đông lâm tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(東林寺) Chùa ở chân núi phía tây bắc núi Lô sơn, phía nam huyện Cửu giang tỉnh Giang tây, Trung quốc, do ngài Tuệ viễn sáng lập vào năm Thái nguyên thứ 6 (381) đời Đông Tấn. Đây là nơi bắt nguồn tông Tịnh độ (Liên tông) của Phật giáo Trung quốc. Ngài Tuệ viễn thành lập Bạch liên xã, đề xướng pháp môn Di đà Tịnh độ, các vị danh tăng, thân sĩ phần nhiều đến đây kết xã niệm Phật, do đó, đời sau bèn suy tôn ngài Tuệ viễn là Sơ tổ tông Tịnh độ. Chùa này thịnh nhất vào đời Đường, tất cả có hơn 310 gian gồm điện, đường, liêu, thất v.v… Sau pháp nạn Hội xương, vua Tuyên tông ban lệnh trùng tu. Khoảng năm Nguyên phong đời Tống, vua Thần tông ban lệnh đổi tên là Đông lâm thái bình hưng quốc thiền viện. Khoảng năm Chí đại (1308 – 1311) đời Nguyên, ngài Phổ độ soạn Lô sơn liên tông bảo giám tại đây để xiển dương giáo nghĩa Liên tông. Vị cao tăng tại Dương châu là ngài Giám chân trước khi sang Nhật bản đã từng ở chùa này. Về sau, ngài cùng với vị tăng ở chùa này tên là Trí ân cùng sang Nhật bản giảng kinh, giáo nghĩa Đông lâm Tịnh độ tông của ngài Tuệ viễn cũng theo đó mà truyền vào Nhật bản. Giáo phái Đông lâm của Nhật bản cũng tôn ngài Tuệ viễn làm Sơ tổ. Trước chùa có cây cầu Hổ khê, tương truyền ngài Tuệ viễn vì dốc lòng tu hành nên tiễn khách không bao giờ quá cầu Hổ khê. Nhà thơ Đào uyên minh và đạo sĩ Lục tu tĩnh thường đến chùa đàm đạo với Tuệ viễn. Có lần ngài Tuệ viễn tiễn hai người ra cửa, vừa đi vừa mải nói chuyện, không biết đã qua cầu, thần hổ bèn kêu rống lên, ba người nhìn nhau cười lớn, đó tức là nguồn gốc của điển tích Hổ khê tam tiếu (ba người cười ở khe hổ) mà cho đến nay vẫn còn được truyền tụng. Tương truyền, cây tùng La hán ở phía đông chùa là do ngài Tuệ viễn trồng; bên cạnh cây tùng này là điện Hộ pháp, bên trong thờ tượng bồ tát Di lặc và tượng Vi đà toàn thân mầu vàng ròng. Ngôi chính điện gọi là Thần vận bảo điện, thờ các tượng Phật Thích ca, bồ tát Văn thù, Phổ hiền, tôn giả A nan, Ca diếp v.v… Hai bên điện là hai nhà thờ Thập bát cao hiền (18 vị hiền sĩ) và Hổ khê tam tiếu. Phía trước và phía sau điện có các di tích cổ như: Suối Thông minh, suối Thạch long, ao Bạch liên, ao Xuất mộc v.v… và tượng đá đời Tấn, trụ khắc kinh đời Đường, bia khắc các văn hiến của ba đời Đường, Minh, Thanh. Văn nhân thi sĩ trong các thời đại đến đây rất nhiều, như Lí bạch, Bạch cư dị, Liễu công quyền, Lục du, Vương dương minh v.v… đều có đề thơ, dựng bia ở đây.