độc thiên nhị cổ

Phật Quang Đại Từ Điển

(毒天二鼓) Từ gọi chung Độc cổ và Thiên cổ. Thiên cổ chỉ cho quả trống của trời Đao lợi do nghiệp báo của trời mà được, người nghe trống này sinh tâm bỏ điều ác, ham thích việc thiện, ví dụ cho âm thanh thuyết pháp của đức Phật có năng lực làm cho chúng đệ tử tăng dũng khí gấp bội, không còn sợ hãi. Độc cổ vốn chỉ cho quả trống có bôi thuốc độc, đánh lên khiến người nghe đều chết, ví dụ cho giáo pháp Phật tính thường trụ trong kinh Niết bàn có thể diệt trừ 5 nghịch, 10 ác của chúng sinh khiến cho vào trong đạo Phật. Tông Thiên thai dùng Độc cổ ví dụ phá ác, dùng Thiên cổ ví dụ sinh thiện và cho rằng đức Phật giáo hóa trong suốt cuộc đời là đánh Thiên cổ khiến người sinh thiện và đánh Độc cổ khiến người diệt ác. Kinh Đại bát niết bàn quyển 9 (Đại 12, 420 thượng), nói: Ví như người dùng thuốc độc bôi lên trống lớn rồi để giữa đại chúng mà đánh, tuy không có tâm muốn nghe, nhưng người nghe đều chết, chỉ trừ một người không chết. Kinh Đại niết bàn cũng thế; bất cứ ở đâu, hễ có người nghe thì tất cả tham dục, nóng giận, ngu si thảy đều diệt hết. Trong số này tuy có người không có tâm suy nghĩ, nhưng nhờ duyên lực của kinh Đại Niết bàn này hay tiêu trừ phiền não mà các kết sử tự diệt. Những kẻ phạm 4 trọng cấm, 5 vô gián, được nghe kinh này rồi cũng gây nhân duyên Vô thượng bồ đề mà đoạn trừ phiền não dần dần, chỉ có một hạng người không chết, ấy là Nhất xiển đề. Ngoài ra, danh từ Độc cổ phần nhiều cũng ví dụ chỉ cho câu Các ông đều sẽ thành Phật trong phẩm Thường bất khinh bồ tát của kinh Pháp hoa quyển 6 gọi là Cường độc hạ chủng (gắng sức gieo hạt giống Phật). Tức là đối với người không tin và phỉ báng giáo pháp thì gắng sức nói Viên giáo nhất thừa cho họ nghe để gieo hạt giống tính Phật cho họ diệt trừ tính ác của họ. Lại Dược cổ (trống thuốc) là đối lại với Độc cổ. Dược cổ cũng gọi là Diệt trừ dược cổ. Kinh Bồ tát niệm Phật tam muội quyển 4 (Đại 13, 822 trung), nói: Ví như ở nơi chiến trường, quân địch bắn tên độc ra, nhờ nghe tiếng Dược cổ, chất độc liền tan mà được bình an. [X. phẩm Tựa kinh Pháp hoa; kinh Hoa nghiêm Q.15 (bản dịch mới); kinh Thủ lăng nghiêm Q.thượng; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.6 phần dưới; Pháp hoa kinh văn cú Q.8 phần trên, Q.10 phần trên]. (xt. Cường Độc).