đông thiền tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(東禪寺) I. Đông Thiền Tự. Chùa ở núi Bạch mã huyện Phúc châu tỉnh Phúc kiến, được sáng lập vào năm Đại đồng thứ 5 (539) đời nhà Lương. Chùa có một địa vị quan trọng trong lịch sử khắc bản kinh ở Trung quốc. Từ năm Nguyên phong thứ 3 đến năm Chính hòa thứ 2 (1080 – 1112), vua Thần tông nhà Bắc Tống ban sắc chỉ khắc bản Đại tạng kinh đầu tiên ở chùa này. Khi hoàn thành được gọi là Phúc Châu Đông Tự Bản Đại Tạng Kinh. Trong thời gian khắc kinh, năm vị: Xung chân, Liễu nguyên, Trí hiền, Phổ minh và Đạt cảo lần lượt trụ trì chùa này. (xt. Trung Văn Đại Tạng Kinh). II. Đông Thiền Tự. Cũng gọi Liên hoa tự, Đông tiệm tự. Chùa ở phía tây nam huyện Hoàng mai tỉnh Hồ bắc. Chùa này là đạo tràng của ngài Hoằng nhẫn (688-761), vị Tổ thứ 5 của Thiền tông Trung quốc. Bấy giờ, trong chùa có tới hơn 700 vị tăng tu tập và chính tại đạo tràng này, Ngũ tổ đã mật truyền y bát cho Lục tổ Tuệ năng. Hiện nay trong chùa vẫn còn các di tích của Lục tổ như: Ao sàng cám, hòn đá mà Lục tổ đeo trên lưng để giã gạo v.v… Ngoài ra còn có bức tranh truyền y do Ngô đạo tử vẽ. [X. Đại thanh nhất thống chí Q.264; Hồ quảng thông chí Q.78].