đoạn mạt ma

Phật Quang Đại Từ Điển

(斷末摩) Chỉ cho nỗi khổ lúc hấp hối sắp chết. Mạt ma là dịch âm của tiếng Phạm marman, nghĩa là huyệt chết, đốt xương, là những chỗ hiểm trong thân thể con người, nếu bị thương tổn thì sẽ đau đớn dữ dội mà có thể đưa đến tử vong hoặc điên cuồng. Vì thế Đoạn mạt ma (dứt các đốt xương) được dùng để diễn tả nỗi đau đớn cùng cực lúc hấp hối sắp chết. Trong 3 cõi, chỉ có cõi Dục có khổ đoạn mạt ma, nhưng không phải ở cảnh giới nào cũng có khổ này. Như luận Đại tì bà sa quyển 190 (Đại 27, 953 thượng), nói: Ở cõi Dục, địa ngục không có đoạn mạt ma; súc sinh, ngã quỉ thì có đoạn mạt ma; con người trong 3 châu (trừ Bắc câu lư châu), các châu còn lại đều có đoạn mạt ma. Các vị trời ở cõi Dục cũng không có đoạn mạt ma, vì họ không tạo nghiệp não loạn. [X. luận Câu xá Q.10; luận Thuận chính lí Q.30; Q.35; Câu xá luận kí Q.2; Huyền ứng âm nghĩa Q.23].