DIỆU SƠN HỎI ĐẠO

Hiển Mật Đỗ Hữu Trạch

Ngày 13 tháng 10 năm 2016, tôi đến Niệm Phật Đường Diệu Liên nhờ anh Hà, chủ cơ sở này, làm hộ một cái đĩa niệm Phật, niệm 108 câu “A Di Đà Phật” trong vòng 18 phút.

Đến Niệm Phật Đường, đúng lúc mọi người đang nghe Hòa Thượng Tịnh Không giảng Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, anh Hà mời tôi cùng tham dự. Sau thời pháp thoại là lúc đặt câu hỏi.

Đạo hữu Diệu Sơn nói: “Tôi muốn biết phải làm gì để được vãng sinh Cực Lạc? Bạn nào biết xin vui lòng chia sẻ thông tin.”

Hiển Mật góp ý: “Theo như tôi biết, Cực Lạc là một thế giới ở phương Tây, do Phật A Di Đà sáng lập ra nhằm đón nhận hàng trời và người muốn sinh về đó để tịnh hóa tam nghiệp, viên thành Phật đạo, phổ độ chúng sinh. Lòng mong muốn tịnh hóa tam nghiệp, viên thành Phật đạo, phổ độ chúng sinh gọi là tâm bồ đề.

Để thành lập Cực Lạc và giúp đỡ chúng sinh hoàn thành những tâm nguyện nêu trên, ngài Pháp Tạng, tiền thân của Phật A Di Đà đã đến trước Thế Tự Tại Vương Như Lai phát 48 nguyện lớn, trong đó có 3 nguyện qui định việc vãng sinh Cực Lạc, là:

1. Nguyện thứ 18 Thập Niệm Tất Sinh: Giả sử con được thành Phật, nếu chúng sinh ở mười phương, ngoại trừ những kẻ phạm năm tội nghịch và chê bai Chính Pháp, một lòng tin ưa, muốn về nước con, xưng danh hiệu con, trong vòng mười niệm mà chẳng vãng sinh, con nguyện không giữ lấy ngôi Chính Giác.

2. Nguyện thứ 19 Lâm Chung Tiếp Dẫn: Giả sử con được thành Phật, nếu chúng sinh ở mười phương phát bồ đề tâm, tu tập công đức, chí tâm phát nguyện sinh về nước con, mà trong lúc chết, con và đại chúng không hiện ra trước người ấy, con nguyện không giữ lấy ngôi Chính Giác.

3. Nguyện thứ 20 Duc Sinh Quả Toại: Giả sử con được thành Phật, nếu chúng sinh ở trong mười phương nghe danh hiệu con, nghĩ đến nước con, vun trồng công đức, chí tâm hồi hướng, cầu được vãng sinh mà chẳng toại ý, con nguyện không giữ lấy ngôi Chính Giác.

Ngoài 3 đại nguyện do tiền thân của Phật phát ra, điều kiện vãng sinh Cực Lạc còn được khai triển trong ba bộ kinh chính của Tịnh Độ Tông, là:

1. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, do Hoàng Hậu Vi Đề Hy (Vaidehi), một  tín nữ tại gia và cũng là mẹ của ông Hoàng ngỗ nghịch A Xà Thế (Ajâtasatru) giết cha, giam mẹ thỉnh Phật nói ra.  

2. Vô Lượng Thọ Phật Kinh do ông A Nan, một đệ tử xuất gia, thỉnh Phật nói ra.

3. Phật Thuyết  A Di Đà Kinh, mà chúng ta thường gọi tắt là Kinh A Di Đà, do đức Phật giảng cho ngài Trưởng Lão Xá Lợi Phất, một người chuyên tu chỉ quán, có đầy đủ giới hạnh và định lực.

Theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, thì Thánh chúng ở trên Cực Lạc được chia làm chín bậc là: Thượng phẩm thượng sinh, thượng phẩm trung sinh, thượng phẩm hạ sinh, trung phẩm thượng sinh, trung phẩm trung sinh, trung phẩm hạ sinh, hạ phẩm thượng sinh, hạ phẩm trung sinh và hạ phẩm hạ sinh. Trong đó, bậc cao nhất là Thượng phẩm thượng sinh và bậc thấp nhất là Hạ phẩm hạ sinh:

1. Bậc thượng phẩm thượng sinh gồm những chúng sinh có ba thứ tâm là chí thành tâm, thâm tâmhồi hướng phát nguyện tâm. Những chúng sinh này gồm có ba loại: Một là bậc có đầy đủ giới hạnh, hai là đọc tụng kinh điển Đại thừa, ba là tu hành sáu niệm, hồi hướng phát nguyên, nguyện sinh Cực Lạc, làm công đức ấy từ một cho đến bẩy ngày, liền được vãng sinh.

2. Bậc hạ phẩm hạ sinh gồm những người phạm năm tội nghịch, mười tội ác và làm đủ các việc chẳng lành, lẽ ra phải đọa ác đạo, thọ khổ nhiều kiếp. Nhưng lúc mệnh chung, gặp thiện tri thức giảng giải Pháp mầu, khuyên nhớ đến Phật. Người ấy bị khổ bức bách, chẳng rảnh để nhớ đến Phật. Bấy giờ, thiện tri thức mới thúc dục hắn chí tâm niệm “Nam mô A Di Đà Phật” được đủ mười lần liên tục chẳng dứt. Nhờ xướng tên Phật mười lần liên tục chẳng dứt, nên trong lúc niệm trừ hết các tội trong tám mươi ức kiếp sinh tử và được vãng sinh Cực Lạc.

Thánh chúng ở Cực Lạc gồm chín bậc. Chín bậc này rút lại thành ba phẩm. Và theo kinh Vô Lượng Thọ Phật  thì điều kiện vãng sinh về mỗi phẩm của những người không phạm năm tội nghịch và chê bai Chính Pháp là:

1. Về thượng phẩm gồm những vị lìa nhà bỏ dục, đi làm sa môn, phát tâm bồ đề, một bề chuyện niệm (nhất hướng chuyên niệm) Phật Vô Lượng Thọ, tu tập công đức, nguyện sinh về nước của Ngài. Những chúng sinh này, trước lúc qua đời, thấy Phật Vô Lượng Thọ và hàng thánh chúng hiện ra trước mắt, tức thì theo Phật sinh về Cực Lạc.

2. Về trung phẩm gồm hàng trời, người sống ở các thế giới trong mười phương, chí tâm phát nguyện sinh về Cực Lạc. Tuy chẳng làm được sa môn, chẳng tu công đức lớn, nhưng phát tâm bồ đề, một bề chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ và tuỳ sức mình làm việc phúc thiện, như: phụng trì trai giới, đúc tượng, xây tháp, nuôi dưỡng sa môn, treo phướn, thắp đèn, rẩy hoa, đốt hương. Dùng công đức ấy hồi hướng nguyện sinh Cực Lạc. Những chúng sinh này, ngay lúc qua đời, thấy Hoá thân Phật đầy đủ tướng chính và các tướng phụ y như Phật thiệt cùng các thánh chúng hiện ra trước mắt, tức thì theo đức Hóa Phật vãng sinh về nước của Ngài.

3. Về hạ phẩm gồm hàng trời, người sống ở các thế giới trong mười phương chí tâm muốn về Cực Lạc, tuy chẳng làm được công đức, nhưng:

4. hoặc phát bồ đề tâm, một bề chuyên ý (nhất hướng chuyên ý), cho chí mười niệm, niệm Phật Vô Lượng Thọ, nguyện sinh về nước của Ngài.

5. hoặc nghe Chính Pháp, hoan hỷ tin theo, chẳng hề nghi hoặc, cho chí một niệm, niệm Phật Vô Lượng Thọ, đem lòng chí thành nguyện sinh về nước của Ngài.

Những chúng sinh ấy, vào lúc qua đời, mộng thấy đức Phật cũng được vãng sinh.

Kinh A Di Đà không nói đến chín bậc, ba phẩm, mà chỉ đề cập tới hai trường hợp rất đặc biệt:

1. Một là trường hợp của những người sẵn có định lực, phát tâm bồ đề, niệm danh hiệu Phật cầu sinh Cực Lạc. Điều kiện vãng sinh của những người này, được đức Thích Ca tóm lược như sau: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào được nghe nói đến Phật A Di Đà, mà phát lòng tin, niệm danh hiệu Ngài một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, cho đến bẩy ngày một lòng không loạn, thời khi lâm chung, người ấy sẽ thấy Phật A Di Đà và hàng thánh chúng hiện thân trước mắt. Người ấy lúc chết, tâm không điên đảo liền được vãng sinh về cõi Cực lạc.” Này Xá Lợi Phất! Ta thấy lợi ấy nói ra lời này, người nào nghe được thời nên phát nguyện sinh về Cực Lạc.

2. Hai là trường hợp của những người không phạm trọng tội, bỏ ác, làm lành, niệm danh hiệu Phật, cầu sinh Cực Lạc. Điều kiện vãng sinh của những người này, cũng được đức Phật nói rõ ràng rằng: “Này Xá Lợi Phất! Nếu có những người trước đã phát nguyện, nay đang phát nguyện, hay sẽ phát nguyện sinh về Cực Lạc, thời những người ấy đều được bất thoái nơi đạo vô thượng Chính đẳng Chính giác và họ cũng được đã sinh, đang sinh, hay là sẽ sinh về nước của Phật! Này Xá Lợi Phất! Vì thế cho nên, các thiện nam tử và thiện nữ nhân, nếu có lòng tin thời nên phát nguyện sinh về Cực Lạc.”

Nói tóm lại, muốn được sinh về Cực Lạc, chúng ta phải hội đủ 3 điều kiện là: Tín, Nguyện và Hạnh.

Tín là tin tưởng mãnh liệt rằng có Phật A Di Đà, có thế giới Cực Lạc ở phương Tây, có 48 đại nguyện độ sinh của Phật và tất cả chúng ta, dầu có tội hay không tội, cũng đều có thể được sinh về đó.

Nguyện là chí thành cầu sinh Cực Lạc để tịnh hóa tam nghiệp, viên thành Phật đạo, phổ độ chúng sinh.

Hạnh là vun trồng công đức, mà đặc biệt là chuyên niệm danh hiệu của Phật  A Di Đà. Công đức nhiều thì phẩm trật cao, công đức ít thì phẩm trật thấp.”

Diệu Sơn hỏi: “Tôi nghe nói: Người tu Tịnh Độ có thể đới nghiệp vãng sinh. Vậy đới nghiệp vãng sinh là gì?”

Trả lời: “Những người đã tịnh được nghiệp trước khi sinh về Cực Lạc, gọi là tịnh nghiệp vãng sinh. Những người chưa tịnh được nghiệp trước khi sinh về Cực Lạc, gọi là đới nghiệp vãng sinh. Đới nghiệp vãng sinh là mang về Cực Lạc những nghiệp chưa tịnh hóa được.”

Hỏi: “Vì còn mang nghiệp, liệu những người đới nghiệp vãng sinh có thể làm ô nhiễm Cực Lạc không?”

Trả lời: “Không! Tại sao? Ngoại trừ bậc thượng phẩm thượng sinh, tám bậc còn lại phải hóa sinh trong hoa sen báu. Mỗi người, một hoa sen riêng biệt, để tiếp nhận sự giáo hoá của bồ tát Quán Thế Âm và bồ tát Đại Thế Chí cho đến khi họ có thể hội nhập vào cộng đồng thánh chúng ở Cực Lạc. Lúc đó, hoa sen mới nở và họ mới chính thức trở thành công dân của Cực Lạc. Cũng như những đứa bé sinh non đều phải nuôi trong lồng kính, mỗi đứa một lồng, mãi cho đến khi đủ cứng cáp thì bác sĩ mới cho phép mở lồng kinh để trao chúng lại cho gia đình của chúng. Thời gian mà chúng ta phải lưu lại trong hoa sen để học thích ứng với đời sống ở Cực Lạc, dài hay ngắn tuỳ theo cơ duyên của mỗi người. Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, bậc thương phẩm trung sinh phải ở trong hoa sen một đêm. Bậc hạ phẩm hạ sinh phải ở trong hoa sen 12 đại kiếp.”

Hỏi: “Nói như vậy, thì ở trong hoa sen có khác gì ở tù?”

Trả lời: “Ở trong hoa sen không phải là ở tù. Vì người ở trong hoa sen không cảm thấy tù túng. Họ sống thoải mái với những thói quen trước khi vãng sinh. Chỉ cần họ khởi tâm nghĩ đến vật gì là liền thấy vật ấy. Rồi, khi họ ngưng nghĩ đến nó thì nó lại tự biến đi. Mọi cảnh vật trong hoa sen đều là cảnh mộng, theo tư tưởng của chủ nhân mà hiện ra hay biến mất. Như người nằm mơ, thấy cảnh này cảnh nọ, nhưng khi tỉnh ngủ thì không còn gì cả! Hàng ngày được chư bồ tát giậy bảo và thông qua kinh nghiệm bản thân, người đới nghiệp vãng sinh sẽ hiểu được lý Vạn-Pháp-Do-Tâm-Tạo, giải trừ 3 độc tham, sân, si và phát tâm bồ đề trước khi hoa sen nở ra. Vì vậy, không có lý do gì để sợ họ làm ô nhiễm Cực Lạc!”

Hỏi: “Những người miệng luôn niệm Phật, nhưng tham thì cứ tham, giận thì cứ giận, ác thì cứ ác, có được vãng sinh không?”

Trả lời: “Nếu thường nhớ đến Phật và niệm Phật luôn miệng thì sẽ có lúc, chúng ta bỏ được tham, giận và ác. Do đó, nếu nhờ nhớ Phật mà vào lúc qua đời, tâm không điên đảo, chỉ an nhiên niệm Phật, chờ Ngài tới đón, cũng được vãng sinh!”

Montréal, ngày 18-10-2016
Hiển Mật

CHÚ THÍCH

1. Năm tội nghịch: Giết cha, giết mẹ, giết a la hán, ly gián chư tăng và phá huỷ tượng Phật.

2. Sáu niệm: Niệm Phật, niệm Pháp (ghi nhớ Chính Pháp), niệm tăng, niệm giới (ghi nhớ giới luật), niệm thí (ghi nhớ công đức của hạnh bố thí cúng dường), niệm thiên (ghi nhớ mười thiện nghiệp của chư thiên).

3. Chí thành tâm: Lòng tha thiết muốn được sinh về Cực Lạc thấy Phật, nghe Pháp của những người chán ngán Ta Bà.

4. Thâm tâm: Lòng tin tưởng sâu xa rằng có thế giới Cực Lạc ở phương Tây, có Phật A Di Đà và có 48 lời nguyện độ sinh của Phật.

5. Hồi hướng phát nguyện tâm: Lòng tự nguyện đem hết thẩy công đức hiện có để cầu cho tất cả chúng sinh cùng được về Cực Lạc với mình.

6. Phúc thiện: Có ba loại phúc thiện:

7. Thế phúc: Hiếu dưỡng cha mẹ. Phụng sự thầy cô. Không hại sinh mạng. Tu mười nghiệp thiện.

8. Giới phúc: Thọ trì tam quy. Giữ gìn giới cấm. Không phạm oai nghi.

9.Tánh phúc: Phát  tâm bồ đề. Tin sâu nhân quả. Đọc tụng kinh điển Đại thừa. Khuyên người khác tu.

10. Tâm không điên đảo: Tâm không tham, không giận, không ác mà chỉ an nhiên niệm Phật, chờ Ngài tới đón về Cực Lạc.

11. Tu công đức: Làm lành để cầu thoát ly sinh tử, như: cầu tịnh nghiệp, cầu vãng sinh, cầu kiến tính. Tu công đức cũng gọi là trồng công đức.

12. Tu phúc đức: Làm lành để cầu ích lợi trần gian, như: cầu khoẻ mạnh, cầu giầu sang, cầu hạnh phúc. Tu phúc đức cũng gọi là tích phúc đức.