DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN

SỐ 1579

QUYỂN 08

Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi.
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Địa 3, 4, 5 : ĐỊA CÓ TẦM CÓ TỨ 5

Lại nữa, thế nào là nêu đặt, kiến lập về tạp nhiễm? Nghĩa là do ba thứ tạp nhiễm, nên biết. Những gì là ba?

  1. Tạp nhiễm của phiền não.
  2. Tạp nhiễm của nghiệp.
  3. Tạp nhiễm của sự sanh.

Thế nào là tạp nhiễm của phiền não? Kệ viết:

Tự tánh hoặc phân biệt
Nhân, vị cùng với môn
Thượng phẩm, thuộc điên đảo
Sai biệt, các lỗi họa.

Nên biết, tạp nhiễm của phiền não được giải thích là do tự tánh, do phân biệt, do nhân, do vị, do môn, do thượng phẩm, do điên đảo thâu tóm, do sai biệt, do lỗi họa.

1. Tự tánh của phiền não: Nghĩa là như lúc pháp sanh, về tướng tự nhiên phát khởi không tịch tĩnh, do sự dấy khởi ấy nên hành không tịch tĩnh nối tiếp chuyển biến. Đó gọi là lược nói về tự tánh của phiền não.

2. Phân biệt của phiền não: Hoặc lập một loại: Tức là do nghĩa tạp nhiễm của phiền não. Hoặc phân làm hai loại: Nghĩa là phiền não do kiến đạo đoạn trừ và phiền não do tu đạo đoạn trừ. Hoặc phân làm ba loại: Tức là phiền não thuộc cõi Dục, thuộc cõi Sắc và thuộc cõi Vô sắc. Hoặc phân làm bốn loại: Là phiền não ký, vô ký thuộc cõi Dục, phiền não vô ký thuộc cõi Sắc, phiền não vô ký thuộc cõi Vô sắc. Hoặc phân làm năm loại: Là các phiền não do kiến khổ đoạn trừ, do kiến tập đoạn trừ, do kiến diệt đoạn trừ, do kiến đạo đoạn trừ, do tu đạo đoạn trừ.

Hoặc phân làm sáu loại: Là tham, sân, mạn, vô minh, kiến, nghi.

Hoặc phân làm bảy thứ: Tức là bảy loại tùy miên:

  1. Tùy miên dục tham.
  2. Tùy miên sân nhuế.
  3. Tùy miên hữu tham.
  4. Tùy miên mạn.
  5. Tùy miên vô minh.
  6. Tùy miên kiến.
  7. Tùy miên nghi.

Hoặc phân làm tám loại: Tức là tham, sân, mạn, vô minh, nghi, kiến và hai thứ thủ.

Hoặc phân làm chín loại: Nghĩa là chín kiết:

  1. Kiết ái.
  2. Kiết sân.
  3. Kiết mạn.
  4. Kiết vô minh.
  5. Kiết kiến.
  6. Kiết thủ.
  7. Kiết nghi.
  8. Kiết tật (ganh).
  9. Kiết xan (keo kiệt).

Hoặc phân làm mười thứ:

  1. Tát-ca-da-kiến (thân kiến).
  2. Biên chấp kiến.
  3. Tà kiến.
  4. Kiến thủ.
  5. Giới cấm thủ.
  6. Tham
  7. Sân.
  8. Mạn.
  9. Vô minh.
  10. Nghi

Hoặc phân làm 128 thứ phiền não. Tức mười phiền não trên, do mê chấp về 12 thứ đế được kiến lập, nên biết.

Những gì gọi là 12 thứ đế? đó là:

  1. Khổ đế, Tập đế của cõi Dục.
  2. Khổ đế, Tập đế của cõi Sắc.
  3. Khổ đế, Tập đế của cõi Vô sắc.
  4. Quả Biến trí kia tăng thượng nơi cõi Dục. Diệt đế, Đạo đế do quả Biến trí ấy hiển bày.
  5. Quả Biến trí kia tăng thượng nơi cõi Sắc. Diệt đế, Đạo đế do quả Biến trí ấy hiển bày.
  6. Quả Biến trí kia tăng thượng nơi cõi Vô sắc. Diệt đế, Đạo đế do quả Biến trí ấy hiển bày. Trong đó:
  7. Khổ đế, Tập đế thuộc cõi Dục và Diệt đế, Đạo đế tăng thượng nơi cõi Dục có đủ mười phiền não mê chấp.
  8. Khổ đế, Tập đế thuộc cõi Sắc, và Diệt đế, Đạo đế tăng thượng nơi cõi ấy, có chín phiền não mê chấp (trừ sân).
  9. Như nơi cõi Sắc, nơi cõi Vô sắc cũng thế.
  10. Trong sự tu tập, đối trị nơi cõi Dục, có 6 phiền não mê chấp. Tức là trừ: tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, nghi.
  11. Trong sự tu tập, đối trị nơi cõi Sắc, có năm phiền não mê chấp.

Tức là trừ: sân trong sáu thứ còn lại ở trên.

– Nơi cõi Vô sắc cũng giống như cõi Sắc.

– Như nơi mê chấp, về chướng ngại cũng vậy.

Tát-ca-da-kiến: Là do gần gũi với những hạng người bất thiện, nghe phi chánh pháp, nên tác ý không đúng như lý. Lại do tự nhiên mất chánh niệm, cùng tùy theo quán, chấp năm thứ thủ uẩn, thể là tuệ nhiễm ô hoặc phân biệt, hoặc không phân biệt.

Biên chấp kiến: Là do gần gũi nơi kẻ bất thiện, nghe pháp không chân chánh, nên tác ý không đúng như lý, cùng do tự dưng mất chánh niệm nên chấp giữ năm thủ uẩn là tánh của Ngã, rồi tùy theo quán chấp là đoạn, là thường, thể là tuệ nhiễm ô hoặc phân biệt hoặc không phân biệt.

Tà kiến: Là do thân cận với kẻ bất thiện, nghe pháp không chân chánh, nên tác ý không như lý, bài bác cả nhân quả, hoặc bài bác tác dụng, hủy hoại sự việc chân thật, chỉ dùng tuệ nhiễm ô phân biệt làm thể.

Kiến thủ: Là do thân cận hạng người bất thiện, nghe pháp không chân chánh, nên tác ý không như lý. Dùng Tát-ca-da-kiến, Biên chấp kiến, tà kiến và các pháp cùng có tương ưng với chỗ dựa, chỗ duyên, chỗ nhân, so sánh với kiến chấp khác, cùng theo nơi quán, chấp là tối thắng, vi diệu bậc nhất, chỉ dùng tuệ nhiễm ô phân biệt làm thể.

Giới cấm thủ: Là do gần gũi với kẻ bất thiện, nghe pháp không chân chánh, nên tác ý không như lý, tức ở nơi kiến giải đó mà hành trì, hoặc giới hoặc cấm, và với các pháp cùng có tương ưng với chỗ dựa, chỗ duyên, chỗ nhân, cùng theo nơi quán chấp là thanh tịnh, là giải thoát, là xuất ly, chỉ dùng tuệ nhiễm ô phân biệt làm thể.

Tham: Là do gần gũi với kẻ bất thiện, nghe pháp bất chánh, nên tác ý không như lý, lại do tự nhiên mất chánh niệm, đối với cảnh giới trong ngoài đáng yêu thích, hoặc phân biệt hoặc không phân biệt, nhiễm đắm, chấp trước làm thể.

Sân: Là do thân cận với hạng người bất thiện, nghe pháp không chân chánh, nên tác ý không như lý, lại do tự nhiên mất chánh niệm, đối với cảnh giới trong ngoài không yêu thích, hoặc phân biệt hoặc không phân biệt, ghét giận làm thể.

Mạn: Tức do thân cận với hạng người bất thiện, nghe pháp không chân chánh, nên tác ý không như lý, lại do tự nhiên mất chánh niệm, đối với chỗ cao thấp hơn kém nơi trong ngoài, hoặc phân biệt hoặc không phân biệt, lấy cao ngạo làm thể.

Vô minh: Là do thân cận với kẻ bất thiện, nghe pháp không chân chánh, nên tác ý không như lý, lại do tự nhiên mất chánh niệm, nơi sự việc của đối tượng nhận thức, hoặc phân biệt hoặc không phân biệt, lấy vô tri nhiễm ô làm thể.

Nghi: Tức do thân cận với kẻ bất thiện, nghe pháp không chân chánh, nên tác ý không như lý, đối với sự việc của đối tượng nhận thức, chỉ dùng phân biệt theo chỗ hiểu biết khác làm thể.

3. Nhân của phiền não: Tức là 6 thứ nhân:

  1. Do đối tượng nương dựa.
  2. Do đối tượng duyên.
  3. Do thân cận.
  4. Do tà giáo.
  5. Do luôn tập quen.
  6. Do tác ý.

Do sáu nhân này nên dấy khởi các phiền não.

  1. Đối tượng nương dựa: Là do tùy miên khởi các phiền não.
  2. Đối tượng duyên: Là thuận theo cảnh giới của phiền não hiện tiền.
  3. Do thân cận: Là do theo học nơi kẻ bất thiện.
  4. Tà giáo: Là do nghe pháp không chân chánh.
  5. Luôn tập quen: Là do sức mạnh luôn tập quen đã gây tạo từ trước.
  6. Tác ý: Là do phát khởi tác ý không như lý, nên các phiền não sanh.

4. Phần vị của phiền não: Lược có bảy thứ:

  1. Phần vị tùy miên.
  2. Phần vị triền (trói buộc).
  3. Phần vị phân biệt dấy khởi.
  4. Phần vị câu sanh.
  5. Phần vị nhuyễn (hạ).
  6. Phần vị trung.
  7. Phần vị thượng.

Do hai duyên, nên tùy miên của phiền não được gọi là tùy miên:

  1. Do chủng tử luôn theo đuổi.
  2. Do sự tăng thượng của phiền não.

5. Môn của phiền não: Lược có hai môn, là chỗ não hại của phiền não: môn triền và môn tùy miên.

Môn triền có năm thứ:

  1. Do không an trụ nơi tịch tĩnh.
  2. Do chướng ngại pháp thiện.
  3. Do phát khởi hành ác của cõi ác.
  4. Do thâu nhận hiện pháp thấp kém.
  5. Do có thể chiêu cảm các khổ như sanh v.v…

Thế nào là chỗ não hại của môn tùy miên? Nghĩa là cùng với các triền làm chỗ dựa, lại có thể dẫn dắt làm phát sanh các khổ. Lại do bảy môn, nên tất cả phiền não có thể gây chướng ngại đối với kiến đạo và tu đạo, nên biết. Đó là: Do hiểu biết tà vạy. Do không hiểu biết. Do hiểu biết nơi không hiểu biết. Do mê chấp nơi hiểu biết sai lạc. Do nhân nơi chốn dựa của phiền não. Do phiền não sanh ra sợ hãi. Do hiện hành tự nhiên.

6. Thế nào là tướng thượng phẩm của phiền não? Tức là tướng mãnh liệt và tướng trầm trọng. Tướng này lược có sáu thứ:

  1. Do xâm phạm.
  2. Do sanh.
  3. Do tương tục.
  4. Do sự việc.
  5. Do khởi nghiệp ác.
  6. Do cứu cánh.

Do xâm phạm: Là do phiền não này trói buộc, hủy phạm tất cả học xứ hiện có.

Do sanh: Nghĩa là do phiền não ấy nên sanh trong cõi ác, khổ nơi Dục giới.

Do tương tục: Nghĩa là hành các căn như tham v.v… thành thục, từ thời thiếu niên, tráng niên không có pháp Niết bàn.

Do sự việc: Nghĩa là duyên nơi ruộng tôn quý, hoặc duyên nơi ruộng công đức, hoặc duyên nơi ruộng của hành không ứng hợp mà dấy khởi.

Do khởi nghiệp ác: Tức do phiền não này trói buộc, do tâm vui thích tăng thượng nên khởi nghiệp thân, ngữ.

Do cứu cánh: Nghĩa là tự tánh ấy thuộc về thượng phẩm, là chỗ đoạn trừ của đạo đối trị đầu tiên nơi bậc thấp.

7. Điên đảo thâu tóm của phiền não: Nghĩa là bảy điên đảo:

  1. Tưởng điên đảo.
  2. Kiến điên đảo.
  3. Tâm điên đảo.
  4. Điên đảo về thường đối với vô thường.
  5. Điên đảo về vui đối với khổ.
  6. Điên đảo về tịnh đối với bất tịnh.
  7. Điên đảo về Ngã đối với vô ngã.

Tưởng điên đảo: Nghĩa là ở trong vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, khởi vọng tưởng thường, lạc, tịnh, ngã, phân biệt.

Kiến điên đảo: Là ở trong chỗ phân biệt vọng tưởng ấy, thừa nhận dục lạc, để kiến lập mọi chấp trước.

Tâm điên đảo: Tức ở trong chỗ chấp trước ấy, có các phiền não như tham v.v… Nên biết phiền não lược có ba thứ: Hoặc có phiền não là gốc rễ của điên đảo. Hoặc có phiền não là thể của điên đảo. Hoặc có phiền não là đẳng lưu của điên đảo.

Gốc rễ của điên đảo: Là vô minh.

Thể của điên đảo: Là Tát-ca-da-kiến, một phần của Biên chấp kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ và Tham.

Đẳng lưu của điên đảo: Là tà kiến và một phần của Biên chấp kiến, sân, mạn và nghi. Trong đó:

– Tát-ca-da-kiến là điên đảo về Ngã đối với vô ngã.

– Một phần của Biên chấp kiến: Là điên đảo về thường đối với vô thường.

– Kiến thủ: Là điên đảo về tịnh đối với bất tịnh.

– Giới cấm thủ: Là điên đảo về lạc đối với khổ.

– Tham thì chung nơi hai thứ: Là điên đảo về tịnh đối với bất tịnh, và điên đảo về lạc đối với khổ.

8. Sai biệt của phiền não: Nên biết là có nhiều thứ sai biệt. Đó

là: Kiết; Phược (trói); Tùy miên; Tùy phiền não; Triền; Bộc lưu (dòng thác); Ách; Thủ; Hệ; Cái (ngăn che); Chu ngột; Cấu; Thường hại; Mũi tên; Hiện có; Căn; Hành ác; Lậu; Quỹ (hết, thiếu); Thiêu não; Tranh chấp; Lửa; Cháy bùng; Rừng rậm; Chướng ngại.

Nên biết, các loại như vậy là sự sai biệt của phiền não. Trong đó:

– Có thể hòa hợp với khổ, nên gọi là kiết.

– Khiến đối với hành thiện không tùy theo chỗ mong muốn, nên gọi là phược.

– Là chỗ theo đuổi của tất cả chủng tử tăng thượng nơi thế gian, nên gọi là tùy miên.

– Làm cho tâm điên đảo, cấu nhiễm, nên gọi là tùy phiền não.

– Luôn khởi hiện hành nên gọi là triền.

– Sâu, khó vượt qua, trôi chìm theo dòng chảy, nên gọi là bộc lưu.

– Là phương tiện của hành tà, nên gọi là ách.

– Có thể chấp giữ tự thân khiến nối tiếp không dứt, nên gọi là thủ.

– Khó có thể giải thoát, nên gọi là hệ.

– Che phủ nghĩa chân thật, nên gọi là cái.

– Hủy hoại ruộng gieo trồng pháp thiện, nên gọi là chu ngột.

– Tự tánh nhiễm ô nên gọi là cấu.

– Luôn có thể làm hại, nên gọi là thường hại.

– Tướng không tĩnh lặng, xa lìa chỗ thuận hợp, nên gọi là mũi tên.

– Có thể thâu tóm sự việc làm chỗ dựa, nên gọi là hiện có.

– Làm chỗ nương cho pháp bất thiện, nên gọi là căn.

– Là tự tánh của hành tà, nên gọi là hành ác.

– Làm loạn động, lưu chuyển nơi tâm, nên gọi là lậu.

– Có thể khiến thọ dụng không biết chán đủ, nên gọi là thiếu.

– Có thể khiến cho chỗ ham muốn luôn thiếu thốn, nên gọi là thiêu đốt.

– Có thể dẫn dắt đến chỗ suy tổn, nên gọi là não.

– Có thể làm nhân cho sự kiện tụng tranh chấp, nên gọi là hữu tránh (có tranh chấp).

– Thiêu đốt chỗ tích tập các củi thiện căn, nên gọi là lửa.

– Như bệnh đại nhiệt, nên gọi là cháy bùng.

– Có vô số đại thọ của tự thân tụ tập nên gọi là rừng rậm.

– Có thể khiến cho chúng sanh ưa thích vướng chấp nơi vô số dục trần thượng diệu, có thể gây chướng ngại cho việc chứng đắc pháp xuất thế, nên gọi là chướng ngại.

– Các thứ sai biệt của phiền não như vậy, Đức Bạc-già-phạm tùy theo chỗ tăng mạnh, ở trong vô số môn phiền não, kiến lập sự sai biệt.

Kiết: Là chín kiết: Tức kiết ái v.v…, nói rộng như trước.

Phược: Là ba phược: Tức tham, sân, si.

Tùy miên: Là bảy thứ tùy miên, như tùy miên dục tham v.v…, nói rộng như trước.

Tùy phiền não: Là ba tùy phiền não, tức tham sân si.

Triền: Là tám triền: Vô tàm (không hổ), vô quý (không thẹn), hôn trầm, thùy miên (ngủ nghỉ), trạo cử, ố tác (hối), tật đố (ganh ghét), xan lận (keo kiệt).

Bộc lưu: Là bốn bộc lưu: Dục, hữu, kiến, vô minh.

Ách: Cũng như bộc lưu.

Thủ: Là bốn thủ: Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã ngữ thủ.

Hệ: Là bốn hệ: Hệ tham thân, hệ sân thân, hệ giới cấm thủ thân, hệ cho đây là thật chấp giữ thân.

Cái: Là năm cái: Tham dục, sân hận, hôn trầm thùy miên, trạo cử -ố tác (hối), nghi.

Chu ngột: Là ba chu ngột: Tham, sân, si.

Như chu ngột, các thứ cấu, thường hại, mũi tên, hiện có, hành ác cũng vậy.

Căn: Là ba căn bất thiện: Tham, sân, si.

Lậu: Là ba lậu: Dục, hữu, vô minh.

Thiếu: Là ba thiếu: Tham, sân, si.

Như thiếu, các thứ thiêu đốt, não, hữu tránh, lửa, cháy bùng, rừng rậm cũng như vậy.

Chướng ngại: Có năm thứ chướng ngại:

  1. Luyến tiếc nơi thân.
  2. Luyến tiếc nơi các dục.
  3. Thích cùng trụ xen tạp.
  4. Thiếu tùy thuận giáo pháp.
  5. Được thiện vi diệu liền sanh biết đủ.

9. Lỗi, họa của phiền não: Nên biết các phiền não có vô lượng lỗi lầm, tai họa. Nghĩa là, lúc phiền não dấy khởi, trước tiên là não loạn nơi tâm. Tiếp theo là ở nơi đối tượng duyên phát khởi điên đảo, khiến các tùy miên đều được bền chắc. Khiến cho hành đẳng lưu nối tiếp chuyển biến. Có thể dẫn đến việc tự hại, có thể dẫn tới việc hại kẻ khác, có thể dẫn đến việc cùng hại cả hai. Sanh tội nơi hiện pháp, sanh tội nơi hậu pháp, sanh tội nơi cả hai pháp. Khiến cho thân tâm sanh thọ nhận ưu khổ, có thể dẫn sanh vô số khổ lớn, có thể khiến cho việc xa lìa Niết bàn an lạc cứ nối tiếp. Có thể khiến thối thất các pháp thắng hiện. Có thể khiến cho tài sản hao tổn, mất mát. Có thể khiến cho việc đi vào đám đông không đạt được vô úy, vì sợ sệt không có uy lực. Có thể khiến cho tiếng tăm xấu ác truyền khắp mọi nơi chốn. Thường bị bậc Trí chê trách. Khiến vào lúc lâm chung sanh khởi ưu sầu, hối hận lớn. Khiến sau khi chết, bị đọa nơi các cõi ác, sanh trong địa ngục. Khiến không chứng đạt nghĩa lợi tự thắng. Các lỗi lầm như thế là vô lượng vô biên.

Thế nào là tạp nhiễm của nghiệp? Kệ viết:

“Tự tánh hoặc phân biệt
Nhân, vị cùng với môn
Phẩm tăng thượng, điên đảo
Sai biệt, các lỗi, họa”.

Nên biết, giải thích phần tạp nhiễm của nghiệp là do tự tánh, do phân biệt, do nhân, do phần vị, do môn, do thượng phẩm, do điên đảo, do sai biệt, do lỗi, họa.

Thế nào là tự tánh của nghiệp? Nghĩa là, nếu khi pháp sanh, sự tạo tác cùng khởi, lại do nghiệp kia sanh, nên thân hành, ngữ hành, nơi sau khi hành, theo chỗ tạo tác mà chuyển biến. Đó gọi là tự tánh của nghiệp.

Thế nào là sự phân biệt của nghiệp? Nghĩa là do hai thứ tướng, nên biết:

– Một là do tướng của Bổ-đặc-già-la nên sai biệt.

– Hai là do tướng của pháp nên sai biệt.

Ở đây lại có hai thứ, tức mười thứ nghiệp đạo thiện và bất thiện.

Đó là:

  1. Sát sanh, lìa sát sanh.
  2. Không cho mà lấy, lìa không cho mà lấy.
  3. Dục tà hạnh, lìa dục tà hạnh.
  4. Vọng ngữ, lìa vọng ngữ.
  5. Nói lời ly gián, lìa nói lời ly gián.
  6. Nói lời thô ác, lìa nói lời thô ác.
  7. Nói lời thêu dệt, lìa nói lời thêu dệt.
  8. Tham dục, lìa tham dục.
  9. Sân giận, lìa sân giận.
  10. Tà kiến, lìa tà kiến.

Kiến lập tướng Bổ-đặc-già-la sai biệt: Nghĩa là, như nơi kinh nói:

“Những kẻ sát sanh”, cho đến nói rộng.

“Những kẻ sát sanh”: Đây là câu nêu chung.

“Bạo ác tột cùng”: Nghĩa là tâm sát hại đang hiện tiền.

“Máu nhuộm nơi tay”: Đó là vì biến thành tướng sát hại thân mạng.

“Nắm giữ việc sát hại cùng cực”: Là đoạn dứt mạng sống của các chúng sanh khác; cắt, xẻ các chi phần nơi thân; vì để nuôi sống thân mạng.

“Không có xấu hổ”: Nghĩa là từ nơi tội của mình sanh khởi.

“Không có thương xót”: Tức là dẫn đến những điều không yêu thương.

Có ngoại đạo xuất gia tên là Vô Hệ nói lời như vầy: “Những chúng sanh hiện có trong khoảng 100 do tuần, đối với đạo kia hoặc có luật nghi hoặc không luật nghi”. Để đối trị đạo ấy nên nói như thế. Nói “Nơi chốn của tất cả hữu tình”, tức nơi ngoại đạo kia lại nói: “Các vật bên ngoài như cây cối v.v… cũng có sanh mạng”. Vì đối trị quan niệm ấy nên nói: “Nơi chốn của chúng sanh chân thật”. Đây tức là hiển bày phước đức chân thật, xa lìa đối trị, cùng hiển bày phước đức không thật, xa lìa đối trị. Các câu được nêu bày như vậy là làm rõ việc sát hại gia hạnh, cho đến loài hết sức nhỏ bé như đàn kiến v.v…

“Nơi chốn của các chúng sanh”: Câu này hiển bày việc sát hại không lựa chọn.

“Đối với việc sát sanh hoặc chưa xa lìa”: Đây là làm rõ việc gặp duyên thuận hợp có thể xuất ly, tức cho đến chưa xa lìa, trở lại gọi là kẻ sát sanh.

Lại, các câu này tóm lược về nghĩa: Tức là nhằm hiển bày tướng mạo của sát sanh, tác dụng, nhân duyên cùng sự dụng sai biệt của sát sanh.

“Lại, tóm lược về nghĩa”: Tức là nhằm hiển bày về nẻo như thật của sát sanh, sự sai biệt của sát sanh, việc sát sanh của nơi chốn sát sanh, gọi là người sát sanh. Lại, những câu ấy là làm rõ về tướng của Bổ-đặc-già-la, là chủ thể sát sanh, không phải hiển bày tướng của pháp sát sanh.

Lại nữa, “không cho mà lấy”: Đây là câu nêu tổng quát.

“Đối với sở hữu của kẻ khác”: Nghĩa là những thứ như của cải, lúa gạo thuộc về kẻ khác.

“Hoặc tại xóm làng”: Tức là các sự vật kia, ở trong xóm làng, hoặc tích tập, hoặc di chuyển.

“Hoặc ở nơi vắng lặng”: Nghĩa là các sự vật kia, ở nơi vắng vẻ, yên tĩnh, hoặc sanh khởi, hoặc tập hợp, hoặc lại di chuyển.

“Tức ở đây gọi là những vật dụng có thể trộm cắp”: Nghĩa là các vật không cho, không vất, không bỏ.

“Hoặc tự mình nhận giữ”: Là giữ lấy làm vật mình có.

“Không cho mà lấy”: Nghĩa là kẻ kia, hoặc lúc các vật dụng cần cho đời sống thiếu thốn, nên giữ lấy làm của mình.

“Không cho mà vui thích”: Là vui vẻ thọ nhận việc làm trộm cắp.

“Đối với chỗ không cho, không từ bỏ mà sanh tâm mong cầu”: Đó là trộm cướp nơi kẻ khác, nhằm làm của mình. Hoặc chủ của vật kia, chẳng phải là trước đã cho, như việc trả nợ, đó gọi là không cho.

Hoặc là chủ của vật kia, đối với vật ấy giữ lấy, không bỏ, cho, đó gọi là không xả bỏ. Hoặc chủ của vật kia, đối với các chúng sanh, không thuận theo chỗ mong muốn thọ dụng của họ để bỏ, cho, đó gọi là không từ bỏ.

“Tự mình làm để lấy”: Là không cho mà lấy, cùng không cho mà vui thích.

“Tham lam mà lấy”: Nghĩa là nơi các vật không cho, không từ bỏ, mà mong cầu có được.

“Không thanh tịnh mà lấy”: Tức là nơi các vật tranh giành, bị kẻ khác hơn, vì không trong sạch như tuyết.

“Bất tịnh mà lấy”: Nghĩa là tuy hơn kẻ khác, nhưng bị lỗi lầm làm cho cấu uế.

“Có tội mà lấy”: Tức là có thể thâu nhận quả không yêu thích của hiện pháp và hậu pháp.

“Đối với việc không cho mà lấy, hoặc chưa xa lìa”: Như đã nói về tướng sát sanh ở trước. Nên biết, các nghiệp đạo còn lại, cũng như vậy.

“Ở đây, tóm lược về nghĩa”: Tức do trộm cắp vật ấy, nên thành không cho mà lấy. Hoặc ở nơi xứ này, như chỗ sai biệt của nó, là nói về trộm cướp như thật. Do trộm cướp nên mắc phải tội lỗi ấy, đó gọi là nghĩa tổng quát. Lại, ở đây cũng hiển bày về tướng của kẻ không cho mà lấy, chẳng phải là tướng của pháp không cho mà lấy. Nên biết các nghiệp đạo khác cũng vậy.

Lại nữa, “tà hạnh về dục”: Đây là câu nêu chung.

“Đối với việc bảo hộ của các bậc cha mẹ”:  Cũng như cha mẹ đối với con gái của mình chưa chồng, vì sự việc xuất giá theo về với kẻ khác, nên phải siêng tăng việc giữ gìn. Luôn luôn xem xét, không để cùng với kẻ khác tạo chuyện xấu xa.

Nếu không còn cha mẹ: Tức lại có anh chị ruột lo công việc gìn giữ. Ở đây, nếu anh chị ruột không có, thì lại được những thân thích khác lo công việc bảo hộ.

Hàng thân thích ấy nếu cũng không có, thì vì sợ tổn hại đến thanh danh của gia tộc, nên tự mình phải biết giữ gìn. Hoặc các cô, cậu của kẻ ấy, vì con cháu của mình, nên siêng gắng bảo hộ.

“Có sự trị phạt”: Tức là các quốc vương, hoặc những vị chấp pháp, theo pháp luật xử trị để giữ gìn.

“Có chướng ngại”: Đó là công việc bảo hộ của người giữ cửa.

Trong đây, hiển bày tóm lược về ba thứ bảo hộ đối với những cô gái chưa xuất giá:

– Một là việc bảo hộ của hàng quyến thuộc chí thân với mình.

– Hai là việc bảo hộ của vua quan, những bậc chấp pháp.

– Ba là việc bảo hộ của những người giữ cửa.

“Thê thiếp của kẻ khác”: Là những người đã xuất giá.

“Thuộc về kẻ khác”: Tức là các người nữ chưa xuất giá, được 3 loại bảo hộ giữ gìn.

“Hoặc do hung trá”: Nghĩa là sau khi dối trá lừa gạt rồi, làm việc tà hạnh.

“Hoặc do sức mạnh”: Tức là đối trước cha mẹ của kẻ kia, ngang nhiên cưỡng bức.

“Hoặc do ẩn núp”: Là không đối mặt với kẻ kia.

“Tướng chiếm đoạt, vui thích hành tà hạnh”: Đó là hai bên cùng “giao hội”.

“Tức nơi sự việc này, hành tà hạnh với tâm dục, trái đạo lý”: Nghĩa là hành sự không phải đạo, không phải nơi chốn, không phải lúc, đối với thê thiếp của mình mà gây tạo tội lỗi.

“Ở đây, tóm lược về nghĩa”: Là hiển bày tóm lược về chỗ hành của kẻ kia, hoặc hành xử sai khác, hoặc tà hạnh về dục, nên biết.

Lại nữa, “Những kẻ nói dối”: Đây là câu nêu chung.

“Hoặc là vua”: Tức là vương gia.

“Hoặc sứ giả của vua”: Tức là những vị nắm giữ pháp luật của nước.

“Hoặc là riêng lẻ”: Tức các hàng trưởng giả, cư sĩ.

“Hoặc là số đông”: Là nhiều người tụ tập.

“Hoặc tập trung đông đảo”: Tức là nơi chốn có dân chúng khắp bốn phương tụ tập.

“Hoặc đã nhận biết”: Là những lời nói theo ba chỗ đã trải qua ở trước.

“Hoặc đã thấy”: Là những lời nói theo chỗ đã trải qua, từng thấy.

“Hoặc do nhân của chính mình”: Nghĩa là, hoặc nhân nơi sợ hãi, hoặc nhân nơi sự tham đắm mùi vị. Như do nhân của chính mình, nhân của kẻ khác cũng vậy.

“Nhân nơi sợ hãi”: Tức là do sợ hãi bị giết, bị trói cột, bị xử trị, bị bãi chức v.v…

“Nhân nơi sự tham đắm mùi vị”: Nghĩa là của cải, lúa gạo, châu báu v.v…

“Biết mà nói dối”: Là lời nói nhằm che giấu ý tưởng muốn thấy.

“Trong đây tóm lược về nghĩa”: Là nơi chốn nương dựa, là nói khác, là nhân duyên, là nói dối với ý tưởng hủy hoại, nên biết.

Lại nữa, kẻ nói lời ly gián: Đấy là câu nêu chung.

“Hoặc là nhằm phá hoại”: Là do ý ưa thích phá hoại.

“Nghe đây nói rồi hướng về kia nói lại, nghe kia nói rồi hướng về đây nêu bày”: Đó là theo chỗ nghe được, thuận trái đảo lộn, nói lời ly gián.

“Phá hoại sự hòa hợp”: Tức có thể sanh khởi vui mừng đối với sự việc biệt ly.

“Theo chỗ ứng hợp làm cho chia lìa”: Nghĩa là có thể làm cho trái nghịch, chống đối thì càng thêm vui thích.

“Vui thích hủy hoại sự hòa hợp”: Tức là ở trong sự biệt ly, đã sanh vui thích, tâm càng nhiễm ô.

“Vui thích ghi nhận sự biệt ly”: Nghĩa là tâm càng nhiễm ô, đối với cảnh trái nghịch, chống đối, đã sanh vui thích.

“Nói lời có thể khiến ly gián”: Tức là hoặc không nghe, hoặc theo phương tiện của kẻ khác.

“Ở đây tóm lược về nghĩa”: Là hiển bày tóm lược về ý vui thích ly gián, phương tiện ly gián chưa phá hoại, phương tiện ly gián đã phá hoại, ly gián với tâm cấu nhiễm và các phương tiện khác.

Lại nữa, kẻ nói lời thô ác: Đây là câu nêu tổng quát. Ở đây, lời nói thuộc về Giới, nên gọi là lời nói không nhiễu loạn. Câu văn hay, linh hoạt, gọi là “vui tai”. Làm tăng thượng ý muốn hiểu biết về chỗ phát khởi, không phải là giả trá, chẳng phải là dua nịnh, gọi là vừa lòng.

Không tăng thêm, thời cơ thuận hợp, dẫn đến nghĩa lơi, gọi là đáng yêu thích. Hướng tới cảnh giới Niết-bàn, gọi là dẫn đầu. Câu văn đậm dà ý vị, gọi là hay, đẹp tinh tế. Câu văn khéo giải thích, gọi là phân minh. Hiển bày rõ nẻo hướng tới, gọi là có thể dễ hiểu rõ. Do thâu nhận chánh pháp, gọi là có thể hiện bày công sức. Vì lìa chỗ phát khởi của tâm yêu thích hương vị, nên gọi là không có chỗ nương dựa. Không vượt quá mức độ, gọi là không thể chán, nghịch. Nối tiếp chỗ rộng lớn, gọi là vô biên vô tận.

Lại, từ lời nói không nhiễu loạn, cho đến lời nói vô biên vô tận, nên biết là gồm thâu tóm lược làm ba thứ ngôn ngữ: Một là: Lời nói thuộc về luật nghi của Giới. Là loại thứ nhất. Hai là: Lời nói thảy đều hoan hỷ. Là loại thứ hai. Ba là: Lời nói thuyết pháp. Là các loại còn lại.

Tức nơi loại sau cùng này lại có ba thứ, nên biết:

– Thứ nhất: Lời nói với chỗ hướng tới viên mãn. Là loại đầu.

– Thứ hai: Lời nói với văn từ viên mãn. Là hai thứ tiếp theo.

– Thứ ba: Lời nói với phương tiện viên mãn. Là các loại còn lại.

Lại, đối với đời vị lai có sự an vui đáng yêu thích, nên gọi là lời nói đáng yêu. Đối với đời quá khứ có sự an lạc đáng yêu thích, nên gọi là lời nói đáng yêu thích. Đối với sự việc của đời hiện tại cùng thọ nhận sự an vui đáng yêu thích, nên gọi là lời nói đáng hân hoan, hợp ý. Nên biết, lời nói thảy đều hoan hỷ gọi là lời nói được vô lượng chúng sanh yêu thích, vui vẻ, hân hoan, hợp ý. Lời nói thuyết pháp goi ấy là lời nói của Tam-ma-hí-đa. Lời nói thuộc về phần giới luật gọi là lời nói không hối v.v… lần lượt có thể dẫn đến Tam ma địa.

Ở đây, lời nói độc hiểm là lời nói hủy nhục kẻ khác, vì làm phát khởi sự độc hại của sân hận. Lời nói thô ác là lời nói làm não loạn kẻ khác, vì làm phát khởi cảm xúc đau khổ. Những lời nói thô ác còn lại, nên biết là chuyển ngược phẩm Bạch ở trước.

Lại nữa, những kẻ nói lời thêu dệt: Đấy là câu nêu chung. Vào lúc nêu tội không đúng, có năm loại nêu tội không đúng: Nói không đúng thời, nên gọi là lời nói phi thời. Nói không thật nên gọi là lời nói không thật. Nói dẫn đến chỗ vô nghĩa nên gọi là lời nói vô nghĩa. Nói quá thô ác nên gọi là lời nói phi pháp. Nói hiệp với sân hận nên gọi là lời nói không yên tĩnh.

Lại, lúc nói pháp tà vạy, vì suy xét không chân chánh mà nêu bày, nên gọi là lời nói không suy lường. Vì những người nghe hơn hẳn mà nêu bày, nên gọi là lời nói không tịch tĩnh. Vì nói không đúng lúc, nghĩa lý trước sau không thuận hợp, nên gọi là lời nói tạp loạn. Vì nhân nơi không đúng lý mà nêu bày nên gọi là lời nói không có giáo hóa. Nêu dẫn những điều không tương ưng làm thí dụ, so sánh, nên gọi là lời nói không dẫn dụ. Hiển bày sự uế nhiễm nên gọi là lời nói không có pháp.

Lại, vào lúc ca ngâm vui đùa cùng lúc xem múa hát, chèo, tuồng v.v… có dẫn đến lời nói vô nghĩa.

Ở đây tóm lược về nghĩa: Tức hiển bày, như trước đã nêu, về lời nói thêu dệt nơi ba thời.

Lại nữa, những kẻ tham dục: Đấy là câu nói tổng quát.

Do tâm tham mãnh liệt: Nghĩa là đối với vật sở hữu của kẻ khác, do tâm tham tăng thượng, nên muốn lấy làm của mình, khởi quyết định giữ lấy.

Đối với của cải: Tức là các loại tài sản của thế gian.

Vật dụng: Nghĩa là các thứ vật dùng cho đời sống được thọ dụng. Hai thứ này gọi chung là vật.

Phàm các vật hiện có của kẻ kia quyết định sẽ thuộc về mình: Đây là hiển bày hành tướng của tham dục sanh khởi.

Trong ấy tóm lược về nghĩa: Tức nên biết là hiển bày về tự tánh của tham dục, đối tượng duyên của tham dục và hành tướng của tham dục.

Lại nữa, kẻ có tâm sân hận: Đấy là câu nêu chung.

Phân biệt với ý ác: Nghĩa là ở chỗ của hữu tình khác, do sức tăng thượng của sân hận, muốn gây tổn hại, nên khởi quyết định giữ lấy ý tưởng ấy.

Sẽ giết: Tức là muốn làm tổn thương thân mạng kẻ kia.

Sẽ hại: Tức muốn làm não loạn thân mạng kẻ ấy.

Sẽ làm cho suy tổn: Tức muốn khiến cho tài sản của kẻ kia bị hao tổn.

Kẻ ấy sẽ tự nhận lấy vô số sầu não: Tức muốn khiến cho kẻ kia tự mất hết của cải, vật dụng.

Ở đây tóm lược về nghĩa: Là như trước, nên biết.

Lại nữa, về những kẻ tà kiến: Đây là câu nêu tổng quát.

Dấy khởi kiến chấp như vậy: Đây là hiển bày về nghĩa nơi điều muốn, thích, dồn chứa trong tâm sẽ được nói ra.

Tạo lập luận thuyết như vậy: Đây là làm rõ nghĩa sẽ trao truyền cho kẻ khác những điều sắp nói.

Không có bố thí, không có yêu thương nuôi nấng, cùng không có cúng tế: Nghĩa là do ba thứ ý ưa thích, nên không có phát khởi bố thí:

  1. Ý thích về của cải, vật dụng.
  2. Ý thích thanh tịnh.
  3. Ý thích cúng tế chư Thiên.

Cúng dường lửa cho chư Thiên gọi là tế tự.

Lại, hiển bày chỗ không phát khởi giới, tu pháp thiện được sanh nơi chủ thể đối trị, đối tượng được đối trị. Cùng hiển bày chỗ không phát khởi bố thí, với pháp thiện được sanh nơi chủ thể đối trị, và đối tượng được đối trị, nên nói lời như vầy: “Không có hành diệu, cũng không có hành ác”.

Lại, nhằm hiển bày chỗ không phát khởi ba thứ thiện ấy nơi quả đạt được của chủ thể đối trị và đối tượng được đối trị, nên nói lời như vầy: “Không có quả và dị thục của hai nghiệp hành diệu, hành ác”.

Lại, nhằm hiển bày việc không phát khởi duyên của chỗ dựa để lưu chuyển, nên nói: “Không có đời này, không có đời khác”.

Lại, nhằm hiển bày việc không phát khởi chỗ duyên dựa, cùng việc không phát khởi về duyên của chủng tử kia, nên nói: “Không có cha, không có mẹ”.

Lại, nhằm làm rõ việc không phát khởi các sĩ phu lưu chuyển, nên nói: “Không có hữu tình hóa sanh”.

Lại, nhằm làm rõ việc không phát khởi hành đối trị lưu chuyển, hoàn diệt, nên nói: “Thế gian không có A-la-hán chân thật”, cho đến nói rộng.

Do đã hướng tới chỗ đều khác biệt nơi phiền não tịch tĩnh, nên gọi là chánh chí. Đối với các hữu tình, xa lìa hạnh tà, hành hạnh không điên đảo, nên gọi là chánh hành. Lúc ở nơi nhân, gọi là thế gian này. Khi ở nơi quả, gọi là thế gian kia. Tự sức của sĩ phu tạo tác, gọi là tự nhiên.

Thông tuệ: Nghĩa là thức thứ sáu.

Đã chứng đắc: Tức là do kiến đạo.

Đầy đủ: Là do tu đạo.

Hiển bày: Là từ chỗ nhận biết của mình, vì người khác nêu giảng. “Sự sanh của Ta đã hết” v.v… nên biết, như ở nơi khác đã phân biệt.

Ở đây, tóm lược về nghĩa: Tức hiển bày chỗ hủy báng nhân, quả, bài bác về công dụng, hủy báng sự chân thật.

Công dụng: Là công dụng gieo trồng, công dụng nhận giữ, công dụng đến đi, công dụng của nghiệp chiêu cảm sanh.

Lại có tóm lược về nghĩa sai biệt: Tức hiển bày việc bài bác hoặc nhân hoặc quả, hoặc duyên lưu chuyển, hoặc sĩ phu lưu chuyển, cùng làm rõ việc bài bác hành đối trị, đạt hoàn diệt.

Lại, bài bác về lưu chuyển: Nên biết là hủy báng nhân, không hủy báng tự tướng.

Hủy báng về hoàn diệt: Nên biết là hủy báng về công đức tu tập, không hủy báng về Bổ-đặc-già-la.

Lại nữa, về phẩm Bạch, tất cả là chuyển ngược lại phần trước, nên biết, những sai biệt hiện có, tôi nay sẽ nêu rõ.

Nghĩa là chuyển ngược lại trong phần tà hạnh của dục.

Những bậc hành phạm hạnh: Đây là câu nêu chung. Nên biết ở đây do ba thứ thanh tịnh mà đạt được thanh tịnh:

  1. Thanh tịnh của thời gian.
  2. Thanh tịnh do tin nơi kẻ khác.
  3. Thanh tịnh của chánh hạnh.

Vì hành trì cả đời, hành trì lâu xa: Đây là hiển bày về thanh tịnh của thời gian. Do gột rửa sạch chỗ tranh chấp nên gọi là thanh. Vì không trái vượt nên gọi là tịnh. Hai thứ này là hiển bày chung về thanh tịnh do tin nơi kẻ khác. Ở đây, hoặc có thanh mà không phải là tịnh, nên nêu ra bốn trường hợp:

  1. Thật sự hủy phạm, được hơn nơi tranh chấp.
  2. Thật sự không hủy phạm, thua cuộc nơi tranh chấp.
  3. Thật sự không hủy phạm, được hơn nơi tranh chấp.
  4. Thật sự hủy phạm, thua cuộc nơi tranh chấp.

Không để thân nhiễm ái tiếp xúc nơi đất quê mẹ, gọi là xa lìa tiếng xấu nơi đời sống. Không làm chuyện xấu xa, hai bên cùng giao hội, gọi là xa lìa dâm dục. Không dùng phương tiện xúc chạm bằng tay khác làm xuất thứ bất định, gọi là ái không thô bỉ. Nguyện thọ trì phạm hạnh, gọi là xa lìa pháp hèn kém. Như thế gọi là đầy đủ thanh tịnh của chánh hạnh. Nên biết, tóm lược nghĩa tức ở trong phần này.

Lại, chuyển ngược phần vọng ngữ.

Đáng tin cậy: Là có thể giao phó.

Đáng giao phó: Là có thể gởi gắm.

Nên có thể kiến lập: Nghĩa là ở trong các sự việc trái ngược, tranh chấp ấy, nên có thể kiến lập làm chứng cớ đúng đắn.

Không có hư dối: Là ở trong sự việc giao phó, gởi gắm, không hư dối, nên không lừa gạt.

Trong đây tóm lược về nghĩa: Tức hiển bày ba thứ thâu nhận:

  1. Thâu nhận muốn hiểu biết.
  2. Thâu nhận bảo lãnh.
  3. Thâu nhận tác dụng.

Lại nữa, kiến lập về tướng của pháp sai biệt: Đó là tức sát sanh, lìa sát sanh v.v…

Thế nào là sát sanh? Nghĩa là đối với các chúng sanh khác, khởi tâm ô nhiễm, khởi ý muốn vui thích giết hại. Hoặc ở nơi các chúng sanh ấy khởi phương tiện giết hại và trong cứu cánh của sự sát hại đó là thuộc về thân nghiệp.

Thế nào là không cho mà lấy? Nghĩa là đối với các vật thuộc kẻ khác, khởi tâm nhiễm ô, khởi ý muốn vui thích trộm cắp. Hoặc đối với các chúng sanh đó khởi phương tiện trộm cắp, và trong cứu cánh của sự trộm cắp ấy là thân nghiệp hiện có.

Thế nào là tà hạnh về dục? Nghĩa là đối với các hành vi không ứng hợp, không phải đạo, không phải chốn, không phải lúc, khởi tâm nhiễm ô, khởi ham muốn gần gũi, hoặc đối với các chúng sanh đó khởi phương tiện tà hạnh về dục, và thân nghiệp hiện có trong cứu cánh của tà hạnh về dục đó.

Thế nào là nói dối? Tức là đối với các hữu tình khác, khởi tâm nhiễm ô, khởi ý tưởng ham thích che giấu lời nói. Hoặc tức đối với các chúng sanh kia, khởi phương tiện tạo chứng cớ giả trá, và ngữ nghiệp hiện có trong cứu cánh của việc tạo chứng cớ giả trá đó.

Thế nào là nói ly gián? Nghĩa là đối với các hữu tình khác, khởi tâm nhiễm ô, khởi ý muốn vui thích phá hoại. Hoặc tức ở nơi các hữu tình đó, khởi phương tiện phá hoại, và trong cứu cánh của sự phá hoại đó, ngữ nghiệp hiện có.

Thế nào là nói lời thô ác? Tức là đối với các hữu tình khác, khởi tâm nhiễm ô, khởi ý muốn vui thích nói lời thô, dữ. Hoặc tức ở nơi các hữu tình đó, khởi phương tiện nói thô ác, và ngữ nghiệp hiện có trong cứu cánh của lời nói thô dữ ấy.

Thế nào là nói lời thêu dệt? Nghĩa là khởi tâm nhiễm ô, khởi ý ham thích nói thêu dệt. Hoặc tức ở nơi các hữu tình kia khởi phương tiện nói lời không tương ưng và ở trong cứu cánh của lời nói không tương ưng đó, là thuộc về ngữ nghiệp.

Thế nào là tham dục? Nghĩa là đối với vật sở hữu của kẻ khác, khởi tâm nhiễm ô, khởi ý muốn vui thích lấy làm của mình. Hoặc tức ở nơi vật sở hữu của kẻ khác, khởi phương tiện quyết định lấy làm vật có của mình, và ý nghiệp hiện có trong cứu cánh kia.

Thế nào là sân hận? Nghĩa là đối với kẻ khác, khởi tâm nhiễm ô, khởi ý muốn vui thích não hại. Hoặc đối với kẻ khác, khởi phương tiện quyết định vui thích hãm hại, và ý nghiệp hiện hành trong cứu cánh của hành động ấy.

Thế nào là tà kiến? Tức là khởi tâm nhiễm ô, khởi ý vui thích phỉ báng, bài bác. Hoặc ở nơi các kiến giải, khởi phương tiện quyết định ưa thích phỉ báng, và ý nghiệp hiện hành trong cứu cánh ấy.

Thế nào là lìa sát sanh? nghĩa là đối với việc sát sanh, khởi tâm thắng thiện, khởi sự mong muốn hiểu biết về lỗi, họa. Hoặc đối với sự việc ấy khởi phương tiện dứt bỏ hẳn, và thân nghiệp hiện hành trong cứu cánh của sự dứt bỏ ấy.

Như lìa sát sanh, lìa không cho mà lấy, cho đến lìa tà kiến nên biết cũng như vậy, chỗ sai khác trong ấy: Nghĩa là đối với việc không cho mà lấy, khởi mong muốn hiểu biết về lỗi, họa, khởi tâm thắng thiện. Hoặc ở nơi ấy khởi phương tiện dứt bỏ hẳn và ý nghiệp hiện hành trong cứu cánh của sự dứt bỏ đó.

Mười thứ như vậy, tóm lược làm ba, là thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp, nên biết ba thứ này mở rộng thành 10 loại.

Thế nào là nhân của nghiệp?

Nên biết có 12 thứ tướng:

  1. Tham
  2. Sân.
  3. Si
  4. Tự (mình).
  5. Tha (kẻ khác).
  6. Theo kẻ khác chuyển.
  7. Chỗ yêu thích hương vị.
  8. Sợ hãi.
  9. Làm tổn hại.
  10. Vui đùa.
  11. Tưởng về pháp.
  12. Tà kiến.

Thế nào là phần vị của nghiệp?

Nên biết, lược nêu có năm thứ tướng:

  1. Vị thấp.
  2. Vị trung.
  3. Vị thượng.
  4. Vị sanh.
  5. Vị tập khí.

Do nghiệp bất thiện thấp, nên sanh trong loài Bàng sanh. Do nghiệp bất thiện trung bình, nên sanh trong loài Ngạ quỷ. Do nghiệp bất thiện nhiều (thượng) nên sanh vào cõi Địa ngục. Do nghiệp thiện ít, nên sanh vào cõi Người. Do nghiệp thiện vừa, nên sanh vào các cõi Trời thuộc Dục giới. Do nghiệp thiện nhiều, nên sanh vào cõi Sắc, Vô sắc.

Những gì gọi là nghiệp bất thiện vị thấp? Đó là do tham sân si phẩm hạ làm nhân duyên.

Những gì gọi là nghiệp bất thiện vị trung? Đó là do tham sân si phẩm trung làm nhân duyên.

Những gì gọi là nghiệp bất thiện vị thượng? Đó là do tham sân si phẩm thượng làm nhân duyên.

Nếu là các nghiệp thiện, thì theo chỗ ứng hợp, nên biết là do không tham không sân không si làm nhân duyên.

Những gì là vị sanh nơi nghiệp? Đó là nghiệp đang hiện tiền, đã sanh, chưa diệt.

Những gì là vị tập khí nơi nghiệp? Đó là nghiệp đã sanh dã diệt, không hiện tiền.