Ðoạn giáo

Từ điển Đạo Uyển


斷教; T: chod [gcod]; S: uccheda; cũng được gọi là Hi giải giáo (希解教); Tên của một phương pháp tu tập rất độc đáo, là nhánh thứ hai của một tông trong Phật giáo Tây Tạng do Pha-đam-pa (t: pha-dampa sangye, ?-1117) sáng lập song song với nhánh “giảm” (t: shijed, nghĩa là giảm bớt). Giáo lí này xuất phát từ kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa (s: prajñāpāramitā) ra nhưng được bổ sung thêm bằng những nghi lễ cúng hiến, gọi thần, hồn (e: shamanism) của những dân tộc thiểu số. Nội dung chính của việc tu luyện trong Ðoạn giáo – như tên này đã nói – là cắt đứt đoạn lậu hoặc, Ngã kiến. Ðể thực hành điều này, hành giả phải đưa thân cúng hiến cho ma quỷ ở nghĩa địa và nơi đốt xác. Nữ đệ tử quan trọng nhất của Pha-đam-pa là Ma-chig Lab-dron-me (1055-1145), người đã truyền phép tu luyện này sang những tông khác ở Tây Tạng. Pha-đam-pa được xem là người từ Nam Ấn Ðộ đến truyền Mật pháp bởi vì nước da của ông có nét xanh. Ông là người cùng thời với Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa) và đến Tây Tạng 5 lần để giáo hoá. Lí thuyết căn bản của Ðoạn giáo dựa theo những kinh và luận nói về Bát-nhã ba-la-mật-đa. Theo thuyết này thì tất cả những vật hiện hữu đều tự tâm mà phát sinh, không thật; những sự lo sợ, tưởng tượng,… chỉ là kết quả của tư duy bất chính. Ðể chấm dứt trạng thái này, Ðoạn giáo đưa ra một phương pháp thiền rất độc đáo. Phương pháp này bao gồm hai phần: 1. Hành giả chấp nhận là ma quỷ có thật và chủ ý mời gọi chúng đến và 2. Nhận thức rằng, chúng chỉ là những gì tự tâm phát sinh, không có tự tính (Không). Ðể đạt được kết quả cao nhất, hành giả phải ra những nơi vắng vẻ hoang dã như những nơi đốt xác vì những nơi này dễ gây ra những cảm giác sợ hãi và ma quỷ cũng hay “lộng hành.” Nơi đây, Du-già sư ngồi thiền với một cái trống và kèn được làm bằng xương ống khuyển. Ðiểm bí hiểm của phương pháp này nằm trong sự thực hành trực tiếp, như Pha-đam-ba một lần nói với cô đệ tử: “Con hãy đi tới chỗ thiêu xác, hãy lên núi tu luyện. Hãy quên những bài học lí thuyết và trở thành một Du-già-ni (s: yoginī) lang thang học hỏi!” Phép tu luyện theo Ðoạn giáo vẫn được lưu truyền rộng rãi ở Tây Tạng trong tông Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa) và Ninh-mã (t: nyingmapa) cho đến ngày nay.