đoạn thực

Phật Quang Đại Từ Điển

(斷食) Quyết định dứt hẳn việc ăn uống trong một thời gian đặc biệt nào đó để cầu nguyện hoặc để thành tựu sự tu hành. Từ xưa, Ấn độ đã thực hành pháp đoạn thực, vốn là một trong những pháp của phái Du già hoặc các phái ngoại đạo khác. Nhưng về sau Phật giáo cũng thu dụng pháp này, nhất là những nhà tu bí pháp của Mật tông thực hành đoạn thực để biểu thị sự thành tâm và giữ gìn thân thể thanh tịnh. Cứ theo kinh Tô bà hô đồng tử thỉnh vấn quyển trung, người tu hành nếu muốn cầu được Tất địa thì trước hết phải giữ đủ 8 giới, hoặc đoạn thực trong 2, 3 ngày. Vả lại, đoạn thực không phải chỉ làm cho tâm thanh tịnh, mà còn khiến cho người tu pháp khi thành tựu việc tu hành, tránh được những thứ bẩn thỉu, hôi thối từ trong mình tiết ra, như phẩn giải, đờm dãi v.v… Đoạn thực cũng còn chữa được bệnh tật. Tát bà đa tì ni tì bà sa quyển 1 (Đại 23, 509 trung) chép: Ngài Mục liên hỏi y sư Kì bà rằng: Đệ tử bị bệnh, phải chữa cách nào? Kì bà đáp: Thưa, chỉ bằng cách đoạn thực. Gần đây bên Âu, Mĩ dấy lên phong trào Đoạn thực, tuy không liên quan gì đến vấn đề tông giáo, nhưng Đoạn thực có khả năng trị bệnh và khai phát tiềm năng của sinh mệnh. Ngoài ra, thời gian Đoạn thực dài hay ngắn là tùy theo người mà có khác nhau. Đoạn thực cũng có nhiều loại, như: Diêm đoạn là không ăn muối, Cốc đoạn là không ăn ngũ cốc, Mộc thực là chỉ ăn trái cây v.v… [X. kinh Đà la ni tập Q.11; kinh Diệu tí bồ tát sở vấn Q.2; Thích thị yếu lãm Q.thượng; mục Ma kiệt đà quốc trong Đại đường tây vực kí Q.9; Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.14].