đoạn đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(斷道) Phạm:Prahàịa-màrga. Cũng gọi Diệt đạo, Đối trị đạo. Chỉ cho đạo có thể đoạn diệt hoặc chướng. Đoạn ở đây không phải chỉ là đoạn diệt hoặc chướng, mà còn có hàm nghĩa chế phục, chứng đắc. Trong 4 đạo: Gia hạnh, Vô gián, Giải thoát và Thắng tiến, thì đạo Vô gián được gọi là Đoạn đạo. Theo luận Câu xá thì Đoạn đạo là chỉ cho đạo Vô gián hữu lậu và vô lậu, Kiến đạo chỉ là vô lậu, còn Tu đạo thì chung cả hữu lậu và vô lậu. Luận Câu xá quyển 17 (Đại 29, 91 thượng), nói: Đạo có năng lực chứng đoạn và đoạn hoặc, cho nên gọi là Đoạn đạo, tức là đạo Vô gián. Đoạn tức là chứng được trạch diệt, đoạn hết phiền não mà hiển bày rõ lí; còn Đoạn hoặc tức là đoạn trừ phiền não. Bởi vì đạo Vô gián vừa đoạn trừ được phiền não trói buộc, lại vừa chứng được pháp bị trói buộc là trạch diệt, cho nên gọi là Đoạn đạo. Nhưng với đạo Giải thoát thì chỉ cần chứng chứ không cần đoạn. Đoạn của đạo hữu lậu có 5 quả: Dị thục, Đẳng lưu, Li hệ, Sĩ dụng và Tăng thượng; Đoạn của đạo vô lậu không mang lại quả Dị thục nên chỉ có 4 quả. Lại theo luận Câu xá quang kí thì đoạn của Đoạn đạo có 2 nghĩa: đoạn của sở chứng và đoạn của năng trừ. Tông Duy thức thì nói đoạn có 3 nghĩa: 1. Không tiếp nối: Do đạo vô lậu đoạn trừ chủng tử không cho tiếp nối, lại do năng lực của đạo hữu lậu và vô lậu chế phục các hiện hành không cho tiếp nối. 2. Trừ hại: Do đạo vô lậu đoạn trừ chủng tử của phiền não chướng và sở tri chướng, đồng thời, nhờ công năng của đạo hữu lậu và vô lậu ngăn chặn sự hiện hành của 2 chướng, không cho sinh khởi. 3. Không sinh: Thể tính có năng lực làm chướng ngại các pháp, không cho sinh khởi. Ngoài ra, Đoạn đạo và Phục đạo khác nhau ở chỗ: Đoạn đạo có khả năng dứt hẳn tùy miên của 2 chướng phiền não và sở tri; Đoạn đạo không chung cho đạo hữu lậu và trí gia hạnh. Còn Phục đạo thì có khả năng chế phục tùy miên của 2 chướng làm cho thế lực của chúng không khởi hiện hành; Phục đạo chung cho cả đạo hữu lậu, đạo vô lậu và 3 trí gia hạnh, căn bản, hậu đắc, do đó tùy theo sự tu hành mà Phục đạo có thể dần dần hay tức khắc đoạn trừ được hoặc chướng. Tông Duy thức cho rằng đạo hữu lậu và trí gia hạnh chỉ có thể phục đạo chứ không thể đoạn đạo, còn đạo vô lậu và trí căn bản, trí hậu đắc thì vừa có thể phục đạo lại vừa có thể đoạn đạo. [X. luận Câu xá Q.22, Q.23, Q.24; luận Thành duy thức Q.10; Câu xá luận quang kí Q.22; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.2 phần cuối]. (xt. Đoạn Hoặc).