đông phúc tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(東福寺) Chùa ở khu Đông sơn tại Kinh đô (Kyoto) Nhật bản, là nền cũ của chùa Pháp tính do ngài Đằng nguyên Trung bình sáng lập, là Đại bản sơn của phái chùa Đông phúc thuộc tông Lâm tế Nhật bản. Ngài Cửu điều Đạo gia xây dựng vào niên hiệu Diên ứng năm đầu (1239), ngài Viên nhĩ (Quốc sư Thánh nhất) làm trụ trì khai sơn, hiệu núi là Tuệ nhật sơn, một trong Ngũ sơn ở Kinh đô. Qua các đời, chùa đều được hàng Vương công giữ gìn giúp đỡ, nhờ đó mà hưng thịnh một thời. Năm Minh trị 14 (1881) chùa bị thiêu hủy hơn phân nửa. Cổng Tam quan (Tam môn) hiện nay là kiểu cổng xưa nhất của Thiền tông được xây dựng vào thời Thất đinh, phỏng theo lối kiến trúc đời Đường Trung quốc. Thiền đường (Tuyển Phật đường) là tòa nhà hai tầng rất đồ sộ cũng phỏng theo kiến trúc đời Đường. Chỉ trừ cửa Nguyệt hoa được kiến trúc vào thời Liêm thương, còn nhà tắm, nhà vệ sinh v.v… đều được xây dựng vào thời Thất đinh. Trong chùa hiện còn cất giữ ba bức tranh đức Phật Thích ca, bồ tát Văn thù, bồ tát Phổ hiền và một bức tượng của thiền sư Vô chuẩn Sư phạm do Ngô đạo tử vẽ; tranh chùa Đông phúc do Tuyết chu vẽ; tranh cỡ lớn như tranh Niết bàn, 45 bức vẽ 500 vị La hán, bức tượng Quốc sư Thánh nhất, 40 bức tượng của 40 vị tổ do Minh triệu vẽ. Trong chùa cũng còn cất giữ các tác phẩm như Tham Thiên thai ngũ đài sơn kí 8 tập, Thái bình ngự lãm, Nghĩa sở lục thiếp (bản in đời Tống), Cổ văn thư và bút tích của ngài Vô chuẩn Sư phạm v.v… Ngoài ra, các viện trực thuộc chùa như: Viện Vĩnh minh, viện Hải tạng, chùa Nguyện thành, viện Quế xương, am Thoái canh, viện Đồng tụ, viện Linh vân, viện Linh nguyên v.v…, trong đỉnh tháp của các viện này cũng có cất giữ các loại đính tướng và thư tịch. Khuôn viên chùa tuy nhỏ nhưng có các kiến trúc đặc biệt như cầu Thông thiên v.v…, chùa còn có một khu cây phong rất nổi tiếng.