đồng thể tướng tức

Phật Quang Đại Từ Điển

(同體相即) Từ ngữ của tông Hoa nghiêm nêu rõ sự sự viên dung vô ngại. Đồng thể là đối lại với Dị thể, Tương tức đối lại với Tương nhập. Môn này là do tông Hoa nghiêm y cứ vào nghĩa bất đãi duyên trong sáu nghĩa nhân mà lập ra. Đồng thể tương tức có nghĩa là pháp thể của một pháp với nhiều pháp là không và có tương tức vô ngại,khôngvàcótức là nhau, dung nhập với nhau không chướng ngại nhau. Vì bản tính các pháp vốn tự nhiên như thế, có thể trong một pháp đầy đủ tất cả pháp; cho nên một pháp và tất cả pháp dung hòa vào nhau mà tạo thành sự quan hệ cái này có thì cái kia không, cái kia có thì cái này không, pháp thể của cái này cái kia tức là nhau vô ngại; giống như hình bóng trong gương, gương tức là hình, hình tức là gương. Hoa nghiêm ngũ giáo chương quyển 4 dùng 10 đồng tiền làm ví dụ để chỉ rõ tướng đồng thể tương tức. Có thể chia làm hai môn 1 tức 10 và 10 tức 1. Trong đó, 1 tức 10 (một tức nhiều) là cách đếm từ 1 tăng dần lên đến 10, 10 tức 1 (nhiều tức một) thì là cách đếm tuần tự từ 10 giảm dần xuống đến 1. 1. Môn 1 tức 10: 1 và 10 đều biểu thị số 1 hoặc 1 pháp. Vì trong 1 pháp có đủ tất cả pháp, cho nên trong 1 và 10 cũng có đủ tất cả pháp. Đây lại chia ra 10 môn; môn thứ 1 lấy 1 làm số gốc, rồi từ 1 thêm 1 là 2, 2 thêm 1 là 3, 3 thêm 1 là 4 v.v…, cứ suy đó thì biết 1 tức là 2, 1 tức là 3, cho đến 1 tức là 10. Cũng thế, môn thứ 2, lấy 2 làm số gốc, môn thứ 3, lấy 3 làm gốc v.v… cũng đều như thế, theo thứ tự đến môn thứ 10 lấy 10 làm gốc, cũng lại theo 1 mà tính thì trong 10 có 1, có 2 v.v… thì biết 10 tức là 1, 10 tức là 2, cho đến 10 tức là 9. 2. Môn 10 tức 1: Ý nghĩa đại khái cũng giống như ở trên, nhưng thứ tự cách đếm thì ngược lại. Cũng chia làm 10 môn; môn thứ 1 lấy 10 làm số gốc, bớt 1 thì 10 có đủ các số 9, 8, 7 v.v… cho đến 10 tức là 1. Rồi theo thứ tự đến môn thứ 10 lấy 1 làm số gốc, trong 1 có 10, có 9 v.v…, cứ thế suy ra có thể biết 1 tức 10, 1 tức 9, cho đến 1 tức 2. Như vậy, dùng 10 đồng tiền theo thứ tự thuận, nghịch, tăng, giảm đều có thể tương tức mà không trở ngại nhau. Tóm lại, trên đây dùng 10 đồng tiền để ví dụ 10 pháp, rồi căn cứ vào đạo lí trong 1 pháp có đủ tất cả pháp, lấy mỗi mỗi pháp trong 10 pháp làm bản vị mà suy ra mối quan hệ giữa tất cả pháp để nêu rõ cái tướng tự tại vô ngại của Đồng thể tương tức. [X. Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.1].