đông mật

Phật Quang Đại Từ Điển

(東密) Cũng gọi Đông tự lưu. Đối lại với Thai mật. Chân ngôn Mật giáo của Nhật bản do ngài Không hải sáng lập lấy Đông tự làm đạo tràng căn bản. Sau ngài Không hải truyền cho Chân nhã, Chân nhiên, Nguyên nhân; ngài Nguyên nhân lại truyền cho Ích tín, Thánh bảo. Đệ tử ngài Ích tín có Khoan bình Pháp hoàng (Thiên hoàng Vũ đa), Khoan không, Khoan triều, gọi là Quảng trạch lưu (dòng Quảng trạch). Đệ tử ngài Thánh bảo có Nhân hải, gọi là Tiểu dã lưu (dòng Tiểu dã), hai dòng này hợp lại gọi chung là Đông mật nhị lưu (hai dòng của Đông mật), Dã trạch nhị lưu (hai dòng Tiểu dã và Quảng trạch). Về sau, dòng Quảng trạch lại chia ra 6 dòng nữa là: Nhân hòa tự ngự, Tây viện, Bảo thọ viện, Hoa nghiêm viện, Nhẫn nhục sơn và Truyền pháp viện. Dòng Tiểu dã cũng nảy sinh thêm sáu dòng: Tam bảo viện, Lí tính viện, Kim cương vương viện, An tường tự, Khuyến tu tự và Tùy tâm viện. Cả hai dòng Quảng trạch và Tiểu dã hợp lại gọi chung là Đông mật thập nhị lưu (12 dòng phái của Đông mật), Dã trạch thập nhị lưu (12 dòng phái của Tiểu dã và Quảng trạch), Căn bản thập nhị lưu (12 chi nhánh của hai dòng phái gốc Tiểu dã và Quảng trạch). Ngoài ra còn có Trung viện và Trì minh viện ở núi Cao dã. Đến đời sau, từ dòng Tiểu dã lại chia ra 20 dòng nữa; rồi từ dòng Quảng trạch cũng phát sinh thêm bốn dòng, vì thế gọi là Đông mật tam thập lục lưu (36 dòng phái của Đông mật). Về sau còn chia ra rất nhiều dòng phái chi nhánh nên mới có thuyết Dã trạch thất thập dư lưu (hơn 70 dòng phái của hai dòng phái gốc Tiểu dã và Quảng trạch), nhưng vẫn lấy 36 dòng làm chính. (xt. Thai Mật, Chân Ngôn Tông).