đô thị

Phật Quang Đại Từ Điển

(都市) Phạm, Pàli: Nagara. Tại Ấn độ, sự thành lập đô thị chậm hơn thời đại thành lập kinh Phệ đà. Trong các câu kệ 414, 1013 của Kinh tập (Pàli: Sutta-nipàta) là bộ kinh Phật xưa nhất, và trong các câu kệ 40, 150, 315 trong kinh Pháp cú (Pàli: Dhammapada) đều có danh từ Nagara. Vào thời đức Phật nhập diệt đã có 6 đô thị lớn (Pàli: Mahànagara), đó là: Chiêm ba (Pàli: Campà), thành Vương xá (Pàli: Ràjagaha), thành Xá vệ (Pàli: Sàvatthì), Sa chỉ đa (Pàli: Sàketa), Kiêu thiểm tì (Pàli: Kosambì) và Ba la nại (Pàli: Bàràịasì). Lúc bấy giờ tín đồ Phật giáo sinh sống trong các đô thị phần lớn là hàng vương công, quí tộc và thương gia, tuy cũng có tín đồ nông dân, nhưng thời ấy Phật giáo lấy đô thị làm trung tâm truyền bá. Đến khi giáo đoàn Bồ tát của Phật giáo Đại thừa được thành lập thì lại lấy giai cấp thương gia ở đô thị làm trung tâm, cho nên tính cách tôn giáo đô thị lại càng rõ rệt. Tại Trung quốc và Nhật bản, việc truyền bá Phật giáo lúc đầu cũng lấy các đô thị làm trung tâm, nhưng về sau này lần lần lan rộng đến các vùng nông thôn, ngư thôn, thậm chí đến cả nơi biên cương xa xôi.