đối ngại

Phật Quang Đại Từ Điển

(對礙) Đặc tính của sắc pháp. Nghĩa là hai thứ vật chất không thể đồng thời cùng chiếm một khoảng không gian, hoặc do sự bó buộc của các đối tượng tâm v.v… nên không thể hoạt động tự do. Cứ theo luận Câu xá quyển 2, thì Đối ngại có ba thứ: 1. Chướng ngại hữu đối: Chỉ cho 10 sắc pháp (vật chất) gồm năm căn, năm cảnh đều do cực vi (phân tử) cấu thành làm chướng ngại lẫn nhau. 2. Cảnh giới hữu đối: Chỉ cho sáu căn, sáu thức cùng với tâm sở cùng khởi, nhưng bị đối cảnh sở thủ câu thúc nên tác dụng thủ cảnh không được tự do. 3. Sở duyên hữu đối: Chỉ cho tâm (sáu thức và ý căn) và tâm sở cùng khởi lên, nhưng bị các pháp sở duyên bó buộc, nên tác dụng duyên lự không được tự tại. Sự khác biệt giữa Cảnh giới hữu đối và Sở duyên hữu đối là: Cảnh giới hữu đối lấy nhận thức của cảm giác làm chính nên phạm vi của nó rộng hơn; còn Sở duyên hữu đối thì lấy nhận thức phán đoán của ngộ tính làm chủ, nên phạm vi của nó hẹp hơn.