động vật

Phật Quang Đại Từ Điển

(動物) Trong các kinh điển và truyện cổ của Phật giáo, các động vật thường được dùng để biểu hiện. Có 3 lí do: 1. Ảnh hưởng của tư tưởng nghiệp (Phạm: karma) và luân hồi (Phạm: saôsàra). 2. Khuynh hướng sùng bái tinh linh (animism, animatism). 3. Ví dụ, biểu hiện sự bắt chước như người. Đặc biệt trong những truyện tiền sinh (Phạm: Jàtaka) của đức Phật, những động vật được lưu truyền ở đương thời thường được dùng làm ví dụ để nói về công đức của Ngài ở các kiếp trước, đây là phương pháp giáo hóa chúng sinh rất có hiệu quả. Những truyện như Vị Tiên một sừng, Voi trắng sáu ngà, Thỏ trong mặt trăng v.v… đều là những truyện rất thú vị. Ngoài ra, những con vật như vượn, lợn (heo), rùa, nai, voi v.v… trong các truyện tiền thân của Phật đều rất có tính người. Rồi những con vật được dùng làm ví dụ trong các truyện ngụ ngôn có tính cách giáo dục như: Rùa mù gặp khúc gỗ nổi (ví dụ ở đời được thân người là khó, được nghe Phật pháp còn khó hơn), Lân giác dụ Độc giác (ví dụ tự tu hành mà được giác ngộ), Hai con chuột đen và trắng (ví dụ thân người ta vô thường), Trùng trong thân sư tử (ví dụ kẻ ở trong cửa Phật phá hoại Phật pháp), Thiền con ếch (ví dụ tự giác ngộ cho mình, không làm lợi ích cho người khác), Thiền con chồn (ví dụ kẻ giác ngộ giả hiệu), Sư tử giữa loài người (từ ngữ tôn xưng đức Phật) v.v… đều rất thân thiết dễ thương. Súc sinh đạo là một trong ba ác đạo, nhưng cũng có thuyết chủ trương súc sinh có thể thành Phật, đó tức là thuyết Thập giới hỗ cụ. Phật giáo Đại thừa đặc biệt xem trọng vấn đề Phật tính và thành Phật của động vật, nên đã nảy sinh các nghị luận như: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, Năm tính đều khác v.v… mà nổi tiếng nhất là công án Con chó có Phật tính. Giới không giết là giới quan trọng nhất mà tín đồ Phật giáo phải tuân thủ, ăn thịt loài vật là dứt hạt giống từ bi. Trong các văn bia của vua A dục có rất nhiều chỗ nói về việc bảo hộ động vật, điều đó chứng tỏ vua A dục đã lấy tinh thần của Phật pháp làm cơ sở cho nền nhân chính (chính trị được đặt trên nền tảng nhân từ). Các nước theo Phật giáo nói chung, thường tổ chức các hội phóng sinh, đó là tinh thần thương yêu và bảo hộ động vật được nghi thức hóa.