động sơn lương giới

Phật Quang Đại Từ Điển

(洞山良價) (807 – 869) Thiền sư Trung quốc sống vào đời Đường, người Cối kế, Quân châu (Chiết giang), họ Du, tổ khai sáng của tông Tào động. Thủa nhỏ, sư theo thầy học Bát nhã tâm kinh, đem nghĩa không căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), không trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) hỏi thầy: Con có mắt, tai, mũi, lưỡi v.v… tại sao trong kinh nói không có?. Vị thầy rất ngạc nhiên, liền bảo sư đến núi Ngũ tiết tham yết thiền sư Linh mặc. Năm 21 tuổi, sư đến Tung sơn thụ giới Cụ túc rồi yết kiến ngài Nam tuyền Phổ nguyện, lãnh hội được ý chỉ của ngài. Sau, sư đến tham học thiền sư Qui sơn Linh hựu, tham cứu công án Vô tình thuyết pháp nhưng không khế hợp. Tiếp đó, theo lời chỉ dạy của ngài Qui sơn Linh hựu, sư đến thiền sư Vân nham Đàm thạnh, hỏi về nghĩa Vô tình thuyết pháp. Lúc từ tạ ngài Đàm thạnh trở về, qua sông thấy bóng mình dưới nước, sư đại ngộ. Về sau, sư nối pháp của ngài Vân nham, hoằng dương Phật pháp ở Động sơn, tỉnh Giang tây, đề xướng thuyết Ngũ vị quân thần, tông phong rất thịnh. Năm Hàm thông thứ 10 (869), sư bảo đệ tử cạo tóc cho sư, sau đó, sư mặc áo rồi đánh chuông từ biệt đại chúng, đại chúng thương tiếc khóc than. Bỗng nhiên sư mở mắt bảo rằng (Đại 51, 323 trung): Phàm người xuất gia, tâm không vướng mắc vào sự vật, đó là tu hành chân chính; chấm dứt sống chết lao khổ, có gì mà buồn thương?. Đại chúng vẫn lưu luyến không thôi, kéo dài suốt bảy ngày, đến ngày thứ 8 sư tắm gội xong, lên phương trượng ngồi ngay thẳng mà tịch, thọ 63 tuổi, hạ lạp 42 năm, được vua ban thụy hiệu Ngộ Bản Thiền Sư. Đệ tử nối pháp có: Vân cư Đạo ưng, Tào sơn Bản tịch, Long nha Cư độn, Hoa nghiêm Hữu tĩnh, Thanh lâm Sư kiền v.v… gồm hơn 20 người. Trong đó, đặc biệt pháp hệ của Bản tịch được gọi là Tào sơn, hợp lại với Động sơn mà thành tông Tào động. Thiền sư Động sơn Lương giới để lại các tác phẩm sau: Bảo kính tam muội ca, Huyền trung minh, Động sơn ngữ lục. [X. Thụy châu Động sơn Lương giới thiền sư ngữ lục; Tống cao tăng truyện Q.12; Cảnh đức truyền đăng lục Q.15; Thiền học tư tưởng sử Q.thượng].