định ấn

Phật Quang Đại Từ Điển

(定印) Cũng gọi Tam ma địa ấn, Tam muội ấn. Tướng ấn ở trong định. Trong 5 bộ của Mật giáo, mỗi bộ có Định ấn khác nhau: 1. Phật bộ là Pháp giới định ấn: Bàn tay phải ngửa lên đặt ở trên bàn tay trái, hai ngón tay cái chạm vào nhau. Đây là ấn của đức Đại nhật Như lai ở Thai tạng giới, vì thế còn gọi là Đại nhật định ấn. 2. Bộ Liên hoa là Diệu quan sát trí ấn: Hai bàn tay đan lại, ngửa lên, 2 ngón cái và 2 ngón trỏ bấm vào nhau, là ấn khế của Phật A di đà. 3. Bộ Kim cương là Tam muội ấn: Hai tay đan lại và ngửa lên, 2 ngón cái chạm vào nhau. 4. Bảo bộ là Tam biện bảo châu định ấn: Trước hết kết Di đà định ấn, rồi dùng 2 ngón trỏ chạm vào đốt thứ nhất của 2 ngón cái. 5. Yết ma bộ là Yết ma ấn: Hai tay đan vào nhau ở bên ngoài, đầu 2 ngón cái và 2 ngón út bấm vào nhau đặt trên đầu gối. Tuy 5 bộ có 5 ấn tướng khác nhau, nhưng thực ra thì các bộ chỉ là một, cho nên, pháp thông thường trong 5 bộ đều dùng Pháp giới định ấn, hoặc có thể dùng chung các ấn. Chỉ riêng Thai tạng giới thì dùngPháp giới định ấn của Phật bộ và Kim cương giới thì dùng Định ấn của Kim cương bộ mà thôi. [X. kinh Kim cương đính du già trung lược xuất niệm tụng Q.3; Nhân vương hộ quốc bát nhã ba la mật đa kinh đạo tràng niệm tụng nghi quĩ Q.thượng; Thành tựu diệu pháp liên hoa kinh du già quán trí nghi quĩ; Kim cương đính kinh du già tu tậpTì lô giá na tam ma địa pháp; Quán tự tại bồ tát như ý luân du già niệm tụng pháp].