động vật sùng bái

Phật Quang Đại Từ Điển

(動物崇拜) Tín ngưỡng sùng bái động vật bắt đầu vào thời kì sau của tôn giáo tự nhiên phản ánh ý thức xã hội nguyên thủy ở thời kì săn bắn. Sự sùng bái động vật sớm nhất có thể đã bắt nguồn ở ngọn núi Trois Frères tại Ariège ở miền nam nước Pháp, nơi đây, trong di chỉ hang động, người ta đã phát hiện hình tượng nửa người nửa thú thuộc thời kì thứ nhất trong thời kì đồ đá (ère poléolithique). Trong di chỉ Zatel Hüyük tại Trung á thuộc thời đại đồ đá mới (âge néolithique) người ta cũng tìm thấy đài tế lễ thời nguyên thủy và các bức tranh vách vẽ bò đực, chim ưng một chân, đều là những vết tích cho thấy sự sùng bái động vật. Đến thời đại du mục, tín ngưỡng sùng bái động vật vẫn tiếp tục phát triển, như sự miêu tả trong Thánh kinh của Da giáo về việc tổ tiên người Do thái, khi chăn trâu bò dê cừu ngoài đồng, từng lễ bái tượng con nghé vàng. Thậm chí trong các xã hội văn minh vẫn còn sót lại dấu vết của sự sùng bái động vật, điều này cho thấy truyền thống thờ kính bò thần vẫn còn tồn tại trong tôn giáo ngày nay cũng như nó đã tồn tại trong tôn giáo cổ đại. Do tính cách địa phương mà tín ngưỡng sùng bái động vật của các dân tộc có khác nhau. Có những người coi con cá không có vảy là con vật chẳng tốt lành, xem con cá đen là cá Thất tinh (sao Bắc đẩu) và cấm chỉ không được ăn; đối với con chim cắt đầu mèo cũng không có thiện cảm. Trung quốc có phong tục sùng bái cáo chồn, nhưng con vật được người Trung quốc sùng bái nhất là con rắn. Hán Cao tổ bản kỉ trong sách Sử kí ghi rằng, mẹ Lưu bang nằm mộng giao hoan với con thuồng luồng trên bờ chằm Đại trạch mà sinh ra ông. Việc Lưu bang chém rắn thì cho rằng con của Bạch đế hóa làm rắn, bị con của Xích đế chém. Trong truyền thuyết, cũng còn rất nhiều chuyện về thần trăn. Bốn con vật được xem như thần bí và tốt lành là: rồng, kì lân, phượng hoàng và rùa được gọi là Tứ linh. Người Ấn độ đối với các loài chim thú, sâu bọ đều sùng bái, nhất là bò đực được xem như con vật thần. Ở thời đại Phệ đà, người Aryan tin thờ rất nhiều thần, con ngựa được sùng bái như thần kéo xe cho các vị trời trong ba cõi. Thời Lê câu phệ đà, hình Dyaus (bố trời) là hình bò đực. Ấn độ giáo sau này lấy hình bò đực làm hóa thân của thần Tì thấp nô. Lúc đầu chỉ hình dung tầng mây giữa hư không là bò đực mà tưởng tượng đó là hình dáng của thần, về sau thì dần dần lấy bò đực thật tượng trưng cho thần. Ngoài ra, còn có dê rừng, chó rừng, lợn rừng, chim, rắn v.v… cũng được coi là những con vật thần. Riêng sự sùng bái thần rắn thì có quan hệ với tín ngưỡng con rồng sau này. Tóm lại, sự sùng bái động vật có mấy loại khác nhau sau đây: 1. Lấy những động vật có độc tính, có sức mạnh và nguy hiểm làm đối tượng sùng bái, như sư tử, rắn độc, cá sấu v.v… 2. Do động cơ có tính cách kinh tế, như lấy những động vật thường bị ăn thịt làm đối tượng sùng bái. 3. Sùng bái những động vật có tính cách thần bí, khôn lanh. 4. Cho rằng người ta sau khi chết sẽ trở thành một loại động vật nào đó, hoặc động vật ấy là tổ tiên của dòng họ mình nên rất sùng bái. 5. Sùng bái những động vật ra vào giữa các mộ phần. 6. Kết hợp đặc tính của động vật nào đó với thần tự nhiên, rồi coi đó là sứ giả của thần hoặc tượng trưng cho thần mà sùng bái.