung nơi hai cõi.

Thế nào là sắc do bốn đại chủng tạo ra? Tức là mười sắc xứ và sắc thuộc về pháp xứ.

Cõi Dục có đủ mười sắc xứ và sắc giả thuộc về pháp xứ. Cõi Sắc có tám sắc xứ và sắc thuộc về pháp xứ, nhưng không phải là tất cả. Ở đây cũng có hai loại: chủng tử sắc được chủng tử của thức thâu nhận và sắc của quả do chủng tử của thức kia sanh.

Thế nào là nhãn xứ? Là sắc tịnh làm chỗ dựa cho nhãn thức. Do đấy, nên đối với sắc, đã thấy, hiện thấy, sẽ thấy.

Như nhãn xứ, các xứ còn lại cho đến ý xứ, theo chỗ ứng hợp, đều nên biết. Nơi tất cả xứ, nên nói về chỗ sai biệt của nghiệp dụng trong ba thời. Ở đây cũng có hai loại: đó là chủng tử sáu xứ được chủng tử của sắc thâu nhận và quả nơi sáu xứ do chủng tử của sắc kia sanh, năm thứ ở nơi cõi Dục, Sắc, loại thứ sáu chung cho ba cõi.

Thế nào là nhãn xúc? Nghĩa là do ba thứ hòa hợp sanh ra, có thể giữ lấy nghĩa tịnh diệu v.v… của cảnh giới. Như vậy, các xúc còn lại đều tùy theo cảnh riêng để nói về tướng, nên biết. Ở đây lại có hai thứ: là chủng tử xúc được chủng tử của sáu xứ thâu nhận và xúc của quả do chủng tử của sáu xứ kia sanh. cõi Dục gồm đủ sáu thứ, cõi Sắc có bốn, cõi Vô sắc chỉ có một.

Thế nào là lạc thọ (thọ nhận vui)? Đó là sự thọ nhận vui thích, do thuận theo cảnh giới của các căn được ưa thích – tạo ra, thuộc về thọ.

Thế nào là khổ thọ? Là sự thọ nhận không vui thích do hai thứ căn cảnh thuận theo khổ làm duyên sanh ra, thuộc về thọ.

Thế nào là thọ nhận không khổ không vui? Đó là sự thọ nhận không phải vui thích cũng không phải chẳng vui thích, do hai thứ căn, cảnh thuận theo không khổ không vui tạo ra, thuộc về thọ.

Cõi Dục có đủ ba thọ. Cõi Sắc có hai. Từ Tĩnh lự thứ bốn trở lên, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chỉ có loại thọ thứ ba. Ở đây cũng có hai loại: là chủng tử thọ được chủng tử của xúc thâu nhận và thọ của quả do chủng tử của xúc sanh ra.