động sơn ngũ vị

Phật Quang Đại Từ Điển

(洞山五位) Gồm 3 thuyết: Chính thiên ngũ vị, Công huân ngũ vị, Quân thần ngũ vị. I. Chính Thiên Ngũ Vị. Phương pháp quyền nghi (tạm thời thích nghi) do tổ khai sáng của tông Tào động là thiền sư Động sơn Lương giới đặt ra để tiếp hóa người học. Tức là căn cứ vào lí thiên chính hồi hỗ mà chỉ rõ sự sai biệt của Ngũ vị: Chính trung thiên, Thiên trung chính, Chính trung lai, Thiên trung chí và Kiêm trung đáo. Trong đó, Chính thuộc âm trong lưỡng nghi, nghĩa là tĩnh, thể, không, lí, bình đẳng, tuyệt đối, bản giác, chân như v.v… Thiên thuộc dương, nghĩa là động, dụng, sắc, sự, sai biệt, tương đối, bất giác, sinh diệt v.v… Tức là do lí thiên chính hồi hỗ (thiên và chính đắp đổi lẫn nhau) mà phát sinh sự sai biệt của Ngũ vị, để hiển bày rõ cái đức dụng tự tại của pháp, sau đây là năm giai đoạn của quá trình khai ngộ. 1. Chính trung thiên. Giai đoạn chứng ngộ này lấy thế giới hiện tượng làm chính, chỉ có thế giới hiện tượng được nhận là cảnh giới của cái Ngã tuyệt đối. Lời tụng (Đại 47, 525 hạ): Đầu hôm canh ba trăng vằng vặc Chớ trách gặp nhau chẳng nhận ra Âm thầm vẫn nhớ cảnh đẹp qua. Trong câu thứ 1 Đầu hôm canh ba là Chính vị, trăng vằng vặc là Thiên vị, tức là chỉ cho vị sáng tối, đen trắng chưa phân biệt; câu thứ 2 là chính tức thiên, hiển bày lí sắc tức thị không; câu thứ 3 chỉ cho Chính, Thiên dung hòa vào nhau, mỗi mỗi trở về với bản lai diện mục của mình, biểu thị nghĩa bất biến tùy duyên. 2. Thiên trung chính. Ở giai đoạn này chẳng còn trình hiện các kiến giải phân biệt mạnh mẽ, mà tất cả thế giới hiện tượng lui ẩn dần dần. Lời tụng: Bà già lóa mắt soi gương cũ Rõ ràng chẳng nhận được chân dung Thôi chớ mê mờ nhận lầm bóng. Trong câu thứ 1, Bà già lóa mắt là vị Thiên trong Chính, soi gương cũ là vị Chính trong Thiên, tức là từ sự tướng thiên sai vạn biệt mà chỉ thẳng đến pháp giới chân như bình đẳng. Câu thứ 2 nghĩa là khi tướng sáng chưa lộ hẳn thì giống như nhìn vào gương mà nét mặt chẳng hiện rõ. Câu thứ 3 khuyên răn người học chớ mê chấp theo sự có và không của những bóng dáng trong gương, đó là hiển bày lí tùy duyên bất biến. 3. Chính trung lai. Ở giai đoạn này chẳng còn cảm thấy có thân và tâm, cả hai đều dứt bặt, tức là bản thể đã đạt đến cảnh giới vô niệm, phát sinh diệu dụng, ứng hợp với sự sai biệt của muôn tượng, tùy duyên biến hiện một cách tự tại vô ngại. Lời tụng: Trong không có lối cách hồng trần. Nay cần chẳng phạm điều cấm kị. Cắt lưỡi tài hơn cả cổ nhân. Trong câu thứ 1, trong không là vị Chính, có lối là Lai thiên, tức là thể, tướng của không vô vật nương tựa nhau, có thể thành con đường hoạt dụng của sắc tướng, hữu tướng để biểu thị tướng Phật và phàm phu còn ngăn cách. Câu thứ 2 nghĩa là nói có, nói không trong vị Chính đều chẳng đúng, nếu trái phạm thì mất bản ý. Câu thứ 3 thì bảo cái công chẳng xúc phạm đúng là thiên chân, ở trong tiềm hạnh ẩn kín mà hiển rõ chỗ không nói trong có nói, chỗ có nói trong không nói, tức chỉ cho bản giác Phật tính Như lai tạng tâm vô thủy. 4. Thiên trung chí. Giai đoạn này là từ sự diệu dụng của thế giới hiện tượng sai biệt mà thể ngộ được hiện tượng và bản thể ngầm khế hợp nhau, đạt đến cảnh giới vô tưởng vô niệm. Lời tụng: Hai kiếm giao nhau chẳng sợ phiền. Cao tay nào khác sen trong lửa. Rõ ràng tự có chí xung thiên. Trong câu thứ 1 cho thấy cái công dụng của Thiên biến thông cùng khắp; giữa nói im, phải trái, sự sự giao tranh đã không trốn chạy mà cũng chẳng bị thương tổn. Câu thứ 2 nói công dụng của Thiên tùy chỗ mong cầu mà nó đáp ứng, cũng như hoa sen ở trong lửa mà mầu sắc vẫn tươi. Câu thứ 3 thì bảo trên con đường thanh sắc, thị phi ắt có chỗ trở về, tức chỉ cho toàn tướng của bất giác. 5. Kiêm trung đáo. Đây là cảnh giới viên mãn tự tại vô ngại gồm thâu cả Chính, Thiên, Lai, Chí. Tụng rằng: Chẳng mắc có không ai dám đương? Người người thảy muốn thoát dòng thường. Tan hợp trở về ngồi tro lạnh. Câu thứ 1 nghĩa là khi vào chỗ có là cái có tuyệt đối, chứ chẳng phải đối với không mà có; khi vào chỗ không cũng là cái không tuyệt đối chứ chẳng phải đối với có mà không. Đó là hiển bày sự đương đầu đối diện dứt bặt so sánh hai bên, không rơi vào kiến chấp có không. Câu thứ 2 là khuyên răn người tu học chớ mê mà quên mất những phép tắc sinh hoạt tầm thường hàng ngày. Câu thứ 3 thì dẫn dắt đến chỗ nhất tướng vô tướng, rốt ráo chẳng nghĩ bàn, tức là biểu thị đạo Đại giác cùng tột. Nói tóm lại, thuyết Chính thiên ngũ vị được kiến lập trên nền tảng nhị nguyên Bản giác và Bất giác; Bản giác là hướng hạ tùy duyên để hiển bày sự tướng sai biệt của vạn hữu, tức là lấy trong tĩnh có động làm Thiên trong Chính; Bất giác thì hướng thượng hoàn diệt, thuận theo lý tính bình đẳng của chân như, tức là lấy trong động có tĩnh làm Chính trong Thiên. Hai đường Chính, Thiên hợp làm một mà trở về nhất nguyên, tức là lấy động tĩnh bất nhị làm Kiêm trung đáo. Thuyết Chính thiên ngũ vị này là dùng thuyết Bản giác, Bất giác, Bất biến, Tùy duyên trong luận Đại thừa khởi tín, phối hợp với thuyết âm dương ngũ hành trong sách Chu dịch mà lập thành. Trong Bảo kính tam muội ca, ngài Động sơn Lương giới đem Ngũ vị phối với hào quẻ của Chu dịch; trong Tào sơn nguyên chứng thiền sư ngữ lục cũng vẽ năm cái vòng tròn đen trắng để biểu thị Ngũ vị, trong đó có thuyết Chồng 3 biến 5, tức là quẻ Trùng li 6 hào , các hào âm hào dương đắp đổi chồng lên nhau mà biến thành năm quẻ, như năm mùi vị của cỏ trị, như chày kim cương ở giữa hẹp hai đầu rộng, ví dụ Chính thiên ngũ vị. Trong Hợp cổ triệt quyển thượng, ngài Tịch âm Tuệ hồng giải thích chồng 3 biến 5 nghĩa là quẻ Li là phương Nam, thuộc Hỏa, ví với tâm. Sáu hào (sáu vạch) đắp đổi lẫn nhau mà thành năm quẻ, chồng lên nhau mà thành ba quẻ, như , lấy hào 2, hào 3, hào 4 thành một quẻ – quẻ Tốn (), lấy hào 3, hào 4, hào 5 cũng thành một quẻ – quẻ Đoài (), đây là chồng lên thành 3; dưới Tốn trên Đoài cũng thành một quẻ – quẻ Đại quá (), dưới Đoài trên Tốn lại thành quẻ Trung phu (), đây là biến thành 5 . Đem phối hợp với 5 tướng tròn (5 vòng tròn) của Tào sơn được đồ biểu như sau:(Chính tức âm trắng, Thiên tức dương đen). Cái vòng tròn trên cùng biểu thị nghĩa chưa chia đen trắng, tức là việc tông thừa hướng thượng; vòng thứ 2 biểu thị nghĩa đã chia ra đen trắng, tức là nghĩa trong Chính có Thiên, trong Thiên có Chính, Thiên, Chính giao thoa nhau; ở khoảng giữa có một vòng tròn nhỏ trắng toát, biểu thị việc hướng thượng, nhưng hiện vẫn còn giấu mình giữa đen trắng. Lại suy rộng nghĩa Thiên, Chính giao thoa này ra thì thành Ngũ vị: 1. Lấy đen nhiều trắng ít làm Chính trong thiên. 2. Trắng nhiều đen ít là Thiên trong chính. 3. Đen trong trắng ngoài là Chính trung lai. Bởi vì hai vị trước đã đến vị tôn quí mà không giữ ngôi tôn quí lại chuyển Chính tới Thiên, Chính chẳng ở vị Chính, Thiên ra ở vị Chính, nhưng Thiên không lạc mất Thiên, cho nên đen ở ngoài, còn trắng ở trong. 4. Lấy vòng trắng toát làm Kiêm trung chí, sau Chính trung lai thì diệu ấn tung hoành, sự lí cùng chiếu, sáng tối đều dùng, bởi vì toàn thể tức là dụng, cho nên vòng tròn trắng toát. 5. Đen tuyền là Kiêm trung đáo, nghĩa là diệu hết thì quên công, dung hợp không dấu vết, sự lí đều bặt, thị phi chẳng còn, bởi vì toàn dụng tức là thể, cho nên vòng tròn đen tuyền. Hai vị trước chưa gồm tương đối, hai vị sau gồm cả tương đối, chỉ có vị Chính trung lai là không có đối đãi. Tức là Kiêm trung chí thì toàn thể tức là dụng và Kiêm trung đáo thì toàn dụng tức là thể. Chính trung thiên đen nhiều trắng ít và Thiên trung chính trắng nhiều đen ít tương đối với nhau, chỉ có vị Chính trung lai là ở chính giữa năm phương, cho nên không có đối đãi, tức là vị độc tôn. Thuyết âm dương ngũ hành đã phổ biến ở Trung quốc từ xưa. Thời Nam Bắc triều, Đạo giáo và Nho giáo dần dần hưng thịnh, thuyết Ngũ hành du nhập Phật giáo, và đến cuối đời Đường thì ảnh hưởng càng rõ rệt; như ngài Khuê phong Tông mật lấy quẻ Càn …làm Viên giác diệu tâm, đem nguyên hanh lợi trinh phối hợp với bốn đức thường lạc ngã tịnh. Rồi trong sách Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự quyển hạ phần 2, ngài Tông mật lại dùng 10 tướng vòng tròn đen trắng để biểu thị thứ tự của sự lưu chuyển hoàn diệt được nói trong luận Đại thừa khởi tín. Còn thuyết Thái cực đồ của Chu đôn di đời Tống có lẽ cũng đã chịu ảnh hưởngthuyếtcủa ngài Tông mật và của Động sơn ngũ vị. II. Thuyết Công Huân Ngũ Vị. Tức là năm giai đoạn tu hành hướng tới chứng ngộ. Bao gồm: Hướng, Phụng, Công, Cộng công và Công công. Cứ theo Động thượng cổ triệt quyển thượng của ngài Vĩnh giác Nguyên hiền đời Minh chép, thì: 1. Về Hướng: Ngài Động sơn nói (Vạn tục 125, 358 thượng): Khi ăn cơm thì nghĩ gì? Sư lại nói: Đắc lực nên quên no, thôi ăn lại chẳng đói. Hướng nghĩa là hướng tới. Nhưng trước hết phải biết có, nếu trước chẳng biết có, thì không biết hướng tới đâu, vả lại, trong động tĩnh hàng ngày không được quên giây phút nào. Nếu chân chính và chuyên nhất hướng tới, thì chẳng còn thì giờ rảnh rỗi để nghĩ tới đói no. 2. Về Phụng: Sư nói: Khi trái nghịch thì sao? Lại nói: Chỉ biết có giầu sang, cô phụ người bản lai. Phụng nghĩa là vâng thờ. Sau hướng tiếp đến dùng phụng, cũng như vâng thờ bậc trưởng thượng, thì trước hết phải qui kính rồi sau mới thừa phụng, nếu trái nghịch(tham đắm ngoại trần mà trái với việc hướng thượng) thì chẳng thể thừa phụng. 3. Về Công: Sư nói: Khi buông cái bừa thì nghĩ gì?. Lại nói: Buông tay ngồi thanh thản, nhàn tản mây trắng bay. Cầm bừa là hướng tới thừa phụng; buông bừa là chẳng hướng tới thừa phụng. Nhờ có cái công hướng tới thừa phụng từ trước, nên đến đây bỗng quên đi, cho nên bảo là buông bỏ bừa xuống. Câu sau biểu thị khế nhập chính vị. 4. Về Cộng công: Sư nói: Chẳng được sắc. Lại nói: Phấn trắng khó giấu đường, Trường an chẳng ở lâu. Cộng công nghĩa là các pháp cùng khởi, cho nên gọi là cộng. Ngài Động sơn nói không được sắc, nghĩa là vị trước còn một sắc thì các pháp đều ẩn, vị này thì một sắc đã mất hết nên các pháp đều hiện, một sắc cũng không thể được lại nữa. 5. Về Công công: Sư nói: Chẳng cộng. Lại nói: Lẫn lộn chẳng kiêng kị, ngoài đây lại cầu gì? Công công nghĩa là công này sâu xa hơn công của vị trước, cho nên gọi là Công công. Do vị trước có cộng nên vị này chẳng cộng, pháp chẳng thể được mà phi pháp cũng chẳng thể được, lí sự hòa nhập tuyệt không dấu vết, đó là chỗ cùng tột của Phật đạo. Tuy nhiên, vẫn còn gọi Công là bởi vì việc hướng thượng cũng thuộc sức người tạo ra. Vì thế, Ngũ vị này nhằm nêu rõ thứ bậc công phu tu hành của người học, tức trước hết là qui hướng, kế đến là thừa phụng và cuối cùng là được công công bất cộng. Trong Bất năng ngữ chính thiên ngũ vị thuyết, vị tăng Nhật bản là ngài Chỉ nguyệt Tuệ ấn (1689 – 1764) cho rằng, về hình thức thì Công huân ngũ vị giống với Chính thiên ngũ vị, nhưng về nghĩa thì hơi khác: Chính thiên ngũ vị nhằm hiển bày rõ cái đức dụng tự tại của pháp, còn Công huân ngũ vị thì xiển minh về đầu tiên và cuối cùng của Công, thuần thục hay chưa thuần thục của Tu, trọng điểm là ở nơi Thiên. III. Quân Thần Ngũ Vị. Về sau, thiền sư Tào sơn Bản tịch mượn nghĩa vua và bầy tôi để thuyết minh ý chỉ của Ngũ vị gọi là Quân thần ngũ vị: 1. Quân(vua): Diệu đức tràn hoàn vũ, sáng tỏ khắp thái hư. Chỉ cho cõi hư không xưa nay vốn chẳng có một vật gì, dụ cho Chính vị, tương đương với Chính trung lai trong Chính thiên ngũ vị và với Công trong Công huân ngũ vị. 2. Thần(bầy tôi): Linh cơ hoằng đạo Thánh, chân trí lợi quần sinh. Vâng mệnh vua, mở mang Thánh đạo, hiển hiện tất cả muôn tượng sum la: Chỉ cho cõi sắc thiên hình vạn tượng, dụ cho Thiên vị, tương đương với Thiên trung chí trong Chính thiên ngũ vị và với Cộng công trong Công huân ngũ vị. Đây là nhị nguyên âm và dương, bản giác và bất giác đối lập nhau. 3. Thần hướng quân (bầy tôi hướng lên vua): Không rơi vào ngả khác, chú tâm trông Thánh dung. Bầy tôi chuyên vâng thờ vua, trung thành không phân giai cấp sai biệt; chỉ cho việc bỏ sự vào lí, tương đương với Chính trong thiên hướng thượng hoàn diệt và với Phụng trong Công huân ngũ vị. Chính trong thiên ở đây tức là Chính vị đem tất cả sự tướng sai biệt qui về thế giới bình đẳng vô sai biệt. 4. Quân thị thần(vua đối với bầy tôi): Vẻ mặt tuy không động, rạng rỡ vốn chẳng thiên. Vua đối với bầy tôi công bằng không thiên vị, thương quí tất cả, tức là từ trong lí đi vào sự, tương đương với Thiên trong chính hướng hạ duyên khởi và với Hướng trong Công huân ngũ vị. 5. Quân thần đạo hợp(đạo vua tôi hợp nhất): Dung nhập chẳng trong ngoài, hòa đồng không trên dưới. Đạo vua tôi hòa hợp thì thiên hạ thái bình, nghĩa là ngầm ứng hợp với mọi duyên mà không rơi vào các ngả, tương đương với Kiêm trung đáo trong Chính thiên ngũ vị và với Công công trong Công huân ngũ vị. Tức là động tĩnh hợp nhất, sự lí bất nhị, là vị của đạo Đại giác cùng tột, chẳng chính chẳng thiên vậy. [X. Viên giác kinh lược sao Q.1; Động sơn Lương giới thiền sư ngữ lục; Ngũ đăng hội nguyên Q.12, Q.13; Cổ tôn túc ngữ lục Q.11; Thiền tông chính mạch Q.7, Q13; Bảo kính tam muội bản nghĩa].