đôn hoàng học

Phật Quang Đại Từ Điển

(敦煌學) Nội dung của Đôn hoàng học bao gồm những kinh sách, các bức tranh vách và nghệ thuật chạm trổ, đắp tượng v.v… được tàng trữ trong hang đá Đôn hoàng, rất nhiều bộ môn và chủng loại. Nói theo nghĩa rộng thì phạm trù nghiên cứu về Đôn hoàng học bao quát các lĩnh vực tự nhiên, địa lí, xã hội, kinh tế, lịch sử, tông giáo, văn học, mỹ thuật v.v… Còn nói theo nghĩa hẹp thì như việc chỉnh lí, giải thích, nghiên cứu các văn bản kinh sách được cất giữ ở Đôn hoàng tức cũng gọi chung là Đôn hoàng học. Những di vật văn hóa trong quần thể hang động Đôn hoàng được tìm thấy ở động Thiên Phật (Nghìn Phật) cách huyện Đôn hoàng, tỉnh Cam túc về phía đông nam 20km (xưa gọi là Hang động Mạc cao). Trong hang thứ 17 của động Thiên Phật có nhiều hầm nhỏ hình lập phương (cube) mỗi bề khoảng 3m, ở trong chứa đầy di vật văn hóa do các vị sư đã bí mật đưa vào đây cất giấu để tránh nạn phá hủy của người Tây hạ xâm lăng Trung quốc vào đầu năm Cảnh hựu (1034-1037) đời vua Nhân tông nhà Tống. Vào năm Quang tự 25 (1899) đời Thanh, đạo sĩ Vương viên lục đã phát hiện những hầm đá này. Sở dĩ những di vật được cất giấu trong những hầm đá qua một khoảng thời gian dài như thế (872 năm) mà không bị hư nát là nhờ khí hậu ở Đôn hoàng lạnh lẽo và lượng mưa rất ít. Sau khi tin tức tìm thấy các di vật văn hóa được tung ra, học giả các nước như: Vladimiy Afanásevich Obruchev, A. Stein, Paul Pelliot, v.v… nối gót nhau đến chỗ đạo sĩ Vương viên lục thương lượng để mua phần lớn các quyển sách quí giá. Sau khi hay tin kho báu bị mất mát, La chấn ngọc mới đề nghị với chính phủ Trung ương thu nhặt những sách còn lại đưa về thủ đô Bắc kinh. Khoảng vài mươi năm từ khi các bảo vật ở Đôn hoàng được phát hiện, học giả các nước Nhật bản, Anh, Pháp v.v… đua nhau nghiên cứu theo phạm vi chuyên môn của mình, Đôn hoàng học liền trở thành một bộ môn trong các ngành học thuật của thế giới. Vào năm Dân quốc 33 (1944), Bộ giáo dục Trung quốc chính thức thành lập Sở Nghiên Cứu Nghệ Thuật Đôn Hoàng, đánh số thứ tự các bức vách, các pho tượng đắp và các hang động, tổng số có 438 hang động, gồm 20 hang động đời Lưỡng Ngụy (Tây Ngụy, Đông Ngụy), 88 hang động đời Tùy, 177 hang động đời Đường, 102 hang động đời Tống, 7 hang động đời Nguyên, 2 hang động đời Thanh và 42 hang động đã hư hoại hoặc không thể khảo chứng. Những bộ sách như: Đôn hoàng thạch thất di thư, Minh sa thạch thất cổ dật thư, Đôn hoàng bảo tàng v.v… đều do những người thời gần đây căn cứ theo tư liệu của các ông A. Stein, P. Pelliot, v.v… sưu tầm được mà biên tập thành. Về các bộ mục lục ghi chép các sách thì có: Hán văn tả bản mục lục (1957), Tây tạng văn tả bản mục lục (1962) do ông A. Stein sưu tập, Tây tạng văn tả bản mục lục (1950 – 1961), Hán văn tả bản mục lục (1970), do ông P. Pelliot sưu tập, Đôn hoàng di thư tổng mục sách dẫn (1962) do ông Vương trọng dân biên soạn, Hán văn tả bản mục lục (1963 – 1967) do người Nga xô sưu tập, Long đại sở tàng Đôn hoàng cổ tả kinh hiện tồn mục lục (1958) của trường Đại học Long cốc Nhật bản, Đại cốc Đại học sở tàng Đôn hoàng cổ tả kinh (1964 – 1972) của trường Đại học Đại cốc Nhật bản. Những năm gần đây, Nga xô đã công bố mục lục những sách vở do họ cất giữ; thư viện Quốc lập trung ương ở Đài bắc cũng ấn hành toàn bộ sách vở được cất giữ ở đây. Theo sự khảo sát của các nhà nghiên cứu thì những kinh sách được tìm thấy ở động Đôn hoàng có khoảng hơn 40 vạn hạng mục. Trong đó, văn hiến Hán văn có khoảng hơn 37.000 hạng mục, hiện nay được chia ra cất giữ ở Bắc bình (thư viện Bắc kinh khoảng 10.000 hạng mục), Luân đôn (viện bảo tàng nước Anh khoảng 11.000 hạng mục), Ba lê (thư viện quốc gia, khoảng 6.600 hạng mục và 2.700 hạng văn Tây tạng), Leningrad (Sở nghiên cứu Đông phương, khoảng 11.000 hạng mục), Đài bắc (thư viện quốc lập trung ương, khoảng 151 quyển). Ngoài ra, trường Đại học Long cốc và trường Đại học Đại cốc tại Nhật bản cũng cất giữ một số và số ít nhà sưu tập đồ cổ Trung quốc và Nhật bản cũng cất giữ một số. Nội dung của loại bản chép tay này được chia làm 2: 1. Loại Phật giáo. 2. Loại phi Phật giáo: Đạo giáo, Ma ni giáo, Cảnh giáo, kinh điển Nho gia, văn học, ngôn ngữ, xã hội, kinh tế, pháp luật, chính trị, văn thư công và tư, lịch coi thiên văn, phép dùng binh, thuốc thang, thuật số, hội họa, âm nhạc, v.v… Về hình thức văn hiến đại khái có thể chia làm hai loại: 1. Văn hiến Hán văn: phần lớn là văn hiến Phật giáo. 2. Không phải văn hiến Hán văn: các bản viết tay có Phạm văn, Tạng văn, Hồi hột, Vu điền, Túc đặc, Cưu từ, Khang cư, Khử lộ. Về hình thức đóng sách thì văn hiến Đôn hoàng và các bản kinh Phật chép tay khác đào được ở vùng Trung Á đại lược đều có thể chia làm 4 loại: Bối diệp bản(bản lá bối), quyển tử bản (bản quấn), triết bản(gấp xếp) và sách tử bản (bản đóng) v.v… (xem các ảnh). Trong các bản sao phát hiện được ở Đôn hoàng phần lớn là quyển tử bản bằng Hán văn. Ngoài ra, cũng có bản in, như kinh Kim cương bát nhã bằng Hán văn là di vật văn hóa được khắc bản in vào năm Hàm thông thứ 9 (868) đời Đường và là ấn phẩm xưa nhất tại Trung quốc có ghi niên đại khắc bản rõ ràng. Tóm lại, các loại văn hiến được phát hiện nói trên đều có giá trị học thuật quí báu, là những tư liệu trọng yếu cho việc nghiên cứu về lịch sử học thuật và lịch sử Phật giáo thời Trung cổ. (xt. Thiên Phật Động).