dụ dẫn

Phật Quang Đại Từ Điển


(誘引) Phương tiện tùy căn cơ chúng sinh mà dẫn dắt họ vào đạo. Phẩm Thí dụ trong kinh Pháp hoa quyển 2 (Đại 9, 13 hạ), nói: Trưởng giả kia lúc đầu đem ba cỗ xe dụ dẫn các con, nhưng sau ông chỉ cho chúng một cỗ xe lớn với những vật báu rất trang nghiêm và tiện nghi (an ổn) bậc nhất. Tuy nhiên, ông trưởng giả ấy không mắc lỗi lừa dối. Như lai cũng vậy, Ngài không có lỗi hư vọng, lúc đầu nói ba thừa để dẫn dắt chúng sinh, nhưng sau chỉ cho pháp Đại thừa nhờ đó họ được độ thoát. Trong Hoa nghiêm ngũ giáo chương quyển thượng, ngài Pháp tạng đã căn cứ vào nghĩa này mà cho rằng Tam thừa là Quyền giáo (giáo pháp lâm thời) dùng để dẫn dụ, còn Nhất thừa mới là Thực giáo (giáo pháp chân thực), chỗ quay về của tam thừa. Ngoài ra, tông Thiên thai lập phán giáo năm thời, chia một đời giáo hóa của đức Phật làm năm thời: Hoa nghiêm, Lộc uyển, Phương đẳng, Bát nhã và Pháp hoa Niết bàn và cho rằng đặc trưng của bốn thời giáo hóa trước theo thứ tự là: Tùy căn cơ, thí dỗ (dụ dẫn), quở trách và gạn lọc. Tông Thiên thai đặc biệt cho Tiểu thừa giáo trong thời Lộc uyển là thời dụ dẫn, hàm ý là: Căn cơ trình độ chúng sinh còn yếu kém chưa thể lãnh hội giáo pháp trong thời Hoa nghiêm thứ nhất, nên đức Phật đã dùng các phương tiện khéo léo mà nói pháp Tiểu thừa theo đúng căn tính chúng sinh để dẫn dụ họ vào Đại thừa. Phẩm Tín giải trong kinh Pháp hoa quyển 2 (Đại 9, 17 thượng), nói: Lúc bấy giờ, vì muốn dụ dỗ con mình nên ông trưởng giả mới bày phương tiện ngầm sai hai người nghèo hèn tiều tụy, dùng lời nhỏ nhẹ nói với người con rằng: Này, cùng tử! Ở đây có việc làm và tiền công xứng đáng (…) ông trưởng giả muốn thuê anh hốt phân cùng với chúng tôi. Đây là thí dụ cho Tiểu thừa là giáo pháp dẫn dụ.