ĐÔNG GIA HAY TÂY GIA?
 Hạnh Đoan bình thuật
Thực hiện: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình đồng đến cầu thân, gọi là Đông gia và Tây gia. Con Đông gia vừa gù vừa xấu nhưng giàu có vô cùng, gấm vóc lụa là bạc vàng ẩm thực thảy đều sung túc, hưởng thọ không hết. Còn con Tây gia thì có tài, tuấn tú khôi khô, đẹp như diễn viên điện ảnh nhưng nghèo ơi là nghèo. Cơm ngày ba bữa cũng không đủ ăn.

Thế thì phải chọn ai đây? Phụ thân cô gái vắt óc nghĩ suy mãi, nếu ưng Đông gia thì tha hồ hưởng vật chất giàu sang, hạnh phúc cả đời. Còn nếu chọn Tây gia dung nhan anh tuấn, con gái ra đường nở mặt, cân xứng sắc tài, song quá đói khổ cơ hàn.

Bà vợ thấy chồng trù trừ đắn đo mãi, liền bảo:

Ông đừng suy nghĩ chi cho mắc công, hỏi ý con mình là chắc ăn nhất!

Thế là, họ kêu con đến, người cha bảo:

– Con đến tuổi xuất giá rồi, nay Đông gia Tây gia đều xin cầu thân, công tử Đông gia tuy bất tài nhưng giàu nứt đố đổ vách, công tử Tây gia tuy là nhân tài nhưng nghèo rớt mồng tơi, ta và mẹ con bàn mãi không xong, khó định được, vậy ý con thế nào? Con muốn ai thì nói đi?

Tiểu thư nghe cha giải thích, mặt mày đỏ bừng, thẹn đến nói không ra lời.

Mẹ nàng bảo:

– Lòng con đâu phải không có ý? Cứ nói cho cha mẹ biết bụng dạ con thế nào? Nếu con khó mở lời thì hãy ra dấu. Này nhé: Hễ ưng Đông gia thì đưa tay phải lên, còn ưng Tây gia thì đưa tay trái …

Cô gái suy nghĩ một hồi lâu, thật lâu rồi giơ… cả hai tay lên. Cha mẹ thất kinh hỏi:

– Thế…thế… nghĩa là sao?

Tiểu thư mặt mày đỏ bừng, ấp úng:

– Dạ.. con… con muốn ban ngày ăn ở Đông gia, ban đêm ngủ tại Tây gia ạ!

BÌNH:

Cái này gọi là nghĩ sao nói vậy! Cô gái có tham quá không? Sao mà bày tỏ thẳng thừng vậy? Chúng ta cũng thế thôi. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn tả cô chị là nàng Công Đức Thiên xinh đẹp sáng chói, còn cô em là Hắc Ám xấu xí đen đúa; chàng trai vừa thấy Công Đức Thiên thì mê tít, nhưng gặp Hắc Ám thì bủn rủn hết hồn; oái oăm thay, hai nàng lại song hành cùng nhau, như bóng với hình không thể tách chia, đón nàng này thì phải nhận luôn nàng kia. Cuối cùng chàng trai phải từ chối hết.

Cuộc sống vốn không hoàn mỹ – hạnh phúc, khổ đau, may, rủi – trong đời luôn đi liền nhau, chọn Đông gia giàu sang phú quí thì phải chấp nhận anh chồng xấu xí bất tài, chấm Tây gia tuấn tú bảnh bao thì phải cực nhọc lo toan đời sống.

Thế nhưng, người ta thường mong mình được hưởng trọn mọi tốt đẹp, mọi ân sủng phúc lành thượng đẳng của đời và không muốn một chút rủi ro, bất toàn khiếm khuyết nào hiện diện trong đời sống mình. Ngay cả trong những cuộc thi tài, ta luôn muốn mình về nhất, hoặc ít ra cũng chiếm giải khuyến khích… Có hạng nhất thì cũng có hạng chót, những thứ hạng này rải đều trong cuộc thi, hễ thất thời lỡ vận, thiếu phúc kém duyên là cầm bằng rủi tới, bởi ưu đãi này không dành cho ai suốt đời. Khi thấy người ốm đau, bịnh nan y, bị tai nạn… Ta nghĩ là chuyện thường, song tới khi mình vướng vào ta lại rên rỉ bất mãn, không hiểu tại sao ta cũng bị…? Ta không biết mình giống nhau từ sắc thân tứ đại và giống luôn những gian truân mà cuộc sống dành cho. Nhà nào cũng có nước mắt và nụ cười, được cái này thì phải mất cái kia, cho nên đưa hai tay lên… quơ tất cả – là điều không thể – quy luật này không dành riêng cho cô gái, mà là cho tất cả chúng ta.