đổ hoá la quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(覩貨邏國) Phạm: Tukhāra, Tuḥkhāra, Tuṣāra. Cũng gọi Đổ khư la quốc, Thổ hỏa la quốc, Đâu khư lặc quốc, Đô khư quốc. Tên một nước xưa ở phía tây nam cao nguyên Phạ mễ nhĩ (Pamirs) và thượng du sông Oxus. Nước này nằm ở vùng xung yếu từ mạn đông Thổ nhĩ kì đến Ba tư, Ấn độ, vốn là phần đất của đế quốc Ba tư. Sau khi bị Đại đế Á lịch sơn (Alexander the Great) chinh phục vào thế kỷ III trước Tây lịch thì trở thành nước Đại hạ (Batria). Đến thế kỉ thứ II trước Tây lịch nước Đại hạ lại bị người Nguyệt thị (Tây phương gọi là người Tokharoi) tiêu diệt và kiến lập vương triều Quí sương vào thế kỉ thứ I trước Tây lịch. Sau đó lại liên tiếp bị xâm lăng hoặc thống trị bởi các vương triều Cấp đa của Ấn độ, vương triều Tát san của Ba tư, người Áp thát (một chi nhánh Hung nô) và Tây Đột quyết. Đến khoảng thế kỉ thứ VII thì xứ này nội thuộc nhà Đường của Trung quốc. Về sau lại bị tín đồ Hồi giáo Ả rập (Arab) thống trị. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 1 chép, thì nước Đổ hóa la chiều nam bắc dài hơn 1 nghìn dặm, chiều đông tây hơn 3 nghìn dặm. Đông giáp dãy Thông lĩnh (thuộc cao nguyên Pamirs), tây giáp Ba tư (nay là Iran), nam giáp với núi Đại tuyết (Hindu Kush), bắc tiếp với Thiết môn (phía nam Samarkand). Ở đây vào cuối mùa đông đầu mùa xuân mưa dầm liên miên, nên chư tăng an cư từ ngày 16 tháng 12 đến ngày rằm tháng 3 thì kết thúc. Phật giáo được truyền vào xứ này rất sớm. Trong Pháp sắc của vua A dục và Thiện kiến luật tì bà sa quyển 2 đều ghi chép việc vua A dục phái Sứ đoàn Pháp quan đến đây truyền đạo. Theo chương 5 và chương 13 trong Phật giáo sử của Đa la na tha, thì vào thời vua Mân na lạp (Phạm: Minara, có lẽ là vua Milinda trong kinh Na tiên tỉ khưu) của nước Đổ hóa la, có Tổ phó pháp tạng là Đề đa ca (Phạm:Dhìtika) đã hướng dẫn 500 vị tỉ khưu đến nước này hoằng pháp. Ngoài ra, ngài Diệu âm (Tạng: Dbyaís-sgrogs), một trong 4 vị Đại luận sư của Thuyết nhất thiết hữu bộ, cũng là người nước Đổ hóa la. Lại cứ theo Xuất tam tạng kí tập quyển 2, Đại đường tây vực cầu pháp cao tăng truyện và Khai nguyên thích giáo lục quyển 9, thì trong số các dịch giả kinh điển Phật phần nhiều có người Đổ hóa la, như các dịch giả kinh Tăng nhất a hàm, kinh Trung a hàm, luận A tì đàm tì bà sa, kinh Vô cấu tịnh quang đại đà la ni v.v… Tín đồ Phật giáo nước Đổ hóa la chủ yếu quan hệ với vùng Ca thấp di la, nên đã tu học và thừa kế giáo pháp của Thuyết nhất thiết hữu bộ Tiểu thừa. Thời gần đây, ở vùng Trung á người ta đã đào được một số kinh sách Phật bằng tiếng Đổ hóa la không còn nguyên vẹn; các nhà khảo cổ suy đoán là những kinh sách này đã được sao chép vào khoảng thế kỉ VI đến thế kỉ VIII và hầu hết đã được dịch từ tiếng Phạm, trong đó đều là kinh sách của Thuyết nhất thiết hữu bộ, chứ vẫn chưa phát hiện kinh điển Đại thừa. Tiếng Đổ hóa la thuộc ngữ hệ Ấn Âu, nhưng khác với ngữ hệ của các nước láng giềng là Ấn độ và Iran. Ngoài ra, khảo sát các di tích hiện còn ở trên vách động Nghìn Phật tại nước Cưu tư (Kizil), chúng ta có thể biết người Đổ hóa la cũng đã từng đóng góp công sức vào việc hoàn thành ngôi chùa hang động này. [X. kinh Chính pháp niệm xứ Q.68; kinh Phật mẫu đại khổng tước minh vương Q.trung; luận A tì đàm tì bà sa Q.41; luận Đại trí độ Q.25; Đại đường tây vực kí Q.12; Vãng ngũ thiên trúc truyện; Tùy thư tây vực liệt truyện 48; Phạm ngữ tạp danh; Bắc sử tây vực liệt truyện 85; Đường thư đột quyết liệt truyện 140; Tây vực liệt truyện 146 Thổ hỏa la; Tây vực Phật giáo chi nghiên cứu (Vũ khê Liễu đế); Thổ hỏa la; Xá vệ khảo (Tỉnh thượng Chân quang)].