đồng phẩm định hữu tính

Phật Quang Đại Từ Điển

(同品定有性) Phạm: Sapakwe satvam. Quyết định phải có tính cách của đồng phẩm. Tiếng dùng trong Nhân minh. Một trong 3 điều kiện (3 tướng) của Nhân dùng để biểu thị mối quan hệ giữa Nhân và danh từ sau (hậu trần) của Tông. Như lập luận thức: Tông: A tức là B. Nhân: Vì D là C vậy. Dụ: Phàm là C đều là B cả. Trong đây, đồng phẩm của B nhất định phải có nhân C, B phải phụ thuộc vào C, nhưng B không hẳn phải có trong C, cho nên C được gọi là Định hữu, nghĩa là nhất định phải có, không thể hoàn toàn không có. Bởi thế, hễ có Nhân ắt phải có hậu trần (danh từ sau) của Tông theo sau. Như nói: Con người nhất định sẽ chết, vì là động vật vậy. Ở đây, trong chết phải có động vật, mà vật sẽ chết không phải chỉ có động vật, nhưng có cả thực vật, đó tức là Đồng phẩm định hữu tính. Vì lấy nghĩa của Nhân để thành lập nghĩa của Tông, nên nghĩa của Nhân không cần phải giống toàn bộ với nghĩa của Tông, tức là Tông đồng phẩm có một phần quan hệ đồng loại với nghĩa của Tông là được. [X. luận Nhân minh nhập chính lí; Nhân minh luận sớ minh đăng sao Q.2 phần cuối, Q.3 phần đầu; Nhân minh luận sớ thụy nguyên kí Q.3]. (xt. Tam Chi Tác Pháp, Đồng Dụ, Nhân Minh).