độc kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(讀經) Đọc tụng kinh điển. Tùy theo ý nghĩa của sự đọc kinh mà có những cách gọi khác nhau, như: Nếu đọc kinh để khen ngợi công đức của Phật thì gọi là Tụng kinh, Phúng kinh; nếu đọc kinh để hiểu rõ nghĩa kinh thì gọi là Khán kinh; nếu đọc kinh để cầu nguyện thì gọi Chuyển độc. Thiền tông còn phân biệt là: Phúng kinh, Chuyển độc thì phải ở trước đức Phật; còn Khán kinh thì có thể tùy ý ở trong phòng liêu. Lại khi tụng kinh Đại bát nhã từ quyển đầu cho đến hết toàn bộ 600 quyển thì gọi là Chân độc (tức là tụng kinh); còn nếu chỉ đọc lướt qua vài dòng ở đầu, giữa và cuối mỗi quyển, rồi chuyển sang quyển khác, thì gọi là Chuyển độc. Ngoài ra, đọc kinh thầm ở trong lòng thì gọi là Tâm độc, thực hành lời dạy trong kinh điển bằng lối sống hàng ngày thì gọi là Thân độc. Lại theo Pháp hoa văn cú quyển 8 phần trên, thì đọc phải nhìn vào văn kinh, còn tụng là thuộc lòng không phải nhìn vào quyển kinh. Các kinh luận phần nhiều khuyên dạy người đọc tụng, thụ trì và nói rộng về công đức của các kinh. Như phẩm Đà la ni trong kinh Pháp hoa quyển 7 nói, nếu người hay thụ trì, đọc tụng và hiểu nghĩa kinh Pháp hoa, rồi theo đúng lời dạy trong kinh mà tu hành thì sẽ được công đức rất lớn. Kinh Quán vô lượng thọ nói: Tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa phương đẳng là một trong ba phúc để được vãng sinh Tịnh độ. Trong Quán kinh Tự phần nghĩa, ngài Thiện đạo nói: Đọc tụng kinh điển Đại thừa có thể mở mang trí tuệ, biết nhàm chán các nỗi khổ mà mong cầu Niết bàn yên vui. Tại Ấn độ, đọc kinh vốn là để hiểu nghĩa kinh, nhưng đến khi kinh Phật được truyền đến Trung quốc thì việc tụng kinh chủ yếu là để hồi hướng và cầu nguyện. Vua Đại tông nhà Đường từng thỉnh ngài Bất không Tam tạng giảng tụng kinh Nhân vương cầu nguyện cho quốc thái dân an. Tại Nhật bản thì do tiếng đọc kinh có to, nhỏ, nhanh, chậm, nên chia làm Chân độc, Hành độc và Thảo độc khác nhau. [X. kinh Vô lượng thọ Q.hạ; Mục liên vấn giới luật trung ngũ bách khinh trọng sự vấn pháp sự phẩm; luận Đại trí độ Q.56; Nguyên hanh thích thư Q.20].