đoạn kiến

Phật Quang Đại Từ Điển

(斷見) Phạm: uccheda-dṛṣṭi, Pàli: uccheda-diṭṭhi. Cũng gọi: Đoạn diệt luận, đối lại với Thường kiến. Một trong 2 kiến chấp. Tức là loại tà kiến chấp thế gian và ngã (cái ta) cuối cùng đều đoạn diệt hẳn. Nhân quả của các pháp mỗi mỗi khác nhau và nối tiếp, chẳng phải thường cũng không phải đoạn. Người đoạn kiến chỉ chấp một chiều, họ bảo không có nhân quả, con người chỉ sống trong một thời kì, sau khi chết là hết; không có thiện ác báo ứng, không có tội phúc: đây là chủ trương của ngoại đạo Đoạn kiến, một trong 16 tông ngoại đạo ở Ấn độ. Những người đề xướng chủ nghĩa hư vô cũng thuộc loại đoạn kiến. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 26, thì Đoạn kiến có hai loại: 1. Không có quả báo, tội phúc, khổ vui, đời sau. 2. Tất cả các pháp đều không. Luận Đại tì bà sa quyển 200 nói, ác kiến tuy có nhiều loại, nhưng không ngoài Hữu kiến (chấp có) và Vô kiến (chấp không). Hữu kiến chỉ cho Thường kiến, Vô kiến chỉ cho Đoạn kiến. Hai kiến chấp này đều thuộc về Biên kiến (chấp một bên, một chiều). Cho nên đức Thích tôn dạy phải lìa cả Thường và Đoạn mà giữ lấy Trung đạo. [X. kinh Tạp a hàm Q.34; kinh Đại bát niết bàn Q.27 (bản Bắc); luận Đại tì bà sa Q.49, Q.77; luận Du già sư địa Q.7, Q.58; phẩm Phá ngoại đạo trong luận Phật tính Q.1; luận Thành duy thức Q.6]. (xt. Lục Thập Nhị Kiến, Đoạn Diệt Luận).