Ðôn Hoàng

Từ điển Đạo Uyển


敦煌; C: dūnhuáng; Thành phố thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc, có rất nhiều hang động nổi tiếng, được xem là vùng hang động chứa nhiều di tích Phật giáo lớn nhất thế giới. Những động cổ nhất được xây dựng từ thế kỉ thứ 5. Ngày nay, người ta tìm thấy 492 động, nằm trên 5 vùng cao thấp khác nhau, dài khoảng 1km. Hang động chứa toàn tranh tạc trên tường, với một diện tích tranh khoảng 45000m², và khoảng 2400 tượng. Ðặc biệt trong động số 16, người ta đã khám phá hàng ngàn kinh, luận, được cuốn tròn. Ðó là những tư liệu vô giá của công trình nghiên cứu đạo Phật trong vùng Trung Á và Trung Quốc ngày nay. Các tranh tường thường minh hoạ các kinh, các vị Phật hay cuộc đời thường. Các bức tranh trước thế kỉ thứ 6 trình bày cuộc đời của Phật Thích-ca. Kể từ đời Ðường, người ta trình bày các thế giới Cực lạc. Các tranh tượng khác phần lớn diễn tả Di-lặc, minh hoạ các kinh Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm, Diệu pháp liên hoa, Duy-ma-cật sở thuyết. Các vị Phật, Bồ Tát được tạc tượng nhiều nhất là Quán Thế Âm, Ðịa Tạng, La-hán cũng như một số thiên nhân khác. Năm 1900, một nông dân vô tình khám phá ra động Mạc Kao, động này dẫn đến động số 16. Trong động số 16 người ta tìm thấy 40.000 văn bản (kinh sách, tài liệu, tranh tượng, kể cả các đề tài thuộc về đạo Lão, đạo Khổng) cũng như nhiều pháp khí mà tăng ni ngày xưa đã cất dấu khi bị ngoại xâm. Người nông dân nọ không biết giá trị các thứ đó, đã bán đi một phần lớn. Năm 1907, đoàn khảo cổ đầu tiên của phương Tây do Sir Aurel Stein dẫn đầu đã mua đi 150 bức hoạ trên lụa, 500 tranh vẽ và 6500 cuộn bản kinh. Năm 1908, một nhà Ấn Ðộ học là Paul Pelliot đem từ Ðôn Hoàng 6000 cuộn kinh về nước. Sau đó là người Anh và người Nhật. Ngày nay phần lớn các di sản văn hoá đó đều nằm trong các viện bảo tàng phương Tây. Các hang động có chính diện hình vuông hay chữ nhật. Các hang xây thời Ðông Tấn (thế kỉ 4-5) thường đơn giản, chỉ có các tượng Phật. Các hang thời đại sau thường có nhiều phòng. Phần lớn các tượng được đặt trên đế hay dựa vào vách đá. Các hang đưới thời nhà Tống được xây dựng công phu nhất, gồm các trình bày tiền thân đức Phật hay các cảnh của Tịnh độ. Các hình ảnh tranh tượng khắc hoạ trong thời Ðông Tấn còn mang nhiều ảnh hưởng của Ấn Ðộ với mũi cao, áo mỏng. Sau đó các hình tượng của huyền thoại Trung Quốc cũng được đưa vào tranh. Ðến thời nhà Tuỳ (581-618), bên cạnh tượng Phật và Bồ Tát, lần đầu tiên tượng của A-nan-đà được trình bày và cũng trong thời gian này, ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Quốc bắt đầu chiếm ưu thế. Trong đời Ðường, các hình tượng sống động và gần gũi hơn, nhất là trang phục của các tượng được trình bày rất kĩ. Trong thời kì này, nhiều tượng Phật vĩ đại ra đời, tượng lớn nhất cao hơn 33 m. Các tranh trên tường minh hoạ các cảnh trong kinh, các Bồ Tát thường là các vị đang được truyền bá rộng rãi thời bấy giờ.