đông phương tư tưởng

Phật Quang Đại Từ Điển

(東方思想) Phổ thông chỉ cho tư tưởng đặc thù và hình thái tư duy của thế giới phương Đông mà trung tâm là Ấn độ, Trung quốc, Nhật bản. Người phương Đông bởi chịu ảnh hưởng của phong thổ như gió mùa, đất đai v.v… nên rất có khả năng thích ứng và điều hòa với thiên nhiên, chứ không giữ thái độ đối lập hoặc chi phối thiên nhiên, chính vì thế mà hơi thiếu tinh thần tư duy lô-gích, tư duy lí tính mà có khuynh hướng tư duy tình cảm, tư duy phi lí. Về ý nghĩa tích cực, người phương Đông thiếu ý chí tự ngã nên dễ đưa đến chỗ phục tùng những gì có tính cách quyền uy, đồng thời chấp nhận sự tồn tại của mọi loại hệ tư tưởng. Vả lại, tính chất bất định về thỏa hiệp, chiết trung của người phương Đông cũng đặc biệt mạnh mẽ. Ấn độ, Trung quốc, Nhật bản tuy mỗi nước có tư tưởng cố hữu và có đặc sắc khác nhau, nhưng Phật giáo đã mang lại cho các nước ấy cái đặc trưng tư tưởng chung rất rõ rệt mà tạo thành cái cơ sở cốt lõi cho thế giới quan, nhân sinh quan và hình thái tư duy của người phương Đông. 1. Ấn Độ: Người Ấn độ đặc biệt coi trọng tính chất cộng thông phổ biến của sự vật và nghiêng nặng về sự phân loại khác nhau giữa các khái niệm trừu tượng và sự vật phồn tạp. Trong lí luận, họ thích nghiêng về khái niệm và môi giới phủ định, nhất là khẳng định sự tôn sùng đối với cái tuyệt đối và nắm bắt đối với cái chưa biết. Do đó, họ xem nhẹ tính chất cá biệt đặc thù và nhấn mạnh quan niệm nhất thể đối với vạn vật. Họ cũng thường qui sự biến hóa của hiện tượng về tính vĩnh hằng, cho nên thiếu mất quan niệm thời gian và nhận thức lịch sử, chỉ thay vào đó bằng thái độ đế quán và quán chiếu; lại xem chủ thể hành vi của con người là siêu cá nhân nên giầu quan niệm dân tộc, vì thế mà họ coi trọng tính bảo thủ truyền thống một cách cực đoan. Họ ưa thích thần thoại và thi ca, không chú ý đến những qui luật của khoa học tự nhiên, mà chỉ thích nghiêng về không tưởng, minh tưởng. Còn về phương diện nội tại thì họ đặc biệt chú trọng về tâm lí học nội quán; nhân sinh quan của họ thì lấy tôn giáo vượt ra ngoài cuộc đời hiện tại làm chính, tôn trọng sự sống của muôn vật, do đó mà nảy sinh tư tưởng hòa bình rất mãnh liệt. 2. Trung Quốc: Nói chung, người Trung quốc coi trọng sự hiểu biết cụ thể, nên họ ưa thích văn tự, đồ giải và khái niệm thực tiễn, nhưng không phủ định tính cách phi luận lí. Đây là đặc sắc nổi bật trong tư tưởng Thiền tông. Ngoài ra, vì giầu ý thức về thời gian tiếp nối nên nền sử học của Trung quốc đã phát triển rất sớm. Cái ý thức đối với sự tiếp nối của cùng một phương pháp tư duy cũng rất mạnh mẽ, cho nên đã phát sinh cái đặc trưng của tính cách truyền thừa học vấn. Nói một cách tương đối thì tư tưởng tự do rất nghèo nàn. Hơn nữa, người Trung quốc rất chuộng hình thức, nghi lễ, nên họ cũng rất ưa trau chuốt lời văn cho đẹp, cho hay và thích cái học huấn hỗ, xử thế. Sinh hoạt của họ lấy con người làm trung tâm, nên về phương diện tôn giáo cũng hiện rõ sắc thái nhân văn, nhân bản lấy cuộc đời trước mắt làm trung tâm. Do đó, có thể nói, siêu hình học không dễ gì phát triển được mà họ chỉ chú trọng nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của con người, như: Thiên văn, phương pháp làm lịch, phép bói toán v.v… Ngoài ra, người Trung quốc còn đặc biệt quí trọng tôn ti trật tự giữa mọi người và luân lí đối với thân tộc, quốc gia. 3. Nhật Bản: Người Nhật bản cho rằng thế giới hiện tượng và quan điểm về cuộc đời trước mắt đều có ý nghĩa tuyệt đối, cho nên họ không cần thắc mắc, đối với việc theo đuổi quyền uy đặc biệt không có tính phê phán mà có khuynh hướng không dựa vào tư duy. Họ rất coi trọng mối quan hệ giữa người với người và nhất là coi trọng mối quan hệ giữa thân phận và hình thức phong kiến. Đặc trưng ấy có thể thấy qua chủ nghĩa Quốc gia chí thượng của dân tộc Nhật bản, tính đóng kín của các tông phái, cho đến việc tuyệt đối phục tùng người có quyền lực đặc biệt. Khuynh hướng bảo thủ đã làm cho người Nhật không thấy được cái hiện thực nghèo khổ của quảng đại quần chúng và cái mâu thuẫn của bản thân: đó là lí do cắt nghĩa tại sao chế độ Thiên hoàng cho mãi đến nay vẫn còn tồn tại. Đạo đức phản tỉnh tuy mãnh liệt nhưng tính trì tục (giữ gìn liên tục) thì lại hơi bạc nhược, cảm tính tôn giáo cũng không sâu sắc. Phương thức tư duy thì nghiêng về tính phi luận lí và có khuynh hướng tình cảm hóa trực quan; vì thế, tương đối thiếu tinh thần sáng tạo về phương diện tư tưởng, nghệ thuật, học vấn mà nghiêng hẳn về mặt kiến thiết thế giới biểu tượng. Chủ nghĩa lí tính của phương Tây, các tư trào thời cận đại, sự thức tỉnh dân tộc sau đại chiến thế giới lần thứ 2, các cuộc vận động giải phóng v.v… đều khiến cho tư tưởng Đông Tây song song đổi mới rõ rệt và trưởng thành về nội dung tư tưởng. Cho nên, sự so sánh và nghiên cứu mối quan hệ hỗ tương giữa tư tưởng Đông và Tây là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết hiện nay.