đồng dụ

Phật Quang Đại Từ Điển

(同喻) Cũng gọi Đồng pháp, Đồng phẩm, Đồng pháp dụ. Đối lại với Dị dụ. Tiếng dùng trong Nhân minh. Tức là ví dụ mang ý nghĩa cùng một phẩm loại với Nhân và danh từ sau (hậu trần) của Tông. Như lập luận thức: Tông: Âm thanh là vô thường Nhân: Vì là do sự tác động mà có ra Dụ: Ví như cái bình (đồng dụ). Về sự vật đồng dụ, vừa là đồng phẩm với Tông, vừa là có tính cách của Nhân. Như cái bình, cái chén, vừa có tính vô thường, vừa có tính được tạo tác ra. Cho nên luận thức trên đây đã giúp địch luận (người vấn nạn) hiểu rõ được tông nghĩa: Đó là lí do của sự lập phần Dụ. Ngoài ra, sự vật được nêu ra trong phần Dụ cùng loại với ý nghĩa của Tông thì gọi là Tông đồng phẩm; đồng loại với Nhân gọi là Nhân đồng phẩm. Dụ còn được phân biệt là Dụ thể và Dụ y. Dụ thể là đem tất cả những gì có tính cách của đồng phẩm ra mà dụ, còn Dụ y là đưa ra một hai cái trong đồng phẩm để chứng minh. Nếu đồng dụ sai thì gọi là Tự đồng dụ. Có năm loại Tự đồng dụ: 1. Năng lập pháp bất thành. 2. Sở lập pháp bất thành. 3. Câu bất thành. 4. Vô hợp. 5. Đảo hợp. Ba loại trước liên quan đến Dụ y, hai loại sau liên quan đến Dụ thể. [X. Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q.thượng phần cuối; Nhân minh nhập chính lí luận nghĩa toản yếu; Nhân minh luận sớ minh đăng sao Q.2].