độ điệp

Phật Quang Đại Từ Điển

(度牒) Giấy chứng minh do nhà nước cấp cho những người xuất gia làm tăng tại Trung quốc và Nhật bản thời xưa. Ở Trung quốc, vào thời đại Bắc Ngụy đã có chế độ này rồi. Vào năm Khai nguyên 17 (729) đời Đường, vua ban lệnh cho tăng ni trong nước 3 năm làm sổ sách một lần. Năm Thiên bảo thứ 6 (747), vua hạ chiếu cho tăng ni trong nước lệ thuộc vào Lưỡng nhai công đức sứ và do Ti Thượng thư tỉnh từ bộ cấp phát giấy tờ gọi là Từ bộ điệp, tăng ni có Từ bộ điệp thì được miễn phudịch. Năm Đại trung 10 (856) đời vua Tuyên tông, những người thụ giới bắt đầu được triều đình cấp chứng minh thư gọi là Giới điệp. Những tăng sĩ không có độ điệp gọi là Tư độ tăng và không được nhà nước thừa nhận. Mãi đến cuối đời Thanh việc cấp Độ điệp mới chấm dứt. Đến thời Dân quốc trở đi, thì do Giáo hội Phật giáo Trung quốc cấp phát trở lại, nhưng là cấp Giới điệp chứ không phải Độ điệp. Theo nguyên tắc chung, những người trúng cách thi kinh (trước khi được độ phải qua một kì thi đọc kinh hoặc giải thích kinh luận) mới được cấp phát Độ điệp, nhưng trong thực tế khó tránh khỏi tệ nạn đặc ân nộp tiền. Như niên hiệu Chí đức năm đầu (756) đời vua Túc tông nhà Đường, vì nhu cầu trong quân đội, Tể tướng Bùi miện tâu lên vua xin lệnh: ai nộp 100 quan tiền mới được cấp phát Độ điệp và cho phép cạo tóc. Tệ nạn mua bán Độ điệp bắt đầu từ đó! Đến tháng 7 niên hiệu Hi ninh năm đầu (1068) đời vua Thần tông nhà Tống (có thuyết nói tháng 10 năm Trị bình thứ 4 (1067) đời vua Anh tông), nhân năm lụt lội, đói kém, nghe lời tâu của quan Ti gián tiền phụ, vua lại thi hành chính sách bán Độ điệp. Sau, chính sách này cứ kéo dài mãi nên bị kẻ gian lợi dụng làm Độ điệp giả rất nhiều. Do đó, tháng 8 năm Thiệu hưng thứ 3 (1133) đời vua Cao tông nhà Nam Tống, theo đề nghị của ông Chu dị, nhà nước bèn làm Độ điệp bằng lụa mỏng có hoa để phòng kẻ gian làm giả. Đời Nam Tống cũng có lệ lạm dụng bán Độ điệp mà lịch sử gọi là tiền miễn đinh (miễn thuế hộ khẩu) hoặc tiền thanh nhàn (mua sự thanh nhàn). Từ đời Đường về sau, Độ điệp được làm bằng lụa, đến đời Tống Chân tông thì đổi lại bằng giấy. Căn cứ vào số bản Độ điệp do Từ bộ đương thời cấp phát, thì thấy rằng, chỉ trong năm Thiên hi thứ 3 (1019) thôi, toàn quốc đã có tới 23 vạn người xuất gia làm tăng. Đến đời vua Tống Thần tông thì bắt đầu phát hành Không điệp, nghĩa là tờ Độ điệp để trống, chưa ghi pháp danh ai cả. Mục Thiệu hưng thập ngũ niên đại trong Phật tổ thống kỉ quyển 47 (Đại 49, 425 hạ) nói: Vua ban lệnh cho Tăng ni, Đạo sĩ trong nước bắt đầu nộp tiền đinh từ 1.300 đến 10.000 tiền gồm chín bậc, gọi là tiền thanh nhàn. Những người từ 60 tuổi trở lên và người tàn tật được miễn nộp. Ngoài ra, khi chư tăng đi hành cước phải mang theo Độ điệp bên mình, khi ở lại chùa nào thì xuất trình cho vị Duy na để chứng minh mình là tăng được nhà nước công nhận (công độ tăng). Tại Nhật bản, từ thời Nại lương trở đi, người xuất gia được cấp Độ điệp trước, lúc thụ giới mới trao Giới điệp. Về sau, vào thời đại Liêm thương, việc cấp phát Độ điệp có dễ dàng hơn. Thiền sư Phật thừa hiệu Tuệ quảng trong cùng một ngày cấp cả Độ điệp và Giới điệp. Từ đời Minh trị về sau, các tông phái cứ y theo lệ cũ mà cấp phát Độ điệp và Giới điệp. [X. mục Sa di đắc độ của chương Đại chúng trong Sắc tu Bách trượng thanh qui Q.hạ; mục Từ bộ điệp phụ trong Đại tống tăng sử lược Q.trung]. (xt. Giới Điệp).