do tuần

Phật Quang Đại Từ Điển


(由旬) Phạm, Pàli: Yojana. Hán âm: Du xà na, Du thiện na, Du tuần, Do diên. Dịch ý: hợp, hòa hợp, ưng, hạn lượng, nhất trình, dịch v.v… Đơn vị đo đường dài ở Ấn độ. Tiếng Phạm yojana có nghĩa là mang ách (cái vạy) do chữ gốc yuj chỉ quãng đường con bò mang ách (kéo xe) đi một ngày. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 2 chép, thì một do tuần là chỉ cho lộ trình hành quân một ngày của nhà vua. Về cách tính do tuần còn có nhiều thuyết khác nhau. 1. Do tuần được đổi ra tính theo câu lô xá: Theo quốc tục Ấn độ thì bốn câu lô xá là một do tuần. Trong kinh điển Phật cũng có chỗ lấy bốn câu lô xá là một do tuần, như phẩm Hiện nghệ trong kinh Phương quảng đại trang nghiêm quyển 4, phẩm Minh thời phân biệt trong kinh Ma đăng ca quyển hạ v.v… Nhưng kinh Phật phần nhiều lấy tám câu lô xá là một do tuần, như Hữu bộ tì nại da quyển 21, luận Đại tì bà sa quyển 136, luận Câu xá quyển 12 v.v…2. Do tuần đổi ra tính theo dặm của Trung quốc cũng có nhiều thuyết khác nhau: Theo Đại đường tây vực kí quyển 2 thì ngày xưa một do tuần được tính là 40 dặm, theo quốc tục Ấn độ tính là 30 dặm, Phật giáo tính 16 dặm; Tuệ uyển ân nghĩa quyển hạ chép là hơn 16 hoặc 17 dặm. Còn chú thích trong Hữu bộ bách nhất yết ma quyển 3 của ngài Nghĩa tịnh nói, theo quốc tục Ấn độ là 32 dặm, Phật giáo là 12 dặm.Ngoài ra, theo thuyết của các học giả cận đại như ông J. Flect đổi do tuần tính theo cây số ngàn (kilometre) thì một do tuần xưa bằng 19,5 km; theo quốc tục Ấn độ là 14,6 km, Phật giáo là 7,3 km; nếu theo thuyết của ông Major Vost thì một do tuần xưa bằng 22,8 km, quốc tục Ấn độ là 17 km, Phật giáo là 8,5 km. [X. luật Ma ha tăng kì Q.9; Phiên Phạm ngữ Q.10; Chú duy ma cật kinh Q.6; Huyền ứng âm nghĩa Q.2, Q.3; Tuệ lâm âm nghĩa Q.1, Q.27; J. Flect; Yojana andli (J.R.A.S. 1906].