đôn hoàng biến văn

Phật Quang Đại Từ Điển

(敦煌變文) Biến văn tìm được trong động đá ở Đôn hoàng bên Trung quốc. Từ năm Quang tự 25 (1899) đời Thanh, sau khi kho sách cấtgiấu trong động đá Đôn hoàng được phát hiện và được học giả các nước chỉnh lí, tìm hiểu một cách có hệ thống thì phong trào nghiên cứu Đôn hoàng học dần dần được hình thành. Trong số các sách này, có một loại bản viết tay thuộc tác phẩm văn học phổ thông, gọi là Biến văn, được nhóm các ông Vương trọng dân thu gom vào Đôn Hoàng Biến Văn Tập gồm 78 thiên. Biến là thay đổi, nghĩa là đem các tích truyện trong kinh điển Phật hoặc nội dung sử truyện mà biên soạn lại, nhằm thú vị hóa, sinh động hóa và thông tục hóa. Đây là các thoại bản còn lại dưới hình thức Tục giảng được lưu hành ở đời Đường và khoảng thời Ngũ đại. Nếu phân loại thì trong số 78 thiên, phần lớn là Biến văn giảng kinh lấy các truyện cổ Phật giáo làm chủ đề; sau đó là Biến văn giảng sử lấy sử thoại, sử truyện làm chủ đề. Ngoài ra, có một thiên Biến văn về Đạo giáo. Sau khi Phật giáo truyền sang Trung quốc, một số lớn kinh điển được phiên dịch; bấy giờ, một số tín đồ Phật giáo muốn phổ cập hóa Phật pháp, nên khi giảng kinh, cố gắng thay đổi, biên soạn các truyện cổ bằng thể tài phổ thông, thậm chí phối với âm nhạc, ngâm vịnh có tính cách thông tục cho dễ hiểu. Loại pháp hội giảng kinh này gọi là Tục giảng thịnh hành ở đời Đường và đời Ngũ đại. Vị tăng chuyên môn giảng kinh trong pháp hội này được gọi là Tục giảng tăng; những bản thảo của vị tăng này để lại gọi là Giảng kinh văn, cũng là một loại Biến văn. Thông thường, Giảng kinh văn là giảng trọn một bộ kinh, còn Giảng kinh biến văn thì chỉ lấy truyện cổ làm chính. Ngoài ra, các bức Biến tướng đồ (tranh Biến tướng) miêu tả nội dung truyện cổ trong các kinh bằng hội họa cũng đã xuất hiện để phối hợp với Giảng kinh biến văn. Các Biến văn giảng kinh nổi tiếng hơn cả thì có: Bát tướng biến, Hàng ma biến văn, A di đà kinh biến văn, Diệu pháp liên hoa kinh biến văn, Mục liên duyên khởi, Thái tử thành đạo kinh, Bát tướng áp tọa văn, Địa ngục biến, Lô sơn, Viễn công thoại v.v… Biến văn giảng sử thì có: Ngũ tử tư biến văn, Hán tướng Vương lăng biến, Thuấn tử biến, Án tử phú, Tróc quí bá truyện văn, Biến văn Trương nghĩa triều v.v… Thể tài Biến văn giảng kinh phổ thông thì có các loại: Áp tọa văn, Biến văn, Giảng kinh văn, Ngâm, Kí, Thoại v.v… Nhờ sự phổ cập của Biến văn giảng kinh mà gây nên cái hứng khởi của Biến văn giảng sử. Ngoài ra, hình thức Xướng thuyết được sử dụng trong Biến văn giảng kinh đã có ảnh hưởng rất lớn đối với lịch sử văn học Trung quốc. Các thoại bản đời Tống, Nguyên của các ông tổ khai sáng tiểu thuyết bạch thoại Trung quốc đã bắt nguồn từ các Biến văn giảng kinh, giảng sử. [X. Đôn hoàng giảng kinh biến văn nghiên cứu; Đôn hoàng biến văn xã hội phong tục sự vật khảo (La tông đào); Giảng sử tính chi biến văn nghiên cứu (Tạ hải bình); Đôn hoàng biến văn thuật luận (Khưu trấn kinh); Đôn hoàng biến văn vựng lục (Chu thiệu lương)]. (xt. Tục Giảng, Biến Văn).