do dự tương tự quá loại

Phật Quang Đại Từ Điển


(猶豫相似過類) Lỗi do dự tương tự. Lỗi thứ sáu trong 14 lỗi Tự năng phá của Nhân minh cũ do ngài Túc mục đặt ra. Lỗi này do người vấn nạn cố tình phân biệt Tông và Nhân của người lập luận thành những nghĩa khác nhau, rồi cho rằng Nhân của người lập luận nêu ra là do dự bất định, không chứng minh được Tông, không thể lập thành luận thức chính xác, nhưng chính người vấn nạn lại tự chuốc lấy lỗi. Chẳng hạn như đệ tử của Phật lập luận thức:Tông: Tiếng nói là vô thường. Nhân: Vì sự nỗ lực không ngừng tạo ra. Dụ: Như cái bình. Người vấn nạn bắt bẻ hỏi rằng: Ông cho tiếng nói là vô thường do sự nỗ lực không ngừng tạo ra, nhưng vô thường này có hai, vậy vô thường ông chủ trương là chỉ cho sinh khởi vô thường hay hoại diệt vô thường? Còn Nhân của sự nỗ lực không ngừng cũng có hai thứ là Sinh và Hiển. Sinh, pháp này xưa không mà nay có, có thể thành lập vô thường. Như cái bình là do sức người làm ra, là nhân sinh khởi, cuối cùng trở về hoại diệt. Còn Hiển thì trước kia vốn có, nay được hiển bày, có thể thành lập thường trụ, ví như đào giếng, nước vốn có sẵn nay chỉ do công nhân đào là nước chảy ra, cho nên thường có. Vậy, Nhân nỗ lực của ông ở đây là chỉ cho sinh hay chỉ cho hiển? Như thế là Tông do ông lập trở thành do dự bất định. Ở đây tuy nêu cả hai nghĩa, nhưng Nhân đã mắc lỗi, thì làm sao có thể dùng Nhân này để chứng thành Tiếng nói là vô thường?. Trong đối luận Nhân minh trình bày ở trên, người lập luận đề xuất Tông Tiếng nói là theo nghĩa hoại diệt vô thường, chứ không phải nói về nghĩa sinh khởi; thế nhưng người vấn nạn lại vẽ rắn thêm chân bằng cách nêu ra nghĩa sinh khởi. Còn Nhân của sự nỗ lực do người lập luận chủ trương là đối với nghĩa sinh khởi mà lập nghĩa vô thường, nhưng người vấn nạn lại chia ra sinh và hiển khác nhau, hòng làm cho Nhân tranh luận càng rối rắm thêm. Hơn nữa, người vấn nạn dùng việc đào giếng mà cho rằng Nhân của hiển là thường trụ, cũng là lối nói tựa hồ như đúng, nhưng thực ra là sai; bởi vì nước giếng tuy do người đào mà chảy ra, nhưng cuối cùng sẽ tiêu diệt, cũng là vô thường, không thể dựa vào hiển, ẩn hay không mà chia bậy làm thường và vô thường. Do đó biết Nhân của sự nỗ lực mà người lập luận nêu ra, bất luận là sinh hay hiển đều là vô thường, và hoàn toàn không mắc lỗi bất định, nhưng người vấn nạn cố tình bắt bẻ để rồi tự chuốc lấy lỗi do dự tương tự. Ngoài ra lỗi này tương đương với Nghi nan trong phẩm Đạo lí nan trong luận Như thực của ngài Thế thân. [X. Nhân minh chính lí môn luận bản; Nhân minh luận sớ thụy nguyên kí Q.8; Nhân minh thập tứ tương tự quá loại thiển thích]. (xt. Thập Tứ Quá Loại, Nhân Minh).