đoạn thiện căn

Phật Quang Đại Từ Điển

(斷善根) Phạm: Kuzala-mùla-samuccheda. Gọi tắt: Đoạn thiện. Dứt mất căn lành. Theo tà kiến thượng phẩm mà phủ định nhân quả gọi là Đoạn thiện căn. Cứ theo luận Câu xá quyển 17, khi khởi tà kiến thượng phẩm (ở trình độ cao) thì chỉ đoạn thiện căn ở cõi Dục, còn thiện căn của 9 phẩm (9 giai đoạn) là do 9 phẩm tà kiến nghịch thuận đối nhau, đoạn trừ dần dần theo thứ lớp chứ không phải đoạn trừ ngay trong một lúc. Trong 4 châu quanh núi Tu di, trừ châu Bắc câu lô, người trong 3 châu còn lại đều có đoạn thiện căn này. Sau khi đoạn thiện căn, nếu lại đặt ra nghi vấn có nhân quả hay không, hoặc phát khởi chính kiến tin chắc có nhân quả, thì có thể lại được thiện căn như cũ, gọi là Tục thiện căn hoặc là Tục thiện (thiện căn nối tiếp trở lại). Luận Du già sư địa quyển 1 thì nói, đoạn thiện căn nghĩa là chỉ đoạn sự hiện hành của thiện căn chứ không phải đoạn chủng tử (hạt giống) của thiện căn. Phật giáo Đại thừa cho rằng Nhất xiển đề là người phủ định nhân quả, vì thế cũng gọi là Đoạn thiện căn. [X. luận Phát trí Q.2; luận Câu xá Q.10; luận Thuận chính lí Q.9; Du già luận kí Q.1].