định huệ tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(定慧寺) I. Định Tuệ Tự. Chùa ở huyện Hàng, tỉnh Chiết giang, được sáng lập vào đời Đường, tục gọi là chùa Hổ bào. Theo truyền thuyết, trong chùa Định tuệ có 2 con hổ (cọp) cào đất làm hang, nước phun lên tạo thành dòng suối, người đời gọi là suối Hổ bào. Nước suối trong vắt, ngọt, mát, nước đầy mà không tràn, là dòng suối nổi tiếng vào hàng thứ 3 tại Trung quốc. II. Định Tuệ Tự. Chùa ở núi Tiêu sơn…, huyện Trấn giang, tỉnh Giang tô. Tiêu sơn còn được gọi là Phù ngọc sơn… (núi ngọc nổi), do xử sĩ Tiêu tiên (Quang) đời Đông Hán đến đây ở ẩn nên gọi là Tiêu sơn. Chùa này được xây dựng vào khoảng năm Hưng bình (194 – 195) đời Đông Hán (cũng có thuyết nói được sáng lập vào đời Đường), gọi là chùa Phổ tế, phong cảnh rất đẹp. Khoảng năm Gia định (1208 – 1209) đời Tống được làm lại và một lần nữa đổi tên là chùa Tiêu sơn. Các thiền sư Viên ngộ Khắc cần, Khô mộc Pháp thành và Phật ấn Liễu nguyên đã từng ở chùa này. Vào đời Nguyên chùa bị thiêu hủy, mãi đến khoảng năm Tuyên đức (1426 – 1435) đời vua Tuyên tông nhà Minh mới được trùng tu. Năm Khang hi 25 (1686, có thuyết nói năm 42), vua Thánh tổ nhà Thanh ban tấm biển hiệu đổi tên là chùa Định tuệ và cho sửa sang lại. [X. Đại minh nhất thống chí Q.11; Đại thanh nhất thống chí Q.63; Tiêu sơn chí Q.1].