du già sư địa luận

Phật Quang Đại Từ Điển


(瑜伽師地論) Phạm:Yogacàrabhùmi. Bồ tát Di lặc giảng, ngài Vô trước ghi, gọi tắt: Du già luận, thu vào Đại chính tạng tập 30. Đây là bộ luận cơ bản của học phái Du già hành, là bộ luận quan trọng của tông Pháp tướng và cũng là bộ luận trọng yếu trong lịch sử Phật giáo Trung quốc. Nội dung ghi chép quá trình ngài Vô trước nghe bồ tát Di lặc từ trời Đâu suất giáng xuống nhà giảng ở nước A du xà thuộc Trung thiên trúc nói pháp, trong đó tường thuật phép quán Du già hành (Phạm: yogacàra), cho rằng đối tượng khách quan là hiện tượng do thức A lại da (Phạm: àlayavijĩàna) – tâm thức căn bản của con người – giả hiện, cho nênphải xa lìa quan niệm đối lập có và không, tồn tại và phi tồn tại, mới có thể ngộ vào trung đạo. Bộ luận này là một kho báu lớn đối với việc nghiên cứu tư tưởng của Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa. Vì luận này giải thích rộng về 17 địa sở y sở hành của người tu Du già nên cũng gọi là Thập thất địa luận. Lại nữa, trong 17 địa thì Bồ tát địa là đặc biệt quan trọng. Trong các bản Hán dịch của bộ luận này, bản luận Du già 100 quyển của ngài Huyền trang dịch là nổi tiếng hơn cả. Toàn bộ chia làm năm phần: 1. Bản địa phần: Phần chủ thể của luận này gồm 50 quyển đầu nói rộng về ý nghĩa 17 địa trong cảnh giới Thiền quán của Du già. 2. Nhiếp quyết trạch phần: Gồm 30 quyển kế tiếp nêu rõ ý nghĩa sâu xa của 17 địa. 3. Nhiếp thích phần: Gồm 2 quyển 81, 82 giải thích nghi tắc của các kinh. 4. Nhiếp dị môn phần: Gồm 2 quyển 83, 84 giải thích rõ sự sai biệt về danh nghĩa của các pháp được nói trong các kinh. 5. Nhiếp sự phần: Gồm 16 quyển cuối cùng giải thích rõ về các nghĩa trọng yếu của ba tạng. Ngoài bản dịch của ngài Huyền trang, còn có những bản dịch khác như: Kinh Bồ tát địa trì 10 quyển, do ngài Đàm vô sấm dịch vào đời Bắc Lương, kinh Bồ tát thiện giới 9 quyển, do ngài Cầu na bạt ma dịch vào đời Lưu Tống, luận Quyết định tạng 3 quyển, do ngài Chân đế dịch vào đời Lương. Cả ba bản trên đều là các bản lược dịch. Ngoài các bản Hán dịch, còn có bản dịch Tây tạng. Về các bản chú sớ thì có: Du già sư địa luận thích 1 quyển của ngài Tối thắng tử, Du già sư địa luận lược toản của ngài Khuy cơ, Du già sư địa luận sớ 10 quyển của ngài Thần thái, Du già luận kí 24 quyển của ngài Độn luân v.v… [X. Đại đường nội điển lục Q.5; Khai nguyên thích giáo lục Q.8, Q.14; Tân biên chư tông giáo tạng tổng lục Q.3].