đoạn hoặc

Phật Quang Đại Từ Điển

(斷惑) Phạm: kleśaḥ prahīyate. Hoặc là tên khác của phiền não. Đoạn hoặc nghĩa là nhờ vào công năng của đạo hữu lậu và đạo vô lậu để đoạn trừ phiền não. Còn gọi là Đoạn kết (tức Kết sử cũng là tên khác của phiền não), Đoạn chướng, Li nhiễm. Do đạo Vô gián mà đoạn trừ phiền não, nhờ đạo giải thoát mà chứng được chân lí Niết bàn (Bồ đề), hợp chung lại gọi là Đoạn hoặc chứng lí, gọi tắt là Đoạn chứng. Phật giáo bộ phái lấy việc dứt hết phiền não, chứng được quả A la hán làm mục đích, cho nên đến giai vị Kiến đạo thì dứt trừ được những sai lầm về tư tưởng và tri thức (mê lí hoặc, tức là kiến hoặc); và đến giai vị Tu đạo thì đoạn trừ phiền não căn bản (mê sự hoặc, tức là Tu hoặc). Vì kiến hoặc có thể được đoạn trừ trong thời gian ngắn nên gọi là Đốn đoạn, còn Tu hoặc thì phải tu hành trong thời gian lâu dài mới có thể lần lượt đoạn trừ nên gọi là Tiệm đoạn. Đoạn phiền não có hai loại: 1. Vô lậu đoạn (Tất cánh đoạn): Bậc Thánh nhờ trí vô lậu dứt trừ tận gốc tất cả hạt giống phiền não, không cho tái sinh. 2. Hữu lậu đoạn (Tổn phục đoạn): Phàm phu tu 6 pháp quán hữu lậu, quán thượng địa (cõi Sắc) và hạ địa (cõi Dục) để đoạn trừ hay áp phục phiền não ở hạ địa không cho hiện hành. Theo luận Câu xá quyển 21 thì Đoạn hoặc có thể chia ra 3 loại: 1. Kiến sở đoạn (Kiến đạo sở đoạn, Kiến đoạn): Giai vị kiến đạo đoạn trừ phiền não. 2. Tu sở đoạn (Tu đạo sở đoạn, Tu đoạn): Giai vị Tu đạo đoạn trừ phiền não. 3. Phi sở đoạn (Phi đoạn, Bất đoạn): Các pháp vô lậu thì không còn phiền não để đoạn. Phiền não được đoạn trừ như thế nào? Do 4 nhân: 1. Biến tri đoạn: Đoạn trừ Tự giới duyên hoặc của 2 đế Khổ, Tập và Vô lậu duyên hoặc của 2 đế Diệt, Đạo trong Kiến hoặc. Tự giới duyên hoặc là những phiền não chỉ lấy cảnh giới của chính mình nương ở làm đối tượng mà sinh khởi; còn Vô lậu duyên hoặc thì là những phiền não lấy pháp vô lậu của 2 đế Diệt, Đạo làm đối tượng mà sinh khởi. Hai loại hoặc này đều là hoặc mê mất lí của 4 đế, cho nên nếu biết rõ khắp(biến tri)lí của các sở duyên (đối tượng bị mê mất) thì hoặcliền bị đoạn trừ. Chẳng hạn như hoặccủa Khổ đế nhờ biết rõ lí của Khổ đế mà đoạn trừ;hoặccủa Tập đế nhờ biết rõ lí của Tập đế mà đoạn trừ. 2. Năng duyên đoạn: Đoạn trừ Tha giới duyên hoặc của 2 đế Khổ, Tập. Chẳng hạn như người ở cõi Dục lấy cõi Sắc v.v… làm đối tượng mà khởi hoặc, gọi là Tha giới duyên hoặc. Tha giới duyên hoặc là sở duyên của Tự giới duyên hoặc, bởi thế, nếu dứt được Tự giới duyên hoặc thì Tha giới duyên hoặc cũng bị đoạn trừ. 3. Sở duyên đoạn: Đoạn trừ Hữu lậu duyên hoặc của 2 đế Diệt, Đạo. Vì Hữu lậu duyên hoặc lấy Vô lậu duyên hoặc làm sở duyên, cho nên khi đoạn trừ được Vô lậu duyên hoặc thì Hữu lậu duyên hoặc tự nhiên cũng bị đoạn trừ. 4. Đối trị đoạn: Ở giai đoạn Tu đạo, phiền não hoặc lậu chỉ có thể được đoạn trừ bằng đạo Đối trị. Trong 9 địa mỗi địa đều có 9 phẩm hoặc,hoặccủa phẩm thượng thượng được đối trị bằng đạo của phẩm hạ hạ và hoặc của phẩm hạ hạ được đối trị bằng đạo của phẩm thượng thượng. Căn cứ vào tính chất, Đoạn hoặc lại được chia làm 2 thứ: 1. Tự tính đoạn: Tính chất của phiền não vốn nhơ nhớp, nếu tự thể không sinh khởi thì tự nhiên đoạn trừ. 2. Duyên phược đoạn (Sở duyên đoạn, Li phược đoạn): Như hữu lậu thiện hoặc sắc pháp trở thành đối tượng của phiền não nên bị phiền não trói buộc, cho nên không phải đoạn trừ tự thể của phiền não mà phải đoạn trừ phiền não năng duyên mới được giải thoát. Tông Duy thức cho rằng các phiền não Phân biệt khởi đến ngôi Kiến đạo mới đứt trừ; còn những phiền não Câu sinh khởi thì đến gia vị Tu đạo mới đoạn trừ được. Tóm lại, tông Câu xá thừa nhận trí hữu lậu có khả năng đoạn hoặc, nhưng Kinh bộ và tông Duy thức thì chủ trương trí hữu lậu chỉ có thể đè nén sự hiện hành của phiền não chứ không thể diệt trừ chủng tử (hạt giống) của chúng. Do đó, tông Câu xá chủ trương đạo Vô gián của hữu lậu, vô lậu đều có thể đoạn trừ phiền não, gọi là Đoạn đạo. Trái lại, tông Duy thức cho rằng trí gia hạnh và đạo Hữu lậu là Phục đạo (đạo chế phục, tức đè ép sự hiện hành của phiền não), chứ không phải là Đoạn đạo (đạo dứt trừ phiền não). Còn trí Căn bản và đạo Vô lậu thì vừa là Phục đạo, vừa là Đoạn đạo. Luận Thành duy thức quyển 8 nêu ra thuyết Tam đoạn: Tự tính đoạn, Li phược đoạn và Bất sinh đoạn, y theo thứ lớp có thể đoạn trừ nhiễm ô, hữu lậu thiện và vô phú vô kí, các đường ác và Vô tưởng định. Thành duy thức luận liễu nghĩa đăng quyển 5 nêu ra thuyết Tứ đoạn: Tự tính đoạn, Tương ứng đoạn, Duyên phược đoạn và Bất sinh đoạn. Ngoài ra, các tông Tam luận, Hoa nghiêm, Thiên thai v.v… chủ trương chân tướng của mọi sự tồn tại là bản thể của giác ngộ, tuy nói là đoạn phiền não nhưng rốt ráo là vô đoạn. Mật giáo thì cho rằng đoạn hoặc của Hiển giáo là Quá hoạn đoạn, nghĩa là Hiển giáo cho tất cả phiền não là tai họa, là tội lỗi, phải nhờ vào trí thủy giác tu hành mới đoạn trừ được. Còn đoạn hoặc của Mật giáo là Công đức đoạn, nghĩa là Mật giáo coi phiền não và bản giác vốn không hai, cho nên, nếu ngộ được phiền não vốn không thì tức là đoạn trừ phiền não. [X. luận Đại tì bà sa Q.51, Q.53; luận Câu xá Q.16, Q.25; luận Thuận chính lí Q.6; luận Thành duy thức Q.10; luận Du già sư địa Q.54, Q.59; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.9; Đại thừa nghĩa chương Q.9]. (xt. Tứ Đế, Đoạn Đạo).