du già phái

Phật Quang Đại Từ Điển


(瑜伽派) I. Du già phái. Cũng gọi Du già tông, Du già hành phái. Giáo phái Phật giáo Đại thừa ở Ấn độ, lấy học thuyết của luận Du già sư địa làm tông chỉ, đối lập với phái Trung quán. Sơ tổ là luận sư Di lặc ở khoảng thế kỉ thứ IV, thứ V Tây lịch, lấy việc tuyên giảng các bộ luận Du già sư địa, Biện trung biên luận tụng, Đại thừa trang nghiêm v.v… làm nền tảng để mở tông. Về sau, ngài Vô trước vâng theo giáo chỉ của luận sư Di lặc mà soạn các bộ luận Nhiếp đại thừa, Hiển dương thánh giáo v.v… Ít lâu sau, ngài Thế thân nối tiếp, soạn Thập địa kinh luận, Duy thức tam thập tụng luận v.v… để làm sáng tỏ giáo thuyết Du già. Đệ tử của ngài Thế thân là Trần na cũng soạn các luận: Quán sở duyên duyên, Nhập du già v.v… để phát huy tư tưởng Du già, ngài cũng soạn luận Nhân minh chính lí môn để qui định thể thức biện luận Nhân minh. Đồng thời, lại có hai vị đại luận sư là Thân thắng và Hỏa biện chú thích tác phẩm Duy thức tam thập luận tụng của ngài Thế thân. Về sau, còn có các luận sư: Đức tuệ, An tuệ, Hộ pháp, Nan đà, Thanh biện, Giới hiền, Tịnh nguyệt, Thắng hữu, Tối thắng tử, Trí nguyệt, Pháp tạng, Trí quang, Vô tính, Thân quang, Đức quang v.v… nối tiếp nhau phát huy ý chỉ tam tính trung đạo, đề xướng quán hành lí vạn pháp duy thức để ngộ nhập tính chân như.Phái Du già vốn đối lập với Phái Trung quán từ lâu, hai phái thường chỉ trích luận điểm của nhau. Nhưng đến đầu thế kỷ thứ VIII, thì ngài Tịch hộ và đệ tử là Liên hoa giới dung hợp tư tưởng của phái Trung quán tự lập (Phạm: Màdhyamika-svàtantrika) với tư tưởng của phái Du già mà thành lập phái Du già Trung quán tự lập (Phạm: Yogàcàra-màdhyamika-svàtantrika). Tư tưởng của phái này, về Thắng nghĩa đế thì dùng luận điểm của phái Trung quán tự lập, còn về Thế tục đế thì y cứ vào lập trường của phái Du già duy thức. Sau khi Phật giáo Ấn độ được truyền vào Tây tạng, nhà canh tân Phật giáo Tây tạng là Tông khách ba dùng Thậm thâm quán, Quảng đại hành với ý đồ tông hợp hai phái Bát nhã trung quán và Du già duy thức. Từ thế kỉ VIII, IX trở về sau, phái Du già đã bị phái Trung quán thu hút, học phái độc lập không tồn tại nữa. Tại Trung quốc, kinh Bồ tát địa trì (tức là Bồ tát địa của luận Du già sư địa) do ngài Đàm vô sấm dịch vào đời Bắc Lương, kinh Bồ tát thiện giới do ngài Cầu na bạt ma dịch vào đời Lưu Tống, và Duy thức nhị thập luận, Thập địa kinh luận do các ngài Bồ đề lưu chi, Lặc na ma đề dịch vào đời Bắc Ngụy v.v… là những kinh luận của phái Du già được phiên dịch sớm nhất. Về sau, phái Du già ở Trung quốc dần dần chia thành tông Địa luận và tông Nhiếp luận. Tông Địa luận lấy Thập địa kinh luận làm nòng cốt, còn tông Nhiếp luận thì lấy luận Nhiếp đại thừa làm chủ đạo. Cả hai tông tuy cùng lập thuyết Bát thức duyên khởi, nhưng tông Địa luận cho thức A lại da và Tâm Như lai tạng đều là chân thức, còn tông Nhiếp luận thì coi thức A lại là vọng thức nên mới lập riêng thức A ma la thứ chín: đây là luận điểm bất đồng lớn nhất giữa hai tông. Mãi đến đời Đường, khi ngài Huyền trang dịch xong các bộ luận Du già sư địa, Hiển dương thánh giáo, Biện trung biên v.v… rồi lại dịch một cách tổng hợp các bộ luận của 10 vị đại luận sư giải thích về Duy thức tam thập tụng mà biên soạn thành bộ luận Thành duy thức thì giáo thuyết của tông Pháp tướng mới được triển khai mà thịnh hành ở Trung quốc và Nhật bản. [X. Đại đường tây vực kí Q.9, Q.10; Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.1; Ấn độ triết học nghiên cứu Q.5 (Vũ tỉnh Bá thọ)]. (xt. Trung Quán Phái, Không Hữu Luận Tranh). II. Du già phái. Một trong sáu phái triết học của Ấn độ. Thông thường còn được gọi là Du già ngoại đạo, Tương ứng ngoại đạo. Phái này cho rằng tu hành theo Du già có thể đạt đến cảnh giới giải thoát. Triết học của phái này căn cứ vào học phái Số luận mà lập luận, chỉ khác nhau ở lập trường Hữu thần luận chủ trương Thần ngã (Phạm:Puruwa) là vị thần tối cao. Tương truyền phái này do Ba đan xà lê (Phạm:Pataĩjali) sáng lập vào khoảng thế kỉ V Tây lịch, lấy kinh Du già (Phạm: Yogasùtra) do Ba đan xà lê soạn làm nòng cốt. (Có thuyết nói Ba đan xà lê đã biên soạn kinh này vào khoảng năm 150 trước Tây lịch).Phái này cho rằng nguồn gốc của khổ đau là vô minh, tức là thần ngã bị kết hợp với tự tính (Phạm: Prakfti); khi vô minh bị minh tri (Phạm:Viveka, sự sáng suốt) tiêu diệt, thì thần ngã thoát khỏi sự trói buộc của vật chất mà tồn tại độc lập, nhờ đó sự giải thoát đạt đến trạng thái hoàn toàn viên mãn. Để có được sáng suốt (minh tri), người ta phải thực hành tám phương pháp nói trong kinh Du già, đó là: Giữ giới, bồi dưỡng đạo đức tự ngã, dưỡng thành tư thế ngồi tốt lành, điều hòa hơi thở, khống chế cảm quan, tập trung tâm niệm, minh tưởng và Thiền định. Tu tập tám phương pháp này, khi nào từ tam muội hữu tưởng mà vào được trạng thái vô tâm của tam muội vô tưởng là được giải thoát. Đây là đặc chất của phái Du già. [X. luận Thập trụ tì bà sa Q.3; luận Đại tì bà sa Q.81; luận Du già sư địa Q.28; Ấn độ lục phái triết học cương yếu (Lí thế kiệt)].